Tuyển sinh đại học năm 2023: Những điểm mới quan trọng thí sinh cần lưu ý
Chủ nhật, 05/03/2023 16:30

Tuyển sinh đại học năm 2023, Bộ GD&ĐT cho biết có một số điểm mới quan trọng như cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng, chính sách ưu tiên được áp dụng.

Một số điểm mới trong tuyển sinh đại học năm 2023

Thay đổi cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, điểm mới trong công tác tuyển sinh đại học năm 2023 chính là đơn giản hóa việc đăng ký xét tuyển, giảm nhầm lẫn cho thí sinh. Theo đó, thí sinh chỉ cần đăng ký xét tuyển theo ngành, không cần đăng ký cả phương thức xét tuyển như năm ngoái. Thí sinh có thể trúng tuyển theo bất kỳ phương thức nào vào ngành mình đăng ký nếu đủ điều kiện.

Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện hệ thống tuyển sinh để hạn chế các sai sót và bổ sung các dữ liệu liên quan theo các phương thức như điểm thi đánh giá năng lực, thi tư duy… Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, rút ngắn thời gian tuyển sinh đợt 1. Tiếp tục nâng cấp Hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh, tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hoá giao diện đăng ký xét tuyển. Thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống chỉ theo ngành đào tạo.

Tuyển sinh đại học năm 2023: Những điểm mới quan trọng thí sinh cần lưu ý - Ảnh 2.

Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17h ngày 14/8.

Chính sách ưu tiên được áp dụng

Năm 2023, một số điểm đã quy định trong quy chế tuyển sinh đại học năm 2022 sẽ lần đầu tiên Bộ GD&ĐT áp dụng như quy định cộng điểm ưu tiên giảm dần đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30). Cụ thể, cách tính điểm ưu tiên như sau: Điểm ưu tiên = [(30 – Tổng điểm đạt được)/7,5] × Mức điểm ưu tiên quy định. Cũng từ năm 2023, thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.

Về quá trình xét tuyển, phương thức xét tuyển, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo phải phân tích, thống kê kết quả của các phương thức xét tuyển, đồng thời đánh giá kết quả học tập của sinh viên theo phương thức xét tuyển, loại bỏ các phương thức xét tuyển không hiệu quả.

Bộ GD&ĐT cũng yêu cầu các trường phải có phương án xét tuyển để đảm bảo công bằng giữa các phương thức xét tuyển; phải đưa đúng, đủ, chính xác thông tin thí sinh trúng tuyển sớm theo quy định; nghiên cứu sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT làm điều kiện sơ tuyển…

Về xét tuyển sớm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học cho biết, sẽ tăng cường truyền thông, hướng dẫn thí sinh, đồng thời, Bộ GD&ĐT sẽ nâng cấp Hệ thống, tạo thuận lợi nhất cho thí sinh trong đăng ký xét tuyển; thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống theo mã xét tuyển/ngành. Bộ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm (nếu có).

Liên quan đến công tác tuyển sinh của một số ngành, lĩnh vực và cơ sở đào tạo, Bộ GD&ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo nắm bắt thị trường lao động, cùng với sự khác biệt trong quan niệm và nhu cầu của giới trẻ dẫn tới xu hướng chọn trường và chọn ngành của thí sinh.

Bộ GD&ĐT cũng lưu ý các trường triệt để thực hiện nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh; Có biện pháp khắc phục tình trạng thí sinh không đủ điều kiện sức khoẻ, không đảm bảo về lý lịch chính trị không được nhập học đối với các cơ sở đào tạo thuộc lực lượng vũ trang. Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ trì, chịu trách nhiệm (và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan) giải quyết các rủi ro (nếu có).

Với kế hoạch tuyển sinh năm 2023, Bộ GD&ĐT cho hay, căn cứ vào kế hoạch của Bộ GD&ĐT, các cơ sở đào tạo phải xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, trong đó phải đảm bảo hống nhất với kế hoạch của Bộ và được công khai, minh bạch, để xã hội, cơ quan quản lý giám sát, đảm bảo công bằng đối với tất cả các thí sinh tham gia dự tuyển. Các thí sinh được cung cấp thông tin đầy đủ, chuẩn xác, rõ ràng, nhất quán, đúng thời gian để có quyết định lựa chọn theo nhu cầu, hạn chế trường hợp mất cơ hội dự tuyển của thí sinh do những quy định không liên quan đến công tác tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

Một số mốc thời gian thí sinh cần lưu ý

Thời gian tổ chức xét tuyển thẳng

- Thí sinh hoàn thành việc nộp hồ sơ xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển về các trường trước 17h ngày 30/6.

