Tình hình biển Đông chiều 6/10: Cần ngăn chặn hành động nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc
Thứ hai, 06/10/2014 13:45

The Philippine Star dẫn bài phát biểu tại kỳ họp thường niên LHQ của Ngoại trưởng Philippines ám chỉ TQ là quốc gia đang có những hành động “nguy hiểm và liều lĩnh” ở BĐ.

Tình hình biển Đông chiều 6/10: Cần ngăn chặn hành động nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc

Tình hình biển Đông chiều 6/10: Cần ngăn chặn hành động nguy hiểm và liều lĩnh của Trung Quốc

Ông Albert del Rosario cũng báo cáo với Đại hội đồng LHQ về hoạt động xây dựng phi pháp của Trung Quốc ở bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven và Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đồng thời cảnh báo những hành động đơn phương này cùng một số động thái khác của Trung Quốc là nhằm thay đổi hiện trạng để củng cố tuyên bố chủ quyền về “đường lưỡi bò” phi pháp tại Biển Đông.

Trước đó (24/9), phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng LHQ, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng kêu gọi các nước tôn trọng luật pháp quốc tế trong bối cảnh căng thẳng về chủ quyền biển đảo tại Châu Á - Thái Bình Dương đang gia tăng; đồng thời tái cam kết xoay trục về khu vực này. Trong khi đó, tại bữa tiệc mừng Quốc khánh Trung Quốc được tổ chức ở Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila, Đại sứ Trung Quốc Triệu Giám Hoa đã kêu gọi 2 nước không nên tiếp tục “tranh chấp trên Biển Đông” vì nó ảnh hưởng bất lợi đến quan hệ song phương.

Nguy cơ thiết lập ADIZ ở Biển Đông

Ngày 30/9, tờ Philstar dẫn lời một quan chức an ninh cấp cao giấu tên của Philippines cảnh báo, việc Trung Quốc cải tạo và mở rộng những bãi đá ngầm tại Biển Đông là một phần của kế hoạch thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở khu vực này. Theo quan chức kể trên, Trung Quốc đang đợi hoàn thành các dự án mở rộng cơ sở không quân và hải quân tại các bãi đá Gạc Ma, Châu Viên, Ga Ven, Tư Nghĩa để đơn phương tuyên bố ADIZ như đã làm tương tự ở biển Hoa Đông hồi tháng 11/2013. Và một khi ADIZ được thành lập tại khu vực này, nó sẽ ảnh hưởng đến không phận và lực lượng hải quân Philippines đang đồn trú trên một số đảo, bãi đá, rạn san hô ở Trường Sa. Manila cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2014, Bắc Kinh đã nâng tổng số tàu tới bãi Scarborough/Hoàng Nham từ 11 lên 34.

Trước đó (27/9), khi trả lời phỏng vấn giới truyền thông, người đứng đầu Đài Loan Mã Anh Cửu tuyên bố, mặc dù luật pháp quốc tế chưa có quy định về việc thiết lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ), nhưng nếu một quốc gia muốn xác lập ADIZ phải thông báo cho các bên liên quan, nếu không sẽ dẫn đến nguy cơ đối đầu. Tuy nhiên, ông Mã Anh Cửu cũng cho rằng, rất ít khả năng xảy ra chiến tranh quy mô lớn giữa Trung Quốc với các nước đang có tranh chấp ở biển Hoa Đông và Biển Đông.

