Thái Lan bên bờ vực “đảo chính”?
Thứ ba, 26/11/2013 08:04

Thái Lan lại đang ở bên bờ vực đảo chính, giữa lúc hàng vạn người biểu tình chống chính phủ xuống đường ở Bangkok, đòi chính phủ Yingluck Shinawatra từ chức.

Biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan ngày 25/11 ở thủ đô Bangkok.

Biểu tình phản đối chính phủ Thái Lan ngày 25/11 ở thủ đô Bangkok.

Từ nhiều tuần lễ qua, Thái Lan đã phải đối phó với các cuộc biểu tình phản đối, bùng phát từ dự luật ân xá tập thể có thể cho phép ông Thaksin Shinawatra, anh của Thủ tướng hiện đang sống lưu vong tránh được án tù 2 năm về tội tham nhũng. Dự luật cũng ân xá cho ông Abhisit Vejjajiva, cựu thủ tướng và là nhà lãnh đạo đảng Dân Chủ, đã bị truy tố về tội sát nhân vì ra lệnh đàn áp thẳng tay các cuộc biểu tình vào năm 2010.

Hàng trăm nghìn người của cả hai phe ủng hộ và phản đối chính phủ đang biểu tình ở thủ đô Bangkok, theo VOA. Đây là cuộc biểu tình đông đảo nhất kể từ sau các vụ biểu tình bạo động chết người năm 2010.

Có đến 100.000 người phản đối Thủ tướng Yingluck Shinawatra tụ họp ở nhiều nơi khắp thủ đô Bangkok trong ngày 25/11, yêu cầu bà từ chức. Trong khi đó, khoảng 40.000 đến 50.000 người phe áo đỏ ủng hộ chính phủ, biểu tình ở thủ đô để ủng hộ chính quyền của bà. Những người ủng hộ chính phủ tổ chức những cuộc biểu tình tại một sân vận động ở Bangkok và cho biết sẽ không rời nơi này cho đến khi đối lập giải tán các cuộc biểu tình. Nhiều người Thái Lan lo ngại đụng độ đẫm máu sẽ bùng phát giữa hai nhóm.

Chiếm Bộ Tài chính, bao vây Bộ Ngoại giao

Những người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đã chiếm Bộ Tài chính tại Bangkok và đe dọa xông vào các toà nhà chính phủ trong một cuộc leo thang các nỗ lực của họ để lật đổ chính phủ của Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Một đám đông những người biểu tình ngày 25/11đã tràn vào sân Bộ Tài chính và sau đó vào các toà nhà. Những người biểu tình khác toả ra khắp nơi trong thành phố, tuần hành đến hơn 10 cơ quan của nhà nước, gồm cả những cơ sở quân đội và cảnh sát và một số đài truyền hình do chính phủ hỗ trợ.

Theo BBC News, sau khi đã chiếm được Bộ Tài chính, phe chống chính phủ đổ vào sân của Bộ Ngoại giao và nhiều khả năng buộc các giới chức ngoại giao phải làm việc ở nhà trong ngày 26/11. Truyền thông Thái Lan nói có hàng trăm người ở khu vực tòa nhà Bộ Ngoại giao.

Lãnh đạo biểu tình chống chính phủ, ông Suthep Thaugsuban, nói với đám đông trước Bộ Tài chính: “Tôi kêu gọi người biểu tình chiếm các tòa nhà chính phủ trên toàn quốc". Những  người biểu tình muốn Thủ tướng Yingluck từ chức với cáo buộc người anh sống lưu vong của bà là Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, đang ở sau hậu trường điều hành đất nước.

Các cuộc biểu tình chống chính phủ bắt đầu từ tháng 10, bùng phát vì một dự luật ân xá mà có thể dẫn đến sự trở về của Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra.

Ông Thaksin bị lật đổ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2006 và bị kết án vắng mặt vì tội tham nhũng năm 2008.

