Sau ba năm kể từ ngày Melanie Oudin viết nên câu chuyện cổ tích ở giải US Open 2009, giờ đây hiếm người còn nhận ra cô gái ấy.
Oudin với chiếc cúp WTA đầu tiên trong sự nghiệp hồi tháng 6 |
Oudin đứng dưới tán lá cây trốn cái nắng chói chang giữa trưa hè ở Washington D.C, nhìn qua hàng rào xem trận đấu vòng loại ở giải đơn nữ trong sự thờ ơ của dòng người chảy ngược xuôi. Chỉ có một người nhận ra, hay nói đúng hơn là muốn trò chuyện với cô, đấy có lẽ là người bạn cũ tham dự giải Citi Open ATP 500.
Oudin không phải đánh vòng loại. Cô được xếp tập trong một cụm bốn sân liền nhau sau khi xem xong trận đấu giữa hai tay vợt trẻ “mồm to” nhất làng tennis nữ hiện nay là Lacher De Brito (Bồ Đào Nha) và Gabriela Paz (Venezuela), những người cùng hét xấp xỉ 110 decibel mỗi khi vợt vụt vào quả bóng. Cạnh cô là một tay vợt trẻ người châu Á và tay vợt nữ người Pháp Aravane Rezai, Oudin miệt mài trau chuốt cú thuận, thứ vũ khí được cho là mạnh nhất của cô.
Nhưng vẫn không có ai đứng bám hàng rào để xem Oudin, người từng được gọi là nàng công chúa của tennis nước Mỹ lúc ấy chỉ biết trông đợi vào chị em nhà Williams và cũng vừa bắt đầu bước vào thời kỳ thoái trào.
“Không còn là trung tâm của mọi sự chú ý nữa cũng chẳng phải tệ lắm dù biết rằng nó phản ánh thành tích của tôi trên sân đấu. Tôi đang được sống với cuộc sống bình thường của mình, như tôi đã từng có trước US Open 2009”, Oudin, người năm nay mới 20 tuổi, với vóc dáng của một thiếu nữ bất chấp làn da sạm nắng, nhưng đã bắt đầu trầm tư như một “bà già”, trả lời phóng viên TT&VH như thế ngay tại tổ hợp tennis Rock Creek Park ở Washington D.C.
Cuộc sống của Oudin quả thực từng bị đảo lộn sau kỳ tích loại bốn tay vợt sừng sỏ của Nga là Maria Sharapova, Anastasia Pavlyuchenkova, Elena Dementieva và Nadia Petrova để vào tứ kết US Open 2009. Oudin bảo phần thưởng cho cô là được gặp gỡ với những người nổi tiếng như minh tinh Jenifer Aniston, được lên chương trình Good morning của kênh ABC News, là những buổi chụp hình và quay phim.
Oudin khi ấy cũng là tấm gương và niềm mơ ước của bao đứa trẻ. Mỗi lần rời sân đấu là cô phải ký cả trăm quả bóng hay tấm ảnh từ đám trẻ vây quanh lối đi, là trả lời những câu hỏi về cuộc sống đã thay đổi của cô thế nào, là bí quyết để làm nên thành công và cô sẽ trông đợi gì ở phía trước.
“Nó chính là áp lực mà tôi phải gánh. Những kỳ vọng của mọi người, và trên hết của chính bản thân tôi trong khi tôi chưa thể tự cân bằng được đã khiến tôi thi đấu dưới sức trong một thời gian dài”, Oudin lý giải tại sao cô lại trượt dốc không phanh trong gần hai năm.
Oudin sau thành công ở US Open đã leo lên tới vị trí thứ 31 WTA đầu năm 2010. Nhưng đầu năm 2012, cô đã lọt ra khỏi top 300 với một chuỗi thất bại ám ảnh: năm giải liên tiếp không thắng nổi một trận. Và giờ đây, khi Oudin bắt đầu tìm lại được cảm giác chiến thắng, cô vô địch giải WTA lần đầu trong sự nghiệp ngay trước thềm Wimbledon khi thắng cựu số một Jelena Jankovic, cô gái đến từ tiểu bang Georgia mấp mé trở lại top 100.
