Những ngày này, tỉnh Bạc Liêu được người dân cả nước nhắc đến nhiều hơn bởi đây là nơi “chôn nhau cắt rốn” của tân hoa hậu Việt Nam 2012 Đặng Thu Thảo.
Cửa biển Nhà Mát, Bạc Liêu |
Bạc Liêu thuộc duyên hải vùng đồng bằng sông Cửu Long, miền Nam Việt Nam, nơi đây nổi tiếng với “Bên nước mặn biển cho muối nhiều, bên nước ngọt, phù sa vun bồi”. Du lịch Bạc Liêu có rất nhiều điều thú vị chờ đón du khách khám phá. Hãy cùng về thăm quê hương tân Hoa hậu để được hóa thân thành vị công tử Bạc Liêu giàu sang bậc nhất thuở nào hay thưởng thức món bánh xèo thơm lừng, nóng hổi trong vườn nhãn trăm tuổi…
Tân Hoa hậu Việt Nam 2012 - Đăng Thu Thảo đến từ thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.
Hiện cô là sinh viên Đại học Tây Đô (Cần Thơ).
1. Đến Bạc Liêu bằng phương tiện công cộng
Xe Khách
Từ TP. HCM đến thành phố Bạc Liêu, bạn có thể mua vé xe Mai Linh (ĐT: 08 39292929) tuyến TP.HCM – Bạc Liêu, mua vé tại 400A Lê Hồng Phong, P1, Q10 và 293 Trần Phú, P 8, Q 5 hoặc yêu cầu giao vé tận nhà.
Đi xe Phương Trang mua vé và xuất phát từ 328A Lê Hồng Phong, Q10 (08-38.333.468) hoặc mua vé tại phòng vé bến xe Miền Tây (Quầy 31, ĐT: 08-38.841.568). Xe Phương Trang xuất bến liên tục trong ngày theo giờ khởi hành định sẵn (không phụ thuộc lượng khách của từng chuyến).
Ngoài ra, nhiều xe đi Bạc Liêu khởi hành thường xuyên từ bến xe miền Tây. Có vé xe giường nằm hoặc ghế ngồi, giá từ 125.000 – 160.000 VND/vé. Thời gian xe chạy: từ 6 – 7 giờ, dừng tại bến xe thành phố Bạc Liêu.
Từ Cần Thơ đi thành phố Bạc Liêu, giá vé 70.000 – 100.000 VND, mất khoảng 3 tiếng di chuyển. Mua vé xe tại bến xe Cần Thơ.
Từ Bạc Liêu trở về TPHCM, hành khách liên hệ đặt vé xe Phương Trang tại Bạc Liêu (0781.3932.345); đặt vé xe Mai Linh tại Bạc Liêu (0781-6250.555).
Xe máy hay xe ô tô cá nhân
Từ TP.HCM đến Bạc Liêu theo hành trình: Sài Gòn – cầu Mỹ Thuận – phà Hậu Giang – nhà công tử Bạc Liêu (chạy thẳng). Quãng đường khoảng 280 km.
Cầu Mỹ Thuận
*** Lưu ý nếu phượt bằng xe máy hay ô tô cá nhân, bạn nên mang theo đầy đủ giấy tờ xe, bằng lái, bảo hiểm xe và tuân theo các quy định về giao thông đường bộ. Cần mang theo dụng cụ sửa xe để sửa chữa những hỏng hóc cơ bản nhất.
2. Đến Bạc Liêu vào thời điểm nào?
Mỗi mùa, Bạc Liêu lại có vẻ đẹp riêng, song nếu được nên đến vào khoảng rằm tháng 10. Đây là thời điểm đẹp nhất và cũng là thời gian diễn ra lễ hội Ok Om Bok, một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer tại đây.
3. Ăn, mua sắm ở Bạc Liêu
Ở Bạc Liêu có một số đặc sản nổi tiếng như bún bò cay, bún nước lèo, bún cá, bánh xèo, đuông chà là, bánh tằm Ngan Dừa, gỏi bồn bồn, bánh củ cải, mỳ Mỹ Dung bên hông chợ Bạc Liêu (chợ nhà lồng A, P.3, TP Bạc Liêu)… Ngoài ra, các bạn có thể thưởng thức các món các món cá linh, cá bống, bông điên điển… vào mùa nước nổi (tháng 9 – 11 hàng năm).
