Giá thị trường không phải do cạnh tranh mà do ngành điện tự xây dựng, giải trình và áp đặt cho người tiêu dùng…
|
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chính thức bác bỏ thông tin đề xuất tăng giá điện. Tuy nhiên, việc tăng giá điện chỉ là chuyện trước hay sau mà thôi. Bởi tất cả các luận cứ do EVN đưa ra đều cho thấy một điều, giá điện rập rình tăng bất cứ lúc nào. Nhưng điều mà các nhà kinh tế, người tiêu dùng quan tâm không phải là chuyện tăng giá bao nhiêu phần trăm mà là việc phải minh bạch các yếu tố liên quan đến giá thành sản xuất điện.
Người nhà đèn cũng "lơ tơ mơ"
Tại hội nghị tổng kết công tác năm 2011 của EVN diễn ra đầu tháng 1/2012, ông Nguyễn Phúc Vinh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc cho rằng: Qua các lần tăng giá, thì chúng ta trở lên (cấp EVN) đều có sự đồng thuận, nhưng lại vướng trong dư luận và biện pháp tổ chức thực hiện mỗi lần điều chỉnh giá. Chúng ta điều chỉnh giá điện thì vẫn câu chuyện là giá thành minh bạch trong chi phí giá thành điện. Năm 2010, 2011 Cục quản lý DN Bộ TC làm, đến cuối 2010 thanh tra Bộ Tài chính làm cũng là chi phí giá thành điện. Năm nay kiểm toán vào làm cũng nội dung này. Gần đây nhất Cục Điều tiết (Bộ Công thương) cũng kiểm tra, kiểm soát chi phí giá thành điện thế nhưng nói chẳng ai nghe cả và vẫn bị phản pháo về việc không minh bạch. Các đơn vị quản lý Nhà nước đã vào kiểm soát chi phí của chúng ta và đã có kết luận cả rồi nhưng vẫn bị truyền thông tấn công, không được sự đồng thuận xã hội. “Đấy là sự minh bạch từ phía bên ngoài, còn thực tế bên trong tự chúng ta đã minh bạch hay chưa?”.
Để trả lời câu hỏi này, ông Vinh đưa ra dẫn chứng “Trên website của chính EVN cũng không tìm đâu ra được giá điện thực tế. Kể cả giá mua điện của dầu khí là 8 cent hay 9 cent thì cũng chỉ có những người làm biết thôi. Bản thân tôi ở Tổng Công ty điện lực miền Bắc cũng không biết được” – ông Vinh nói.
Theo nhiều chuyên gia kinh tế thì điều đáng quan ngại không còn ở việc thời điểm tăng; có tăng hay không tăng giá điện… mà quan trọng hơn, đó là giá điện phải đủ minh bạch để đảm bảo quyền lợi cho cả nền kinh tế, nhà sản xuất lẫn người tiêu dùng.
Hệ thống điện hiện có rất nhiều nguồn phát, từ thủy điện nhỏ, thủy điện vừa và thủy điện lớn; từ nhiệt điện chạy than, chạy dầu và chạy khí; từ nhập khẩu điện… Trong khi EVN vẫn còn chiếm tới hơn 70% nguồn phát của toàn ngành điện. Giá thành sản xuất điện hiện nay cũng chưa được tính toán cụ thể và cân đối bù trừ đối với từng nguồn phát điện và cũng chưa được công khai minh bạch trong từng nhà máy của EVN, hay từng công ty cổ phần có sự tham gia của EVN, hay các nguồn điện khác bên ngoài EVN… Từ thực tế này, chính ông Nguyễn Phúc Vinh đã phải thừa nhận rằng: “Chúng ta chưa minh bạch được giá mua và giá bán để tạo sự đồng thuận trong xã hội”.
Minh bạch – là yêu cầu lâu nay dư luận vẫn yêu cầu đối với ngành điện trong cách tính toán giá điện nhưng nghe chừng là việc làm quá khó? Vậy EVN đòi tăng giá bán lẻ điện liệu có hợp lý nếu không minh bạch được giá thành sản xuất điện từ các nguồn EVN hiện mua? Và nếu như vẫn còn nhiều nhà sản xuất điện bán cho EVN với giá dưới 800 đồng/kwh thì liệu EVN kinh doanh điện có thực lỗ để đòi tăng giá bán? Khi mà giá bán lẻ điện sinh hoạt đang được tính theo 7 bậc - mà bậc thang đầu tiên - áp dụng cho hộ nghèo và hộ thu nhập thấp (0- 50kwh) đã có giá 993 đồng/kwh? Đành rằng để có được điện đến tận tay người tiêu dùng còn rất nhiều chi phí như truyền tải, phân phối, nhân công… Tuy nhiên, theo GS.VS.TSKH Trần Đình Long - PCT Hiệp hội Điện lực thì hoàn toàn có thể công khai minh bạch cách tính này: “Ví dụ, mua từ dầu khí là bao nhiêu, giá bao nhiêu, thủy điện nhỏ bao nhiêu, giá nào… Tất cả các con số này đều có thể công khai không có gì phải bí mật. Tôi không hiểu sao lại không có số liệu như vậy?”.
