"TQ đang muốn "nắn gân" các nước, nếu "đầu xuôi đuôi lọt", các nước trong khu vực sẽ phải chấp nhận "luật chơi" mới do Trung Quốc đặt ra", bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận định.
Tình hình biển Đông sáng 30/7: Phân tích 4 khía cạnh trong mưu đồ Trung Quốc |
Trung Quốc đang muốn "nắn gân" các nước
- PV: Xin bà cho biết quan điểm của mình về việc Trung Quốc (TQ) có hành động leo thang trên Biển Đông, nhằm cụ thể hóa mưu đồ bành trướng của mình?
Đây là tính toán rất kỹ lưỡng chứ không phải việc làm nhất thời. TQ tuyên bố đến ngày 15/8 sẽ rút giàn khoan Haiyang Shiyou (Hải Dương) 981 nhưng tôi cho rằng họ chỉ nhằm mục đích trấn an để được "rảnh tay" triển khai ý đồ lâu dài của họ. TQ muốn "nắn gân" VN đầu tiên, nếu "đầu xuôi đuôi lọt", các nước trong khu vực sẽ phải chấp nhận "luật chơi" mới do TQ đặt ra.
- PV: Xin bà cho biết rõ hơn về mưu đồ thâm hiểm của TQ?
Theo tôi, có thể mô tả ý đồ của TQ ở bốn khía cạnh. Thứ nhất, TQ rất chủ động. Trong khi VN chúng ta đang ở thế "trái tim nóng, cái đầu phải lạnh" thì TQ cả đầu và tim đều lạnh. Thứ hai, TQ triển khai bài bản và hệ thống. Thứ ba, vì cậy thế nước lớn nên trong truyền thông đối ngoại họ tỏ ra vô cùng ngạo mạn, ví dụ, người phát ngôn bộ Ngoại giao TQ "nhắn nhủ" bản đồ mới nhất phục vụ cho dân trong nước, các nước khác không nên quá chú ý! TQ vu khống tàu VN đâm va hàng nghìn lần, chính họ cũng không thể tin lời họ nói nhưng: Một lời nói dối nói đi nói lại hàng trăm lần có thể trở thành sự thật với những người không hiểu biết. Rất có thể những người ở xa, tận châu Phi hay châu Mỹ Latinh có thể họ nghe TQ tuyên truyền và "hiểu nhầm" chúng ta. Thứ tư, ở trong nước, TQ kích động chủ nghĩa dân tộc nước lớn. Khi đã lớn mạnh về kinh tế, TQ rất dễ khơi dậy chủ nghĩa đó trong lòng công chúng.
Kỳ vọng vào "mẫu số chung" của cộng đồng ASEAN
- PV: Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của TQ, bày tỏ thái độ ủng hộ VN. Vậy vai trò của các nước lớn đối với căng thẳng trên Biển Đông ra sao, thưa bà?
Thế giới hiện nay là thế giới đa cực, toàn cầu hóa và tùy thuộc lẫn nhau. Giữa bối cảnh như thế, các nước lớn cần có trách nhiệm gìn giữ những nguyên tắc cơ bản của trật tự quốc tế. Đầu tiên là tôn trọng luật pháp, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực. Thứ hai là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Dù nước lớn hay nhỏ thì nguyên tắc bình đẳng cũng phải được tôn trọng.
Từ thực tế đang diễn ra tôi cho rằng, các nước lớn cần lên tiếng mạnh hơn nữa, không thể lặng thinh trước những gì đang diễn ra ở Biển Đông. Họ cần lên tiếng vì lẽ phải, bởi lúc này lẽ phải đang bị chà đạp. Họ cũng cần lên tiếng cho hòa bình và ổn định, gửi cho TQ thông điệp: Thế giới không phủ nhận TQ đang trỗi dậy thành cường quốc nhưng với điều kiện họ phải tôn trọng luật pháp quốc tế.
- PV: Các học giả thế giới nhận định, TQ đang vận động từng nước ASEAN tìm cách chia tách liên minh ổn định hiện tại dẫn đến các nước này có chính sách không thống nhất về vấn đề Biển Đông. Xin bà cho biết quan điểm của mình về luồng ý kiến này?
Với tư cách nước lớn, TQ đề nghị với các nước ASEAN hãy giải quyết song phương, bởi TQ không muốn đối phó với cả một "bó đũa" mà tìm cách ứng xử với từng chiếc đũa, từng chiếc đũa sẽ dễ dàng bẻ gãy hơn. Từ cách hành xử đó, tôi cho rằng, chúng ta phải mở rộng sự thống nhất, hiệp đồng giữa các nước ASEAN với nhau, tiếp tục thúc đẩy bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông... Chúng ta không yêu cầu thành viên nào trong ASEAN phải "hy sinh" quan hệ với TQ, nhưng phải cùng nhau kiên trì, củng cố, mở rộng mối hiệp đồng đó, luôn luôn tận dụng các cơ chế của ASEAN để bày tỏ "mẫu số chung nhất" đối với tình hình Biển Đông.