Bạn có thể mua khô cá lóc (từ 400.000 VND/kg), khô cá sặc (270.000 – 290.000 VND/kg) mắm chua Vĩnh Hưng (làm bằng cá trắm, cá rô, cá sặc, giá từ 45.000 VND/hũ 300 g) ở chợ Bạc Liêu hay mang bánh củ cải về làm quà (lưu ý bảo quản cẩn thận khi vận chuyển cũng như thời gian sử dụng).
4. Các điểm tham quan không thể bỏ qua tại Bạc Liêu
- Vườn chim Bạc Liêu: Cách thành phố Bạc Liêu 6 km về hướng biển (thuộc xã Hiệp Thành), vườn chim Bạc Liêu là nơi làm tổ của nhiều loài chim nước, điển hình là các loài le le, cò, diệc, vạc, còng cọc, quắm đen… Các loài chim thường tụ tập nhiều vào mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10. Đến với vườn chim Bạc Liêu, thú vị nhất là đứng trên tháp canh cao bằng ngọn cây ngắm cảnh bên dưới. Từ hướng biển Đông, từ cánh đồng Bạc Liêu vàng rượm lúa chín…
- Vườn nhãn cổ Bạc Liêu: Bạc Liêu có một vườn nhãn cổ, đó là khu vườn của gia đình ông Trương Kiết tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành. Tuy vườn nhãn này đã trên trăm tuổi nhưng cây vẫn rất tươi tốt và sum suê trĩu quả. Khi vào thăm quan vườn nhãn, bạn có thể nghỉ ngơi dưới những tán cây rợp bóng, hít thở bầu không khí trong lành của một vùng quê yên tĩnh.
Đến vườn nhãn cổ Bạc Liêu để tự tay hái thưởng thức những trái nhãn ngọt lành
- Biển Bạc Liêu: Với 156 km bờ biển và các cửa biển quan trọng như Gành Hào, Nhà Mát, Cái Cùng, Vĩnh Hậu, đến Bạc Liêu bạn có thể thả mình trong những ngôi nhà trên biển, vừa nhấm nháp hải sản, vừa hít căng lồng ngực những làn gió biển mát rượi. Biển Bạc Liêu không có những bãi cát trắng phau như Nha Trang, Vũng Tàu… nhưng lại có những bãi bồi xa tít mang đến những đặc sản miền biển tươi rói.
Khu du lịch Nhà Mát (ấp Nhà Mát, xã Hiệp Thành, huyện Vĩnh Lợi), điểm nghỉ ngơi nổi tiếng của biển Bạc Liêu cách thành phố Bạc Liêu chỉ 7 km đường xe. Từ đó bạn có thể men theo bờ biển, đi theo tuyến lộ Nhà Mát – Gành Hào dài 42km qua các huyện Hòa Bình và Đông Hải, hướng về cửa sông Gành Hào. Hải sản tại biển Bạc Liêu khá rẻ, một ký ghẹ (ba con) giá 120.000 VND; vọp, sò lông 10.000 VND/kg, cua đá 100.000 VND/kg… Ba người “làm” một bữa cua, ghẹ, vọp đã thèm chỉ mất khoảng 200.000 VND. Ven các bờ biển và cửa biển cũng có rất nhiều cánh đồng muối – nét đặc thù của xứ muối nổi tiếng này.
- Nhà công tử Bạc Liêu: Một điểm tham quan thú vị nữa là nhà công tử Bạc Liêu (hiện là khách sạn Bạc Liêu). Kiến trúc, nội thất, vật dụng của ngôi nhà sẽ giải đáp phần nào mức độ giàu đến “đốt tiền nấu trứng” của vị công tử nổi tiếng này. Nhà Công tử Bạc Liêu tọa lạc tại số 13, Điện Biên Phủ, P3, TP Bạc Liêu. Đây là căn nhà được coi là bề thế nhất Bạc Liêu lúc bấy giờ, do kỹ sư người Pháp thiết kế và xây dựng; có nhiều vật liệu phải chở từ bên Pháp sang. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng.
