Tiqui-taca: Cái chết lâm sàng hay chết vĩnh viễn
Thứ ba, 15/05/2012 05:27

Khi Barca bị loại khỏi Champions League, rồi bị đánh bật khỏi cuộc đua Liga, nhiều người đã vội bi quan: Thời đại thống trị của Barca đã chấm dứt và tuyệt kỹ Tiqui-taca đã đến hồi diệt vong. Nhưng sự thực có phải là như vậy không?

Sau 2 trận đấu đầy bế tắc và đáng thất vọng ở vòng bán kết Champions League 2011/12 với Chelsea, Barca đã cay đắng rời cuộc chơi. Trước đó, Barca cũng đã thua trong trận El Clasico, trao lại danh hiệu La Liga cho kình địch Real Madrid. Và chỉ vài ngày sau, HLV Pep Guardiola cũng chính thức nói lời chia tay Barca vào cuối mùa giải này. Nhiều người đã vội bi quan: Thời đại thống trị của Barca đã chấm dứt và tuyệt kỹ Tiqui-taca đã đến hồi diệt vong. Nhưng sự thực có phải là như vậy không?

Tiqui-taca không chết!

Messi, Xavi và Iniesta linh hồn của tiqui-taca.

Xin khẳng định ngay, đây không phải là cái chết của lối chơi Tiqui-taca đẹp mắt, mà là đoạn kết cho sự thống trị của Tiqui-taca trên trận địa đỉnh cao của bóng đá thế giới. Nói cách khác, đây thực sự là thời điểm mà giới quan sát trung lập đã có thể bàn về sự thoái trào của Barca – CLB duy nhất trên thế giới có thể dùng lối chơi đẹp mắt Tiqui-taca để chiếm lĩnh đỉnh cao danh vọng. Vì sao?

Tất nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Barca dừng chân ở Champions League hoặc mất ngôi vô địch La Liga. Nhưng khi cả 2 thất bại xuất hiện cùng lúc thì đấy đã có thể là vấn đề chuyên môn, chứ không còn là sự trùng hợp nữa.

Và khi so sánh thất bại của Barca ở Champions League mùa này với những thất bại trước đây, giới chuyên môn đã chỉ rõ những khác biệt lớn, để đi đến một kết luận có thể làm phật lòng các fan của Barca: đội bóng số 1 thế giới những năm gần đây xem ra... sắp hết thời rồi! Xin nhắc lại, đấy là lập luận của giới chuyên môn. HLV Arsene Wenger của Arsenal phân tích: “Barca trong các trận gặp Chelsea không phải là Barca của mùa trước. Messi ngay thời điểm này chỉ còn là một Messi mệt mỏi, thiếu sắc bén”.

 

Lật ngược về quá khứ, Tiqui-taca đã ra đời kể từ ngày Johan Cruyff  trở thành HLV tại Nou Camp năm 1988. Lối chơi bóng sệt, ngắn, chuyền liên tục đã trở thành thương hiệu không thể lẫn vào đâu của Barca mà “Thánh” Johan tạo dựng, đã luôn được kế thừa bởi các đời HLV đến sau. Barca vẫn chơi Tiqui-taca dưới thời của Van Gaal hay Rijkaard, và cũng vẫn có những danh hiệu vô địch La Liga, hay Champions League, tuy nhiên họ chỉ được coi là một đội bóng mạnh trong những thời điểm cụ thể, tương tự như Juventus, Milan hay Man United...

Chỉ đến khi Guardiola lên nắm quyền (từ 2008 đến nay), kết hợp cùng với giai đoạn chín muồi của những cầu thủ tài năng xuất thân từ lò La Masia như Iniesta, Xavi và nhất là Messi thì triết lý Tiqui-taca mới được phát huy hết tác dụng, đạt đỉnh thăng hoa tuyệt đối trong suốt gần 4 mùa giải vừa qua. Cũng ở khoảng thời gian này, Barca vụt biến từ một đội bóng mạnh thành một đội bóng vô đối, như cách mà người ta gọi Barca mấy năm qua. Tất cả điều đó có được là nhờ Guardiola thấm nhuần tư tưởng Tiqui-taca để trổ tài dụng quân, cùng với phong độ chói sáng của tam tấu Messi – Xavi – Iniesta.

Nhưng Tiqui-taca hết thời thống trị?

