Sau khi Bộ Giáo Dục và Đào tạo công bố điểm sàn, không đủ chỉ tiêu tuyển sinh là câu chuyện một lần nữa lặp lại với một số trường ĐH ở nước ta.
Thí sinh tham dự kỳ thi Đại học 2012 (Ảnh minh họa) |
>> Thí sinh xem điểm thi, điểm chuẩn TẠI ĐÂY
Hấp hối trong niềm khao khát chiêu sinh
Khoảng 7, 8 năm trở về trước, người dân đã quá quen với các con số tỷ lệ chọi cao ngất ngưởng như 10/1, 8/1 ở các trường ĐH danh tiếng trước mỗi mùa thi thì nay chúng ta cũng không còn ngỡ ngàng trước số lượng thí sinh dự thi cực thấp, thậm chí đếm trên đầu ngón tay tại một số trường ĐH tốp dưới do chúng ta đã mở ra một cách ồ ạt các trường đại học. Năm ngoái, tình trạng loại bỏ một số ngành học ở các trường ĐH vì không tuyển đủ chỉ tiêu đã diễn ra. Năm nay, sau khi công bố điểm thi, nhiều trường ĐH cũng đang ngấp nghé bờ vực… đóng cửa.
ĐH Tân Tạo (Long An) mới thành lập năm 2010, được quảng bá là “một trong những trường đại học có chất lượng đào tạo hàng đầu thế giới”. Từ khi thành lập đến nay trường mới trải qua 2 mùa tuyển sinh. Nhưng có lẽ mùa tuyển sinh nào công tác trông thi và chấm thi cũng hết sức nhàn hạ, bởi số thí sinh đăng kí dự tuyển chưa vượt qua con số 100. Năm nay, toàn trường chỉ có 73 thí sinh dự thi cho tất cả các ngành, trong khi đó chỉ tiêu của trường là 500 sinh viên. Vậy, lấy đâu ra học trò để giảng dạy theo… tiêu chuẩn quốc tế?
Năm nay, ĐH Hà Hoa Tiên (Hà Nam) đặt ra chỉ tiêu tuyển 900 sinh viên, trong đó có 400 chỉ tiêu bậc cao đẳng (CĐ) và 500 chỉ tiêu bậc ĐH. Để đạt được con số này không phải là điều đơn giản bởi liên tục từ khi thành lập đến nay, số thí sinh đăng ký vào trường rất khiêm tốn. Năm 2010, trường chỉ có 38 sinh viên vào học. Năm 2011, số sinh viên vào trường lên 120 em, thủ khoa khối A là... 12,5 điểm; thủ khoa các khối còn lại là 14 điểm. Kết quả đó được đánh giá là sự tiến bộ vượt bậc. Vì thế, đặt “cán mốc” 900 sinh viên với trường ĐH Hà Hoa Tiên trong năm nay là một thách thức không hề nhỏ đối với toàn thể giảng viên, cán bộ trong trường. Từ đầu tháng 3-2012, các đoàn tư vấn tuyển sinh của trường đã “hành quân” đến nhiều tỉnh thành khu vực miền Bắc như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang… để giới thiệu thông tin về trường nhưng kết cục cũng chỉ có 256 thí sinh dự thi ở 3 khối A, A1, D. Và kết quả là số thí sinh có tổng số điểm 3 môn dưới 13 điểm chiếm hơn 50%.
