Liên quan đến bản quyền truyền hình bóng đá, công văn giải quyết khiếu nại của thanh tra Bộ VH-TT&DL khẳng định “nội dung khiếu nại của HĐQT VPF là không đúng và không có cơ sở pháp luật”.
|
Ngày 15.3.2012, ông Vũ Xuân Thành-Chánh thanh Tra Bộ VH-TT&DL đã ký Quyết định về việc giải quyết giải quyết khiếu nại của HĐQT Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đối với Kết luận số 02/KL-TTr ngày 15.02.2012 của Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL. Công văn khẳng định “nội dung khiếu nại của HĐQT VPF là không đúng và không có cơ sở pháp luật”.
Phó Chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên là người phản ứng mạnh mẽ nhất với hợp đồng thương quyền bóng đá Việt Nam giữa VFF và AVG
Kết quả xác minh nội dung khiếu nại cụ thể như sau:
1. Về quyền của VFF đối với thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức và thẩm quyền ký kết hợp đồng của VFF.
a) Về quyền của VFF đối với thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức.
Kết luận 02/KL-TTr ngày 15.02.2012 của Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL đã viện dẫn đầy đủ các cơ sở pháp lý theo đúng nguyên tắc áp dụng pháp luật, các Điều 170, 230, 231 Bộ luật Dân sự; khoản 2 Điều 53 Luật Thể dục, thể thao; Điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thể dục, thể thao và Khoản 14, Điều 4 Điều lệ VFF để khẳng định VFF là chủ sở hữu duy nhất đối với thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức, các câu lạc bộ chỉ có quyền lợi đối với thương quyền các giải bóng đá này.
VPF viện dẫn khoản 1 Điều 170 Bộ luật Dân sự để xác lập quyền sở hữu là chưa chính xác trong việc áp dụng pháp luật. Trong trường hợp này phải áp dụng khoản 7 Điều 170, vì Bộ luật Dân sự là bộ luật quy định chung, có tính khái quát, đối với những trường hợp có luật chuyên ngành điều chỉnh thì căn cứ vào luật chuyên ngành xác lập quyền sở hữu. Do đó, căn cứ khoản 2, Điều 53 Luật Thể dục, thể thao để xác lập quyền sở hữu đối với các giải thể thao.
Cụ thể là: “Liên đoàn thể thao quốc gia, câu lạc bộ thể thao chuyên nghiệp và các tổ chức, cá nhân khác tổ chức giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp là chủ sở hữu giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp do mình tổ chức”, theo quy định này thì VFF, câu lạc bộ, tổ chức, cá nhân là các chủ thể độc lập, bất cứ chủ thể nào trong nhóm này sẽ là chủ sở hữu đối với giải thể thao do chính chủ thể đó tổ chức, không phải là các đối tượng cùng tham gia giải thể thao là đồng sở hữu đối với giải thể thao.
HĐQT VPF, viện dẫn khoản 1 Điều 74 Điều lệ VFF là chưa phù hợp, vì Điều 74 quy định về quyền lợi của các thành viên VFF, Điều này thể hiện ngay ở tên của Điều 74 là “ Các quyền lợi”. Chính vì các thành viên đều có quyền lợi đối với tài sản chung, nên mặc dù VFF là chủ sở hữu, nhưng trước khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá với Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên, VFF vẫn phải thông qua BCH, Thường trực BCH và Đại hội Liên đoàn là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của VFF.
b) Thẩm quyền ký kết Hợp đồng của VFF
Theo quy định tại khoản 2, Điều 91 Bộ luật Dân sự, “đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân”; Khoản 2 Điều 74 Điều lệ VFF quy định “Ban chấp hành Liên đoàn quyết định phương thức và mức độ sử dụng những quyền được quy định ở khoản 1 Điều 74, đồng thời đưa ra các quy định đặc biệt cho mục đích này. Ban chấp hành có quyền quyết định sử dụng độc quyền các quyền trên hoặc liên kết với một bên thứ ba hoặc hoàn toàn thông qua bên thứ ba”; Điều 75 Điều lệ VFF quy định: “VFF là cơ quan duy nhất được trao quyền cho các đối tác về phân phối hình ảnh, âm thanh và những dữ liệu khác của các trận bóng cũng như các sự kiện hoạt động bóng đá do VFF tổ chức và không có bất kỳ giới hạn nào về nội dung thời gian, địa điểm, các vấn đề kỹ thuật và pháp lý”.
Như vậy, VFF có đủ thẩm quyền trong việc chuyển nhượng quyền sở hữu đối với các giải bóng đá thuộc VFF cho Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên.
2. Về việc chuyển nhượng thương quyền Đội tuyển quốc gia của VFF.
Quyền sở hữu Đội tuyển quốc gia và quyền sở hữu thương quyền Đội tuyển quốc gia, là hai khái niệm khác nhau, không đồng nhất. Khi tập trung Đội tuyển quốc gia, Nhà nước đã hỗ trợ từ 40 – 50% kinh phí, chủ yếu là phục vụ việc ăn, ở, đi tập huấn... (các chế độ này đã được Bộ Tài chính quy định). Vì vậy, thương quyền các trận đấu mà Đội tuyển quốc gia tham dự không thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11, ngày 29/11/2005 và Luật quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, số 09/2008/QH12 ngày 03/6/2008.
3. Về việc VFF không thông báo công khai đến Đài truyền hình quốc gia (VTV) và các đài truyền hình khác khi bán thương quyền các giải đấu bóng đá do VFF tổ chức.
Đối tượng chuyển nhượng của Hợp đồng giữa VFF và Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên là thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức, theo quy định của Điều 1, Luật Đấu thầu thì chỉ khi lựa chọn nhà thầu cung cấp dịch vụ tư vấn, mua sắm hàng hoá, xây lắp đối với gói thầu thuộc dự án sử dụng vốn nhà nước để mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của VFF mới thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.
Điều lệ VFF cũng không quy định việc chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá do VFF tổ chức phải thông qua hình thức đấu thầu. Mặt khác, Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên đã chủ động liên hệ với VFF để đàm phán, ký kết Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá quá trình này đã diễn ra công khai, kéo dài gần 01 năm, các phương tiện thông tin đại chúng cũng đã nhiều lần đưa tin.
Như vậy, khi bán thương quyền các giải bóng đá, VFF có quyền mời hoặc không mời Đài truyền hình quốc gia (VTV) cũng như các đài truyền hình khác và các đài truyền hình này có tham gia hay không, không phải là điều kiện bắt buộc mà pháp luật quy định.
Dựa vào những lý lẽ nêu trên, Thanh tra Bộ VH-TT&DL đã đưa ra Quyết định gồm 4 điều, cụ thể như sau:
Điều 1. Giữ nguyên nội dung Kết luận 02/KL-TTr ngày 15.02.2012 của Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL về việc thanh tra việc ký Hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đối với các giải bóng đá thuộc VFF năm 2011-2030.
Điều 2. VFF và VPF thực hiện nghiêm Kết luận 02/KL-TTr, ngày 15.02.2012 của Chánh thanh tra Bộ VH-TT&DL.
Điều 3. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được Quyết định này nếu không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại, HĐQT VPF có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL hoặc giải quyết theo khoản 1, Điều 62 và Điều 63 của Điều lệ VFF.
Điều 4. VFF, Công ty Cổ phần Viễn thông và Truyền thông An Viên, HĐQT VPF chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
- Ngành nào có thu nhập cao nhất Việt Nam?
- Thời tiết dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025: Miền Bắc đón 2 đợt không khí lạnh, cụ thể ra sao?
- Tết dương lịch 2025 phạt vi phạm giao thông đã thu về số tiền 'khủng' này
- Sát Tết có 4 nghề 'hái' ra tiền, thu nhập cả trăm triệu/tháng mà không cần trình độ đại học
- Từ 1/1/2025, người dân ra đường vi phạm 2 lỗi này sẽ bị phạt nặng, tăng từ 30 lần đến 50 lần mức cũ
- Những chiêu trò lừa đảo mới dịp cận Tết, cần cảnh giác kẻo lại mất tiền oan
- Ai là người có mức lương hơn 10,3 tỉ đồng/năm ở TP HCM năm 2024?
- Đàm Vĩnh Hưng nói về vụ kiện với chồng ca sĩ Bích Tuyền: 'Ai tạo nghiệp người đó phải lãnh'