Năm 2015 sẽ bắt đầu triển khai chính thức cộng đồng ASEAN, tôi hy vọng với chương mới này, ASEAN sẽ tìm được những "mẫu số chung" lớn hơn trong ứng xử với TQ trên Biển Đông cũng như những vấn đề khác đang thách thức lợi ích chung của khu vực.
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch ủy ban Hòa bình Việt Nam, cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Liên minh châu âu (EU)
Sức mạnh của chính nghĩa
- PV: Việt Nam đã nhiều lần bày tỏ quan điểm khẳng định: Chúng ta kiên trì đấu tranh bằng hòa bình để yêu cầu TQ rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của chúng ta; Kiên quyết bảo vệ chủ quyền Tổ quốc... Những lời tuyên bố đanh thép đó đã và đang củng cố thêm tinh thần cho dân tộc VN, thưa bà?
Lịch sử đã chứng minh chính sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài đã tạo thành khối sắt đá giúp chúng ta chiến thắng. Qua các cuộc kháng chiến, những cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền, "sức mạnh mềm" hoàn toàn có thể đánh bại "sức mạnh cứng". Những tuyên bố của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước một lần nữa khẳng định lại quyết tâm, cũng như sức mạnh lịch sử vô cùng giá trị của chúng ta. Đây cũng là thông điệp gửi tới TQ để nhắc họ nhớ rằng: "Có thể đánh bại một đội quân nhưng không thể đánh bại một dân tộc" như lời thừa nhận của tướng Đờ Cát khi quân Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ năm 1954.
Từ thực tế đang diễn ra, tôi cho rằng chúng ta phải kiên trì đấu tranh bằng mọi con đường, đặc biệt cảnh giác, tỉnh táo, tránh xung đột bằng vũ lực, bởi như thế sẽ mắc mưu TQ. Tôi đánh giá cách tiếp cận giàn khoan của lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam vừa tuyên truyền, tránh va chạm là rất thông minh, nghệ thuật. Hay chính các ngư dân đang ngày ngày kiên trì bám biển cũng là bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cũng phải có cơ chể để bảo vệ an toàn cho các ngư dân.
- PV: Câu chuyện khởi kiện TQ ra Tòa án Quốc tế đã được đưa ra từ lâu. Bà có thể cho biết ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào?
Về vấn đề này hiện các ý kiến còn khác nhau. Cá nhân tôi cho rằng, tại sao Philippines lại quyết định kiện TQ? Mục đích của Philippines khi khởi kiện TQ là muốn đưa ra thông điệp: Tôi không ngại nước lớn, tôi tin vào lẽ phải của mình và tôi cứ kiện.
Trở lại câu chuyện của VN, không lý do gì chúng ta phải ngần ngại nước lớn hơn. Chúng ta có thể không kéo được TQ ra hầu tòa nhưng ít nhất chúng ta cũng được bày tỏ công khai lẽ phải của mình. Và nếu có được một phán quyết mà chúng ta giành phần thắng cũng là chiến thắng của lẽ phải, có thể không phải trên thực địa nhưng cũng là trước Tòa án Công luận Quốc tế.
- PV: Trân trọng cảm ơn bà!
Không để các nước lớn độc quyền chi phối Bà Tôn Nữ Thị Ninh cũng dẫn câu chuyện, trước đây, Tòa án Công lý Quốc tế từng xử vụ kiện giữa Mỹ và Nicaragoa liên quan đến việc áp đặt đối với nước khác những luật mà về nguyên tắc chỉ được áp dụng trong nước Mỹ. Lần đó, Mỹ đã từ chối ra tòa nhưng tòa đã xử Nicaragoa thắng. Nói cách khác, Nicaragoa đã chiến thắng trong tòa án dư luận quốc tế. Đối với những nước nhỏ hơn, vũ khí chính của họ chính là cơ chế và dư luận quốc tế. Thông điệp sau vụ kiện của Nicaragoa với Mỹ chính là nguyên tắc không ngại nước lớn, từng thành viên có thể tận dụng các cơ chế quốc tế mà không để các nước lớn độc quyền chi phối. |
Clip đang được xem nhiều nhất: Khởi tố 3 đối tượng phát tán clip với nội dung 'thác loạn' trong quán bar Sunny
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?