- Ngày 5/7, cơ sở đào tạo hoàn thành việc xét tuyển thẳng và thông báo kết quả cho thí sinh; cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển xét tuyển thẳng lên hệ thống.

- Từ ngày 5/7 đến 17h ngày 15/8 là khoảng thời gian hoàn thành xét tuyển thẳng; xác nhận nhập học trên hệ thống (nếu có).

Thời gian tổ chức xét tuyển sớm

Đến 17h ngày 4/7, các trường hoàn thành công tác xét tuyển sớm và thông báo kết quả cho thí sinh để đăng ký xét tuyển trên hệ thống; cập nhật danh sách thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm lên hệ thống.

Thời gian đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống

- Từ ngày 5/7 đến 11/7, các Sở Giáo dục và Đào tạo cấp tài khoản bổ sung cho các thí sinh (đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, Trung cấp) chưa có tài khoản đăng ký xét tuyển trên hệ thống. Thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển (không giới hạn số lần) trong thời gian quy định, từ ngày 5/7 đến 17h ngày 25/7.

- Ngày 20/7, Bộ GD&ĐT bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

- Đến 17h ngày 22/7, các trường hoàn thành việc điều chỉnh, công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển trên hệ thống, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo đối với ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (nếu có).

- Từ ngày 26/7 đến 17h ngày 5/8 là thời gian nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến.

- Các cơ sở đào tạo hoàn thành việc thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1 vào 17h ngày 14/8. Thí sinh hoàn thành xác nhận nhập học trực tuyến đợt 1 trên hệ thống vào 17h ngày 30/8.

- Các trường thông báo tuyển sinh đợt bổ sung từ ngày 1/9. Từ tháng 10/2023 đến tháng 12/2023, cơ sở đào tạo xét tuyển các đợt tiếp theo, cập nhật danh sách thí sinh trúng tuyển và nhập học theo quy định.

Như vậy, thời gian đăng ký nguyện vọng xét tuyển năm nay rút ngắn chỉ còn 2 tuần, trong khi năm 2022 là một tháng. Thời gian thí sinh biết điểm chuẩn và nhập học cũng sớm hơn so với năm trước, để các cơ sở đào tạo có thể khai giảng vào đầu tháng 9.

4 nhóm ngành ít thí sinh nhập học nhất

Bộ GD&ĐT cho biết, năm ngoái, cả nước có 521.263 thí sinh nhập học vào các trường đại học (đạt 83,39% so với chỉ tiêu, cao hơn số nhập học của các năm 2021, 2020). Trong đó, cao nhất 24,54% thí sinh trúng tuyển, xác nhận nhập học khối ngành Kinh doanh và Quản lý. Tiếp theo là nhóm ngành Máy tính và Công nghệ thông tin - 11,79%, Công nghệ kỹ thuật 9,18% và Nhân văn 8,68%.

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm qua 64/330 cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng tuyển sinh kém, mức độ tuyển đạt dưới 50%; 94/440 ngành tuyển sinh kém, không đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu.

Trong 3 năm liên tiếp, 4 lĩnh vực Nông lâm nghiệp và Thủy sản, Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên và Dịch vụ xã hội đều đứng đầu danh sách các lĩnh vực tuyển sinh kém nhất.

 

Phapluat.suckhoedoisong.vn

Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2023-nhung-diem-moi-quan-trong-thi-sinh-ca.. Nguồn: https://phapluat.suckhoedoisong.vn/tuyen-sinh-dai-hoc-nam-2023-nhung-diem-moi-quan-trong-thi-sinh-can-luu-y-162230304234901248.htm

Clip đang được xem nhiều nhất: Thêm clip bạo hành trẻ em gây phẫn nộ: Cha đẻ đánh đập dã man, tung chân đạp con gái nhỏ bay xa 2 mét!

Tag: Tuyển sinh đại học năm 2023 , xét tuyển đại học