Trên bề mặt, lối chơi của Barca rõ ràng là không thay đổi chút nào. Họ vẫn chuyền bóng chính xác đến 84% trong trận bán kết lượt về Champions League, trong khi Chelsea chỉ chuyền bóng chính xác 45%. Barca có đến 755 đường chuyền chính xác so với 135 đường chuyền thành công của Chelsea. Chỉ riêng Xavi đã có đến 168 đường chuyền chính xác, tức nhiều hơn tổng số đường chuyền chính xác của 11 cầu thủ Chelsea cộng lại!

Nhưng họ vẫn thất bại, đó là sự thực không thể chối cãi. Nhưng cần suy xét rằng, thất bại của Barca trước Chelsea mang tính đen đủi và yếu tố con người chứ không phải là do chiến thuật của họ bị phá nát. Sau 3 mùa giải lẫy lừng, những đôi chân của Xavi, Iniesta và Messi đã mỏi mệt vì phải thi đấu quá nhiều, chịu sức ép quá nhiều nên sự sắc bén, nhanh nhạy bị suy giảm đáng kể. Và khi bộ ba này xuống sức thì tinh hoa của Tiqui-taca không thể phát tiết như thường lệ.

“Nếu như Messi sút quả phạt đền thành công”, đây có lẽ là một trong những câu nói quen thuộc nhất đối với bất cứ ai đã xem trận bán kết Barca – Chelsea tại Champions League mùa này. Vấn đề của Barca cũng nằm ở chỗ này. Trong những mùa bóng vừa qua, Barca có thể bỏ lỡ hàng trăm cơ hội, nhưng vẫn không hề hấn gì. Thậm chí, triết lý của đội bóng lừng danh này là họ sẵn sàng đánh đổi 1.000 cơ hội ghi bàn đơn giản chỉ để có một bàn thắng siêu phẩm.

Suy cho cùng, đây cũng chỉ là một logic bình thường chứ chẳng có gì to tát. Khi bạn chọn một lối chơi thiên hẳn về tấn công như cách chơi Tiqui-taca của Barca, thì dĩ nhiên cơ hội dứt điểm của bạn phải nhiều, và việc bỏ lỡ cơ hội cũng phải nhiều hơn đối phương. Bây giờ, việc sút hỏng phạt đền làm cho Messi coi như “biến mất” trong cả một giai đoạn dài. Cú hỏng ăn đáng tiếc làm cho Barca gần như suy sụp. Nói rằng phía dưới bề ngoài hào nhoáng là một tinh thần đã mệt mỏi, cũng vì lẽ ấy.

Cũng chính vì thiếu tự tin mà Messi sút hỏng phạt đền? Anh không lừa được Petr Cech sớm phóng người về một bên, mà lại còn bị Cech đe dọa bằng thái độ đứng vững cho đến tận thời điểm Messi chạm bóng. Đã bao nhiêu lần Messi có chủ đích ghi bàn bằng cách sút bóng về phía dưới xà ngang khi anh sút phạt đền? Vân vân và vân vân.

Sắp tới, khi mà Puyol, Andres Iniesta, Xavi... đều đã qua khỏi đỉnh cao phong độ, Barca không dễ có ngay cả một thế hệ xuất sắc và đồng đều để làm cho Tiqui-taca từ chỗ ưu việt trở thành hoàn hảo, vô đối. Có khi người ta còn phải theo dõi mắt xích tuyệt vời nhất trong hệ thống Tiqui-taca hiện nay là Messi, xem anh có còn ngự trị tuyệt đối ở đỉnh cao nữa không, trong hoàn cảnh những mắt xích xung quanh đã thay đổi hoặc rớt phong độ. Trong lúc chờ đợi, có thể nhận định đôi điều: Sergio Busquets đã không bứt hẳn lên đẳng cấp cao như những đàn anh, Cesc Fabregas cũng không tỏa sáng như sự chờ đợi, thế hệ trẻ như Tello hoặc Thiago thì chưa thật sự khẳng định chỗ đứng.

Đường đi lên thì quá hẹp. Đường đi hiện tại ngày càng có nhiều trở ngại. Chỉ có đường đi xuống là rộng thênh thang, cho Barca!

Bongdaplus
Tag: Messi , Xavi , Iniesta , Tiqui-taca , Champions League , La Liga , Johan Cruyff , Guardiola , Barca , Barcelona