Theo bản báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế vừa được công bố, Iran đang mở rộng nhanh chóng hoạt động hạt nhân nhạy cảm của nước này.
|
Thông tin gây sốc này chắc chắn sẽ khiến các cường quốc phương Tây và Israel thêm lo ngại về khả năng nước CH Hồi giáo sắp có vũ khí nguyên tử.
Trong bản báo cáo dài 11 trang, IAEA cho biết, Iran đã mở rộng chương trình hạt nhân bằng cách tăng số lượng máy ly tâm làm giàu uranium tại nhà máy Natanz từ 6.000 máy hồi mùa thu năm ngoái lên 9.000 máy hiện nay. Uranium là nguyên liệu có thể được sử dụng để chế tạo bom nguyên tử nếu nó được làm giàu ở mức độ tinh khiết cao.
Iran cũng đang xúc tiến các hoạt động chuẩn bị để lắp đặt thêm hàng ngàn máy ly tâm mới. Đây là nỗ lực nhằm thu ngắn thời gian sản xuất uranium mức độ tinh khiết cao phục vụ cho mục đích chế tạo vũ khí hạt nhân.
Theo IAEA, Iran đã tích cực mở rộng hoạt động ở cả nhà máy làm giàu uranium chính là Natanz và cả cơ sở ngầm dưới lòng đất Fordow. Phương Tây và Israel đặc biệt lo ngại về cơ sở Fordow bởi Iran đang chuyển hoạt động nhạy cảm nhất trong chương trình hạt nhân của nước này về đây. Đó là hoạt động làm giàu uranium lên cấp độ tinh khiết 20%.
Được xây dựng kiên cố dưới độ sâu 80m với lớp đất đá dầy bao phủ bên trên, cơ sở Fordow của Iran được cho là sẽ an toàn trước bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ và Israel.
Muốn sản xuất được bom nguyên tử, Iran phải có uranium được làm giàu ở cấp độ 90%. Hoạt động làm giàu uranium ở cấp độ tinh khiết cao như vậy đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Tuy nhiên, theo các chuyên gia phương Tây, một khi Iran đã làm giàu được uranium cấp độ 20% thì việc nước này đạt được “bước đột phá” trong mục tiêu chế tạo bom nguyên tử không còn xa.
IAEA cho biết, Iran hiện tại đã làm giàu được gần 110kg uranium có độ tinh khiết 20%. Một quả bom nguyên tử cần 250kg uranium loại này, nhưng tất nhiên là nó phải được làm giàu lên thêm nữa.
Bản báo cáo của IAEA cũng đề cập chi tiết về chuyến thăm kéo dài 2 ngày của phái đoàn IAEA đến Iran trong tuần này. IAEA đã bày tỏ sự thất vọng thực sự trước việc Tehran từ chối không cho thanh sát căn cứ quân sự Parchin. Các thanh sát viên IAEA muốn điều tra xem liệu căn cứ Parchin có phải đang được sử dụng để tiến hành các vụ thử thiết bị nổ hạt nhân hay không. Kết quả chuyến thăm của IAEA là một cú giáng mạnh vào nỗ lực nối lại đàm phán hạt nhân giữa Iran với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức.
"IAEA tiếp tục lo ngại sâu sắc về khía cạnh quân sự trong chương trình hạt nhân của Iran", Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã bày tỏ như vậy trong bản báo cáo hàng quý về Iran. Bản báo cáo này sẽ được gửi tới các nước thành viên của IAEA.
Việc Iran tăng cường hoạt động hạt nhân cả vì mục đích quân sự và dân sự đã chứng tỏ nước này không hề có ý định lùi bước trong cuộc đối đầu kéo dài với phương Tây dù cho cuộc đối đầu này có nguy cơ leo thang thành chiến tranh.
Phản ứng của các nước
Bản báo cáo mới nhất của IAEA chắc chắn sẽ khiến phương Tây và Israel lo ngại hơn nữa.
Nhà Trắng cho biết, bản báo cáo của IAEA cho thấy, Iran đang vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc với chương trình làm giàu uranium.
"Kết hợp với việc ngăn chặn không cho các thanh sát viên Liên Hợp Quốc kiểm tra cơ sở quân sự Parchin, các hành động của Iran gần đây đã không thể thuyết phục cộng đồng quốc tế về bản chất hòa bình trong chương trình hạt nhân của nước này”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng – ông Tommy Vietor đã cho biết như vậy trong một tuyên bố.
Israel, nước liên tục đe dọa sẽ tấn công phủ đầu các cơ sở hạt nhân của Iran, hiện tại chưa đưa ra lời bình luận nào về những thông tin gây sốc trong bản báo cáo mới nhất của IAEA. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak từng cảnh báo, hoạt động nghiên cứu hạt nhân của nước CH Hồi giáo chẳng bao lâu sẽ bước vào “vùng miễn nhiễm”.
Trong khi đó, người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh Châu Âu (EU) – bà Catherine Ashton, cho biết, bản báo cáo của IAEA làm gia tăng lo ngại về mục đích thực sự trong chương trình hạt nhân của Iran.
Bà Ashton, người đại diện cho Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức, Anh và Pháp trong các cuộc đàm phán bế tắc với Iran, đã kêu gọi Tehran hợp tác đầy đủ với IAEA để giải tỏa những lo ngại của cộng đồng quốc tế hiện nay và xây dựng niềm tin vào bản chất chương trình hạt nhân của nước này.
Đáp lại những phát biểu trên, Đại sứ Iran tại IEAE cho biết, bản báo cáo đã làm sáng tỏ lập trường của Iran, đồng thời nhấn mạnh Tehran sẽ không từ bỏ các nỗ lực hạt nhân.
Quan hệ giữa Iran với các cường quốc phương Tây từ lâu vốn luôn ở trong trạng thái căng như dây đàn, lúc nào cũng như sắp sửa rơi vào miệng hố chiến tranh, chỉ bởi vì chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran. Tuy nhiên, mối quan hệ căng thẳng này bắt đầu leo lên đến gần đỉnh điểm vào hồi tháng 11 năm ngoái khi IAEA tung ra một bản báo cáo gây sốc, trong đó lần đầu tiên cơ quan này cáo buộc Tehran đang bí mật sản xuất bom nguyên tử. Thông tin gây chấn động này ngay lập tức trở thành “mồi lửa” kích cho ngọn lửa âm ỉ ở khu vực Trung Đông bùng cháy dữ dội. Ngay sau đó, dấy lên tin đồn về việc Mỹ, Anh và Israel đang lên kế hoạch tấn công Iran.
Bản báo cáo mới nhất được tung ra ngày hôm qua với nhiều nội dung gây sốc không kém bản cáo cáo hồi tháng 11 năm ngoái chắc chắn sẽ khiến cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran thêm trầm trọng.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?