Tây Ban Nha – Pháp (1h45 ngày 24/3): Vượt qua nỗi ám ảnh
Thứ bảy, 23/06/2012 09:42

Pháp là một trong số ít những đội bóng mà Tây Ban Nha chưa từng đánh bại được tại một giải đấu chính thức. Đêm nay, muốn hiện thực hóa giấc mơ bảo vệ ngôi vô địch, thầy trò Del Bosque cần phải vượt qua “khắc tinh” của mình.

Trong quá khứ, Pháp và Tây Ban Nha đã đụng nhau cả thảy 30 lần. Và dù cán cân thắng-bại đang tạm nghiêng về phía Tây Ban Nha với 13 chiến thắng (hòa 5, thua 12), thì vẫn có một thực tế rất phũ phàng rằng: Pháp là một khắc tinh thực sự với đội bóng tới từ xứ sở đấu bò tót tại các giải đấu chính thức. Cụ thể, cả hai đã gặp nhau 6 lần tại các giải đấu chính thức, Tây Ban Nha chỉ hòa được 1 trận, còn lại thua tới 5 lần tại vòng loại Euro 1992, VCK Euro 1984, 1996, 2000 và VCK World Cup 2006. 

Còn nhớ cách đây 6 năm trên đất Đức, Tây Ban Nha cũng được đánh giá cao hơn Pháp ở vòng 1/8 tại World Cup 2006. Nhưng sau khi vượt lên dẫn trước bằng quả penalty thành công của David Villa, “Bò tót” vẫn không thể bảo toàn được chiến thắng. Nói đúng hơn, Pháp đã chơi tuyệt hay trong hiệp 2 dưới sự dẫn dắt của nhạc trưởng Zinedine Zidane để làm nên một cuộc lội dòng ngoạn mục với chiến thắng chung cuộc 3-1.

Tây Ban Nha vẫn là ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch Euro năm nay

Casillas, Xavi, Fabregas, Torres và Iniesta là 5 thành viên trong đội hình Tây Ban Nha hiện tại từng phải nếm trải cảm giác cay đắng trước người Pháp. Nhưng cũng kể từ sau thất bại ở Hannover, La Roja đã trở thành một quyền lực mới của bóng đá thế giới với 2 chức vô địch Euro 2008 và World Cup 2010. Sẽ là rất dài dòng nếu kể hết những chiến tích lẫy lừng của Tây Ban Nha suốt nửa thập kỷ qua.
Chỉ cần nhớ rằng, sau trận thua bẽ bàng trước người Pháp, La Roja chỉ thua thêm 2 trận nữa ở các giải đấu chính thức. Đó là thất bại trước Mỹ tại Confederations Cup và cú sảy chân trước Thụy Sỹ ở ngày ra quân World Cup 2010. Tại Euro 2012, Tây Ban Nha không thể mang theo hậu vệ kỳ cựu Carles Puyol và Vua phá lưới Euro 2008 – David Villa vì chấn thương. Tuy nhiên, La Roja vẫn tiến vào vòng tứ kết với tư cách đầu bảng.

Tây Ban Nha của thời điểm hiện tại vẫn triệt để áp dụng lối chơi tiqui-taka đậm chất Barcelona. Trong mỗi trận đấu, họ luôn là đội kiểm soát thế trận tốt hơn, cầm bóng nhiều hơn và tung ra nhiều đợt tấn công hơn. Ngay như ở vòng bảng thôi, thời gian cầm bóng trung bình của Tây Ban Nha trước Ý, CH Ireland hay Croatia đều xấp xỉ 65-70%. Tuy vậy, vấn đề là sự hiệu quả đang là điều mà các học trò của Del Bosque còn thiếu so với VCK Euro 2008 hay World Cup 2010. Ở trận gặp Ý, họ phải vất vả mới giành lại được 1 điểm. Còn trong trận cuối cùng với Croatia, đội bóng tới từ xứ sở đấu bò tót phải nhờ tới bàn thắng ở những phút cuối của Navas mới có trọn vẹn 3 điểm.

