Trung Quốc “chỉ muốn dọa nước nhỏ”
Thứ năm, 28/11/2013 22:38

Mặc cho căng thẳng gia tăng, Nhật và Mỹ vẫn tập trận hải quân ngoài khơi Okinawa với sự tham gia của nhóm tàu sân bay USS George Washington.

Tàu sân bay Mỹ USS George Washington tham gia cuộc tập chung AnnualEx 2013 với Nhật Bản. Ảnh: CNN

Tàu sân bay Mỹ USS George Washington tham gia cuộc tập chung AnnualEx 2013 với Nhật Bản. Ảnh: CNN

Với việc điều máy bay ném bom B-52 đến vùng nhận dạng phòng không trên biển Hoa Đông (ECSADIZ) mà Trung Quốc mới thiết lập, Mỹ không chỉ muốn phát đi lời cảnh báo đến Trung Quốc mà còn có ý nhắc nhở Nhật Bản.

Đã có Mỹ ra mặt!

Đó là nhận định được bà Anne-Marie Slaughter, cựu giám đốc về hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao Mỹ, đưa ra tại một diễn đàn ở Trung tâm An ninh Mỹ ở Washington hôm 26/11. Theo bà, Mỹ muốn phát đi cảnh báo rằng nước này đủ khả năng ngăn chặn Trung Quốc “bắt nạt” đồng minh Nhật Bản song cũng nhằm nhắc Tokyo không nên phản ứng quá mức. Bà cho biết: “Điều động B-52 có thể để khuyến cáo Nhật Bản không nên làm tình hình căng thẳng thêm bởi đã có Mỹ ra mặt”. Ông Robert Kaplan, một cựu quan chức Ủy ban Chính sách Quốc phòng của Lầu Năm Góc, cũng cho rằng việc Mỹ điều động máy bay là “phô trương lực lượng” và thể hiện cam kết bảo vệ Tokyo cũng như thách thức ECSADIZ của Trung Quốc.

Cam kết bảo vệ Nhật Bản một lần nữa được Mỹ nhắc đến trong cuộc điện đàm giữa bộ trưởng quốc phòng 2 nước hôm 27/11. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tái khẳng định với người đồng cấp Nhật Bản Itsunori Onodera rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp ước Phòng thủ song phương và “hoan nghênh chính phủ Nhật kiềm chế đúng mức”. Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở khu vực, Nhật và Mỹ vẫn đang tiến hành cuộc tập trận hải quân thường niên mang tên AnnualEx 2013 với sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay USS George Washington ở ngoài khơi đảo Okinawa.

Trong lúc này, báo chí Trung Quốc lên tiếng chê nước nhà phản ứng “quá chậm” trước việc 2 chiếc B-52 của Mỹ đi qua ECSADIZ. Thời báo Hoàn cầu hôm 28/11 nói Bộ Quốc phòng Trung Quốc chỉ “theo dõi” B-52 là “quá bình thường” và rõ ràng Bắc Kinh đã “thất bại khi không có được phản ứng kịp thời và thích hợp”. Bài viết cho rằng sự phản ứng chậm chạp đó có thể hủy hoại hình ảnh quân đội Trung Quốc, nhất là sau cảnh báo sẽ mạnh tay với những máy bay không tuân thủ quy định khi qua lại ECSADIZ.

Tính toán sai

Báo The New York Times (Mỹ) nhận định những gì xảy ra phần nào cho thấy Trung Quốc có thể đã tính toán sai khi đơn phương công bố ECSADIZ với ý đồ tăng cường kiểm soát bầu trời khu vực và thúc ép Nhật Bản nhường bước về vấn đề chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Điều Bắc Kinh không ngờ là ECSADIZ đã vấp phải phản ứng nhanh và mạnh từ Washington cũng như sự lan rộng trong cộng đồng quốc tế. Nhận thấy sức ép này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương hôm 27/11 chỉ nói chung chung rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra phản ứng phù hợp tùy vào tình hình và độ lớn nhỏ của mối đe dọa khi thực thi ECSADIZ.

Dù tuyên bố đủ sức “làm chủ” ECSADIZ nhưng theo phân tích của các chuyên gia quốc phòng trên Reuters, hệ thống radar phòng không, máy bay tuần tra và chiến đấu cơ Trung Quốc sẽ phải “chật vật” tuần tra và ngăn chặn các máy bay trong khu vực nhận dạng phòng không mới, ước tính tương đương 2/3 diện tích nước Anh. Một nguồn tin của chính phủ Nhật cũng cho rằng quân đội Trung Quốc vẫn chưa có đủ radar hoặc máy bay chiến đấu để quản lý vùng không phận rộng như thế. Nguồn tin này cho biết: “Trung Quốc sẽ không thực thi ECSADIZ trọn vẹn bởi họ không có đủ nguồn lực. Tuy nhiên, họ sẽ tìm cách dọa nạt nước nhỏ”.

Đó có thể là một phần lý do khiến Trung Quốc cho đến giờ chưa có phản ứng mạnh sau khi chiến đấu cơ Hàn Quốc và máy bay tuần tra Nhật Bản bay qua ECSADIZ mà không báo trước hôm 28/11. Một số máy bay thương mại Nhật cũng đang phớt lờ quy định trên của Trung Quốc.

Philippines lo ngại

Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario hôm 28-11 bày tỏ lo ngại Trung Quốc sẽ tìm cách kiểm soát không phận trên những khu vực tranh chấp ở biển Đông sau khi thành lập ECSADIZ. Ông nói với đài ABS-CBN: “Đang có mối đe dọa rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát không phận ở biển Đông”.

Quan chức này cũng lo ngại về ECSADIZ của Trung Quốc “đang biến cả một vùng trời rộng lớn thành không phận nội địa của Trung Quốc”. “Đây là một sự vi phạm, một hành động gây nguy hiểm cho an toàn của hàng không dân sự” - ông Rosario nhấn mạnh.

Nld.com.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Thủ tướng đồng ý phương án thi tốt nghiệp THPT 2020

Tag: Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc , Senkaka , Điếu ngư , Trung Quốc , Nhật Bản , Hàn Quốc