Ngoài việc tăng các loại giá dịch vụ công, giải pháp được đưa ra để tăng nguồn cho cải cách tiền lương là giảm các loại phụ cấp, chế độ.
|
Những năm qua, việc tạo nguồn để thực hiện cải cách tiền lương còn gặp rất nhiều khó khăn do việc đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của khu vực sự nghiệp công lập không đạt mục tiêu, tiến độ đề ra. Từ thực tế này, bà Trần Thị Thu Hà – nguyên Vụ trưởng Vụ Hành chính – Sự nghiệp (Bộ Tài chính) đề xuất 3 giải pháp để tạo nguồn NSNN, đó là: giảm biên chế hành chính, tiền tệ hóa tiền lương và chuyển từ thu phí sang thu theo giá dịch vụ.
Chuyển từ phí sang thu theo giá
TS Trần Thị Thu Hà khẳng định: Để tạo nguồn kinh phí cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức (CB-CC) trong khu vực sự nghiệp công cần thay đổi nhận thức. Việc cần làm đầu tiên là thực hiện chuyển việc thu phí hiện nay sang thu theo giá dịch vụ. Hoạt động dịch vụ công diễn ra trong mọi lĩnh vực hành chính, kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, khoa học, thể dục, thể thao, môi trường,… Các hoạt động dịch vụ này thường do các đơn vị sự nghiệp thực hiện. Nhiều người cho rằng các đơn vị sự nghiệp công lập phải hoạt động dịch vụ không vì mục tiêu lợi nhuận (phi lợi nhuận), bởi NSNN cung cấp không để lấy lãi. Tuy vậy, phải quan tâm đúng mức đến sự tồn tại và phát triển của các đơn vị sự nghiệp công trong khi NSNN hạn hẹp, chưa cung cấp đủ kinh phí để đơn vị hoàn thành nhiệm vụ chính trị.
“Không ai có thể cung cấp một dịch vụ y tế chất lượng cao với phí/giá dịch vụ thấp được” – bà Trần Thị Thu Hà nói.
Cải cách tiền lương chưa thành công vì không có nguồn?
Thực tế, trong ngành Giáo dục - Đào tạo cũng như vậy, hệ thống trường sư phạm công lập được miễn thu học phí đã giúp sinh viên vào học thuận lợi, nhưng nhà trường thực sự rất khó khăn. Đến nay, chỉ có 51 trường đại học, cao đẳng sư phạm (18 trường ở trung ương và 33 trường địa phương) còn 33 trường đại học, cao đẳng đã không mang tên sư phạm nữa (17 trường đã đổi tên và 16 trường cao đẳng sư phạm địa phương nâng cấp lên đại học mang tên khác).
Bà Thu Hà cho rằng, học phí, viện phí nói riêng và phí nói chung có tính quyết định sự tồn tại và phát triển của các đơn vị sự nghiệp công. Dù đơn vị dịch vụ không vì mục tiêu lợi nhuận nhưng phí thu được vẫn phải đảm bảo trang trải chi phí hoạt động của đơn vị. Vì thế, nguồn cải cách tiền lương đơn vị sự nghiệp công có thể được thực hiện theo 2 phương án: Nâng mức thu phí lên gần hơn với chi phí của đơn vị sự nghiệp bỏ ra thực hiện dịch vụ; Chuyển chế độ thu phí sang thu theo giá bán dịch vụ.
Cùng chung quan điểm này nhưng ông Vũ Nhữ Thăng – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược tài chính, thận trọng cho rằng: “Chế độ học phí, viện phí cũng cần được điều chỉnh để giảm dần sự bao cấp của nhà nước song vẫn phải gắn với mặt bằng chung về mức sống và thu nhập của người dân, nhất là trong bối cảnh tổng nguồn lực mà xã hội đang chi tiêu vào hai ngành này đã là khá cao so với nhiều nước”.