Không chỉ những trường tư thục mà ngay cả những trường công lập cũng lâm vào thảm cảnh thiếu sinh viên trầm trọng. Học Viện Âm nhạc Quốc gia đề ra 150 chỉ tiêu ở hệ ĐH chính quy, 50 chỉ tiêu ở hệ vừa học vừa làm cho năm học 2012-2013 nhưng chỉ có 136 thí sinh đến tham gia dự thi. Trong đó, có 7 thí sinh bỏ thi, 79% thí sinh có điểm văn dưới 5 điểm. Nhiều trường ĐH, CĐ ở địa phương cũng không nằm ngoài thảm cảnh này. Thậm chí có trường còn “thừa thầy thiếu trò” một cách trầm trọng.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để đạt số giờ dạy chuẩn, mỗi giáo viên của trường phải lên lớp ít nhất 200 tiết/năm học. Tuy nhiên, do quá thiếu sinh viên nên 2 năm học qua, hầu hết giảng viên trường CĐ Sư phạm Ninh Thuận phải… “ngồi chơi xơi nước”. Những năm trước đây, bình quân mỗi năm học có khoảng 500-600 sinh viên theo học, có năm lên đến hơn 1.000 sinh viên. Nhưng 2 năm gần đây tình trạng thí sinh dự thi vào trường quá ít khiến các giảng viên trong trường cũng nhàn theo bởi không có sinh viên để dạy, 1 năm học có giảng viên chỉ lên lớp 15 giờ. Năm học 2010-2011, trường chỉ tuyển sinh được 42 sinh viên để đào tạo giáo viên mầm non, riêng bậc tiểu học và THCS thì bỏ trống vì không có thí sinh dự tuyển. Năm học 2011-2012, tình hình có khá hơn nhưng cũng chỉ tuyển được 43 sinh viên bậc mầm non, 46 sinh viên bậc tiểu học. Và năm nay với chỉ tiêu gần 300 sinh viên, trường cũng đang đứng dưới con số 100 thí sinh dự thi và trúng tuyển vào trường.
Cơn lốc “siêu khuyến mãi”
Mùa tuyển sinh 2012-2013, do số lượng thí sinh dự thi vào trường quá ít, nhiều trường đại học đưa ra một loạt các chương trình “siêu khuyến mãi” nhằm thu hút thí sinh vào trường. Cách thức mà các trường đại học này thường áp dụng là “mua 1 tặng 1” tức là bất cứ thí sinh nào vào trường cũng được hưởng ít nhất 1 ưu đãi như học bổng, giảm học phí, tặng tiền, tặng laptop… cho tân sinh viên.
Đi đầu trong các chương trình “khuyến mãi siêu hấp dẫn” này là Trường ĐH Tân Tạo, tỉnh Long An. Không tiếc tay trong việc chiêu mộ sinh viên, tập đoàn Tân Tạo đã bỏ ra hàng nghìn USD nhằm thu hút sinh viên. Ngay sau khi công bố điểm thi, trường đã có thông báo về việc xét tuyển nguyện vọng 2 năm học 2012-2013 cùng với lời chào mời đầy hấp dẫn - 500 suất học bổng toàn phần dành cho sinh viên vào trường. Theo đó, tất cả sinh viên trúng tuyển vào ĐH Tân Tạo đều được cấp học bổng toàn phần “Vì tương lai” trị giá 3.000 USD để theo học năm thứ nhất tại trường. Học bổng bao gồm học phí, chi phí ăn, ở nội trú, bảo hiểm... Mặc dù học bổng hậu hĩnh vậy nhưng để chiêu sinh, nhà trường đưa ra điều kiện xét tuyển khá “mềm”: thí sinh chỉ cần có điểm trung bình ba năm trung học phổ thông từ 7.0 trở lên (riêng đối với các tỉnh ưu tiên vì có tập đoàn Tân Tạo đầu tư như Long An, Kiên Giang, Bình Dương, Quảng Nam, Hà Nam, Hải Phòng chỉ cần 6.5 trở lên); thí sinh có điểm thi đại học năm 2012 trên điểm sàn 4 điểm (đối với các tỉnh ưu tiên: chỉ cần trên điểm sàn 2 điểm).
Trên 5 tỷ đồng là số tiền mà trường ĐH Nguyễn Tất Thành dành để trao học bổng cho tân sinh viên năm 2012-2013. Đối với hệ ĐH, các mức học bổng như sau: Học bổng tài năng vượt khó hỗ trợ 100% học phí và 10 triệu đồng/năm với điều kiện điểm đầu vào đạt 22 điểm và thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn; Học bổng tài năng sẽ hỗ trợ 100% học phí cho thí sinh trúng tuyển với mức 22 điểm; Học bổng khuyến học áp dụng cho thí sinh xét tuyển sau nguyện vọng 1, nếu trên điểm sàn từ 3-7 điểm sẽ nhận được học bổng từ 3-7 triệu đồng. Đối với những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, giỏi, khá ở các hệ đào tạo trong từng năm học, trường dành trên 2 tỷ đồng để trao học bổng cho sinh viên.
