PV Reuters đã ghi nhận được những động thái cho thấy chính quyền TQ đang đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ ngư dân nước này “xông ra” chiếm lĩnh ngư trường biển Đông.
Tình hình biển Đông tối 29/7: Trung Quốc ra sức chiếm lĩnh ngư trường |
Ở Tanmen, phía nam đảo Hải Nam, ngư dân đã cho phóng viên Ruwitch xem một thiết bị định vị vệ tinh trang bị cho các tàu đánh cá. Thiết bị này kết nối trực tiếp với hệ thống của hải cảnh Trung Quốc, khi gặp thời tiết xấu, gặp lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam hay Philippines trên biển Đông thì người trên tàu chỉ cần bấm một nút để “báo động”cho hải cảnh, hải giám Trung Quốc đến can thiệp.
Theo báo chí Trung Quốc, đến cuối năm ngoái, thiết bị định vị (sử dụng mạng vệ tinh Bắc Đẩu do Trung Quốc điều khiển) đã được trang bị cho hơn 50.000 tàu đánh cá; ở Hải Nam, ngư dân chỉ thanh toán 10% chi phí, 90% còn lại được nhà nước bao cấp.
Đây là một phần trong chính sách hỗ trợ tài chính ngày càng tăng cho ngư dân Trung Quốc để thôi thúc họ đi xa hơn ra biển Đông giành giật ngư trường. Chính quyền đảo Hải Nam còn thông qua chính sách cấp tiền xăng dầu để khuyến khích ngư dân đi vào các vùng biển tranh chấp với các nước láng giềng, biến các tàu đánh cá của ngư dân và doanh nghiệp thành công cụ lấn chiếm vùng biển của các nước khác.
Một số ngư dân đi trên nhiều tàu đánh cá khác nhau nói với phóng viên Reuters rằng chính quyền Hải Nam khuyến khích họ đi đánh cá xa đến tận quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cách Hải Nam hơn 1.100km về phía nam. Theo một thuyền trưởng, để đi xa như vậy, mỗi chuyến đi tàu của ông đều được trợ cấp tiền xăng dầu: với tàu 500 sức ngựa, mỗi ngày ông được nhận khoảng 2.000-3.000 nhân dân tệ, tương đương từ 7 đến 10 triệu đồng Việt Nam, tiền xăng dầu.
“Chính quyền bảo chúng tôi phải đi đâu và họ trả tiền phụ cấp xăng dầu theo công suất động cơ”, một ngư dân nói và trên thuyền của ông chất đầy những con rùa biển bắt được từ vùng đảo Trường Sa. “Chính quyền ủng hộ việc đánh cá ở biển Đông để bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc”, một ngư dân khác cho biết thêm.
Hoạt động “đánh bắt xa bờ” của ngư dân Trung Quốc, nhìn bề ngoài, có vẻ như nhằm tìm ngư trường mới khi trữ lượng tôm cá gần bờ đã cạn kiệt. Một nghiên cứu mà Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc công bố tháng 10- 2012 xác nhận tài nguyên hải sản ven bờ biển Trung Quốc đang suy thoái nghiêm trọng trong khi nhu cầu hải sản của thị trường 1,3 tỉ dân ngày càng tăng.
Một báo cáo năm 2014 của Tổ chức Lương nông Liên hiệp quốc (FAO) cho biết người dân Trung Quốc tiêu thụ trung bình mỗi năm 35,1kg cá các loại, gần gấp đôi mức bình quân toàn cầu là 18,9kg.
Theo Alan Dupont - giáo sư về an ninh quốc tế Đại học New South Wales (Úc), “Cá và sản phẩm từ cá là hết sức cần thiết cho cuộc sống của người Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng khi xem xét các vụ xung đột và tranh chấp, nhiều người đã không tính tới điều đó”.
Tuy nhiên ông Dupont cũng thừa nhận: “Rõ ràng là đội tàu đánh cá Trung Quốc được khuyến khích hoạt động ở các vùng biển tranh chấp. Tôi nghĩ bây giờ đây đã là một chính sách rõ ràng: nhà nước khuyến khích các đội tàu đánh cá làm chuyện này vì các lý do địa chính trị, cũng như kinh tế và thương mại”.
Các chuyên gia cũng cho rằng, chính sách đưa ngư dân ra vùng biển tranh chấp là một chủ trương được phê duyệt từ cấp cao nhất của Trung Quốc chứ không phải là một “sáng kiến” của chính quyền tỉnh Hải Nam. Tháng Ba năm ngoái, chỉ vài tuần sau khi lên nắm quyền, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện chuyến đi thăm bất ngờ tới làng chài Tanmen ở cực nam đảo Hải Nam, tại đó ông Tập nói với ngư dân rằng, chính quyền Bắc Kinh sẽ làm nhiều hơn nữa để bảo vệ ngư dân hoạt động trong các vùng biển tranh chấp. Tấm bảng quảng cáo lớn in hình ông Tập với ngư dân hiện vẫn còn án ngữ gần cổng vào cảng cá ở đây, theo ghi nhận của phóng viên Ruwitch.
Không chỉ các ngư dân “nhỏ lẻ” được khuyến khích mà các công ty thủy sản lớn của Trung Quốc cũng vào cuộc xấm lấn ngư trường. Một trường hợp tiêu biểu là công ty Shandong Homey Aquatic Development, có trụ sở tại thành phố Dongfang trên đảo Hải Nam, doanh số hằng năm khoảng 150 triệu đô la Mỹ và có cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán Thượng Hải.
Hồi tháng 2/2014, công ty này đã hạ thủy 8 chiếc tàu đánh cá lớn, mỗi chiếc dài 55 mét. Trên website, công ty này cho biết việc đóng 8 chiếc tàu này là để “đáp ứng lời kêu gọi của chính phủ, phát triển Nam Hải (biển Đông) và bảo vệ chủ quyền quốc gia”. Sáu tuần sau đó, chính quyền thành phố Dongfang thông báo, Công ty Shandong Homey được cấp “tiền tu bổ” cho mỗi chiếc tàu là 2 triệu nhân dân tệ, tương đương với 7 tỉ đồng Việt Nam.
Hai trong số 8 chiếc tàu mới đóng của Shandong Homey, tàu cá mang số hiệu #11209 và #11202 chính là những chiếc tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Ngãi hồi cuối tháng 5 vừa qua ở gần vị trí mà Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan dầu Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG
Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?