Bây giờ Diễn Tháp nhiều nhà cao tầng thay dần những mái lá. Làng đã dần trở thành phố. Có người cho rằng Diễn Tháp giàu lên là nhờ "xuất ngoại" sang Lào buôn bán phế liệu. Nhưng có lý do khác, đó là sự năng động rất riêng của người "Do Thái" Diễn Châu.
|
Bây giờ Diễn Tháp nhiều nhà cao tầng đã thay dần những mái lá. Làng đã dần trở thành phố. Có người cho rằng Diễn Tháp giàu lên là nhờ "xuất ngoại" sang Lào buôn bán phế liệu. Nhưng có một lý do khác, đó là sự năng động rất riêng của người "Do Thái" Diễn Tháp, Diễn Châu.
Từ "làng đồng nát"...
Chúng tôi về xã Diễn Tháp, huyện Diễn Châu, nơi được mệnh danh là dân "Do Thái" của xứ Nghệ bởi đức tính năng động, chịu khó và thông minh hơn người. Phó chủ tịch UBND xã Đậu Xuân Mạnh còn rất trẻ dẫn chúng tôi đi từ trung tâm xã qua một trục đường chưa đầy một cây số đã thấy hàng chục ngôi nhà cao tầng bề thế, hai bên đường làng xây dựng theo nhiều kiểu biệt thự tân kỳ. Đi sâu vào các xóm 3, 4, 6..., nhiều nhà tầng như phố. Không chỉ có nhà tầng kiểu dáng hiện đại bên ngoài, trong nhà nội thất, bàn ghế, giường, tủ, ti vi, tủ lạnh... và ô tô hộp bóng lộn vào loại "xịn" làm cho khách ai cũng "choáng".
Một đại lý thu mua phế liệu và cung cấp hàng hóa sang Lào ở Diễn Tháp
Phó chủ tịch xã Mạnh nói, người dân xã Diễn Tháp có được như hôm nay chủ yếu là nhờ "xuất ngoại" sang Lào buôn bán phế liệu. Diễn Tháp là xã thuần nông, ngoài lam lũ với đồng ruộng, người dân còn tranh thủ nông nhàn để phát triển nghề đúc đồng truyền thống, nhưng trước đây thâm canh không thuận lợi và nghề thu nhập không cao. Thập kỷ 90 của thế kỷ trước, do thu nhập thấp nên xã thuộc top nghèo đói của huyện Diễn Châu.
Nhiều người đã phải khăn gói lần mò ra tận các tỉnh phía bắc như Nam Định, Hà Nam, Hải Dương... mua đồ nhôm về, rồi chở xe đạp đi rong ruổi khắp các huyện lân cận trong tỉnh đổi bán. Bản thân ông Phó chủ tịch xã Đậu Xuân Mạnh, những năm 1993-1999 khi đang là cậu học trò cấp 1, cấp 2 sáng đến trường học, chiều về lại đạp xe lọc cọc chở hàng xoong, nồi nhôm, tỏa xuống các xã huyện Yên Thành kề cận bên đổi đồng nát, lông gà, lông vịt. Từ đổi, mua bán lông gà, lông vịt, đồng nát, phát hiện thấy các loại phế liệu khác như sắt, thép, bao bì... có đầu ra, mọi người lại đổ xô sang "ngạch" này. Diễn Tháp thêm tên gọi mới: Làng phế liệu.
Với chiếc xe đạp cà tàng đi hết từ nội huyện rồi đi sang ngoại huyện, lượng người Diễn Tháp làm nghề này ngày một tăng. Việc thu mua phế liệu được mở rộng ra khắp cả nước.
... Đến phố biệt thự
Vào những năm 2000, 2001, rong ruổi, lân la lên tận các huyện biên giới, phát hiện thấy phế liệu bên nước bạn Lào nhiều và giá rẻ, nên nhiều người đã rủ nhau vượt biên giới. Lúc đầu tập trung theo tuyến quốc lộ 7 qua cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, sang tỉnh Xiêng Khoảng. Khi vùng các huyện Noóng Hét, Mường Khăm, Mường Pẹc, Mường Khun... cạn kiệt hàng phế liệu, người dân Diễn Tháp lại chuyển sang quốc lộ 8, qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo (Hà Tĩnh) đến vùng các tỉnh trung Lào như Bôlikhămxay, Xavanakhẹt và vào tận Viêng Chăn... để thu mua phế liệu, buôn bán nhiều loại hàng hóa khác. Lúc đầu phế liệu được đổi bằng các loại hàng, đồ nhôm, đồ đồng cho người Lào rồi vận chuyển về Việt Nam bằng xe đạp, xe máy và nay thay bằng ô tô tải đủ các loại cỡ.
