Anh là một trong số ít những nghệ sĩ để lại nhiều giai thoại nhất trong làng điện ảnh Việt Nam.
Nghệ sĩ Thương Tin trong phim "Tìm người xứ hoa". |
Anh lại là nghệ sĩ hiếm hoi nhất, khi diễn vai nào là đóng đinh trong lòng người hâm mộ vai đó. Anh có một khuôn mặt góc cạnh, một cá tính cực nghệ sĩ…
Tôi đã viết rất nhiều chân dung nghệ sĩ, nhưng người tôi muốn viết về nhất chính là anh.
Nhắn cho anh một cái tin, là hú họa thôi, bởi tôi không chắc anh sẽ ngồi lại với mình. May là, anh phản hồi…
1. Thương Tín đến quán cà phê mà tôi và anh đã ấn định lịch hẹn với phong thái của một tay chơi, áo vàng hoa cài khuy, quần jeans, giày đen… tóc hai mái lòa xòa... Anh khác hẳn với những gì tôi hình dung. Bởi, tôi đọc những bài báo gần đây về anh, đa phần những đồng nghiệp đã khắc họa một Thương Tín đầy vẻ sám hối.
“Quá ít nhà báo hỏi anh trước khi viết bài, họ toàn tự nghĩ ra hay trao đổi với ai đó để viết về anh. Có người, còn miêu tả anh giờ mỗi chiều vào chùa thắp nhang, vọng hướng về điều xưa cũ. Em nghĩ đi, tính anh sao vào chùa được. Rồi có người viết, anh ngồi ở Mỹ, nhìn tuyết rơi thương nhớ quê nhà. Giỡn hoài, anh đã đi Mỹ lần nào đâu”, Thương Tín nói vậy.
Sao Thương Tín không yêu cầu tác giả của những bài báo viết không đúng về anh đính chính. Bạn bè anh hối thúc điều đó, khán giả của riêng anh cũng muốn điều đó… Nhưng, nếu Thương Tín làm vậy, Thương Tín đã không còn là Thương Tín. Vì với anh, tất cả chỉ là một cuộc chơi dài.
Thuở thiếu thời, Thương Tín đã rong chơi. Sài Gòn ngày đó, trong anh là những hôm bá vai bạn, chơi suốt từ sáng cho đến khuya. Cái chuyện vào học Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ chỉ là cái cớ nhằm trốn quân dịch. Học đến năm cuối, thì đất nước thống nhất. Anh lại tiếp tục theo học thêm 4 năm diễn xuất theo yêu cầu mới. Ra trường, anh đầu quân về đoàn kịch, có biên chế. Nhưng, Thương Tín không sinh ra để ở trong một môi trường bó hẹp. Cái tính vậy rồi. Thương Tín không chịu nổi ông thủ trưởng của đoàn, vậy là đi. Nhẹ không…
Đừng bao giờ hỏi Thương Tín kiếm được bao nhiêu tiền từ nghề diễn. Mặc cho, anh luôn thủ vai chính trong tất cả những bộ phim mà anh tham gia. Thương Tín không có thói quen hỏi giá cát-sê khi nhận vai. Anh đọc kịch bản thấy hợp, trao đổi với đạo diễn xong là… nhào vào diễn. Hiếm hoi thì nói với người mới: “Em cân đối thu chi của phim, xong trả bao nhiêu cho anh được thì trả”.
Những bộ phim “thời của anh” (chữ của Thương Tín - N.K.L), quay ròng rã nhiều tháng liền, cát-sê sắm được đúng một chỉ vàng. Chơi ra sao với một chỉ vàng ít ỏi ấy… Mà Thương Tín là diễn viên đầu tiên lái xe hơi đến trường quay, uống bia cả ngày và đêm thì nhảy đầm ở vũ trường.
Các cô gái yêu Thương Tín, lo cho Thương Tín điều đó. Có sao nói vậy thôi. Ví Thương Tín hết tiền, tự động lục ví bỏ thêm tiền vào. Thương Tín đi theo đoàn diễn xa, tự động biết cách lo lộ phí cho Thương Tín. Thương Tín muốn kéo nguyên bạn bè lên Đà Lạt, ra Nha Trang chơi vài tuần, tự phải biết ý của Thương Tín.
“Đó là những phụ nữ yêu thương anh thật lòng, nói với anh: “Chỉ cần anh để em yêu anh thôi, anh không cần yêu lại”. Những người phụ nữ rất giỏi và thích xem những vai diễn của anh”, Thương Tín nói tỉnh bơ.