Trong khi đó, Trường ĐH Hà Hoa Tiên vốn rất chật vật trong tuyển sinh cũng công bố sẽ bố trí cho thí sinh và người nhà ở ký túc xá miễn phí trong thời gian thi tuyển vào trường. Thí sinh dự thi vào trường đạt điểm thủ khoa được thưởng 1 máy tính xách tay, đạt điểm á khoa được thưởng 1 máy tính để bàn. Học phí của trường cũng rất thấp so với các trường ngoài công lập khác (hệ cao đẳng là 400.000 đồng/tháng, hệ ĐH 500.000 đồng/tháng). Ngoài ra, thí sinh trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh năm 2012 được miễn 1 tháng học phí của học kỳ đầu, được xét cấp học bổng theo học kỳ...
Nếu như thống kê các suất học bổng của những trường kể trên thì có lẽ số sinh viên được nhận học bổng chiếm hơn 50% tổng số sinh viên trong trường, thậm chí có trường 100% sinh viên được cấp học bổng (ĐH Tân Tạo). Trước đây, để đạt học bổng tại trường ĐH, học trò phải bỏ ra công sức học tập vất vả đồng thời còn phải cạnh trạnh với hàng trăm sinh viên trong trường. Ngày nay, quả thực việc đi học ĐH vô cùng dễ dàng và sinh viên đã trở thành “thượng đế”.
Chất lượng đào tạo ở đâu?
Mấy năm gần đây số lượng các trường đại học tư thục ở nước ta tăng lên nhanh chóng dẫn tới tình trạng trường lập ra nhưng không có sinh viên học. Theo thống kê, trong giai đoạn 2000 - 2010 Việt Nam có thêm 60 trường ĐH ra đời. Thực trạng bùng nổ ĐH đã diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. Chỉ trong vòng 30 năm, từ 1965 đến 1995, trong các nước đã phát triển, tỷ số sinh viên trong dân chúng đã tăng từ 10% lên 45%. Ở Pháp chẳng hạn, năm 1960 chỉ có 310.000 sinh viên ghi danh; năm 2001 con số ấy tăng lên 2,1 triệu. Dân số đại học căng lên như muốn vỡ tung, đặt ra không biết bao nhiêu vấn đề cho Nhà nước, cho xã hội, cho chính sự quân bình trong lòng đại học, cho chính sự điều hành, quản lý, hoạt động nội bộ của ĐH.
Cũng đã từng trải qua tình trạng bùng nổ ĐH trên nhưng không phải nơi nào cũng có cách giải quyết là tuyển sinh ồ ạt, bất chấp đầu vào rất thấp. Ở Mỹ, nơi mà thị trường là vua, thì ĐH là gì? Nhưng đi đến bất cứ trường ĐH nào, họ cũng cho biết, 4 mục tiêu căn bản truyền thống kế thừa của ĐH Mỹ từ trăm năm trước đây: Một là, phát triển kiến thức; hai là, phát triển con người của mỗi cá nhân; Ba là, phát triển những giá trị xã hội và văn hóa; Thứ tư mới là huấn luyện nghề nghiệp.
Trở lại mùa tuyển sinh năm nay tại Việt Nam, các trường ĐH lại tiếp tục đối mặt với cuộc chiến chỉ tiêu đầu vào. Dù muốn hay không, các trường ĐH cũng khó cưỡng lại những bức bách của thị trường, những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức. Trong bối cảnh tuyển sinh ấy, việc các trường ngoài công lập đua nhau “giảm giá và khuyến mại” cho sinh viên không còn là điều lạ lẫm nhưng dùng phương thức đó để áp dụng cho đào tạo ĐH thì quả là một thảm họa của nền giáo dục. Về bản chất, đại học không thể đồng hóa với các ngành kinh doanh buôn bán kiến thức. Những con người mà đại học đào tạo nhắm đến trước hết là tri thức để dẫn đến ngành nghề. Muốn thu hút thí sinh một cách thực sự vững chắc, các trường ĐH chỉ có duy nhất một con đường là nâng cao chất lượng đào tạo để tạo được uy tín, niềm tin với xã hội.
- Muốn trở thành giáo viên giỏi? - Chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm là điều TIÊN QUYẾT!
- Điểm mới trong các kỳ thi riêng xét tuyển Đại học năm 2025
- 5 năm tới ngành nào hot: Lương lên tới 3,4 tỷ đồng/năm mà không cần bằng đại học?
- 5 ngành học hot nhất hiện nay! Cơ hội việc làm rộng mở, lương 100 triệu đồng/tháng trong tầm tay
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?