Thâm nhập đường dây buôn thận xuyên quốc gia
Thứ hai, 08/09/2014 16:47

Sau nhiều tháng thâm nhập thực tế, Pv phát hiện một đường dây buôn thận xuyên quốc gia.

Thâm nhập đường dây buôn thận xuyên quốc gia

Thâm nhập đường dây buôn thận xuyên quốc gia

Đây là đường dây có “vòi bạch tuộc” khắp cả nước để “săn mồi” là những thanh niên nghèo ở nhiều vùng quê.

Theo số điện thoại và thông tin trên Internet, nhiều lần chúng tôi liên hệ với các đối tượng trong đường dây buôn thận nhưng đều thất bại.

Câu trả lời thường là “nhầm số rồi”, “không phải” hoặc chỉ ngắn gọn “xét nghiệm máu chưa?” và nói chờ... Phải mất nhiều tháng, Pv mới lọt được vào “mắt xanh” của các đối tượng buôn bán thận thông qua một người từng bán thận “gửi gắm”.

duong-day-ban-than-2

Địa chỉ 83 Nguyễn Sinh Cung (TP Huế) được xem là “trụ sở” hoạt động chính của đường dây buôn thận, đồng thời là nơi “tập kết” nhiều thanh niên ở các tỉnh thành đã bán thận và đang đợi bán thận.

Lên đường

Người có nhóm máu O luôn được các đối tượng buôn thận săn đón bởi phù hợp với người suy thận ở tất cả nhóm máu, nhưng người vào vai bán thận của nhóm PV lại “kẹt” thuộc nhóm máu A nên phải đợi rất lâu.

Tới đầu tháng 8 mới được một đối tượng tên Nhật (23 tuổi, ở Đà Nẵng) gọi điện thoại yêu cầu tới một bệnh viện nào đó xét nghiệm nhóm máu, phân tích nước tiểu, đo điện tim, khám tổng quát...

Khi biết kết quả xét nghiệm của chúng tôi, Nhật nói phải chờ để tìm người mua thận có cùng nhóm máu. Qua điện thoại, Nhật cho biết giá bán một quả thận là 150 triệu đồng, toàn bộ chi phí đi lại, ăn ở sẽ được lo đầy đủ.

Ngày 8/8, Nhật gọi điện thoại hối thúc chúng tôi ra Huế gấp. Nhật giả vờ bảo tự mua vé máy bay hoặc vé xe ra Huế để thăm dò chúng tôi. Khi chúng tôi nói ngay là không có tiền, Nhật mở lời: “Chuẩn bị hồ sơ xét nghiệm, ít hôm nữa ra bến xe miền Đông sẽ có người đón”.

Ba ngày sau, một người phụ nữ xưng tên Hà gọi điện cho chúng tôi hướng dẫn: “Sáng 12/8 ra bến xe miền Đông, vào quầy 51 nhà xe Phi Long nói khách quen chị Hà để lên xe ra Huế”.

9h ngày 13/8 chúng tôi có mặt tại bến xe TP Huế. Nhật chạy xe Air Blade đến chở chúng tôi về điểm “tập kết”. Trên đường đi, Nhật đe: “Hỏi ít thôi, không nên biết nhiều. Cứ nằm chờ trong nhà nghỉ, khi nào chuyển đi đâu phải nghe theo. Không được đi ra ngoài nhiều, tránh tiếp xúc với người lạ”.

duong-day-ban-than-3

Vào “ổ”

Nhật chở thẳng chúng tôi về nhà nghỉ Thanh Nga (47/48 Ngô Quyền, P.Vĩnh Ninh, TP Huế), đưa vào một căn phòng ở lầu 3 nằm đợi. Ở chung phòng với chúng tôi có năm thanh niên còn rất trẻ gồm Trung (quê Hà Nội), Nam (ở Đắk Lắk), Thông (ở Đồng Nai), Thảo và Tài (TP.HCM).

Thấy chúng tôi là người mới, Tài hỏi: “Mới tới hả, có người nhận chưa?”. Tôi lắc đầu, cả nhóm ồ lên: “Thế còn phải đợi dài cổ”.

Theo nhóm thanh niên này, họ đều đã có người mua thận, đang đợi ngày ra hội đồng nào đó để duyệt. Tài kể từng ở một phòng trọ tại Hà Nội mấy tháng để xét nghiệm, đợi người nhận thận theo yêu cầu của bà Hà. Tài còn khoe thận của mình được một người đàn ông ở Phú Thọ đồng ý mua. Thảo cũng cho biết mình đã có người mua thận. “Em mới ra buổi sáng, buổi trưa có người mua rồi, người ta đưa đi xét nghiệm tùm lum thứ nhưng bây giờ vẫn nằm đây chờ” - Thảo nói.

Trung cũng hoàn tất các thủ tục, giấy tờ và sốt ruột chờ ngày ra hội đồng ghép tạng. Trung cho biết: “Nhiều người ra đây nằm đợi mấy tháng mới có người trùng nhóm máu. Nhanh thì một tháng, lâu phải mất vài ba tháng. Nói chung cứ từ từ, cứ ở rồi tính tiếp”.

Trung còn gọi điện cho bà Hà xin về thăm gia đình mấy ngày. Thấy bà Hà còn nhùng nhằng, Trung giải thích: “Hôm qua em xin chú Dũng rồi.