Oudin nói cô đã sẵn sàng cho một cuộc sống mất cân bằng nữa nếu nó lại xảy ra lần nữa. “Tôi không thể thất bại mãi được. Tôi có những mục tiêu của mình, là tích lũy điểm để leo từng bậc trên bảng xếp hạng. Còn viết tiếp một câu chuyện cổ tích ư, tôi không nghĩ tới điều đó lúc này. Hoặc nếu nó có xảy ra, thì đó là nhờ những kinh nghiệm tôi tích lũy và những thay đổi trong phương pháp tập luyện mà tôi đã thực hiện kể từ đầu năm”.
“Tôi không cảm thấy tủi thân vì không mấy ai tới xin chữ ký nữa. Tennis và thể thao là như thế, rất khắc nghiệt, chỉ có thành công hoặc thất bại. Tôi và bất cứ ai khác cũng phải biết chấp nhận là hôm nay mình được đánh ở sân trung tâm, nhưng ngày mai có thể chỉ được xếp chơi ở sân có vài trăm chỗ ngồi”.
Thứ hạng không đủ vào thẳng US Open
Ba năm sau khi vào tới tứ kết US Open, Melanie Oudin giờ còn không đủ điểm để có thể tham dự trực tiếp giải đấu trên sân nhà này vì cô đã rớt xuống hạng 121 thế giới. Liên đoàn tennis Mỹ (USTA) đã tuyên bố vào tuần trước tốp 102 tay vợt nữa được vào thẳng giải US Open, trong đó không có tên Oudinh. Tuy nhiên, cô vẫn có thể tham dự giải với tư cách một trong tám suất đặc cách của USTA. Ngoài ra sẽ có thêm 16 tài vợt nữa được tham gia vòng sơ loại. Khi cô gây ấn tượng mạnh ở US Open 2009, Oudin mới 19 tuổi. Cô là một người gốc Pháp, có một người chị song sinh, Katherine, và một người người em gái nữa, Christina. Oudin tự học ở nhà từ lớp bảy để cô có thể đến sân tập tennis thường xuyên hơn, nhưng thừa nhận từng thấy ghen tị với người chị tái được đi học bình thường. Thần tượng của Oudin là Justin Henin vì “cô ấy có thể chứng minh rằng bạn không cần phải cao mới có thể chiến thắng”. Tình yêu tennis của Oudin xuất phát từ người mẹ khi bà tặng cô và người chị gái vợt tennis lúc họ còn nhỏ.
Match Point: Ngôi sao Mardy Fish
Giải ATP 500 tổ chức ở Washington D.C năm 2012 có nhà tài trợ mới là Citi bank, nên đã lồng thêm giải WTA International với 220.000 USD tiền thưởng bên cạnh nội dung đơn nam truyền thống. Giải dù trùng với Wimbledon, nhưng vẫn thu hút được một số tay vợt hàng đầu như Mardy Fish, số 15 ATP, Tommy Haas, cựu số hai thế giới và là nhà đương kim vô địch giải Gerry Webber sau khi đánh bại Roger Federer ở chung kết, hiện tượng của tennis thế giới 2011 Alexandr Dolgopolov... Fish không tham dự Olympic vì từng giành huy chương bạc tại Athens 2004, Haas vắng mặt ở London vì Liên đoàn tennis Đức có quy định chỉ cử các tay vợt top 20 đi tham dự, còn Dolgopolov có mâu thuẫn với Liên đoàn tennis Ukraina. Mardy Fish hồi tháng 5 năm nay vẫn còn nằm trong top 10 ATP, và là tay vợt Mỹ có thứ hạng cao nhất tại thời điểm đó, chính vì thế là ngôi sao sáng nhất của giải. Các buổi tập của Fish luôn rất nhiều người hâm mộ, và anh là người duy nhất được ban tổ chức giải cử hai nhân viên an ninh hộ tống mỗi khi anh bước ra khỏi sân. Mục tiêu của Fish là lấy lại phong độ sau khi bị bệnh, chuẩn bị thật tốt cho US Open 2012 còn chưa đầy một tháng nữa.
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành