Tìm thi thể nạn nhân vụ Cát Tường bằng máy bức xạ là không khả thi?
Thứ hai, 13/01/2014 16:50

Sông Hồng chảy qua rất nhiều nơi, mang về biết bao nhiêu là xác các động vật, chưa kể xương cốt của các loại động vật khác có từ bao nhiêu năm nay ở dưới đáy sông.

Tiến sỹ Vũ Văn Bằng đang đo bức xạ tại khu vực cầu Thanh Trì

Tiến sỹ Vũ Văn Bằng đang đo bức xạ tại khu vực cầu Thanh Trì

Tìm xác bằng máy bức xạ không hiệu quả?

Nhiều ngày qua, TS Vũ Văn Bằng (Liên hiệp hội hoa học và kỹ thuật Việt Nam) đã tiến hành tìm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền (nạn nhân bị Chủ cơ sở TMV Cát Tường ném xuống sông Hồng ngày 19/10/2013) bằng phương pháp máy đo bức xạ địa từ. Mặc dù đã khoanh vùng nhiều điểm khả nghi nhưng đến nay, thi thể chị Huyền vẫn chưa được tìm thấy. Đặc biệt, ngày 9/1 đại diện các nhà khoa học, gia đình và cơ quan công an đã có mặt ở bãi Tự nhiên (huyện Thường Tín, Hà Nội) để khai quật các điểm nghi vấn.

Sau khi dùng xà lan hút cát, máy bức xạ từ liên tục quay tít trong bụng xà lan. Tiếp tục bới tìm, lực lượng đã tìm thấy nhiều mẩu xương bị chôn vùi. Tuy nhiên, đây là những mẩu xương bị chôn vùi từ nhiều năm trước nên không thể là thi thể của nạn nhân Huyền. Như vậy, sau hơn 2 tháng thi thể chị Huyền bị ném xuống sông Hồng, mặc dù gia đình nạn nhân đã tìm nhiều biện pháp tìm kiếm nhưng tất cả vẫn chỉ là “con số không” tròn trĩnh.

Sau khi báo chí có nhiều bài phản ánh về phương pháp tìm kiếm thi thể nạn nhân Huyền bằng bức xạ, tòa soạn nhận được một bức thư của bạn đọc có tên Quỳnh Anh cho rằng phương pháp này khó khả thi vì máy bức xạ cứ gặp xác hoặc xương là… quay tít. Như thế, rất khó để xác định đâu là nơi thi thể chị Huyền bị chôn vùn.

Quỳnh Anh viết: “Tôi là người đã theo dõi diễn biến sự việc TMV Cát Tường làm chết khách hàng rồi vứt xác xuống sông Hồng nhằm che giấu tội lỗi của mình gây ra. Mặc dù gia đình chị Huyền đã tiến hành tìm thi thể của nạn nhân này bằng nhiều phương pháp nhưng hơn 2 tháng qua vẫn không thấy. Cá nhân tôi rất phẫn nỗ với hành vi mà đối tượng Tường gây ra cho gia đình nạn nhân nên tôi rất muốn đóng góp phương pháp tìm kiếm thi thể chị Huyền”.

Theo giải thích của Quỳnh Anh, phương pháp mà gia đình đã áp dụng thuê thợ lặn mò xác nạn nhân là không có hiệu quả. Bởi lẽ, thợ lặn xuống đáy sông 1 lần lặn tối đa cũng chỉ được khoảng 15 phút, như thế khả năng tìm kiếm chỉ ở trong phạm vi hẹp. Trong trường hợp đối tượng Tường dùng cách để cho nạn nhân không thể nổi lên được thì sự tìm kiếm bằng phương pháp mò lặn là không cao mà chi phí lại quá tốn kém. Bên cạnh đó, Quỳnh Anh cũng cho rằng, phương pháp tìm thi thể chị Huyền bằng máy bức xạ cũng ít khả thi, không hiệu quả.

buc-xa13

Máy bức xạ quay tít chỉ các điểm khả nghi có thi thể chị Huyền

Quỳnh Anh nhấn mạnh: “Phương pháp dùng máy bức xạ để tìm xác chị Huyền như tiến sĩ Vũ Văn Bằng đang làm tôi thấy rất khó chính xác và thành công. Bởi lẽ, cứ cho rằng máy bức xạ từ có thể đo và tìm được xương và xác chết đi thì trước hết sông Hồng chảy qua rất nhiều nơi, mang về biết bao nhiêu là xác các động vật, chưa kể xương cốt của các động vật khác từ bao nhiêu năm nay ở dưới đáy sông. Như thế, cho dù cái máy có chỉ đúng thì cũng chưa chắc đó là nơi thi thể của chị Huyền đã bị vùi lấp”.

Hiến kế…

Bức thư cho rằng, việc đối tượng Tường khai nhận đã ném xác chị Huyền xuống cầu Thanh Trì là có cơ sở. Thế nhưng, tìm kiếm bằng phương pháp nào, có hiệu quả nhất là vấn đề cần phải suy tính.

Quỳnh Anh hiến kế: “Tôi được biết là một số ngư dân đánh cá ở trên sông thường dùng 1 thiết bị gọi là cào dã. Thiết bị này giống như 1 cái dậm bắt cá nhưng lại khác xung quanh làm bằng lưới. Khi người đánh cá thả thiết bị xuống sông và dùng thuyền để kéo thiết bị này nó sẽ nằm sát đáy sông giống như cái bừa của người nông dân cày ruộng vậy. Tất cả những vật to bé (trừ bùn đất) đều nằm gọn vào trong lưới. Để tìm được xác chị Huyền, ta chế thêm vào thiết bị một số răng giống như bồ cào. Nhưng phải chú ý khi chế răng cào chỉ đủ cắm xuống bùn 30 cm đủ hất hết các vật vào trong lưới. Kéo được khoảng 500 m thì lại vớt lên kiểm tra các vật thu được, sau đấy tiếp tục kéo. Khi thi công cần thả phao neo 2 đầu để xác định vị trí, phải làm giống như cày ruộng vậy. Làm hết từng khúc sông, hết đoạn sông này rồi chuyển qua đoạn sông khác không để xót 1 đoạn nào cả. Như thế tất cả các vật thể dưới đáy sông đều được mò lên”.

Ngoài phương pháp kể trên còn có thể cho camera xuống đáy sông và dùng đèn màu vàng chuyên dụng để nhìn cụ thể các vật dưới đáy sông. “Tôi cứ trình bày những phương pháp này để cơ quan điều tra xem xét. Tôi cũng muốn nhanh chóng tìm được xác chị Huyền để gia đình chị được thanh thản phần nào, nhanh chóng kết thúc vụ án. Hơn nữa, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật khi bắt đối tượng Tường phải đền tội”- Quỳnh Anh viết.

Giadinh.net.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Những hình ảnh đầu tiên bên trong nơi diễn ra tang lễ của cố nghệ sĩ Chí Tài

Tag: Ném xác , Nguyễn Mạnh Tường , Thẩm mỹ viện Cát Tường , Phẫu thuật thẩm mỹ , Bảo vệ , Đào Quang Khánh , Hà Nội