2. “Anh là một thằng tào lao, chưa bao giờ biết thất tình”, Thương Tín bảo với tôi vậy. “Quan trọng, không phải là em có quyến rũ phụ nữ hay không. Quan trọng là, em phải nhận biết tín hiệu phụ nữ có thích em hay không?. Đừng để thất tình, thất tình chán lắm”, Thương Tín nói thêm.
Thời của Thương Tín hay ở thời điểm này, Thương Tín cần phụ nữ, đều có. Nhưng, “Không phải em có bao nhiêu phụ nữ. Điều em cần phải có, chính là một phụ nữ hiểu em. Phải thật sự hiểu em”.
Báo chí nói Thương Tín sát gái, Thương Tín đọc, cười ngất. “Gái sát anh chứ sao anh sát gái được. Anh yêu ai thật lòng, cô ấy cũng yêu anh thật lòng, đều không thành cả. Không thành không phải là do anh hay cô ấy thay lòng, không thành là do duyên số thôi. Anh là người tận khổ. Em phải tin điều này, anh sống đến đây anh nghiệm ra. Phụ nữ đến với em là do nợ nần nhau từ kiếp trước. Ai đến với em lâu là vì nợ em nhiều, ai đến với em chóng vánh là vì nợ em ít. Kiếp trước nợ, kiếp này phải trả cho xong chứ”.
Yêu ai, Thương Tín đều yêu thật lòng. Và mỗi lần yêu, chỉ yêu một người. Thương Tín không nói dối được, không nói dối được nên không thể nào yêu cùng lúc năm bảy cô. Thương Tín ít khi tìm đến phụ nữ, thường phụ nữ tự tìm đến anh. Đơn giản, anh không có thời gian. Vì có những thời điểm, Thương Tín tham gia một năm 12 bộ phim nhựa. Lịch quay kín hết ngày. Sáng quay, trưa quay, chiều quay, tối quay... Chạy xe hơi đến phim trường, nhảy xuống quay xong lại nhào lên xe chạy đi quay tiếp.
Người hâm hộ chen kín lối đi của anh. Anh ra Hải Phòng tham dự liên hoan phim toàn quốc, khán giả chặn anh lại, xé áo làm kỷ niệm. Dân giang hồ, cho xe ô tô đỗ trước nhà anh, bắt cóc anh đi chơi. Những lần vui với bạn bè, những cơn say với chiến hữu. Thương Tín rong chơi đúng kiểu, vội ngày vội tháng vội năm, quên ngoài sân hoa hồng vẫn nở.
“Bạn bè anh nhiều lắm, quan chức cũng có, đại gia cũng có, người bình dân cũng có. Anh nói thiệt, giả mà một ngày anh nói, mỗi bạn cho anh 10 ngàn đồng, thì chắc chắn anh phải có một số tiền rất lớn”, Thương Tín kể.
Một tay chơi đúng nghĩa như anh đương nhiên phải nhiều bạn bè. Tuy nhiên, với anh, bạn bè chỉ để chơi, để quý mến nhau. Như cái đận 2007, anh gặp hạn. “Hạn mà, chuyện tào lao cũng thành lớn. Không đâu ra đâu”, lời của Thương Tín khi nói về chuyện 6 năm về trước. Thời đó, bạn bè đổ đi tìm anh, gọi điện thoại cho anh, nhao nhao: “Cần gì? Bao nhiêu tiền? Gõ cửa ai?”… Anh từ chối hết, anh trả lời: “Còn tự lo được”.
Chắc đến lúc nào đó đuối quá, anh cũng sẽ cần đến bạn bè. Còn đuối lúc nào, thì chưa biết được. “Mấy lần khổ quá, bạn bè đưa tiền cho anh xài. Muốn lấy lắm, nhưng mà thôi phải từ chối. Anh không muốn bạn bè anh nghĩ rằng chơi với nhau chỉ để như vậy. Đương nhiên, bạn bè anh hiểu tính anh. Nhưng, anh không thích. Như bây giờ, anh có nhiều ý tưởng để làm phim ảnh lắm. Anh hê lên một tiếng, bạn bè cho anh tiền làm ngay. Nhưng, anh lại băn khoăn làm có thành công hay không? Bạn bè đưa tiền cho mình làm, mình phải sinh lợi cho bạn bè trước đã chứ. Không may mình làm thua, tội nghiệp bạn. Phải là tiền của anh thì mọi thứ đơn giản lắm rồi. “Riêng em anh mới kể cái này, nghệ sĩ có danh như anh, nghèo thì buồn lắm. Người bình thường, nghèo cứ nghèo. Còn anh, nghèo cũng phải cố ra vẻ mình không nghèo. Cũng phải hất mặt nhìn đời, cũng phải gồng lên mà sống”, Thương Tín nói.
