TTCN V.League đóng cửa: Không có bom tấn!
Thứ sáu, 27/04/2012 10:29

Chờ đợi những hợp đồng “bom tấn” ở giữa mùa, nhưng rút cuộc, các thương vụ chuyển nhượng đều không có sức công phá lớn đối với dư luận cũng như giới truyền thông như kỳ vọng.

Chỉ là "hàng ế"

Với những “gã nhà giàu” thì thời điểm giữa mùa cũng là lúc, họ chứng tỏ “túi tiền không đáy”. Nói đến đây thì dư luận hướng tất cả về V.HP để tự hỏi, liệu đội bóng phố Cảng có thực hiện một thương vụ đình đám như Đình Luật của mùa giải trước để hy vọng cứu vớt con tàu đang đắm. Và vốn được xem là “cái chợ”, SG.FC là điểm đến cho những CLB thích chơi sang.

TTCN V.League đóng cửa: Không có bom tấn.

Nhưng dường như ngân sách của các đội bóng mùa này có hạn, buộc phải thắt chặt chi tiêu. V.HP đang chìm, nhưng HLV Lê Thụy Hải vẫn không thể đưa về bản hợp đồng nào đình đám. SG.FC cũng bật đèn xanh cho một số ngôi sao ra đi, nhưng những lùm xùm khiến cho các cầu thủ được bật mí đưa lên TTCN như Đình Luật, Tấn Trường bị ngưng trệ. Hơn nữa, cái giá ngất ngưởng của những cầu thủ mang mác tuyển thủ QG chính là rào cản lớn nhất, không ai dám mơ tới.

V.HP không vung tiền mua, SG.FC không thể bán khiến cho TTCN giữa mùa về cầu thủ nội khá yên ắng. Chỉ có Việt Thắng (từ B.BD về Thanh Hóa), Thanh Trung (từ CLB Hà Nội về QNK.QN) và Anh Tuấn (N.SG về V.HP) là ít nhiều gây chú ý. Nhưng nên nhớ, đa phần trong số ấy đều là “hàng ế” không được sử dụng và được “bật đèn xanh” cho đi. Văn Quyến (SLNA về SG.FC), Sỹ Mạnh (SG.FC về CLB Hà Nội) cũng không phải là ngoại lệ. Thậm chí, cả 2 được ra đi theo dạng cho mượn mà không mất tiền. Thế nên, sẽ chẳng ai gọi những thương vụ như Ngọc Hùng (SG.FC về CS.ĐT), Đinh Kiên Trung (CLB TP.HCM - N.SG), Hữu Phước (V.HP - QNK.QN), Hoàng Max (V.NB - CS.ĐT)… là “bom tấn” ở kỳ chuyện nhượng giữa mùa.

Kỳ vọng vào ngoại binh?

Đánh giá một cách tổng quát về những nội binh được chuyển nhượng hoặc cho mượn trong giai đoạn giữa mùa, thì có thể dự đoán rằng, không nhiều kỳ vọng vào để tạo nên một cú đột phá về chuyên môn ở đội bóng mới. Bởi chất lượng của những cầu thủ được đưa ra ở TTCN là không cao. Trong số đó có chăng chỉ một vài gương mặt như Thanh Trung, Kiên Trung là đang còn trẻ tuổi, có tiềm năng lớn, nên có thể hy vọng sẽ có nhiều đóng góp cho CLB mới về lâu dài. Còn những cầu thủ mà tiếng thì nhiều nhưng miếng còn lại chẳng bao nhiêu như Văn Quyến, Sỹ Mạnh, Việt Thắng… thì khó có thể trông đợi bằng những bản hợp đồng ngắn hạn.

Chính vì thế mà song song với quá trình củng cố nội binh, các CLB tìm đến ngoại binh như một giải pháp được xem là nhiều hy vọng sẽ mang đến sự lột xác về chuyên môn. Trong giai đoạn vừa qua, nhiều đội đã tích cực tìm kiếm ngoại binh để thay thế. Tuy vậy, khi chất lượng của nguồn ngoại binh không cao thì “canh bạc” lính lê dương cũng không đem đến chỉ số thành công lớn. Bởi khi được hỏi thì những HLV Phạm Công Lộc, Trần Công Minh đều “thở ngắn, than dài” về cầu thủ ngoại bổ sung. Như N.SG tìm mãi cũng chỉ được 1 cầu thủ để thay thế Ricardo, còn CS.ĐT buộc phải lấy lại người cũ của mùa trước là Hammed để lấp vào khoảng trống Sydney.

Nhưng cũng có thể đó là “chiêu bài” đánh lạc hướng của các HLV khi mà ngoại binh luôn trong vòng bí mật. Chẳng hạn như ở SLNA, K.KG khi được hỏi thì các HLV trưởng đều cho rằng, ngoại binh mới cũng không nổi trội. Nhưng những Dickson (SLNA), Giovanni, Dyron (K.KG) đều ít nhiều tạo được tiếng vang trong ngày đầu xung trận.

Bongdaplus
Tag: V.League 2012 , HN.T&T , SG.FC , SL.NA , SHB.ĐN , HA.GL , K.Kiên Giang , VFF , Thanh Hóa FC , LĐBĐ Việt Nam , Cầu thủ ngoại , Chuyển nhượng