“Thôi miên” tung hoành các ngõ ngách
Thứ ba, 20/03/2012 11:55

Không chỉ những người bán hàng trở thành "con mồi" của tội phạm "thôi miên", chiêu lừa đảo theo dạng "thôi miên" này đã luồn lách vào từng ngõ ngách, chủ động gõ cửa từng nhà để "săn mồi".

Nhiều người bị lừa, mất tiền rồi mà vẫn còn hoang mang không hiểu mình đã bị “thôi miên” kiểu gì, có người phỏng đoán đó là một dạng đánh thuốc mê liều lượng nhẹ…

Lừa đảo táo tợn

Vốn là một phụ nữ sắc sảo, lại làm công việc giao tiếp nhiều với các thành phần trong xã hội, chị T ở Yên Phụ, Hà Nội khiến người thân không khỏi bất ngờ khi bị lừa mất 9 triệu đồng. Câu chuyện bắt đầu từ buổi đi chợ sớm, rồi tình cờ gặp lại một người quen “bắc cầu” cách đây hơn chục năm. Sau đôi lời hỏi thăm, được “chạm đúng nỗi niềm”, chị T than thở với người quen về căn bệnh đau khớp của mình. Thế rồi chả hiểu làm sao, chị T cứ bước thấp bước cao dẫn người quen đó đi từ chợ về nhà bà cô mình để vay 9 triệu đồng, mua thang thuốc trị đau khớp. Đến lúc bừng tỉnh, mở mấy thang thuốc ra, chỉ thấy toàn củi khô và giẻ vụn.

Vụ thôi miên cướp vàng ở Quảng Ngãi chỉ là trò bịp của bà chủ tiệm vàng

Chị N.T.H ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội thì mất 7 triệu đồng trong lúc bán thuốc cho một người nước ngoài. Theo chị kể, không hiểu tại sao lúc đó lại rút trong tủ ra cọc tiền hơn 20 triệu đồng để trả lại khách. Thế rồi chị cứ nhìn chằm chặp vào bàn tay của ông khách nước ngoài đang vừa chọn vừa rút từng tờ tiền mệnh giá 500.000 đồng của mình mà chẳng phản ứng gì. Sau khi ông khách đi, vài phút sau chị H mới bừng tỉnh và dần dần nhớ lại từng chi tiết.

Không chỉ ở Hà Nội, hình thức lừa đảo dạng “thôi miên” đã len lỏi vào những ngõ xóm ở các tỉnh thành khác. Sáng ngày 16/3 vừa qua, có hai đối tượng đã tìm đến tận nhà bà Nguyễn Thị Viện (trú tại xóm 8, xã Quỳnh Hậu, Quỳnh Lưu, Nghệ An) để giới thiệu mua vé trúng thưởng xe máy. Sau màn thuyết trình, cũng với hình thức lừa đảo được cho là thôi miên, bà Viện đã đưa 5 chỉ vàng và 4 triệu đồng tiền mặt, tổng trị gia tài sản khoảng 30 triệu đồng cho bọn chúng.

Chiêu cũ: Đổi tiền lẻ

Anh Đ.T.D đứng đợi bạn trên phố Phan Chu Trinh, Hà Nội thì thấy một chiếc taxi đỗ lại trước mặt. Hai người nước ngoài da đen, ăn vận rất lịch sự, tay xách cặp bước xuống, loay hoay một hồi để trả tiền taxi, một trong hai người quay sang nói tiếng Anh, hỏi anh D có thể đổi giúp họ tờ tiền 500.000 đồng sang tiền lẻ để trả cho lái xe taxi hay không. Anh D hào hiệp rút ví tìm tiền lẻ đổi ngay cho họ. Và mãi đến khi người bạn tới đón, anh D vẫn đang ở trạng thái cầm chiếc ví của mình và ngơ ngẩn nhìn đường phố. Tỉnh lại, anh D phát hiện mình đã mất hơn chục triệu đồng và mấy trăm USD để trong ví.

Trường hợp của anh D không phải là hiếm hoi, nhiều người đã phản ánh về việc bị người nước ngoài, người Việt đi ôtô sang trọng, ăn vận lịch sự hỏi đường, nhờ đổi tiền lẻ. Sau màn nhờ vả đó, nạn nhân chẳng còn tỉnh táo nữa, dù không ngất, mọi hoạt động vẫn bình thường nhưng lại tự nguyện đưa ví, đưa tiền cho đối phương. Khi tỉnh lại, có người cảm thấy bị đau đầu, khô họng, nhưng cũng có người không có cảm giác gì khác biệt.

Đây được coi là thủ đoạn lừa đảo mới “đánh” vào lòng tốt và sự cả tin của nhiều người, nhằm chiếm đoạt tài sản. Rất nhiều người tốt bụng đã bị mất số tiền lớn chỉ vì những pha “làm phúc phải tội”. Một số điều tra viên các quận, huyện có chung một nhận định: Ở nhiều vụ, các đối tượng người Việt đã câu kết với một số đối tượng là người nước ngoài, ăn mặc lịch sự, đi xe ôtô xịn tìm các “con mồi” là những người có hình thức sáng láng, hồn hậu hoặc những người bán và chủ cửa hàng kinh doanh để lừa đảo. Có vụ, chúng đã lấy đi hàng nghìn USD với mánh khóe vờ vào nhà hàng ăn uống rồi nhờ chủ nhà hàng đổi tiền đôla sang tiền Việt để tiện chi tiêu. Đánh vào lòng tham của nạn nhân, bọn chúng chấp nhận giá quy đổi theo ý chủ cửa hàng dù có hơi thiệt một chút. Có người còn bị đổi tiền Việt để lấy cả xấp tiền đôla âm phủ.

Thiếu tá Quách Tuấn – Đội phó Đội CSĐT tội phạm về trật tự xã hội – CA quận Cầu Giấy cho biết: Hình thức lừa đảo bán thuốc chữa bệnh đã xuất hiện khá lâu trên địa bàn Hà Nội, số nạn nhân cũng rất nhiều nhưng đến nay trên địa bàn Cầu Giấy mới xử lý hình sự được 2 vụ. CA quận đã nhận được cả trăm đơn trình báo bị lừa đảo theo hình thức này. Trong số đó, có nhiều trường hợp nạn nhân còn u mê đi vay mượn, rút tiền qua thẻ ATM hoặc rút tiền tiết kiệm để mua những gói thuốc rởm. Khi tỉnh táo lại, người thì nhận được toàn giẻ vụn và cành cây khô, người lại thấy toàn hạnh nhân và hạt dẻ cười trong túi thuốc vừa mua cả chục triệu đồng.

Hiện nay ở nhiều địa phương đã hình thành các nhóm đối tượng chuyên đi lừa với thủ đoạn này. Nhiều nạn nhân cảm thấy mình bị đánh thuốc mê, có người còn khẳng định mình bị hít phải thứ thuốc lú (?!). Nhưng không ít nạn nhân vì ham chút lợi nhỏ mà bị dẫn dụ để dốc sạch tiền vàng ra “nộp” cho bọn lừa đảo. Theo các chuyên gia, các chiêu thức lừa đảo dạng này quá tinh vi, rất có thể các nạn nhân đã bị đánh thuốc kích thích thần kinh tạm thời nên bị lừa như vậy. Theo điều tra của CA quận Cầu Giấy – địa bàn đã xảy ra nhiều trường hợp bị lừa đảo dạng này, khi bắt giữ các đối tượng lừa đảo, Cơ quan Công an không hề tìm thấy tang vật là thuốc ngủ hay thuốc mê. Phân tích kỹ hơn, nếu bị đánh thuốc mê, không thể có chuyện nạn nhân vẫn đi phăm phăm đưa kẻ lừa đảo về nhà mình hoặc đi vay, đi rút tiền trả cho chúng. Tuy nhiên, cũng chưa thể loại trừ khả năng một số đối tượng lừa đảo đã dùng chiêu thức nào đó khiến nạn nhân bị phân tâm, không đủ tỉnh táo để nhận biết hành vi rút tiền, chiếm đoạt tài sản của bọn chúng.

Bởi vậy, trước sự nảy sinh và phát triển nhanh chóng của hình thức lừa đảo dạng này ở các tỉnh thành, thậm chí đã lan về các ngõ ngách làng xóm, người dân cần cảnh giác hơn nữa. Đặc biệt, cần cảnh giác khi tiếp xúc với người lạ, người nước ngoài và những người chào bán những mặt hàng giá rẻ.

Petrotimes.vn
Tag: Pháp luật , Trộm cắp , Thôi miên , Trộm cắp tài sản , Lừa đảo