Ukraine muốn sống hòa bình với Nga
Thứ tư, 26/03/2014 04:45

Các nhà lãnh đạo G7 sau đó đã ra tuyên bố chung, theo đó nhấn mạnh sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra ở Sochi - Nga vào tháng 6 tới.

Các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Ý bàn về tình hình Ukraine ở The Hague hôm 24/3

Các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Ủy ban châu Âu, Canada, Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Nhật, Ý bàn về tình hình Ukraine ở The Hague hôm 24/3

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Hạt nhân ở The Hague - Hà Lan hôm 24/3, các nước thuộc nhóm G7 đã nhóm họp không có sự tham dự của Nga lần đầu tiên kể từ năm 1998 để phản ứng việc nước này sáp nhập CH Crimea.

Các nhà lãnh đạo G7 sau đó đã ra tuyên bố chung, theo đó nhấn mạnh sẽ không tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G8 dự kiến diễn ra ở Sochi - Nga vào tháng 6 tới. Thay vào đó, họ sẽ triệu tập hội nghị G7 ở Brussels - Bỉ, không có Nga tham dự. Nhóm G7 khẳng định sẽ mở rộng lệnh trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga nếu Moscow leo thang căng thẳng ở Ukraine. Ngoại trưởng Anh William Hague nhận định sự kiện bị loại ra khỏi nhóm G8 là một đòn mạnh đánh vào Nga.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng tư cách thành viên G8 không quan trọng. Phát biểu tại cuộc họp báo ở The Hague, ông nói: “G8 là một câu lạc bộ không chính thức, không có tư cách thành viên chính thức nên chẳng ai có thể bị loại ra khỏi đó. Nếu như các đối tác của chúng tôi đoan chắc rằng hình thái này không cần nữa thì đành vậy thôi. Chúng tôi không xem là vấn đề lớn nếu như không có hội nghị nào của G8 trong vòng 1 năm hoặc 1 năm rưỡi”.

Trước đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Lavrov đã gặp người đồng cấp Ukraine, ông Andrii Deshchytsia bên lề hội nghị ở The Hague. Đây là cuộc gặp cấp cao nhất kể từ khi Ukraine có chính phủ tạm quyền sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Tại cuộc gặp, theo báo The Guardian, ông Lavrov nhấn mạnh Nga không có ý định sử dụng sức mạnh quân sự ở các khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine. Ngoài ra, hai bên đã đồng ý tổ chức các cuộc hội đàm khẩn cấp ở cấp Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng trong trường hợp tình hình trở nên trầm trọng hơn.

Ông Deshchytsia nói: “Chúng tôi muốn sống hòa bình với Nga. Chúng tôi muốn 2 đất nước chúng ta cùng tồn tại. Vì thế, chúng tôi muốn ngồi vào bàn đàm phán và tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng”.

Với những gì diễn ra trong thời gian gần đây, Đài Tiếng nói nước Nga nhận định Mỹ và phương Tây đã thất bại trong việc lôi kéo cộng đồng quốc tế cô lập và trừng phạt Nga. Bằng chứng là chỉ có Mỹ cùng một số đồng minh châu Âu tham gia chiến dịch chống Moscow liên quan đến vấn đề Ukraine. Trung Quốc cũng không phát biểu một lời nào ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny

Tag: Nga , Ukraine , Crimea , Mỹ , tình hình ukraine , bất ổn chính trị , đảo chính