Giảm bớt các loại phụ cấp
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài chính) đưa ra con số: Theo quy định hiện hành, hiện có 16 loại phụ cấp khác nhau được áp dụng (trong đó riêng phụ cấp đặc thù đã có tới 5 loại phụ cấp cụ thể). Một số mức phụ cấp đã cận kề mức lương tối thiểu, một số loại phụ cấp rất khó phân biệt điều kiện hưởng như phụ cấp khu vực và phụ cấp đặc biệt; như phụ cấp thâm niên và chế độ nâng bậc theo thâm niên…
Cũng phân tích về vấn đề này, ông Vũ Nhữ Thăng cho rằng: “Chế độ các khoản phụ cấp lương có xu hướng ngày càng mở rộng, ngành nào cũng có xu thế muốn có được các “đối xử riêng”. Việc có quá nhiều loại chế độ phụ cấp đã làm giảm ý nghĩa của các chế độ phụ cấp, đồng thời cũng làm giảm vai trò của tiền lương, làm cho các khoản chi lương có tính chất lương liên tục tăng nhanh, trong khi tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức vẫn bị cho là thấp”.
Từ các con số đã được các cơ quan chức năng báo cáo, phân tích, ông Đặng Như Lợi cho biết thêm: “Trong nhiều năm, hằng năm ngân sách nhà nước bố trí hàng chục ngàn tỉ đồng để thực hiện cải cách tiền lương mà chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không được nâng cao, thậm chí giảm sút và ngày một phình to. Đây là sự lãng phí lớn của ngân sách nhà nước”.
Bên cạnh đó, qua phân tích hai chế độ cung cấp phương tiện đi lại và điện thoại phục vụ công vụ, TS Trần Thị Thu Hà khẳng định: Cần đưa những khoản chi phí này vào tiền lương của CBCC. Vấn đề đặt ra chỉ là cơ quan đơn vị tổ chức thực hiện việc tiền tệ hoá tiền lương cho CBCC như thế nào. Có thể thấy cải cách tiền lương giai đoạn 2012-2020 là cơ hội để thực hiện tiền tệ hoá tiền lương một cách hợp lý, đúng thời cơ nhất.
Thêm nữa, TS Nguyễn Hữu Dũng cho rằng: “Tiếp tục thực hiện tiền tệ hoá những khoản chi công vụ có thể đưa vào lương (đất ở, nhà ở, phương tiện đi lại, xăng xe, thông tin liên lạc…) để xoá bao cấp, tiết kiệm chi tiêu công.
“Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp công (dịch vụ công) còn chậm và đạt kết quả thấp, nhất là trong y tế, giáo dục và đào tạo… làm khó khăn cho cải cách tiền lương và tạo nguồn để trả lương cao cho CBCCVC. Đây cũng là một trong những cản trở lớn nhất của cải cách tiền lương, do chưa tách bạch rõ ràng chính sách tiền lương đối với công chức khu vực HCNN và viên chức khu vực sự nghiệp cung cấp dịch vụ công” – ông Dũng nói.
Một vấn đề nữa được các chuyên gia kinh tế khẳng định là cần tách dần tổng quỹ lương từ NSNN và Quỹ BHXH, nguồn chi trả chính sách ưu đãi người có công, trợ giúp xã hội theo một cơ chế tạo nguồn và chi trả tương đối độc lập với NSNN, giảm dần áp lực tăng kinh phí từ NSNN khi thực hiện cải cách tiền lương CBCCVC. Trong đó, cần tách chính sách BHXH của CBCCVC hưởng lương từ ngân sách và BHXH cho lao động thị trường.
Đại diện cho dòng quan điểm này là ông Đặng Như Lợi bày tỏ: “Phải tách hoàn toàn mức hưởng của các đối tượng trong các chính sách này với chính sách tiền lương cho dù mức đóng có thể còn theo chế độ tiền lương. Xóa bỏ hoàn toàn chế độ bao cấp về nhà, đất, nhất là việc mua nhà, đất theo giá thấp; Thay đổi chính sách viện phí và BHYT để xóa bỏ việc khám, chữa bệnh theo chức vụ; Xem xét chế độ phương tiện đi lại và các chế độ bao cấp khác còn tồn tại”.
Thời gian tới, theo các nhà làm lương, cần rà soát các loại phụ cấp, qua đó hình thành hệ thống chế độ phụ cấp lương phù hợp, có quan hệ hợp lý với tiền lương.
“Cần chấm dứt việc mở rộng quá nhiều chế độ phụ cấp như hiện nay” – ông Vũ Nhữ Thăng khẳng định.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?