Không chỉ cổ nhất Đông Nam Á, hải đăng Kê Gà hiện cũng là ngọn hải đăng cao nhất khu vực với gần 200 bậc thang xoáy ốc có tổng chiều cao đến đỉnh đèn là 35m.
Hải đăng Kê Gà án ngữ hòn Bà |
Bình Thuận là một trong những tỉnh ven biển với nhiều danh lam thắng cảnh hàng đầu Việt Nam. Ở đây, du khách có thể lựa chọn cho mình rất nhiều điểm đến hấp dẫn, trong đó có hải đăng Kê Gà (hay còn gọi là Khe Gà) với bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo và cảnh quan nên thơ.
Đến Kê Gà, du khách có nhiều cung đường đi để lựa chọn cho phù hợp với điểm xuất phát của mình. Hướng thứ nhất là từ TP.HCM theo quốc lộ 1A đến thị trấn Thuận Nam rẽ phải vào khoảng 20km; hướng thứ 2 là từ Vũng Tàu, đi theo quốc lộ 55 qua La Gi tới, và hướng thứ 3 là từ TP.Phan Thiết chạy qua - cũng là cung đường ấn tượng nhất, được ssa phần lữ khách lựa chọn.
Đi theo con đường ven biển này, du khách sẽ không khỏi trầm trồ, ngạc nhiên trước vẻ đẹp thơ mộng của khung cảnh nơi đây. Con đường nhựa mềm mại như một dải lụa uốn quanh với một bên là biển xanh ngắt, cát trắng phau hay vàng lấp lánh cùng ghềnh đá nối đuôi nhau, còn một bên là rừng phi lao rì rào trong gió. Thi thoảng dọc đường đi xuất hiện những khu resort xinh đẹp với rất nhiều hoa thơm, cỏ lạ, bắt mắt du khách.
Đường từ Phan Thiết tới Kê Gà đẹp như tranh vẽ
Những con đường chạy dọc bờ biển lãng mạn và nên thơ. Ảnh: Cao Hồng Giang
Từ mũi Kê Gà đi sang hòn Bà, nơi hải đăng Kê Gà tọa lạc, thông thường phải đi thuyền máy hoặc thuyền thúng. Giờ đây việc di chuyển này rất dễ dàng, bởi bà con quanh vùng lúc nào cũng sẵn sàng tàu thuyền để phục vụ du khách.
Du khách chuẩn bị sang hòn Bà và hải đăng Kê Gà
Hải đăng Kê Gà hấp dẫn trước hết bởi ý nghĩa lịch sử của nó. Đây là ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á do người Pháp xây dựng từ năm 1897 và hoàn thiện năm 1899. Mọi vật liệu để xây hải đăng đều do người Pháp vận chuyển từ Pháp sang. Theo sử cũ, mũi Kê Gà được coi là một vị trí cực kỳ hiểm yếu của vùng biển từ Phan Rang đi Vũng Tàu. Ngay từ các thế kỷ trước đã có rất nhiều thuyền buôn qua lại nơi đây và bị đắm do không xác định được tọa độ, vị trí. Để đáp ứng nhu cầu vận tải của quân đội Pháp cũng như tàu buôn của nước ngoài qua đây, người Pháp đã nghiên cứu và cho xây dựng ngọn hải đăng Kê Gà.
Trong hơn 100 năm qua, sau khi Hải đăng Kê Gà được xây dựng, nó đã góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn đường biển ở khu vực này. Với tầm quét sáng là 22 hải lý (tương đương 40km), hải đăng Kê Gà trở thành “ánh lửa dẫn đường” cho mọi thuyền bè qua lại trong khu vực.
Không chỉ cổ nhất Đông Nam Á, hải đăng Kê Gà hiện cũng là ngọn hải đăng cao nhất khu vực với gần 200 bậc thang xoáy trôn ốc có tổng chiều cao đến đỉnh đèn là 35m. Những bậc thang xoáy trôn ốc liên tục và không có chiếu nghỉ ở lưng chừng làm nhiều du khách phải hụt hơi khi leo lên đây. Không ít người đã bỏ cuộc, nhưng nếu đã kiên trì cố gắng leo lên cao, khi những ô cửa kính bắt đầu xuất hiện, thì cũng là lúc những nỗ lực của du khách được đền đáp, bởi qua những ô cửa kính nhỏ ấy, du khách sẽ nhìn thấy biển xanh thăm thẳm, với đường uốn lượn xa xa, với một vài con thuyền bình yên, thấp thoáng ngoài khung cửa - trông thơ mộng như những bức tranh phong cảnh hữu tình.
Cầu thang lên đỉnh hải đăng Kê Gà nhìn từ dưới lên. Ảnh: Kim Chi
Và khi đã leo lên đến đỉnh của ngọn hải đăng, bước chân ra lan can đài quan sát, du khách mới thực sự vỡ òa, choáng nghợp trước khung cảnh bát ngát, lồng lộng bên ngoài. Đứng trên đài cao, nghe gió lồng lộng thổi giữa bao la đất trời, thấy lòng mình hùng tráng một tình yêu quê hương, đất nước!
Bờ biển quê hương nhìn từ hải đăng Kê Gà
Từ trên đài quan sát của hải đăng nhìn xuống, không những được nhìn toàn cảnh mũi Kê Gà, mà du khách còn có thể nhìn ngắm toàn cảnh hòn Bà với vô số phiến đá xếp chồng lên nhau vô cùng ngoạn mục. Những phiến đá to, nhỏ, đủ loại kích thước, hình thù, sắp xếp một cách ngẫu nhiên dưới bàn tay của tạo hóa, vừa tạo nên sự hùng vĩ vừa như nâng đỡ cho ngọn hải đăng Kê Gà vươn xa ra mãi.
Khi đến hải đăng Kê Gà, du khách cũng đừng quên chụp cho mình một bức hình với hai hàng hoa sứ trên một trăm năm tuổi trồng ở hai bên lối lên hải đăng. Hàng hoa sứ này được trồng từ khi người Pháp xây dựng hải đăng, đến nay đã trở thành những cây sứ cổ thụ xanh mát, là nơi du khách ngồi nghỉ chân sau khi đã chinh phục xong Kê Gà.
Hàng sứ hơn trăm tuổi tỏa bóng mát trên đường lên hải đăng
Hòn Bà, Hải đăng Kê Gà với hai hàng hoa sứ xanh mát mắt, bên kia là mũi Kê Gà nhô ra biển, với những bãi biển thoai thoải trong xanh tạo nên một bức tranh hữu tình đẹp mắt, làm du khách đã đến thì chẳng muốn rời đi...
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành