Giá xăng tăng, chắc chắn sẽ tạo ra một đợt giá mới cho các mặt hàng, người tiêu dùng trong nước thì tiếp tục "méo mặt" bởi đã quen với việc vật giá leo thang.
"Xăng tăng một cốc, giảm một giọt"... những hệ lụy từ việc tăng giá xăng ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân (Ảnh minh họa) |
"Loạn" cách tính giá xăng, dầu
Làm một phép tính cộng đơn giản cho việc tăng giá xăng sẽ thấy, từ đầu năm đến nay, giá xăng có 7 lần điều chỉnh, trong đó tổng 4 lần giảm chỉ là 2.700 đồng, trong khi tổng 3 lần tăng là 3.4000 đồng và lần giảm nhiều nhất gần đây là 800 đồng (ngày 7/6). Rõ ràng, việc tăng giảm của giá xăng có sự chênh lệch, có thể nói là tăng nhiều giảm ít thì tất yếu giá các mặt hàng tính từ đầu năm đến nay cũng có sự chênh đáng kể theo hướng dễ tăng khó giảm. Vô hình chung, người tiêu dùng đã sống chung với bão giá một cách bị động, đến khi chủ động được thì đã quen!
Một "nghi vấn" nữa làm "loạn" giá bán xăng dầu ở đây chính là cách tính giá cơ sở của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Sau 2 lần tăng giá xăng vừa qua, các doanh nghiệp gửi kiến nghị lên Bộ tài chính "kêu" lỗ xuất phát từ nhiều cách tính, doanh nghiệp thì tính giá cơ sở 10 ngày, có doanh nghiệp lại tính bình quân 20 ngày. Dẫn đến mức chênh lệch giá từ các doanh nghiệp khác nhau.
Ngoài ra, có DN tính giá dầu diezen thì lại lấy chủng loại diezen 0,25S thay vì chủng loại 0,5S như quy định. Chi phí cước vận tải, bảo hiểm cho hàng hóa giữa các DN cũng khác nhau nên giá CIF xăng dầu cũng khác. Điển hình lần tăng giá xăng ngày 1/8, nếu doanh nghiệp tính 10 ngày cuối cùng của tháng thì mức lỗ xăng dầu lên tới 1.500-1.900 đồng/lít. Song nếu tính giá bình quân 30 ngày như quy định thì mức lỗ này thấp hơn và sẽ có điều chỉnh thấp hơn phù hợp với mức lỗ của doanh nghiệp xăng dầu, và mức điều chỉnh giá sẽ thấp hơn.
Trên cơ sở đó, ngày 10/8 Bộ tài chính đã có công văn gửi các doanh nghiệp xăng dầu phải thống nhất cách tính giá cơ sở để điều chỉnh giá bán theo khung chung của thế giới là 30 ngày.
Nhịp điệu tăng của xăng tỉ lệ thuận với các mặt hàng
Từ 14h ngày 1/8/2012, giá xăng tiếp tục tăng thêm 900 đồng/lít, đưa mức giá xăng hiện tại từ 21.500đồng/lít lên 22.400 đồng/lít. Như vậy, tính từ đầu năm 2012 đến nay, giá xăng đã được điều chỉnh 7 lần với 3 lần tăng và 4 lần giảm. Việc giá xăng tăng kéo theo giá cả của các loại mặt hàng đều tăng theo. Điều này đã trở thành “quy luật thường thấy” với người tiêu dùng.
Xăng dầu vốn là loại mặt hàng khoáng sản luôn trong tình trạng “nóng” không chỉ đối với Việt Nam mà còn thị trường thế giới nói chung. Do vậy, giá cả xăng dầu trong nước cũng có mức giá thay đổi phù hợp với thế giới. Những ngành liên quan trực tiếp đến xăng dầu tăng là điều dễ hiểu. Thế nhưng ngay cả những mặt hàng không chịu nhiều tác động của giá xăng cũng “té nước theo mưa” thì lại trở nên…. khó hiểu?
Thực tế cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) một phần phụ thuộc vào sự tăng hay giảm của giá xăng. Vào những đợt giá xăng tăng thì giá nông, thực phẩm như gạo, rau xanh, thịt các loại, bánh kẹo, rượu bia… tùy thuộc vào từng mặt hàng đều tăng giá dao động từ 1.000 – 5.000 đồng. Bên cạnh đó những dịch vụ như: Giá nhà thuê, môi giới, giá lãi suất… đều tăng theo. Những người chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng bởi câu trả lời cho hiện tượng tăng giá ấy chính là "xăng tăng".
Người tiêu dùng sống chung với bão giá
Với người nội trợ nói chung, không chỉ “thắt lưng buộc bụng” trong việc đi chợ, mà còn “dằn lòng” tiết kiệm với các khoản tiêu dùng khác như mua sắm, làm đẹp, giải trí…
Chị Bình - công nhân dệt may, ngụ tại Quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: "Bình thường tôi đã phải rất tiết kiệm, huống chi xăng lại tăng giá liên tục 2 tháng liền đã khiến nhiều chi phí bị đội lên. Vì thế cả nhà càng phải chi tiêu dè xẻn". Chị liệt kê: Dưa leo, cà chua tăng 2.000 đồng một kg, rau tăng 500-1.000 đồng một bó, thịt xay tăng 1.000 đồng một gr, cá tăng 3.000-5.000 đồng một kg. "Cộng thêm tiền học cho con 1 triệu đồng mỗi tháng nên quanh đi quẩn lại quỹ dự phòng cho gia đình ngày càng vơi dần", chị tặc lưỡi. Chị tiết lộ, chị đã bỏ hẳn thói quen đi chợ buổi sang để chịu khó bớt thời gian nghỉ giữa ngày đội nắng đi chợ buổi trưa là một cách tiết kiệm hiệu quả. Bởi lẽ mọi hàng hóa còn thừa sau 12h trưa đều rẻ hơn sáng sớm. Song được cái nọ lại mất cái kia, hàng rẻ nhưng không tươi ngon và cũng chẳng có nhiều sự lựa chọn. "Mình khó khăn mới phải thế, còn biết làm sao bây giờ", giọng chị buồn so.
Hay để đối phó với nguy cơ lủng túi thời hậu xăng tăng giá, chị Bích Trâm, nhân viên kinh doanh và chứng từ một công ty xuất nhập khẩu lên kế hoạch chi tiêu cặn kẽ hơn. Cô kể, đổ đầy bình xăng cho chiếc xe số giờ gần 80.000 đồng, tăng khoảng 10.000 đồng so với cách đây 2 tháng. "Với mức lương 5 triệu đồng một tháng, tôi buộc phải cân nhắc kỹ hơn trong chi tiêu hàng ngày. Giảm mua sắm, hạn chế tụ tập bạn bè, bỏ hẳn thói quen đi xem phim, picnic hay cà phê dịp cuối tuần", nhân viên này bộc bạch.
Đối với sinh viên thì còn vất vả, khổ sở hơn nhiều khi phải chạy sau theo giá. Từ giá thịt, rau đến giá phòng, điện, nước… cùng tăng liên tiếp khiến nhiều sinh viên sống trên thành phố lớn chuyển từ ăn chất sang lượng, bữa ăn ít đạm nhiều rau rồi cảnh chuyển nhà, đi làm thêm, mua hàng giảm giá… dần trở thành quen thuộc với đời sống sinh viên ngoại tỉnh. Theo khảo sát của phóng viên thì từ đầu năm đến nay, hầu hết các phòng trọ sinh viên tại khu vực Cầu Giấy, Hà Đông, Bách Khoa, Ngã Tư Sở… đều đồng loạt tăng từ 100-300 nghìn/phòng. Bạn Vân, sinh viên Đại học Thương mại chia sẻ: “Bọn mình hàng tuần đều đi chợ đầu mối Dịch Vọng để mua thức ăn cho rẻ. Mỗi tuần chỉ ăn một đến hai bữa thịt, còn chủ yếu ăn đậu, lạc, trứng. Đến luộc rau mình không cho nhiều nước để tiết kiệm gas… Tóm lại là tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.