Chỉ có tăng mà không giảm
Lên giá là một trong những động thái thường xuyên của ngành điện. Và cũng thể hiện một xu thế rất đặc biệt của ngành điện là chỉ có lên giá một chiều, có tăng mà không có giảm (cụ thể: từ ngày 1/3/2010 giá điện bình quân tăng 6,8% so với năm 2009, từ ngày 1/3/2011 tăng thêm 15,58% so với năm 2010 và từ ngày 20/12/2011 tăng thêm 5%). Trong khi đó, các ngành kinh doanh khác như xăng dầu là có lên, có xuống và càng không giống như ngành viễn thông là chỉ có xuống sau khi đã tham gia cơ chế thị trường cạnh tranh đầy đủ. Đây là quan sát của TS Nguyễn Minh Phong – Viện nghiên cứu kinh tế xã hội Hà Nội.
Cũng theo ông Phong, ngành điện đang còn độc quyền nhưng luôn luôn có xu hướng đòi giá thị trường. Mà giá thị trường này không phải do cạnh tranh mà do ngành điện tự xây dựng, giải trình và áp đặt cho người tiêu dùng.
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh thì sự minh bạch, công khai trong cách tính giá điện vẫn ở trạng thái của 10-15 năm trước. Với trích dẫn của Bộ Công thương về kết quả kiểm toán về lỗ của điện là có thực. Tuy nhiên, với cách tính của các nhà nghiên cứu chuyên ngành thì không thể chỉ dựa vào những con số báo cáo đó được.
Theo ông Ánh, kết quả kiểm toán chủ yếu là các số liệu về tài chính nó có hợp lý hợp lệ hay không chứ không thể thuyết minh được là liệu cái lỗ trong báo cáo đó có đúng hay không và nguyên nhân lỗ là do đâu. Kết quả của kiểm toán không phải là bằng chứng đủ sức thuyết phục để giải thích câu chuyện lỗ lãi của ngành điện.
Mới đây, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khi đề nghị được điều chỉnh giá bán điện cho EVN cũng đưa ra những ví dụ cụ thể khi EVN mua điện của 2 nhà máy Nhiệt điện Na Dương và Cao Ngạn thuộc Vinacomin với mức giá “thấp hơn nhiều so với giá Vinacomin đề nghị điều chỉnh theo giá cả đầu vào, thấp hơn so với mức giá điện trong 5 năm qua vì giá điện của Vinacomin 5 năm qua không được điều chỉnh - trong khi giá EVN mua của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng ký cuối năm 2011 là 1.008 đ/kwh, nhưng giá bán điện của các NM Sơn Động, Cẩm Phả hiện nay các bên vẫn tạm tính và chưa được điều chỉnh giá bán điện theo biến động của đầu vào, tỷ giá.”. Điều này thể hiện rõ sự khác biệt trong quá trình mua điện của EVN với các đối tác.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng - Bộ công thương thì còn một lý do khác: Tôi nghĩ rằng đó là việc đàm phán giữa các DN với nhau tùy theo các điều kiện của các dự án cụ thể. Các DN phải có những trao đổi để chúng ta phản ánh được những chi phí để xác định giá thành, giá bán..”.
Nói là vậy. Tuy nhiên, với một sản phẩm có tính đặc thù như điện - sản xuất và tiêu dùng phải diễn ra đồng thời, không thể tồn kho, dự trữ được - nếu không bán cho EVN thì sẽ bán cho ai? Khi mà đối với một số tập đoàn như Dầu khí hay than khoáng sản, việc sản xuất điện không chỉ đơn thuần là tạo ra sản phẩm hàng hóa mà còn thực hiện nhiệm vụ chính trị nhà nước giao là đảm bảo an ninh năng lượng?
Như đã nói, giá bán điện chỉ có tăng mà không giảm, nhưng không chỉ Vinacomin mà theo nhiều nhà sản xuất điện, sau những lần EVN điều chỉnh tăng giá bán lẻ, họ vẫn chưa thể đàm phán tăng giá bán buôn điện cho EVN.
- Cận cảnh cây gỗ Kim Tơ Nam Mộc được bán với giá gần 9.000 tỷ đồng, báu vật có '1-0-2' trên đời
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?