Độ này, anh đi đi về về giữa Phan Rang (Ninh Thuận) và thành phố Hồ Chí Minh liên tục. Anh trở lại với điện ảnh để hoàn thành trách nhiệm của một người cha. Cô con gái của anh, vừa vài tháng tuổi.
3. Thương Tín vừa hoàn tất xong vai diễn chính trong bộ phim Tình người xứ hoa (Đạo diễn Lê Hồng Sơn), ngoài ra anh còn đảm nhiệm vai trò phó đạo diễn. Trong phim, Thương Tín vào vai một đại gia lắm tiền, đông đàn em chuyên ép dân trồng hoa bán đất để xây dựng một trung tâm ăn chơi. Hết Tình người xứ hoa, anh tham gia vào hàng loạt phim khác, như: Bên kia sông, Tối qua mơ gì...
“Nhiều năm rồi, anh mới trở lại điện ảnh. Hồi đó, anh tính thôi luôn, vì không cảm thấy hứng thú với cuộc chơi này nữa. Nay thì anh có động lực. Con gái út của anh mới bảy tháng tuổi, giống anh như đúc vậy em, những cái không giống anh thì lại giống ba má anh. Nên thôi, anh nghĩ là mình phải bớt chơi lại, ráng làm, tích lũy dành dụm cho con. Anh tuổi này rồi, mai chết đi cũng phải để lại cho con chút của để dành chứ. Không lẽ, chẳng để lại cho con gái được chút gì”, anh tâm sự.
Con gái anh, niềm động lực cuối đời của anh, là kết quả của một tình yêu mang đậm sắc màu lãng tử. Tự dưng tôi nhớ câu nói của nhân vật trong phim Thập diện mai phục, khi nhân vật này hỏi cô bạn gái: “Ba ngày muội đi với hắn, không bằng ba năm ta dành cho muội hay sao?”. Yêu đương mà, dài ngắn thì quan trọng gì. Đặc biệt, với một gã lãng tử như Thương Tín.
Tôi có hỏi anh, “Cho đến giờ, thật lòng em vẫn không hiểu một người tài hoa, đầy giai thoại như anh sao lại không có tiền được?”. Thương Tín trả lời, “Anh với Hồng Vân đi xem bói, thầy bói nói: “Lộc của nghề cho Hồng Vân son lắm. Còn lộc của anh đen lắm”, nghiệm lại thấy rất đúng”. Thương Tín đã có lần toan thay đổi cái lộc của mình, nhưng bất thành. Anh là nghệ sĩ đúng nghĩa, tuyệt nhiên không thể bước ra kinh doanh được.
Hàng chục năm trước, đạo diễn Lâm Tới xem anh diễn kịch, mà mời anh sang đóng phim. Trên đỉnh danh vọng, dưới đỉnh danh vọng hay những ngày ẩn dật, Thương Tín vẫn không đánh mất cái chất riêng của mình. Một cái chất phóng khoáng và đầy kiêu bạc. Với Thương Tín, đời sống là một cuộc rong chơi đầy màu sắc.
Trước khi chia tay nhau, tôi có nói với anh: “Anh là một trong số ít những nghệ sĩ rất được khán giả chiều. Đơn giản, là anh đã lấy những vai diễn của anh chiều khán giả trước. Đó là một sự sòng phẳng rất thú vị”. Thương Tín cười, giọng vừa đủ nghe: “Khán giả yêu thương anh lắm. Yêu thương anh rất nhiều. Những lúc tuyệt vọng, anh nương theo sự yêu thương này mà đứng dậy, bước đi”.
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Đàm Vĩnh Hưng không thể hủy đơn kiện chồng tỷ phú của ca sĩ Bích Tuyền?
- MC Thành Trung sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào ở tuổi 41?
- Thương Tín được người nhà đưa lên TP.HCM khám bệnh, nhìn chân của nam nghệ sĩ mà dân tình xót xa
- Dương Triệu Vũ hé lộ 'thế lực' giúp Đàm Vĩnh Hưng giải quyết vụ kiện triệu đô
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%
- Chân dung Tổng Giám đốc 8x đầu tiên của Google Việt Nam, là nữ tướng của loạt doanh nghiệp lớn