Khi thấy phế liệu bên Lào hiếm dần, người Diễn Tháp lại năng động truyền sang cung cấp theo nhu cầu của người dân Lào các hàng hóa tiêu dùng khác như đồ điện tử, điện máy, quần áo, chăn đệm, mỹ phẩm, các loại vật liệu xây dựng như sắt thép, gạch ngói, máy sản xuất nông nghiệp... Rồi người dân Diễn Tháp "xuất ngoại" sang Lào trở thành phong trào với lực lượng khá hùng hậu. Ông Mạnh cho biết, hiện nay xã có hơn 2.500 lao động, nhưng có đến 2.130 người chủ yếu là thanh niên nam sang Lào làm ăn buôn bán. Trong tổng số 9 xóm, với 1.380 hộ, 5.500 khẩu, hầu hết đều có người đi Lào, trung bình từ 2-3 người mỗi hộ.
Năm 1998, Nguyễn Hồng Sơn, xóm 4 đang dở lớp 9 bỏ học theo chúng bạn sang Lào buôn bán đồng nát. Khởi đầu là chiếc xe đạp, xe máy cà tàng buộc mấy cái xoong nhôm vượt biên giới. Đến nay, Sơn đã có một biệt thực bề thế không thua kém gì đại gia thành phố. Ngay ngã tư trung tâm xã là ngôi nhà 3 tầng của hai anh em Hoàng Văn Thắng và Hoàng Văn Bình. Cũng từ chiếc xe máy tòng tọc, giờ Bình đã có ô tô và trở thành một trong những "đại gia có máu mặt" của làng sau một thời gian sang Lào lập nghiệp.
Nguyễn Hồng Thắng - xóm 4, học xong trung cấp cơ điện ra đi làm lương thấp, bỏ nghề theo người làng sang Lào buôn bán. Một thời gian tích góp, Thắng đã có của ăn của để và mua được xe tải nhỏ vận chuyển. Chúng tôi tận mắt chứng kiến các ki ốt, đại lý thu gom phế liệu và cung ứng hàng đi Lào của ông Nguyễn Văn Mạnh, Phan Văn Thìn ở xóm 4 và ông Trần Hiếu, xóm 6... là những đại lý lớn của xã. Trước sân nhà rộng làm ki ốt ngan ngát các loại hàng hóa chuẩn bị bốc lên xe tải sang Lào. Theo thống kê của xã, Diễn Tháp có khoảng 60 đại lý chuyên thu gom phế liệu và cung ứng các mặt hàng để đưa sang Lào. Hiện Diễn Tháp có hơn 200 ngôi biệt thực cao tầng, khoảng 100 ô tô, trong đó có hơn 35 xe chở khách, xe ô tô vận tải hàng từ 2,5 tấn trở lên với 30 xe (đơn hộp) xịn trị giá thấp nhất 550 triệu đồng và cao nhất 2,5 tỷ đồng. Theo số liệu báo cáo mới nhất trong 6 tháng đầu năm 2010 tại kỳ họp thứ 14 HĐND xã khóa 17, có 1.130 lao động sang Lào cho thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng và 40 lao động sang châu Âu thu nhập 8 triệu đồng/người/tháng, có 30 đại lý thu nhập 10 triệu đồng/người/tháng. Trong tổng số 1.380 hộ thì có đến 430 hộ giàu, nay tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống chỉ còn 8%, thấp hơn tỷ lệ bình quân hộ nghèo của huyện và tỉnh. Nhờ đi Lào, đời sống người dân xã Diễn Tháp từ nghèo đã trở nên khấm khá.
Ông Trần Văn Cầm - Bí thư huyện ủy Diễn Châu, tự hào là người con quê hương Diễn Tháp cho biết, kinh tế của địa phương phát triển như ngày hôm nay là do người dân năng động đi ra nước ngoài làm ăn nên lượng tiền gửi về khá lớn. Từ đó, xã có điều kiện mở mang phát triển các dịch vụ làng nghề và giúp địa phương nhanh chóng thu được các nguồn quỹ để đầu tư xây dựng hạ tầng, đầu tư phát triển sản xuất, làm cho bộ mặt quê hương ngày càng thay da đổi thịt.
Trước khi rời Diễn Tháp, Phó chủ tịch xã Đậu Xuân Mạnh còn dẫn chúng tôi đi thăm cụm công nghiệp nhỏ ở Cồn Vang đang triển khai thi công xây dựng như để khoe Diễn Tháp sẽ còn năng động hơn nữa.
Hãy cùng ngắm nhìn khu biệt thự hạng sang trên làng đồng nát:
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?