Không khó để nhận ra nguyên nhân khiến lối chơi tấn công của Tây Ban Nha không còn đạt được sự hiệu quả cần thiết. Thứ nhất, hệ thống tiqui-taka mà Del Bosque áp dụng đang trở lên rất máy móc. Các đường bóng thường triển khai nhịp nhàng từ phần sân nhà và khi tới trước vòng cấm đối phương, họ bật nhả rất nhiều nhằm kéo dãn các cầu thủ phòng ngự. Chỉ khi nào thật sự thuận lợi mới là một cú tỉa bóng hay chọc khe. Điều này khiến đối phương có đủ thời gian để lui về vòng cấm và triển khai tầng tầng lớp lớp phòng ngự. Không còn nhiều những pha phản công nhanh như chớp hay những đường chuyền dài vượt tuyến để các tiền đạo bắt tốc độ.

Thứ hai, trong đội hình Tây Ban Nha bây giờ, dường như chỉ còn mỗi Iniesta là còn động lực thi đấu. Trong cả 3 trận vòng bảng, tiền vệ của Barcelona luôn là người cầm bóng nhiều nhất, tung ra nhiều đường chuyền nhất và đột phá nhiều nhất. Có vẻ, sau khi đã bước lên đỉnh châu Âu và Thế giới, các cầu thủ tới từ bán đảo Iberia đã phần nào đó cảm thấy mãn nguyện.

Pháp sẽ chọn lối chơi nào để đấu lại Tây Ban Nha?

Thứ ba và là quan trọng nhất. Tiqui-taka bây giờ không còn là một ẩn số nữa. Các đối thủ đã nghiên cứu rất kỹ và đưa ra các phương án tối ưu nhất nhằm hạn chế tối đa sức mạnh của “Bò tót”. Ở vòng bảng, Italia và Croatia đã thuộc nằm lòng cái cách mà Chelsea phòng ngự triệt để để rồi đánh bại Barcelona ở 2 lượt trận bán kết Champions League mùa vừa qua. Họ đã phần nào thành công và đó thực sự là một mối đe dọa cho hành trình bảo vệ ngôi cao của nhà vô địch.

Đối thủ cứ đá phòng ngự số đông, Tây Ban Nha ắt gặp khó. Nhưng vấn đề là liệu Pháp có chọn cách đó? Nên nhớ rằng, lối chơi mà HLV Laurent Blanc mang tới VCK Euro năm nay mang đậm chất tấn công, hay đúng hơn là nó có dáng dấp của tiqui-taka kiểu Barcelona. Pháp cũng cầm bóng rất nhiều, triển khai bóng nhịp nhàng và cũng rất ít khi tỏ ra nóng vội trong những tình huống tấn công. Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, đây là một bản “tiqui-taka” chưa hoàn thiện và vẫn còn rất nhiều lỗi. Cứ nhìn cái cách Pháp thi đấu bế tắc rồi sau đó để thua 2 bàn trong trận cuối vòng bảng với Thụy Điển, đủ thấy Blanc vẫn còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn đưa “Các chú gà trống” trở lại thời hoàng kinh như giai đoạn 1998-2000.

Tây Ban Nha từng lặp lại chu kỳ thành công của Pháp (Pháp vô địch World Cup rồi đến Euro, Tây Ban Nha ngược lại), và nếu đêm nay, Blanc có thể giúp các học trò của mình vượt thác, “Màu lam” có cơ trở lại. Nhưng liệu vị cựu HLV Bordeaux có chấp nhận chơi cửa dưới, phòng ngự số đông và chờ cơ hội phản công chớp nhoáng, hay ông sẽ chơi đôi công? Thành bại của người Pháp, phụ thuộc rất nhiều vào những toan tính của Blanc trong đêm nay.

Đội hình dự kiến:
Tây Ban Nha (4-2-3-1): Casillas - Arbeloa, Ramos, Pique, Alba - Busquets, Alonso - Iniesta, Xavi, Silva – Torres.
Pháp (4-2-3-1): Lloris - Debuchy, Koscielny, Rami, Clichy - Cabaye, M'Vila - Menez, Nasri, Ribery – Benzema.

Dự đoán: Hòa 1-1 hiệp chính (Tây Ban Nha thắng ở hiệp phụ).

Tùng Lâm
Tag: ĐT Tây Ban Nha , Euro 2012 , ĐT Pháp , Vicente Del Bosque , Torres