Đã gần 400 năm trôi qua người Đan Lai sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Và vì cuộc sống của họ như những tiều phu du thực nên tất cả phải phù hợp với thiên nhiên để tồn tại. Những ngôi nhà sàn vách nứa không giường, không bàn, không màn, không chiếu..
|
Từ đập tràn Phà Lài cạnh Đồn Biên phòng 555, chúng tôi ngược dòng sông Giăng đến với bà con dân tộc Đan Lai sống ở độ cao 1.365m so với mực nước biển, trong đại ngàn nguyên sinh, Vườn quốc gia Pù Mát giáp biên giới Việt - Lào, ở xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Sống biệt lập giữa đại ngàn nguyên sinh đã gần 400 năm, chủ yếu săn bắt hái lượm ở chốn sơn cùng thủy tận!...
Sự tích 100 cây nứa vàng và thuyền chèo liền mái
Vào một đêm tối mịt mù, cả dòng họ bị áp bức đã gồng gánh nhau chạy trốn, chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn dòng sông Giăng sống lẩn trốn trong đại ngàn nguyên sinh hàng trăm năm và một bộ tộc mới ra đời trong bi thương, cùng cực. Sử sách còn ghi lại rằng, sau cuộc phân tranh Lê-Mạc (1533-1592), ở vùng Nghệ Tĩnh các vương triều phong kiến tập quyền đã biến thành lãnh địa tranh chấp quyền lực đẩy thần dân triều Lê Trung Hưng vào cuộc hỗn chiến, biến thần dân thành nạn nhân của hỗn chiến phu phen tạp dịch tô tức cực hình. Lúc này ở miền Hoa Quân (nay thuộc huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) có một tên bạo chúa nổi tiếng tàn ác bắt dòng họ La phải tìm cho ra "100 cây nứa bằng vàng, một chiếc thuyền chèo liền mái", nếu không sẽ thảm sát cả họ.
Dưới vòm trời này làm gì có cây nứa bằng vàng, con thuyền liền mái? Thế là trong đêm tối mịt mùng, cả làng họ La gồng gánh nhau trốn chạy lên núi, họ chạy mãi, chạy mãi đến thượng nguồn con sông Giăng này, nơi không còn nghe thấy tiếng người mới dám dừng chân - một bộ tộc mới ra đời từ đây...
Trong ngôi nhà sàn nằm ẩn mình bên vách núi như chính cuộc sống của họ bao đời nay vẫn thế, Trưởng bản La Văn Đường kể cho chúng tôi nghe về sự ra đời của tộc người bi thương giữa đại ngàn: "Theo như ta biết thì từ "Đan" là do từ Đan Nhiệm, tên làng ngày xưa tổ tiên ta cư ngụ dưới xuôi, còn từ "Lai" là bởi bao thế hệ người Đan Lai chung sống với nhiều cộng đồng các dân tộc khác để che giấu thân phận nên có nhiều nét sống, sinh hoạt bị lai tạp…".
Để sinh tồn, người Đan Lai lại phải vượt ghềnh thác mưu sinh, người lên rừng chặt nứa, kẻ hái măng về bán cho lái thương. Trẻ em lại không biết đến lớp, trường ngâm mình trong những con khe, con suối. Chán nản, thì giờ rỗi rãi nhiều, họ lại cùng nhau say thâu đêm suốt sáng. Và, tộc người Đan Lai cứ thể luẩn quẩn trong một vòng xoáy không lối thoát.
Nhằm ổn định và bảo tồn nòi giống người Đan Lai, năm 2002 tỉnh Nghệ An đã lập dự án định canh, định cư cho người Đan Lai ở hai bản Cửa Rào và Tân Sơn thuộc xã Môn Sơn. Nhưng đến nay cuộc sống của người Đan Lai vẫn chưa ổn định nhiều người được tái định cư đã bỏ làng quay trở vào bản cũ để sống săn bắt hái lượm.
Bản Cò Phạt nằm khép mình giữa đại ngàn.
Ngủ ngồi, đẻ ngồi và cuộc đời du thực
Đã gần 400 năm trôi qua người Đan Lai sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Và vì cuộc sống của họ như những tiều phu du thực nên tất cả phải phù hợp với thiên nhiên để tồn tại. Những ngôi nhà sàn vách nứa không giường, không bàn, không màn, không chiếu, duy chỉ có bếp lửa thức cháy thâu đêm là những gì họ đã sống hàng trăm năm nay.
Trưởng bản La Văn Đường cho biết: "ngàn đời có ai sắm giường nằm đâu mà nằm", rồi với tay lấy thanh củi đen bóng gác trên chạn bếp đầy bồ hóng, rồi chống hai tay vào phía đầu thanh củi tì sát vào trán để ngồi ngủ cho chúng tôi xem. Khi hỏi vì sao lại ngủ ngồi, Trưởng bản La Văn Đường giải thích: "Ngày xưa con khái (hổ) nơi này nhiều vô kể. Nếu mình không cảnh giác là nó vồ ngay, đó là chưa kể quan quân truy lùng bộ tộc có thể đến bất cứ lúc nào nên mới sinh ra ngủ ngồi. Ngủ ngồi là để có thế vùng dậy chạy ngay vào rừng sâu...". Ngủ ngồi cũng có nhiều kiểu. Ngồi đưa hai bàn tay nắm lại đỡ lấy trán để ngủ, hoặc đẽo cây chàm ngàm kê vào dưới cổ để ngủ cho khỏi mỏi, hoặc hai tay nắm chặt đầu thanh củi tì vào trán cũng ngủ được.
Ngoài ngủ ngồi, người Đan Lai còn có tục ngủ trên cây. Mỗi khi vào rừng săn thú hoặc đào củ mài củ sắn muộn quá không về được thì họ leo lên cây lội lớn dùng những que củi lớn bắc kê thành lán rồi ngủ ngồi để đối phó với thú dữ. Nhưng độc đáo nhất vẫn là tục đẻ ngồi. Khi người phụ nữ mang thai gần đẻ mà không có ai ở nhà thì họ ngồi vào một góc nhà và đẻ rồi tự đỡ đẻ luôn. Sau khi đẻ xong thì họ cắt rốn rồi tắm cho đứa trẻ và ngày hôm sau họ lại lên nương rẫy. Cuộc sống cứ thế trôi cho đến hôm nay.
Ngày nay những người trẻ thì không ngủ ngồi nhưng những người già thì vẫn ngủ ngồi, còn đẻ ngồi thì vẫn thế, họ đẻ bất cứ nơi nào kể cả ngoài ruộng hay trên nương rẫy. Mà ở đây không phải họ đẻ ít mà nhà nhiều là 13 người con còn 7-9 con thì rất nhiều...
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'
- Sau 1/1/2025, thẻ chưa xác thực sinh trắc học sẽ không rút được tiền từ máy ATM, có đúng không?
- Tin vui với người sinh năm 2000, 1985, 1965 khi làm căn cước công dân trong năm 2025
- Chữ cái duy nhất không xuất hiện trong tên của bất kỳ tỉnh, thành nào tại Việt Nam, là chữ gì?
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM