Thêm một giả thuyết về nguyên nhân chìm tàu Titanic
Thứ năm, 12/04/2012 13:57

Vào thời điểm sắp kỷ niệm một thế kỷ xảy ra vụ chìm tàu Titanic, các chuyên gia vẫn chưa thôi tranh cãi về nguyên nhân thực sự khiến con tàu huyền thoại đâm vào tảng băng và chìm trong một đêm mùa đông trời trong vắt, dù nhiều cuộc điều tra đã diễn ra.

Có lẽ phải đổ lỗi cho sự kiêu căng ngạo mạn của con người. Có lẽ chúng ta có thể cho rằng điều kiện khí quyển đã gây ra những ảo ảnh hoặc một sự kiện thiên văn cực hiếm khiến các tảng băng trôi vào đường đi của tàu. Đây là hai giả thuyết mới nhất do một tác giả cuốn sách về Titanic và một nhóm nhà khoa học thiên văn đưa ra.

Nhưng nỗ lực tìm ra nhân tố tự nhiên đã gây ra vụ đắm tàu có lẽ cũng chỉ để tìm ra một cái cớ để biện minh cho thái độ không đếm xỉa tới thông tin.

Những giả thuyết và nghiên cứu mới rất quan trọng, nhưng điều cơ bản nhất vẫn là do thuyền trưởng không chú ý đến cảnh báo về các tảng băng trôi, và con thuyền đã đi quá nhanh, theo James Delgado, Giám đốc di sản hàng hải tại quan Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA).

Một phần Titanic đang nằm dưới đáy biển. (Nguồn: AP)

Một trong những giả thuyết đưa ra nói rằng Titanic có lẽ đã trở thành nạn nhân của một ảo ảnh tương tự như thứ mọi người thường nhìn thấy khi sắp chết khát trên sa mạc. Đây là giả thuyết của nhà sử học Tim Maltin, người từng viết 3 cuốn sách về con tàu huyền thoại, đưa ra. Cuốn sách mới nhất, với tựa đề “A Very Deceiving Night” (Tạm dịch: Một đêm cực kỳ đánh lừa) cho rằng bầu khí quyển đã đánh lừa thủy thủ đoàn Titanic trong một đêm trời không một gợn mây.

Đó là một đêm trời trong vắt, và có điều gì đó kỳ lạ trên bầu trời Bắc Atlantic, báo cáo của thủy thủ đoàn các tàu, trong đó có cả Titanic, cho biết.

Không khí trên biển lạnh bất thường khiến ánh sáng bị bẻ cong một cách bất thường xuống dưới. Sĩ quan đầu tiên của Titanic, William McMaster Murdoch, nhìn thấy thứ mà ông mô tả là “mây mù ở đường chân trời, và tảng băng xuất hiện ngay chỗ sương mù đó”.

Những con tàu khác, và cả những người sống sót sau vụ đắm tàu, nói rằng họ nhìn thấy quang cảnh rất lạ và họ gặp khó khăn trong việc tìm đường đi quanh các tảng băng trôi.

Các nhà khí tượng học của Anh sau đó đã theo dõi địa điểm của sự đảo nhiệt và nói rằng họ phát hiện hiện tượng đảo nhiệt trong 60% thời gian họ kiểm tra.

Quá trình đảo nhiệt tương tự có lẽ đã khiến những tín hiệu cứu hộ Titanic phát ra trông có vẻ thấp hơn, khiến một tàu cứu họ nói rằng họ có cảm tưởng tàu Titanic trông có vẻ bé hơn và cách xa hơn thực tế.

Nhà vật lý Donald Olson và Russell Doescher ở ĐH Bang Texas đưa ra một giả thuyết trên tạp chí Sky &Telescope (Bầu trời và Kính thiên văn) tương đồng với giả thuyết của Maltin. Olson, người luôn gắn các sự kiện lịch sử với yếu tố thiên văn – nói rằng vài tháng trước khi xảy ra đắm tàu, mặt trời và trái đất nằm thẳng hàng, tạo thêm lực kéo đối với thủy triều trên trái đất. Trái đất gần mặt trăng hơn so với cả thời kỳ 1.400 năm trước đó.

Giả thuyết của họ dựa trên các ghi chép lịch sử và thiên văn, cùng với nghiên cứu năm 1978 bởi một chuyên gia về thủy triều.

Họ cho rằng những đợt thủy triều bất thường khiến mảng băng ở Greenland  tách ra tách ra nhiều tảng băng. Những tảng băng này bị tắc ở khu vực gần Labrador và Newfoundland, nhưng sau đó lại từ từ trôi về phương nam, rồi trôi vào đường đi của tàu Titanic. Maltin nói rằng những tảng băng trôi cũng đưa thêm dòng nước cực kỳ lạnh vào khu vực này, khiến hiệu ứng ảo ảnh lại càng được phóng đại.

Có thể có thủy triều và ảo ảnh bất thường vào thời gian đó, nhưng sự thật cơ bản không thể chối cãi vần là con tàu đi quá nhanh trong vùng nước nguy hiểm, Lee Clarke, chuyên gia thiên tai ở ĐH Rutgers và là tác giả của cuốn sách “Worst Cases” (Tạm dịch: Những trường hợp tồi tệ nhất), nhận xét.

“Nếu Titanic dừng lại vào đêm đó vì có băng giống như tàu Californian của Anh thì “thủy triều và ảo ảnh” cũng không gây ra vấn đề gì.

Vào ngày 14/4, ngày Titanic va vào băng, thủy thủy đoàn nhận được 7 cảnh báo về băng dày, trong đó có một cảnh báo từ tàu Californian chỉ chưa đầy 1 giờ trước khi xảy ra vụ va chạm định mệnh. Đáp lại cảnh báo từ tàu Californian, Titanic gửi lại tin nhắn: “Câm miệng. Chúng tôi đang bận”.

Chuyên gia thảm họa Charles Perrow ở ĐH Yale nói rằng lý thuyết về ảo ảnh có thể đúng, vì không khí lạnh từng là nguyên nhân gây ra vụ tai nạn máy bay năm 1979 ở Nam Cực, mà trước đó người ta cho rằng đó là lỗi của phi công.

Đất Việt/AP
Tag: Titanic , UNESCO , Di sản văn hóa , Tàu đắm , Quốc tế , Kỷ niệm 100 năm Titanic , Nguyên nhân chìm tàu Titanic