Cùng với việc xây dựng trái phép các căn cứ không quân, hải quân, Bắc Kinh còn phát triển bất hợp pháp hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch trên 4 đảo nhân tạo này như bể bơi, khách sạn để triển khai hoạt động du lịch từ Trung Quốc tới Trường Sa. Theo quan chức hàng không Philippines John Andrews, Trung Quốc sẽ thiết lập ADIZ ở Biển Đông bằng mọi giá bởi họ không ngừng theo đuổi yêu sách lãnh thổ bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Ngày 1/10, Hãng AP cảnh báo về cái gọi là “du lịch yêu nước” mà Bắc Kinh đang quảng bá, bởi đây là động thái nhằm hợp pháp hóa đối với 130 đảo san hô và bãi cạn ở quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Sở dĩ nói như vậy vì theo quy định của luật quốc tế, muốn khẳng định chủ quyền, Trung Quốc phải chứng minh quần đảo Hoàng Sa đang được sử dụng vào mục đích dân sự, chứ không phải quân sự. Được biết, “du lịch yêu nước” được Bắc Kinh mở trái phép cách đây hơn 1 năm (tháng 5-2013) và đã đưa khoảng 3.000 lượt khách đến Hoàng Sa. Theo Hãng AP, những chuyến du lịch kể trên mang mục đích chính trị hơn là giải trí.

Giới phân tích cho rằng, Trung Quốc đang dùng mọi phương tiện, từ tàu đánh cá, tàu ngư chính, kiểm ngư, rồi giàn khoan và du lịch tới quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhằm hiện thực hóa tham vọng bành trướng ở Biển Đông. Còn giới quân sự khuyến cáo, Bắc Kinh đang lợi dụng tình hình bất ổn tại Trung Đông và khủng hoảng ở Ukraine để bành trướng ở Biển Đông - đảo hóa các bãi đá và xây dựng căn cứ không quân bất hợp pháp ở Trường Sa. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn thử phản ứng và thái độ của Mỹ trong vấn đề này.

Tàu sân bay chế biến cá

Kế hoạch triển khai một tàu chế biến cá với trọng tải 200.000 tấn tới khu vực bãi đá Vành Khăn (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị Trung Quốc chiếm từ năm 1995) đang khiến dư luận quan tâm. Bởi nếu kế hoạch này thành công - tạo tàu sân bay chế biến cá, Trung Quốc có thể triển khai một hạm đội tương tự ở Biển Đông và biển Hoa Đông dưới sự bảo vệ của hải quân. Và tàu này có thể được sử dụng như một căn cứ chế biến hải sản di động cho Trung Quốc, đồng thời cung cấp các dịch vụ khác cho cả tàu dân sự và tàu quân sự Trung Quốc hoạt động tại khu vực này. Thông tin kể trên được tờ Khoa học Trung Quốc và Vượng Báo (Đài Loan) đăng tải (27/9), theo đó Bắc Kinh sẽ triển khai một tàu chở và chế biến cá với trọng tải 200.000 tấn tại vùng biển đang có tranh chấp. Giới truyền thông coi đây là nỗ lực nhằm tăng cường sự kiểm soát đối với khu vực, dần tiến tới độc bá Biển Đông.

Theo tờ Want Daily, Bắc Kinh sẽ xây dựng nhà máy điện hạt nhân nổi ở tỉnh Hà Bắc nhằm cung cấp điện cho các cơ sở của Trung Quốc ở Biển Đông và Viện Nghiên cứu 719 thuộc Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc được giao nhiệm vụ này. Và một số tàu cũng có thể được trang bị một lò phản ứng hạt nhân nhỏ để khai thác nguồn tài nguyên biển. Đây sẽ là cơ sở để Trung Quốc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân cho tàu sân bay hạt nhân trong tương lai. Việc này diễn ra sau chuyến thăm Thượng Hải hồi tháng 5 của Tổng thống Nga và ông Putin đã ký một hợp đồng với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình về việc 2 nước hợp tác xây dựng nhà máy kể trên. Cho đến nay, Nga là quốc gia duy nhất trên thế giới có nhà máy điện hạt nhân nổi mang tên Akademik Lomonosov.

hanhdongnguyhiem1

Mỹ và Philippines tiến hành tập trận đột kích đổ bộ ở Biển Đông

Ngày 25/9, mạng tin quốc phòng IHS Jane’s Defense (Anh) cho biết, các bức ảnh do tổ chức Airbus Defense and Space chụp được từ tháng 3 đến tháng 8/2014 cho thấy, Trung Quốc đang khẩn trương cơi nới Gạc Ma và bồi đắp 5 bãi đá ngầm khác, trong đó có Ga Ven thành đảo nhân tạo. Theo tờ Want China Times của Đài Loan, quân đội đóng tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc vừa tập trận phòng không (từ 27/9) với tình huống giả định ngăn chặn các cuộc tấn công đường không vào Quảng Châu và các thành phố lớn của Trung Quốc khi tranh chấp Biển Đông leo thang.

