Trẻ tìm đến cái chết và bài học giá trị sống bị bỏ quên
Chủ nhật, 01/04/2012 16:11

Vụ ba học sinh lớp 7 ở Đắc Nông cùng nhau tự tử vừa qua một lần nữa gióng lên tiếng chuông báo động về việc trẻ không được trang bị kỹ năng sống để ứng phó trước những vấn đề xảy ra với bản thân.

Cô đơn, dồn nén, bế tắc, sợ hãi... là trạng thái tâm lý khiến trẻ có thể tìm đến các hành vi tiêu cực. Nếu không nhận được sự quan tâm kịp thời của gia đình và xã hội, hành vi tiêu cực ấy sẽ nhanh chóng dẫn đến bi kịch.

Sau trầm cảm, tự kỷ là... chết

Trong nhịp sống hiện đại, số trẻ mắc bệnh trầm cảm và tự kỷ có chiều hướng gia tăng. Nhiều gia đình thấy con có dấu hiệu trầm cảm nhưng không để ý vì cho rằng đó là thay đổi tâm lý bình thường của trẻ. Thậm chí, các bậc bố mẹ còn hoài nghi khi có cảnh báo rằng nguyên nhân của những căn bệnh trầm cảm, tự kỷ của trẻ xuất phát từ gia đình và nền giáo dục khép kín của xã hội.

Di ảnh của em N.T.C.Nhung - một trong số ba nữ sinh lớp 7 ở huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông vừa tự tử cùng nhau. (Nguồn Internet)

Chỉ đến khi con số trẻ tìm đến cái chết ngày một nhiều, không phải một cá nhân mà là tự tử tập thể, nguyên nhân của những cái chết thương tâm ấy mới bắt đầu được “mổ xẻ”. Không ít người giật mình bởi câu trả lời cho những bi kịch đau lòng ấy hiện hữu hàng ngày đến mức người ta vô tình bỏ quên nó.

Điển hình là vụ ba học sinh lớp 7 cùng nhau tự tử ở Đắc Lắc vừa mới xảy ra. Không chỉ người thân mà tất cả thầy cô, bạn bè của các em đều sững sờ không hiểu được vì sao ba học sinh hiền lành ngoan ngoãn, đến lớp học tập bình thường ấy lại "bình tĩnh" và dứt khoát tìm đến cái chết đến thế. Và khi cuốn nhật ký chuẩn bị chết của ba em được tìm thấy thì tất cả mới bàng hoàng bởi lý do các em tự tử rất đơn giản: buồn và chán sống.

Các nhà tâm lý phân tích rằng các em đang gặp khó khăn về vấn đề tâm lý. Cụ thể là khủng hoảng tâm lý tuổi mới lớn, nếu không được tháo gỡ sẽ dẫn đến hành vi tiêu cực. Và hành vi tiêu cực ấy đã được các em đánh động trước, nhưng đáng tiếc là không có ai quan tâm để kịp thời ngăn chặn nó. Câu hỏi đặt ra là, vì sao khi trẻ gặp khó khăn về tâm lý lại không thể tìm sự giúp đỡ từ gia đình hoặc nhà trường, nơi mà trẻ gắn bó và tiếp xúc thường xuyên?

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Thị Thoan (Trường CĐSPTW) cho rằng, cuộc sống gia đình hiện đại ngày nay đã làm tiết giảm nhiều chức năng của gia đình. Bố mẹ chỉ quan tâm đến việc nuôi con lớn, con khỏe chứ không chú ý đến việc con nghĩ gì, thích gì. Vì vậy, trẻ càng sống khép kín hơn trong thế giới của mình. Chính sự khép kín ấy sẽ khiến cho trẻ dễ mắc phải căn bệnh trầm cảm, tự kỷ, dễ sa vào các suy nghĩ tiêu cực như tìm đến cái chết.

Thực tế, với nhiều bố mẹ, con cái chỉ cần học giỏi, mạnh khỏe là đủ, còn việc trang bị kỹ năng sống là thứ yếu. Bài học phải biết yêu quý thân thể, quý trọng tính mạng của mình, khi gặp khó khăn gì về tâm lý, thắc mắc về những thay đổi trong cơ thể thì cần tìm ai giúp đỡ, phải nói cho bố mẹ biết những vấn đề mình đang gặp phải… đã và đang bị gia đình bỏ quên.