Khi nào ra hội đồng thì chị gọi em vô. Chị yên tâm, em về không nói cho ai biết đâu, em cũng biết giữ cho mình chứ”. Dù Trung năn nỉ, bà Hà vẫn không đồng ý, lấy lý do là người mua thận không đồng ý, sợ Trung gặp xui xẻo gãy chân, gãy tay, hỏng hết chuyện.

Những ngày ở nhà nghỉ Thanh Nga, chúng tôi phát hiện ngoài Nhật còn có một người tên Công - một người đi bán thận nhưng theo Nhật “học việc” - thường xuyên lui tới nhà nghỉ này để đưa người bán thận qua Bệnh viện Trung ương Huế làm các xét nghiệm.

Nhiều người ở địa điểm “tập kết” khác, sau khi làm xét nghiệm cũng được Nhật đưa về nhà nghỉ Thanh Nga. Hằng ngày, Nhật hoặc bà Hà đến nhà nghỉ trực tiếp phát tiền ăn cho người bán thận. Nếu thận chưa có người mua, mỗi người được phát 50.000 đồng, có người mua thì được phát 100.000 đồng.

Mạng lưới

Thời điểm đầu tháng 8-2014, đường dây buôn thận tại Huế đã “săn” được khoảng 30 thanh niên trẻ đi bán thận và cho nằm chờ ở các nhà nghỉ.

Đó là chưa kể nhiều người bán thận khác được cho về quê để giảm chi phí. Trung bình mỗi ngày có 2-3 thanh niên trẻ ở các vùng quê nghèo bị “sa bẫy” hoặc tự bán thận được đưa đến các điểm “tập kết” của đường dây này.

Tại Huế, ngoài điểm “tập kết” người bán thận ở nhà nghỉ Thanh Nga, chỉ cách Bệnh viện Trung ương Huế khoảng 150m, mạng lưới buôn thận còn “giăng” ở hai phòng trọ khác tại số 100 Phan Chu Trinh và 83 Nguyễn Sinh Cung.

Phòng trọ ở số 100 Phan Chu Trinh cách bệnh viện này khoảng 1,5km và được thuê với giá 3 triệu đồng/tháng mới “khai trương” ngày 16-8, khi chúng tôi bị đưa tới đây đã có bảy người bán thận ở chung với nhau và họ tự nấu ăn hằng ngày.

Địa điểm 83 Nguyễn Sinh Cung được coi là “văn phòng” hoạt động chính của đường dây buôn thận tại Huế. Đây là nơi đường dây buôn thận bố trí cho những người bán thận nằm chờ hoặc để những người bán thận xong nằm dưỡng sức trước khi về quê.

Trong đó, phòng 303 được coi là nơi “bất khả xâm phạm”, người ngoài không được bén mảng tới ngoại trừ các “ông trùm, bà trùm” của đường dây.

Đường dây buôn thận ở Huế còn vươn “vòi bạch tuộc” ra tận Hà Nội với điểm “tập kết” chính ở địa chỉ 143/39 Nguyễn Chính (Q.Hoàng Mai).

Khi chúng tôi bị các đối tượng trong đường dây buôn thận đưa ra Hà Nội để xạ hình thận, tại đây có tám người bán thận được bố trí cho ở hai phòng gần nhau.

Những ngày ở nhà trọ này, có thời điểm chúng tôi ghi nhận được hai phòng trọ này chứa đến vài chục người bán thận, sinh sống trong điều kiện chật chội, kém vệ sinh, hằng ngày tự nấu ăn với nhau.

Những người bán thận từ Huế ra Hà Nội làm xong các xét nghiệm và xạ hình thận sẽ ở lại đây từ một tuần đến một tháng mới được chuyển vào Huế chờ ngày lên bàn mổ lấy thận.

duong-day-ban-than-1

Bị dụ dỗ bán thận

Những ngày thâm nhập đường dây buôn thận, chúng tôi chứng kiến nhiều thanh niên từ các vùng quê nghèo bị đường dây buôn thận dụ dỗ bán thận. Hầu hết những người này đều giấu không cho gia đình biết.

Khi bị “sa lưới” đường dây buôn thận, không ít người muốn rút lui nhưng sợ các đối tượng trong đường dây bắt trả lại tiền nên họ tìm cách trốn hoặc phải giả vờ cha mẹ ở nhà đang bệnh, có người thân mất để được cho về quê.

Gặp chúng tôi ở điểm nhà trọ số 100 Phan Chu Trinh, TP Huế, Tuấn (20 tuổi, Đồng Tháp) chất phác kể ở đây gần hai tháng và chỉ mong sớm bán được thận để có tiền chữa bệnh cho mẹ.

Giọng Tuấn chùng xuống: “Cha mẹ em già lắm rồi, mẹ em bị bệnh não, vay mượn tiền bạc chạy chữa nhiều nơi không khỏi. Cha cũng bị bệnh nên không thể xoay xở được. Bác sĩ nói muốn chữa khỏi bệnh cho mẹ phải có hơn 100 triệu đồng”.

Thương mẹ, Tuấn đăng số điện thoại lên mạng rao bán thận. Tuấn được người của đường dây buôn thận đưa đi xét nghiệm và đang làm các thủ tục để bán thận cho một người đàn ông tên Hưng. “Không biết lúc nào em mới được mổ lấy thận, mẹ em yếu quá rồi” - Tuấn than thở.

(còn nữa)

Tuoitre.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: buon than , buon ban noi tang , buon noi tang nguoi , buon nguoi , buon than xuyen quoc gia , tin , bao