Thương hiệu gạo Việt là tài sản quốc gia
Thứ bảy, 29/06/2013 10:28

Hạt gạo Việt Nam đã vươn lên đứng hàng đầu thế giới về xuất khẩu trong nhiều năm.

Muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt, cần có kênh phân phối tốt

Muốn xây dựng thương hiệu gạo Việt, cần có kênh phân phối tốt

Tuy nhiên,  hầu như chẳng có mấy nhà phân phối gạo ở các nước biết đến tên tuổi gạo Việt Nam. Đó chính là bái toán về cách làm thương hiệu.

DN chỉ lo “hớt váng”?

GS.TS Võ Tòng Xuân cho biết, mới đây, ông có dịp tham gia Hội chợ thương mại quốc tế tại Bangkok - Thái Lan (ThaiFEX 2013). Tại dây, Việt Nam có 11 gian hàng gồm bánh kẹo, sữa, mì ăn liền, hủ tiếu khô... nhưng không có gian hàng nào về gạo cả. Điều này đã khiến ông băn khoăn.

Theo GS. TS Võ Tòng Xuân, hiện cánh đồng mẫu lớn đã được Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang đưa vào sản xuất thành công. Với mô hình này, DN và nông dân đều nhận được các lợi ích khá lớn, nông dân có thu nhập cao hơn, công ty có sản phẩm đồng đều với chất lượng đảm bảo. Và cánh đồng mẫu lớn cũng đã giải quyết được vấn đề thị trường, công nghệ, vốn sản xuất - các yếu tố chính để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị. Thế nhưng, mới đây Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), một tổ chức có quyền lực trong thị trường gạo Việt Nam lại tỏ ra không mấy hào hứng với chương trình này. Các thành viên của VFA đều là những DN xuất khẩu gạo lớn nhưng họ chẳng màng đầu tư xây dựng chuỗi giá trị vào sản xuất gạo có thương hiệu mà chỉ “hớt váng”, hưởng chênh lệch giá. Hiện gạo Việt Nam chỉ được biết đến tỉ lệ 5, 10, 25% tấm, còn hầu như không có một thương hiệu nào.

Cũng theo ông Xuân, trong vấn đề tiêu thụ gạo, điều bất cập là không có ràng buộc giữa các bên. DN và người nông dân cứ vô tư ký hợp đồng, rồi sau đó bên nào muốn phá hợp đồng cũng được. Các DN Việt Nam cho đến nay vẫn rất ít nghĩ đến chuyện thương hiệu mà chỉ với giá càng rẻ càng tốt, sau đó bán kiếm lời. Về cơ chế điều hành xuất khẩu gạo, hầu hết mọi quyết định đều giao cho Tổng Công ty Lương thực Việt Nam, nên họ chi phối rồi bắt các đơn vị nhỏ hơn làm theo.

Bốn giải pháp

Về các giải pháp nâng cao giá trị thương hiệu gạo Việt, GS.TS Võ Tòng Xuân đề xuất: Thứ nhất, nâng cao hiệu quả truyền thông. Nếu theo mô hình cánh đồng mẫu lớn trước đây là liên kết 4 nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà DN, thì nay cần bổ sung thêm nhà thứ 5, đó là nhà truyền thông. Bởi lẽ, khi đã mang trên mình vương miện của những ông vua, hẳn những nhà điều hành trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam phải có một tầm nhìn và chiến lược khác xứng tầm với vị thế của những bậc quân vương. Nghĩa là, chúng ta phải đi từ chuyện thống lĩnh thị trường thế giới từ "lượng" sang đến "chất". Tất nhiên, điều này đòi hỏi cả một ngành công nghiệp dịch vụ rất phát triển đi kèm. Bởi chỉ có phát triển mảng dịch vụ (trong đó phải có một chiến lược thương hiệu và truyền thông cấp quốc gia cho ngành này) đi kèm với lĩnh vực sản xuất, những sản phẩm gạo của chúng ta mới có cơ hội góp mặt một cách đàng hoàng, đĩnh đạc trên thị trường toàn cầu, chứ không phải là luôn phải núp bóng những thương hiệu của các đại gia trên thế giới.

Thứ hai, đầu tư bộ giống quốc gia. Đây là điều quan trọng trong xây dựng thương hiệu gạo Việt, phải xem là tài sản quốc gia, phải được đầu tư một cách bài bản và có chiến lược. Tại Việt Nam, đã có một số chuyên gia làm được điều này. Tuy nhiên, cần phải xem việc phát triển bộ giống lúa là một chiến lược quốc gia.

Thứ ba, giải pháp từ kênh phân phối. Ưu tiên hàng đầu của các DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam là xây dựng kênh phân phối nội địa. Hầu hết họ đều thành công và phát triển ổn định. Điều này cũng không hoàn toàn ngoại lệ với ngành gạo. Nếu các DN Việt Nam muốn xây dựng thương hiệu gạo thành công, việc đầu tiên là phải xây dựng cho được kênh phân phối và chiến thắng trên thị trường nội địa trước.

Thứ tư, chủ động tìm khách hàng mới. Đây được xem là mắt xích cuối cùng quan trọng và tiên quyết trong chuỗi giá trị phát triển nông công nghiệp và dịch vụ của mỗi quốc gia. Nếu tiếp tục tháo rời chuỗi giá trị đó ra từng mắt xích riêng lẻ  để cho mạnh ai nấy lo cho mắt xích của mình như cách làm của chúng ta hiện nay, thì cuối cùng người nông dân phải chịu thiệt thòi. Chúng ta cần phối hợp lực lượng để chiến thắng trong mặt trận này. Các công ty phân phối hàng - nhất là hàng xuất khẩu - phải nắm được thị trường mình ở đâu, khối lượng xuất bao nhiêu, chất lượng thế nào, truy nguyên xuất xứ được không. Có thông tin trước như vậy mới có thể khoanh vùng và đầu tư cho vùng nguyên liệu với kỹ thuật nông nghiệp cao, từ đó nông dân mới sản xuất đúng theo yêu cầu cho công ty thu mua và chế biến, đăng ký thương hiệu, và xuất khẩu.

Với cách làm như thế, sản phẩm của các công ty chắc chắn đạt yêu cầu khách hàng, và nhờ đó mới dám đi tham gia nhiều hội chợ quốc tế.

Bảo Nam

Clip đang được xem nhiều nhất: Clip: Kinh hoàng cảnh kính cường lực vỡ thành trăm mảnh, đổ ập lên người bé trai

Tag: Gạo Việt Nam , Thương hiệu gạo việt , Xuất khẩu , Phân phối