Thường xuyên ăn khoai tây có tốt cho sức khỏe?
Thứ ba, 07/07/2015 10:03

Một số ý kiến cho rằng khoai tây là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Thực chất, khoai tây là thực phẩm rất bổ dưỡng và có lượng calo thấp.

Khoai tây là thực phẩm được tiêu thụ nhiều nhất ở Mỹ. Có một số ý kiến cho rằng khoai tây là nguyên nhân dẫn đến bệnh tim, tiểu đường và béo phì. Gần đây, một số chuyên gia đã lên tiếng về vấn đề này.

Khoai tây bổ dưỡng, ít calo

Trudy Voortman, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm y tế Erasmus tại Hà Lan cho biết: "Thật tiếc vì từ trước tới nay khoai tây luôn bị coi là có hại và gây béo phì... thực chất khoai tây là một loại thực phẩm rất bổ dưỡng, có độ béo ngậy và chứa hàm lượng calo thấp".

Một nghiên cứu được tiến hành vào năm 2014 đã cho thấy rằng khoai tây không không phải là tác nhân gây tăng cân, béo phì. Tác giả của nghiên cứu, tiến sĩ Britt Burton-Freeman, giám đốc Trung tâm nghiên cứu dinh dưỡng tại Illinois Institute of Technology khẳng định rằng “không có lý do gì để không ăn khoai tây thường xuyên".

Nhưng điều này còn phụ thuộc vào cách bạn chế biến chúng, bạn không nên chiên, xông khói hay ăn kèm bơ và kem. “Nên ăn khoai tây, nhưng hãy cẩn thận với đồ ăn kèm cùng nó”, David Katz - giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phòng chống Đại học Yale cho biết.

Trung bình một củ khoai tây trắng chứa 36% vitamin C, 27% kali và 14% lượng carbohydrate. Khoai tây chưa gọt vỏ có chất dinh dưỡng hơn so với khoai tây gọt vỏ để chế biến. Khoai tây rất giàu tinh bột, tương tự như gạo và bánh quy. Lượng tinh bột này sẽ lầm tăng lượng đường trong máu và tăng mức insulin một cách nhanh chóng.

Khắc phục nhược điểm này, bạn nên ăn khoai tây kèm với đậu hoặc đậu que, những thực phẩm này giúp làm tăng chất xơ và làm chậm sự tăng đột biến lượng đường trong máu. Tiến sĩ Dan Ramdath, một nhà khoa học nghiên cứu lâm sàng tại Trung tâm Nghiên cứu Thực phẩm Guelph tại Canada còn khuyên thêm rằng: “Nên luộc khoai tây rồi để qua đêm trong tủ lạnh, việc này giúp giảm lượng tinh bột trong khoai tây, giúp cơ thể chúng ta tiêu hóa lượng tinh bột này chậm hơn”.

Không chỉ được ưa thích về hương vị, khoai tây còn là thực phẩm trang trí bắt mắt. Để tạo nên món ăn thêm màu sắc, bạn có thể thêm một ít khoai tây tím. Khoai tây tím giúp ngăn ngừa bệnh ung thư và điều hòa huyết áp ở những người béo phì.

Lời khuyên khi chọn mua khoai tây

Khi chọn khoai tây, nên nhìn khoai tây còn cứng, mượt và sạch sẽ.

Chọn khoai tây với hình dáng cân đối để giảm sự hao hụt khi gọt vỏ.

Chọn các loại khoai có kích cỡ đồng đều để nấu.

Tránh chọn các khoai có da nhăn nheo hoặc héo, có các chỗ đen mềm, đổi màu, các vết cắt hoặc bầm trên bề mặt vỏ hay xanh lục.

Lưu ý khi sử dụng khoai tây

Đừng bỏ vỏ: Thông thường người ta hiểu lầm tất cả dưỡng chất của khoai tây nằm ở vỏ khoai. Trong khi vỏ khoai chỉ chứa xấp xỉ một nửa chất xơ, phần lớn (> 50%) của dưỡng chất được tìm thấy bên trong củ khoai.

Thực tế như nhiều loại rau khác, việc nấu nướng ảnh hưởng đến sự tồn tại các chất dinh dưỡng bên trong, đặc biệt là vitamin, khoáng chất hòa tan, và các chất dinh dưỡng mât đi nhiều khi nấu với nước. Để duy trì hầu hết các chất dinh dưỡng trong khoai được nấu chín, phương pháp hấp hay dùng lò vi sóng là tốt nhất.

Khi bảo quản khoai tây ở nhiệt độ quá lạnh, chúng có thể chuyển sang màu đen hoặc màu xám khi nấu chín. Để ngăn chặn tình trạng này, hãy bảo quản khoai tây ở nhiệt độ trong khoảng 7,2 độ C – 10 độ C (45 độ F và 55 độ F).

Để sử dụng khoai tây một cách tốt nhất, bạn nên duy trì việc ăn uống điều độ. Bởi tất cả mọi thứ nếu tiêu thụ quá nhiều thì bao giờ cũng không tốt, ăn uống điều độ sẽ là một cách tốt nhất để cân bằng sức khỏe, cân bằng chất lượng giấc ngủ và giữ cho tinh thần tỉnh táo.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Mẹ bé gái 12 tuổi bị bạo hành, xâm hại tình dục ở Hà Nội: 'Vớ được cái gì ở ngoài đường là đánh nó bằng cái đấy'

Tag: Khoai tây , ăn khoai tây thường xuyên , ăn khoai tây thường xuyên có tốt không