Mặc dù dự luật nói trên đã bị Tòa Bảo hiến bị bác bỏ, nhưng các cuộc biểu tình đã chuyển sang mục tiêu lật đổ chính phủ của bà Yingluck Shinawatra. Bà Yingluck đối mặt với một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trong ngày 26/11, nhưng vẫn tuyên bố: “Tôi không có ý định từ chức hay giải tán quốc hội”.

Thái Lan “đi đâu, về đâu”?

Ông Thitinan Pongsudhirak, giáo sư chính trị học của Đại học Chulalongkorn, cho rằng  tương lai của chính phủ Yingluck khá bấp bênh. Ông nói: “Tuần này sẽ là một tuần lễ nhiều xáo trộn, rất nguy hiểm. Phải có một sự nhượng bộ nào đó. Chính phủ giờ đây phải có đáp ứng. Những người biểu tình đang đòi cải tổ toàn bộ, đòi loại bỏ tất cả những thứ có liên hệ với ông Thaksin Shinawatra. Đó là một đòi hỏi…không có giới hạn, rất khó có thể thỏa mãn”.

Giáo sư chính trị học Panitan Wattannayagorn, từng làm phát ngôn viên chính phủ, cũng nói rằng chính phủ hiện nay đang “khốn khổ” vì những căng thẳng chính trị. Ông nói: “Chính phủ đang chật vật để tìm ra một sự đáp ứng thỏa đáng. Nếu tình hình này tiếp tục quá lâu, tính chất chính đáng của chính phủ có thể bị mất hết, bởi vì trước đây chúng tôi chưa hề có tình trạng người dân rủ nhau xuống đường như thế này và đòi hỏi hệ thống chính trị phải phục vụ cho nhu cầu của người dân”.

Trong lúc áp lực chống chính phủ gia tăng, những người ủng hộ chính phủ, thường được gọi là phe Áo Đỏ, dưới sự lãnh đạo của "Mặt trận Dân chủ đoàn kết chống độc tài", đã tập họp tại một sân vận động ở ngoại ô Bangkok. Bà Tida Tawornseth, người đứng đầu “Mặt trận Dân chủ đoàn kết chống độc tài” ủng hộ chính phủ, tin tưởng bà Yingluck sẽ vượt qua được cơn bão táp chính trị này. Bà nói: “Không muốn gây thêm áp lực, nên chúng tôi tìm cách tập họp người của mình ở sân vận động. Chúng tôi sẽ cố gắng tập họp thêm nhiều người nữa. Chúng tôi không muốn thấy bạo động. Chúng tôi không muốn làm cho tình hình này dẫn tới một cuộc đảo chính quân sự”.

Nhận định về tình hình Thái Lan, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cho rằng bất chấp việc hai phe Áo Đỏ và Áo Vàng tiếp tục biểu tình, cựu Thủ tướng Thaksin đã làm thay đổi toàn bộ chính trường Thái Lan. Ông Lý nói: “Sẽ không có chuyện trở lại với nền chính trị cũ của Thái Lan, trở về thời kỳ trước Thaksin, khi mà tầng lớp trên nắm trọn quyền lực. Thái Lan sẽ tiếp tục đi trên con đường mà Thaksin tạo đà đẩy nước này vào. Khoảng cách giàu nghèo trên cả nước sẽ giảm. Nhiều nông dân sẽ được nâng lên thành trung lưu và sẽ góp phần tăng tiêu dùng nội địa và Thái Lan sẽ tiến triển tốt”.

Tình hình chính trị trong hai năm đầu của chính phủ của bà Yingluck Shinawatra tương đối yên tĩnh, nhưng với những vụ xuống đường mỗi lúc một nhiều và những vụ kiện tụng, trong đó có những vụ án tham nhũng chống lại thủ tướng và các thành viên cấp cao trong nội các, có những dấu hiệu cho thấy chính trị Thái Lan đang tiến vào một giai đoạn mới có nhiều bất trắc.

Doisongphapluat.com

Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác

Tag: Thái Lan , Biểu tình , Đảo chính , Yingluck Shinawatra , Thaksin Shinawatra , Bất ổn chính trị ở Thái Lan