“Mở cửa” cho truyền hình vào sân
Thứ bảy, 14/01/2012 06:24

Sáng 12/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra hai ý kiến chỉ đạo quan trọng về vấn đề truyền hình giải bóng đá quốc gia.

Công văn hỏa tốc số 268/VPCP - KGVX do Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Hữu Vũ ký, cho biết: Xét báo cáo của Văn phòng Chính phủ về vấn đề truyền hình giải bóng đá quốc gia, sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu: Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL chỉ đạo việc thanh tra hợp đồng bản quyền truyền hình về giải bóng đá quốc gia, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo giải quyết các vướng mắc để đảm bảo giải bóng đá quốc gia được các đài truyền hình trực tiếp, liên tục, rộng rãi cả nước, đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

Các đài truyền hình sẽ được vào sân trực tiếp giải bóng đá quốc gia mà không cần xin phép VFF và AVG - Ảnh: Khả Hòa

Động thái này của Thủ tướng đã được Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) tuân thủ bằng việc khẩn trương đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) báo cáo Tổng cục về số lượng các trận đấu đã được các đài truyền hình phát sóng trực tiếp trong 2 vòng đầu thuộc Super League. Đồng thời Tổng cục sẽ kết hợp với Bộ chủ quản yêu cầu VFF sớm có công văn chỉ đạo các ban tổ chức địa phương, tạo điều kiện cho các đài được vào sân sản xuất các trận đấu của vòng 3.
  
Về phía Bộ, đến 17 giờ chiều qua, ông Tô Văn Động - người phát ngôn cho biết, Bộ sẽ sớm tiếp thu công văn của Thủ tướng và tiếp tục chỉ đạo đoàn thanh tra thực hiện nghiêm túc công việc được giao để báo cáo Thủ tướng.

Như vậy, có thể khẳng định, công văn của Bộ VH-TT-DL cách đây vài ngày về việc yêu cầu VFF, các Sở VH-TT-DL địa phương tôn trọng bản hợp đồng 20 năm giữa VFF và Công ty truyền thông - viễn thông An Viên (AVG) trước khi có kết luận thanh tra của Bộ, là hoàn toàn không còn hiệu lực.

Tăng tần suất phát sóng mỗi lượt đấu

Sau khi có ý kiến của Thủ tướng, Đài truyền hình Việt Nam không còn thái độ “rón rén” như hai lượt đầu mà quyết định tăng tần suất phát sóng mỗi lượt đấu Super League lên thành 4 trận - nhiều nhất từ trước tới nay và đặc biệt lần đầu tiên, giải vô địch quốc gia được tường thuật song song trên 2 kênh quảng bá vào giờ vàng (16 giờ).

Lượt trận thứ 3 sẽ bao gồm các trận cụ thể như sau: Ngày 14.1 gồm Hà Nội FC gặp Khatoco Khánh Hòa (VTV2); Đà Nẵng gặp Hoàng Anh Gia Lai (VTV3). Ngày 15.1 gồm Vicem Hải Phòng -  Đồng Tháp (VTV2); Sông Lam Nghệ An - Hà Nội T&T (VTV3).

Còn trên kênh truyền hình cáp, ngày 14.1 có trận Thanh Hóa - Becamex Bình Dương (VTC). Ông Vũ Quang Huy, Phó giám đốc Đài VTC cũng khẳng định, ban tổ chức sân địa phương nào tạo điều kiện cho VTC, họ sẽ sẵn sàng phát sóng phục vụ quần chúng. Ở lượt thứ 3, VTC cũng đã chọn trận Hà Nội - Khánh Hòa để tường thuật.

Trong khi đó, HTV dự kiến trực tiếp trận Navibank Sài Gòn - Vissai Ninh Bình.

Nhiều đài địa phương khác cũng cho biết, đã cởi bỏ được gánh nặng phải “xin phép một ai đó” mới được vào sân hành nghề.

Hợp đồng bản quyền trái luật

Số lượng trận được phát sóng tăng lên đáng kể sẽ là tín hiệu đáng mừng của bóng đá Việt Nam, thỏa mãn nhu cầu, lợi ích của khán giả và là cái đích mà VPF hướng đến.

Sau cuộc họp Hội đồng quản trị đến 23 giờ đêm 11.1, cũng trong sáng qua, VPF đã có động thái rất mạnh mẽ khi Chủ tịch Võ Quốc Thắng ký công văn gửi Thủ tướng Chính phủ (đồng kính gửi các bộ chức năng, Thanh tra Chính phủ và VTV, VTC), đề nghị Thủ tướng xem xét và chỉ đạo các Bộ, ngành kiểm tra tính pháp lý của hợp đồng giữa VFF và AVG.

Một lần nữa, VPF bày tỏ rõ quan điểm, hợp đồng giữa VFF và AVG không phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, trong đó có luật Thể dục, Thể thao và luật Báo chí. Công văn này có đoạn: “Căn cứ khoản 2 điều 53 luật Thể dục, Thể thao năm 2006 và điều 12 Nghị định 112/2007/NĐ-CP ngày 26.6.2007 của Chính phủ quy định quyền sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu bóng đá chuyên nghiệp thuộc về VFF và các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp. VFF chưa có sự đồng ý của người có thẩm quyền của các câu lạc bộ về việc ủy quyền cho VFF đại diện đàm phán, ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền truyền hình các giải thi đấu bóng đá chuyên nghiệp”. Và “Vào thời điểm ký hợp đồng ngày 8.12.2010, AVG không có giấy phép hoạt động truyền hình theo các quy định của pháp luật".

VPF cũng đã có công văn gửi ban tổ chức các sân và các đài truyền hình triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu các đài trực tiếp phải đăng ký bằng văn bản trước 2 ngày.

Về phía AVG, cuối giờ chiều qua, công ty này cũng có thông cáo báo chí, cho hay, không bình luận gì về công văn của VPF. AVG cũng diễn giải một ý rằng: “Kể từ khi ký hợp đồng với VFF, AVG chưa bao giờ ngăn cản các đài phát thanh truyền hình trung ương cũng như địa phương phát sóng các trận đấu thuộc các giải bóng đá khác nhau do VFF tổ chức. AVG cũng khẳng định trân trọng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và sẽ tuyệt đối tuân thủ và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo này bởi đây cũng chính là mong muốn, là mục tiêu của AVG”.

Rà soát lại toàn bộ điều lệ VFF

Trong cuộc họp tổng kết ngành thể thao năm 2011 hôm qua, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Hoàng Tuấn Anh đã chỉ đạo: “Một trong 5 trọng tâm lớn của năm 2012 là Tổng cục TDTT cần có những biện pháp quyết liệt nhằm cải tổ bộ máy quản lý, chấn chỉnh những yếu kém trong hoạt động quản lý bóng đá. Trước mắt, yêu cầu Tổng cục TDTT rà soát lại toàn bộ điều lệ của VFF, Quy chế bóng đá chuyên nghiệp và các văn bản liên quan tới quản lý, điều hành bóng đá để kịp thời chỉnh sửa, bổ sung những quy định còn thiếu, còn yếu về hiệu lực để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động bóng đá chuyên nghiệp. Đồng thời, chỉ đạo VFF nghiêm túc rút kinh nghiệm về những vấn đề sai phạm, yếu kém trong thời gian vừa qua và có biện pháp để chấn chỉnh bộ máy tổ chức, nhân sự của VFF cũng như các cơ quan chuyên môn của VFF.

 

TNO
Tag: Bản quyền truyền hình Super League , VPF , AVG , VFF , Bóng đá Việt Nam