Bộ VH-TT-DL quyết định AVG tạm thời thực hiện bản quyền truyền hình
Thứ ba, 10/01/2012 08:52

Ngày 9-1, Bộ VH-TT-DL đã ký công văn số 65/BVHTTDL-TTr gửi VFF, các sở VH-TT-DL về việc thực hiện các quy định đối với bản quyền truyền hình giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia.

Công văn của Bộ VH-TT-DL yêu cầu các bên liên quan thực hiện nghiêm túc các quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009), Luật Thể dục thể thao năm 2006, về bản quyền truyền hình và quyền sở hữu đối với giải thể thao thành tích cao và giải thể thao chuyên nghiệp, tôn trọng hợp đồng chuyển nhượng thương quyền các giải bóng đá giữa VFF với AVG. Như vậy, muốn ghi hình các trận đấu kế tiếp, các đài phải có sự đồng ý của AVG.

Đây là động thái cần thiết sau vụ việc xảy ra trên sân Hải Phòng ở vòng 2 Super League vừa qua. Dù không liên hệ với AVG nhưng Đài VTC vẫn cho xe màu xuống Hải Phòng để truyền hình trực tiếp trận V.Hải Phòng - N.Sài Gòn. Trước đó, sau khi nhận công văn của VFF, Ban tổ chức (BTC) sân Lạch Tray đã không đồng ý để VTC được vào sân ghi hình và lập biên bản. Trong quá trình đó, BTC lại nhận được công văn của Công ty VPF đề nghị tạo điều kiện cho VTC làm việc. Trong tình cảnh chẳng biết nghe ai, BTC sân Hải Phòng phải để cho VTC ghi hình.

Tất cả các đài truyền hình chỉ có thể vào sân khi có sự cho phép của AVG.

Bộ VH-TT-DL cũng quyết định thành lập đoàn thanh tra việc ký hợp đồng chuyển nhượng thương quyền đối với các giải bóng đá thuộc VFF năm 2011-2030 của VFF với AVG. Thời hạn thanh tra là 15 ngày.

Trong thông tin liên quan, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ngày 9-1 cho biết, VFF có thể rút vốn khỏi VPF, tuy nhiên ông cũng cho biết đó là tình huống xấu nhất nếu như quyền hạn của VFF với tư cách là cổ đông lớn nhất tại VPF không được tôn trọng.

Hiện tại, việc ủy quyền cho VPF bằng hợp đồng để tổ chức các giải đấu tại Việt Nam vẫn chưa được VFF tiến hành sau khi chưa có kết luận cuối cùng về bản quyền. Theo thông tin mà chúng tôi có được, hợp đồng VFF-AVG là một dạng hợp đồng có tính chất ủy quyền cho AVG được đại diện VFF thực thi các quyền về truyền hình chứ không phải là bán bản quyền. Điều đó có nghĩa, VPF khó có thể là đơn vị thứ 2 được ủy quyền về truyền hình.

Những động thái nêu trên càng cho thấy khả năng “chiến thắng” của VPF chỉ đến nếu như họ tìm ra cơ sở để đưa vụ việc ra tòa bởi đây là một vụ việc mang tính chất tranh chấp dân sự, rất khó để các cơ quan quản lý khác trực tiếp phân xử.

Trong công văn phản đối việc vi phạm của VTC, AVG có hé lộ một phần nội dung của bản hợp đồng. Theo đó, Trung tâm truyền thông An Viên (sở hữu Đài AVG) được VFF chuyển nhượng toàn bộ thương quyền của các giải bóng đá do VFF tổ chức bao gồm các quyền “ghi âm, ghi hình, sản xuất và sở hữu bản ghi âm, ghi hình, quyền công bố, phát sóng, khai thác doanh thu dưới mọi hình thức và trên mọi phương tiện như truyền hình, internet, thiết bị thông tin cố định và di động và quyền khai thác doanh thu trên báo, trên tạp chí, sách... và tất cả các quyền có liên quan khác đối với một phần hoặc toàn bộ các trận đấu của các giải bóng đá và các sự kiện và các thông tin bên lề (...)”, trong đó có các trận thi đấu tại giải bóng đá VĐQG (V-League) nay đổi tên là Super League.

 

SGGP Online
Tag: Bản quyền truyền hình Super League , VPF , AVG , Bóng đá Việt Nam