Để ép nhóm thanh niên nhận tội giết người, hai điều tra viên Công an tỉnh Sóc Trăng đã treo tay nghi can lên cửa sổ.
|
Lên gối thúc vào bụng, dùng dùi cui cao su đánh nhiều lần.
Trần Văn Đỡ (trái) người bị điều tra viên còng tay treo lên cửa sổ để ép cung và Khâu Sóc
nhận tiền bồi thường sau khi được minh oan - Ảnh: Phương Nguyên
Cơ quan điều tra, viện KSND tối cao, vừa kết thúc điều tra vụ án “dùng nhục hình, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại tỉnh Sóc Trăng, đề nghị truy tố 3 bị can nguyên là các điều tra viên, kiểm sát viên về các hành vi trên.
Không phạm tội vẫn "tự thú" giết người
Cụ thể, hai bị can Nguyễn Hoàng Quân (38 tuổi), Triệu Tuấn Hưng (34 tuổi) - nguyên điều tra viên, Đội trưởng và Đội phó Đội hướng dẫn điều tra án xâm phạm nhân thân thuộc Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội Công an tỉnh Sóc Trăng bị đề nghị truy tố về tội “dùng nhục hình”.
Phạm Văn Núi (57 tuổi, nguyên Kiểm sát viên Viện KSND tỉnh Sóc Trăng) bị đề nghị truy tố về tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Kết luận điều tra nêu rõ vào ngày 6-7-2013, tại địa bàn ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân 2, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng xảy ra một vụ chết người chưa rõ nguyên nhân.
Qua khám nghiệm hiện trường, cơ quan điều tra xác định nạn nhân là ông Lý Văn Dũng (trú thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề) và vụ việc có dấu hiệu “giết người”. Do đó, cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sóc Trăng đã khởi tố vụ án để điều tra làm rõ.
Qua điều tra truy xét, ngày 10-7-2013, cơ quan điều tra Công an Sóc Trăng đã triệu tập và lưu giữ các nghi can Thạch Sô Phách, Trần Hol và Trần Cua.
Tiếp đó, cơ quan điều tra triệu tập Nguyễn Thị Bé Diễm, Trần Văn Đở để làm rõ.
Trên cơ sở lời khai các cá nhân trên, cơ quan điều tra đã lập biên bản "tự thú" đối với anh Thạch Sô Phách và chị Nguyễn Thị Bé Diễm, ra lệnh bắt khẩn cấp Trần Văn Đở, Trần Hol, Trần Cua, Thạch Mươl, Khâu Sóc.
Sau đó, 6 bị khởi tố và tạm giam về tội “giết người", riêng Nguyễn Thị Bé Diễm bị khởi tố tội “không tố giác tội phạm”.
Trong khi vụ án đang được điều tra thì ngày 18-11-2013, Lê Mỹ Duyên (15 tuổi, trú tại TP Rạch Giá, Kiên Giang) ra đầu thú và ngày 21-11-2013, Phan Thị Kim Xuyến (17 tuổi, trú tại thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề) ra tự thú vì đã giết nạn nhân Lý Văn Dũng để cướp tài sản.
Lời khai của hai nghi phạm này phù hợp với vụ việc nạn nhân bị giết. Cơ quan điều tra sau đó đã khởi tố bị can đối với Phan Thị Kim Xuyến về hành vi “giết người, cưới tài sản”, đưa Lê Mỹ Duyên vào trại giáo dưỡng do chưa đủ 14 tuổi.
Do phát hiện các cá nhân bị khởi tố, tạm giam trước đó bị oan sai nên cơ quan điều tra đã huỷ bỏ biện pháp tạm giam, đình chỉ điều tra bị can đối với 7 cá nhân không thực hiện hành vi phạm tội.
Viện KSND tỉnh Sóc Trăng sau đó đã phải bồi thường cho 7 người bị khởi tố, bắt giam oan số tiền gần 500 triệu đồng.
Còng, treo nghi can lên cửa sổ để ép cung
Cả 7 người bị bắt oan cũng đã có đơn tố giác trong quá trình điều tra đã bị các cán bộ điều tra dùng nhục hình nên buộc phải khai nhận có tham gia đánh, đâm nạn nhân Lý Văn Dũng chết.
Cũng trong quá trình này, Công an tỉnh Sóc Trăng đã kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo và điều tra viên liên quan đến sai phạm trong quá trình giải quyết vụ án.
Cơ quan điều tra viện KSND tối cao sau đó đã xác định 7 anh, chị trên đã bị dùng nhục hình, buộc phải khai nhận hành vi “giết người”.
Cụ thể, anh Trần Văn Đở đã bị điều tra viên Triệu Tuấn Hưng dùng khoá số 8 treo cao 1 tay vào khung sắt cửa sổ, chỉ để hai đầu bàn chân chạm sàn nhà, sau đó dùng tay đánh, dùng đầu gối thúc vào bụng ép buộc nạn nhân nhận tội.
Tương tự, các nạn nhân còn lại cũng bị hai điều tra viên đánh đập nhiều lần, dùng dùi cui cao su đánh nhằm ép buộc nhận tội giết người.
Cơ quan điều tra xác định để xảy ra vụ việc oan sai nghiêm trọng này còn do việc làm thiếu trách nhiệm của kiểm sát viên Phạm Văn Núi trong quá trình thực hiện quyền hạn, nhiệm vụ được giao.
Trong vụ án này, kiểm sát viên Phạm Văn Núi được phân công thực hiện kiểm sát ngay từ giai đoạn khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng đã không thực hiện đúng, đủ các quy định của pháp luật dẫn đến việc oan sai.
Cụ thể, khi khám nghiệm tử thi không phát hiện thiếu sót trong quá trình khám nghiệm để yêu cầu cơ quan chuyên môn làm rõ thời gian nạn nhân chết;
Khi có đối tượng không nhận tội, đồng thời còn cung cấp chứng cứ ngoại phạm, kiểm sát viên cũng không trực tiếp gặp, hỏi để xác định nguyên nhân, lý do không nhận tội, không đề ra yêu cầu điều tra kịp thời để cơ quan điều tra xác định chức cứ ngoại phạm; không nghiên cứu ký hồ sơ nên không phát hiện.
Cũng liên quan đến vụ án này, cơ quan điều tra, viện KSND tối cao, xác định có nhiều cá nhân liên quan nhưng do chưa đủ cơ sở xác định nội dung tố giác, nhiều cá nhân đã bị kỷ luật và không đủ yếu tố xử lý hình sự nên không khởi tố điều tra.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?