Ngày 29/9, tờ Stars and Stripes của Mỹ cho rằng, cuộc tập trận Valiant Shield do Washington tổ chức trên biển (từ 15 tới 23/9, với sự tham gia của lục quân, không quân, hải quân và thủy quân lục chiến) tập trung vào khả năng chiến đấu chống lại kẻ thù giống như Trung Quốc trong trường hợp Mỹ bị cản trở tiếp cận với hải phận và không phận quốc tế. Trong cuộc tập trận Valiant Shield, 18.000 binh sĩ Mỹ đã thử nghiệm khái niệm tác chiến nhằm vô hiệu hóa hệ thống thông tin liên lạc của đối phương trong vũ trụ và không gian ảo, sau đó tấn công tiêu diệt các căn cứ vũ khí trên đất liền và trên biển.

Theo ông Aaron Friedberg, Giáo sư tại Đại học Princeton, tác chiến Không - Biển chắc chắn là nhắm vào Trung Quốc. Washington đang rất lo ngại về các động thái của Bắc Kinh sau khi Lầu Năm Góc báo cáo trước Quốc hội rằng, Trung Quốc đang phát triển các loại vũ khí có thể ngăn cản tàu Mỹ đi lại an toàn trên các vùng biển quốc tế như Biển Đông và biển Hoa Đông.

Ngày 27/9, Hãng Kyodo dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Daniel Russel cho biết, không có thay đổi trong chiến lược “xoay trục” về Châu Á - Thái Bình Dương, cho dù Washington đang phải đối phó với các phần tử cực đoan thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Daniel Russel cũng chỉ trích “cách hành xử khó hiểu” của Trung Quốc khi tuyên bố chủ quyền đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời cho rằng quy mô, phạm vi và tiến độ đảo hóa của Trung Quốc ở khu vực này là nguồn gốc gây lo lắng và bất ổn.

Tờ The Nation của Thái Lan cho rằng, Bắc Kinh đang sử dụng sách lược đảo hóa để kiểm soát Biển Đông và Mỹ mới là đối thủ chiến lược của Trung Quốc ở khu vực này. Giới phân tích cho rằng, Malaysia muốn dùng Mỹ làm đòn bẩy với Trung Quốc sau khi nước này đề nghị Washington sử dụng một căn cứ không quân của họ (căn cứ không quân Labuan trên đảo Labuan ngoài khơi Borneo) làm nơi xuất phát cho các máy bay trinh thám tại Biển Đông, tạo cơ hội để Mỹ hiện diện ở Đông Nam Á.

Nhà phân tích địa - chính trị Robert Kaplan thuộc Công ty Nghiên cứu tình báo Stratfor tại Mỹ cho rằng, mục tiêu trang bị thêm vũ khí của Trung Quốc là nhằm đánh bật Mỹ ra khỏi Thái Bình Dương. Viện Hòa bình quốc tế Stockholm nhận định, Bắc Kinh tuy chưa bắt kịp tốc độ tăng chi tiêu quốc phòng với mức 665 tỉ USD/năm của Mỹ, nhưng số tiền Trung Quốc đã chi trong lĩnh vực này đã bằng tổng chi tiêu quốc phòng của 24 quốc gia tại khu vực Đông và Nam Á.

>> BẤM ĐÂY ĐỂ XEM TOÀN BỘ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CĂNG THẲNG TRÊN BIỂN ĐÔNG

Petrotimes.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: bien dong , tinh hinh bien dong , tranh chap tren bien , ngoai truong Philippines , tin , bao