Người tiêu dùng sống chung với bão giá nguyên nhân từ việc tăng giá xăng dầu (Ảnh: Internet)
"Dựa hơi" lý do xăng, điện, gas tăng nên giá điện, nước sinh hoạt tại các khu trọ cũng được áp đảo gấp 3, 4 lần mức giá quy định của nhà nước. Giá điện các chủ nhà trọ thường thu 4 nghìn đồng/kwh còn tiền nước sinh hoạt 10 nghìn đồng /m3. Do đó, để tiết kiệm chi phí, nhiều sinh viên áp dụng chiêu “ba cùng”: Tăng người ở cùng phòng, cùng nấu nướng, mua sắm, đi chung xe để giảm chi phí.
Không chỉ là sự lo lắng của cá nhân người tiêu dùng mà các doanh nghiệp sản xuất cũng chịu cảnh chung. Theo Cục Thống kê thì CPI hai tháng 6 và 7 âm liên tục cho thấy sức mua người dân đang dần cạn kiệt, sản xuất trì trệ. Cầu giảm thì ắt cung giảm. Báo cáo mới nhất của Chính phủ cho hay, từ đầu năm đến 20/7, cả nước chỉ có gần 40.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 11,6% so với cùng kỳ. Trong 7 tháng đầu năm có 30.300 doanh nghiệp phải giải thể do gặp khó khăn. Một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và nguyên liệu cho biết, từ 1-3 đã điều chỉnh giá bán do chi phí đầu vào tăng. Nhóm các mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm chế biến có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu tăng giá bán từ 8- 10%. Nhóm hàng thủy sản đông lạnh, phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng tăng khoảng 10%. Thậm chí, thị trường chứng khoán còn chịu ảnh hường của giá xăng tăng.
Một số doanh nghiệp chia sẻ, thời gian qua, thách thức đến với doanh nghiệp một cách trực diện, ào ạt, theo phản ứng dây chuyền. Tổng giám đốc một doanh nghiệp xây dựng cho hay, sau Tết, Công ty bị khách hàng hủy tới gần chục hợp đồng đã ký nguyên tắc. Công ty không thể trách họ, vì không bán được hàng, các dự án tạm dừng triển khai. Không dám mạnh tay cắt giảm đồng lương của người lao động vốn không lấy gì làm dư dả, Công ty đã áp dụng phương thức cắt giảm ít nhất 30% thu nhập của cán bộ cấp trưởng phòng trở lên. Một số cơ quan, đơn vị "cắt giảm nhân sự" giảm chị tiêu công, cắt luôn chế độ nghỉ mát của nhân viên...
Xăng và làn sóng giá sẽ còn kéo dài đến cuối năm?
Việc điều chỉnh giá xăng không hoàn toàn là nguyên nhân khiến cho thị trường vật giá lên xuống thường xuyên, nhưng lại là nguyên nhân tác động không nhỏ đến biến động thị trường giá cả và đời sống người tiêu dùng.
Giá xăng dầu tăng, các mặt hàng cũng tăng giá theo dẫn đến nhu cầu tiêu thụ hàng hóa giảm bởi người tiêu dùng phải chi tiêu tiết kiệm hơn, các doanh nghiệp sản xuất thì lo giá thành cao trong khi nhu cầu mua giảm, buộc họ phải thu nhỏ quy mô, sa thải nhân viên hoặc bí bách hơn là đóng cửa sản xuất, kinh doanh. Như vậy, hệ lụy của giá xăng tăng không đơn giản chỉ là việc vật giá leo thang (khó xuống) mà còn dẫn đến tình trạng thất nghiệp của công nhân, đời sống người dân không được đảm bảo… Câu hỏi và giải pháp đã được nhiều chuyên gia phân tích và đặt ra như việc minh bạch giá xăng, hỗ trợ giá xăng của nhà nước… nhưng dường như vẫn chưa có hiệu quả.
Người tiêu dùng chắc chắn còn phấp phỏng trong khoảng thời gian từ giờ đến cuối năm với việc “xăng tăng một cốc, giảm một giọt”. Vậy trong khi hi vọng vào một giải pháp hay chính sách nào đó cho giá xăng trong tương lai thì trước mắt, người tiêu dùng vẫn cứ phải thực hiện: Tiết kiệm chi tiêu – hạn chế tiêu xài – làm việc tối đa.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?