Với luận điệu hiếu chiến của tờ Quân giải phóng, dư luận lo ngại Trung Quốc sẽ lạm dụng vũ lực nhiều hơn để giải quyết tranh chấp trên biển với các quốc gia láng giềng.
Tình hình biển Đông chiều 29/7: Báo Trung Quốc hô hào chiến tranh giải quyết tranh chấp |
Ngày 28/7, tờ Giải phóng quân của Trung Quốc, cơ quan ngôn luận của quân đội nước này, đã đăng một bài bình luận thể hiện rất rõ đường lối hung hăng của họ trong thực hiện chính sách đối ngoại rằng “nếu sử dụng vũ lực mà không đạt được mục đích thì ngoại giao cũng chẳng ích gì”.
Bài bình luận được đăng trên trang nhất của tờ Quân giải phóng trong bối cảnh dư luận Trung Quốc và quốc tế ngày càng quan ngại rằng quân đội Trung Quốc đang gạt các nhà ngoại giao sang một bên để đóng vai trò “tay trên” trong việc ra quyết sách của Bắc Kinh đối với vấn về tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng.
Bài báo viết: “Những thứ mà lính tráng cùng với súng ống không thể đạt được trên chiến trường thì cũng không thể mong chờ gì ở miệng lưỡi của các nhà ngoại giao trên bàn đàm phán. Số phận của đất nước chưa bao giờ quan hệ chặt chẽ với mạnh yếu của quân đội như lúc này, cũng như thắng hay bại trên chiến trường...”
Tác giả bài báo nhấn mạnh: “Khả năng chiến đấu yếu kém chỉ dẫn đến sự ô nhục, và quân đội cần phải có những cải cách để tăng cường sức mạnh, khiến cho kẻ thù phải sợ hãi.”
Bài viết này cũng kêu gọi quân đội Trung Quốc phải nghiêm túc đối phó với nạn tham nhũng vì nó cho rằng tham nhũng là nguyên nhân của mọi thất bại trong quá khứ.
Trong khi đó, các nhà phân tích quốc tế đang ngày càng quan ngại về việc Trung Quốc sẽ lạm dụng việc sử dụng vũ lực nhiều hơn để xử lý các tranh chấp lãnh thổ với láng giềng, đặc biệt là với Nhật Bản trên biển Hoa Đông cũng như Philippines và Việt Nam trên Biển Đông.
Ông Ni Lexiong, một nhà bình luận quân sự cho rằng bài báo trên nhằm cổ xúy cho luận điệu “Trung Quốc cần phải phô trương sức mạnh”. Ông nói: “Luận điệu trên cho rằng Trung Quốc không nên có bất cứ ảo tưởng nào về giải pháp hòa bình mà phải chuẩn bị sẵn sàng cho chiến tranh”.
Còn giáo sư Kerry Brown, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học Sydney, Úc thì cho rằng quân đội Trung Quốc ngày càng được giao phó vai trò lớn hơn trong thế hệ lãnh đạo mới của nước này.
Ông Brown nói: “Với những thách thức mà Trung Quốc đang đối mặt, họ cần phải có một quân đội mạnh để hậu thuẫn cho tham vọng đóng vai trò lớn hơn trong khu vực. Việc quân đội nước này ngày càng tự tin tung ra những lời lẽ đao to búa lớn là không có gì đáng ngạc nhiên”.
Một báo cáo của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế công bố năm 2012 về cách giải quyết tranh chấp Biển Đông của Trung Quốc cho thấy quân đội nước này đã vượt mặt Bộ Ngoại giao về thứ bậc cũng như vai trò trong quá trình ra quyết định.
Ông Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc nhấn mạnh rằng ông không hề đồng ý với luận điệu trong bài báo trên của Quân giải phóng. Ông nói: “Ngoại giao có vai trò rất quan trọng. Nhiều khi chính sách ngoại giao có thể bảo vệ thành công lợi ích quốc gia. Việc sẵn sàng cho chiến tranh lại là một vấn đề khác, và việc công khai hô hào điều đó là không hề phù hợp một chút nào”.
Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bị tố dàn dựng chụp ảnh con ngoài cổng trường: “Tôi sai nhưng mọi người cần hiểu vấn đề”
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?