- Chùa Xiêm Cán: Cách thành phố Bạc Liêu khoảng 7km về phía Đông Nam, chùa Xiêm Cán được coi là ngôi chùa cổ kính và lộng lẫy nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Đông Nam bộ. Với những đường nét hoa văn tinh xảo, lối kiến trúc độc đáo, ngôi chùa có tuổi thọ hơn một thế kỷ này vẫn uy nghi tồn tại.
- Tượng Phật bà Nam Hải: Khu Quan Âm Phật Đài (Phật Bà Nam Hải) thuộc phường Nhà Mát, thành phố Bạc Liêu. Được xây dựng từ năm 1973, khu Phật Bà Nam Hải là một công trình kiến trúc – văn hóa – tâm linh nổi bật nhất ở Bạc Liêu. Hằng năm, có hàng ngàn lượt du khách đến tham quan, thưởng ngoạn và bày tỏ lòng thành kính của mình. Tháng 3 hằng năm đều diễn ra lễ hội Vía Bà, kéo dài trong 3 ngày. Đây là một lễ hội lớn và rất nghiêm trang, thu hút nhiều du khách.
Tượng Phật bà Nam Hải bên cửa biển Bạc Liêu
- Tháp cổ Vĩnh Hưng: Đây là một công trình kiến trúc của người Khơme (thời kỳ tiền Angkor), cổ nhất được liệt vào danh mục di tích quốc gia. Tháp có dáng vẻ cổ xưa này tọa lạc thuộc địa phận xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, cách trung tâm thành phố Bạc Liêu khoảng 20km về hướng Tây Bắc theo đường chim bay.
Những lễ hội tiêu biểu của người Bạc Liêu
- Lễ hội Quán âm Nam Hải: Lễ hội Quán âm Nam Hải là một trong những lễ hội dân gian đặc sắc của người Bạc Liêu, diễn ra ở khu Quán âm Phật đài tại thị xã Bạc Liêu. Mỗi kỳ lễ hội vào ngày 17, 18 và 19/6 Âm lịch hàng năm thu hút hàng chục ngàn lượt phật tử, du khách, tăng ni và đông đảo người dân khắp nơi về tham dự. Lễ hội Quán âm Hải Nam với nhiều phần lễ như: lễ cầu an, cầu siêu, chúc phúc; phần hội gồm trưng bày triển lãm hình ảnh đất nước, con người Bạc Liêu xưa và nay, khu hội chợ, diễu hành lễ rước Quán âm Nam Hải.
- Lễ nghinh ông Gành Hào: Lễ hội Nghinh Ông ở cửa biển Gành Hào là điểm hẹn của ngư dân và du khách xa gần từ nhiều năm nay. Diễn ra trong 3 ngày (vào mùng 9 đến ngày 11 tháng 3 Âm lịch), khi sắp đến ngày lễ hội, dù ghe tàu đang đánh bắt ngoài khơi, thì chủ ghe cũng tranh thủ quay về đất liền để tham dự, mọi người sửa sang, trang trí lại ghe nhà để chuẩn bị tham gia cho cuộc rước Ông từ ngoài biển khơi (cách xa bờ biển khoảng 5-7 hải lý).
- Tết Chôl Chnam Thmây của người Khmer: Lễ hội vào năm mới của người Kh’mer thường kéo dài trong 3 ngày, năm nhuận kéo dài 4 ngày. Thời gian diễn ra lễ hội này thường là giữa tháng Tư Dương lịch, tức vào lúc giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa ở Nam Bộ.
- Lễ hội Ok Om Bok, lễ cúng trăng: Lễ hội cúng trăng hay lễ “đút cốm dẹt” (Bon som pés prés khe hay Ok om bok) được tổ chức hàng năm vào đêm 15 tháng 10 âm lịch, nhằm tưởng nhớ và tạ ơn mặt trăng vốn được người Khơ me coi như một vị thần điều động mùa màng trong năm. Thức cúng đặc biệt trong lễ này là cốm dẹt nên người ta còn gọi là lễ “Đút cốm dẹt”.
Các cung đường du lịch thường đi:
Mỹ Tho – Long An – Bến Tre – Cần Thơ – Bạc Liêu – Cà Mau.
Sài Gòn – Mỹ Tho – Cần Thơ – Bạc Liêu.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%