Trao đổi với báo chí về công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh trong nhà trường hiện nay, TS Nguyễn Tùng Lâm (chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục HN) cho rằng, nhà trường chỉ dạy học sinh về kỹ năng sống đơn giản thôi chưa đủ, bởi những bài học đó chỉ giúp trẻ có những chuẩn mực trong ứng xử giao tiếp. Điều quan trọng, từ bậc mầm non đến bậc đại học cần nhấn mạnh đến các bài học giá trị sống bao gồm: bình an, tôn trọng, yêu thương, hạnh phúc, trách nhiệm, giản dị, khoan dung, hợp tác, đoàn kết…

Học cách hiểu con để... dạy con

Anh Trần Nam, một kiến trúc sư đang sống tại khu đô thị mới Mễ Trì Hạ (TL, HN) có một cậu con trai 16 tuổi và cô con gái năm nay lên 10. Vào mỗi dịp sinh nhật của các con, anh Nam có một cách tặng quà khác với vợ. Anh không mua quần áo đẹp hay đồ chơi xịn mà dẫn con đến nhà sách. Ở đó, anh sẽ để cho con thoải mái chọn mua những cuốn sách mình yêu thích.

Phần anh cũng tìm mua những cuốn sách phù hợp để tặng con. Lúc các con còn nhỏ, anh mua sách ngụ ngôn cho con đọc, khi con bắt đầu lớn lên anh tìm mua những cuốn sách trang bị kỹ năng sống cho trẻ. Thời gian rảnh rỗi, anh dành thời gian đọc sách cùng con rồi mấy bố con trao đổi về nội dung cuốn sách. Nhờ đó mà anh cũng hiểu thêm về thế giới của các con. Điều quan trọng là qua những lần “bình sách” đó, bố con xích lại gần nhau hơn, các con cũng thoải mái cởi mở với bố những vấn đề vướng mắc của mình.

Để hiểu được các con mình không phải là dễ, trước đây khi con trai bắt đầu bước vào giai đoạn dậy thì, nó bỗng dưng thay đổi tâm tính và biến thành người khác hẳn khiến vợ chồng anh không khỏi lo lắng. Từ chỗ gần gũi, cởi mở với bố, nó sống khép kín dần và không muốn chia sẻ suy nghĩ của mình như trước đây.

Con trai anh đi học về đến nhà là lên phòng đóng chặt cửa nghe nhạc hoặc lên mạng tán ngẫu với bạn bè, bố mẹ hỏi gì thì đáp nấy. Thấy con như vậy, anh khéo léo tìm đến những người bạn hay chơi cùng con để tìm hiểu. Thật may mắn là con trai anh có một cậu bạn thân và thường chia sẻ với nhau mọi vấn đề.

Qua đó, anh biết được con đang gặp phải khó khăn về vấn đề tâm lý khi cơ thể thay đổi. Anh tìm gỡ rối cho con bằng cách đóng vai một người bạn cùng giới để hướng dẫn con cách đón nhận và làm một người đàn ông trưởng thành như thế nào.

Anh Nam "khoe" cuốn sách mà anh vừa tìm mua để tặng cho con gái lên 10 của mình với tiêu đề dễ thương “Món quà tốt nhất bố mẹ dành cho con gái tuổi dậy thì”.

Bìa cuối của cuốn sách có một lời tựa rất ấn tượng "Nếu bạn quan tâm đến sự trưởng thành lành mạnh của con gái nhưng có những chuyện khiến bạn khó nói thành lời, hãy đặt cuốn sách này lên đầu giường con gái bạn để cô bé biết rằng bạn luôn yêu thương và muốn giúp đỡ con. Hành trình của con gái bạn trong tuổi dậy thì sẽ không còn hoang mang và đơn độc nữa…".

Hiểu con thì sẽ dạy con thành công, chân lý này của anh Nam thật đơn giản. Bất kỳ một ông bố bà mẹ nào cũng có thể làm được điều đó, chỉ cần bạn luôn biết tìm cách để hiểu và giúp con đón nhận, tháo gỡ những vướng mắt tâm lý kịp thời.

Hãy tạo cho con sự tin tưởng, cởi mở với bố mẹ, hãy lắng nghe những điều con nói, hiểu những điều con nghĩ thay vì áp đặt và cứng nhắc trong việc dạy dỗ con, bố mẹ sẽ tránh được những bi kịch đến với con cái mình.

PNTĐ
Tag: Đăk Nông , Nữ sinh tự tử , 3 nữ sinh chết bất thường , Tự tử , Xã hội