Tâm sự của cô gái làm nghề trang điểm cho người chết
Thứ năm, 11/10/2012 14:33

Cái chết lại chính là cuộc sống của Chen Jiao. Cô gái 25 tuổi làm nghề ướp xác tin rằng mình có một mối quan hệ đặc biệt với những người mà cô chuẩn bị tang lễ cho họ.

Chen Jiao luyện trang điểm trên một người bạn đồng nghiệp tại nhà tang lễ Jiangnan, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.

Chen Jiao luyện trang điểm trên một người bạn đồng nghiệp tại nhà tang lễ Jiangnan, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.

"Công việc của tôi là làm cho những người đã qua đời trở nên đẹp hơn vào lần cuối thế giới nhìn thấy họ", Chen, làm việc tại nhà tang lễ Jiangnan, thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc cho biết. "Một trái tim nhân hậu là điều cần phải có. Bạn phải đặt mình vào vị trí thân nhân của họ".

Cô gái trẻ bày tỏ rằng rất hài lòng với công việc của mình. "Bạn có thể chứng kiến cảnh những gia đình ngạc nhiên với vẻ bề ngoài thay đổi của người thân. Có nhiều người bảo rằng những người họ yêu quý tại lễ tang trông còn đẹp hơn cả khi còn sống".

Ướp xác bắt đầu trở thành một nghề kinh doanh kể từ khi 4 trường đại học ở Trung Quốc mở các khóa đào tạo dịch vụ tang lễ.

"Nghĩ đến chuyện phải làm việc với người chết hàng ngày khiến một số người sợ hãi", Chen giải thích. "Rất khó để thay đổi quan niệm này. Một trong những tham vọng nghề nghiệp của tôi là khiến mọi người hiểu rằng nghề này xứng đáng được tôn trọng".

Chen cho biết cô thường phải mất khoảng một giờ để hoàn thành việc làm đẹp cho một thi thể. Một vài trường hợp có thể lâu hơn, ví dụ khi người đó bị chết đuối hoặc tử vong do tai nạn ô tô.

"Bạn phải hoàn toàn tập trung vào công việc để tránh làm rách da họ trong khi tắm hoặc cạo râu", cô kể. Làn da của người đã chết rất dễ rách. Việc di chuyển các bộ phận cơ thể bị cứng cũng khá khó khăn.

Lần đầu tiên Chen được trải nghiệm công việc ướp xác là khi đang học đại học năm thứ hai và thực tập tại một nhà tang lễ.

"Đó là một cụ ông tầm 70 tuổi, không có con cháu", cô nhớ lại. "Ông ấy chỉ có da bọc xương. Móng tay không được cắt tỉa". Khi đó, Chen đã rất lo sợ. "Nỗi sợ hãi chủ yếu xuất phát từ sự không chắc chắn. Cảm giác này biến mất khi bạn đã quen với công việc", cô nói.

Nghề của Chen cũng không kém phần vất vả. "Nếu bạn đang mệt sau khi làm việc với một thi thể, bạn sẽ cuống lên khi biết rằng một thi thể khác sắp được chuyển đến", cô nói. "Bạn phải lao vào công việc bất cứ lúc nào".

Các nhân viên ở nhà tang lễ rất ít khi được nghỉ lễ vì đó là khoảng thời gian mà công việc của họ đặc biệt bận rộn. Ngoài ướp xác, công việc này còn bao gồm cả hướng dẫn những người tham dự tang lễ.

"Chúng tôi đang cố gắng hướng dân chúng đến thói quen tưởng niệm người đã khuất bằng hoa, trái cây, thay vì pháo và vàng mã", Chen giải thích.

Quản lý của cô, ông Jiang Huichang, nhấn mạnh rằng những nhân viên trẻ như Chen cần biết tiết chế cảm xúc. "Chúng tôi phải thoát ra khỏi bất cứ cảm xúc bất thường nào", ông nói. "Rất may là chúng tôi chưa gặp vấn đề gì. Nghề này phải thực sự yêu. Nếu bạn chỉ làm vì tiền thì khó mà theo lâu dài được".

Chen cho biết cô thấy dễ dàng để tách biệt khỏi công việc của mình. "Tôi không nghĩ mình khác biệt so với những cô gái khác", cô nói. "Có thể tôi có cái nhìn về cuộc sống trưởng thành hơn một số người, nhưng tôi vẫn vui vẻ như bất kỳ ai".

Đổi định kiến lấy trải nghiệm

Chen chọn học nghề dịch vụ tang lễ hồi năm 2006 vì đây là nghề ít phổ biến nên cơ hội kiếm việc làm cũng rộng hơn. "Bố mẹ ủng hộ tôi, miễn là tôi thích. Nhưng nhiều bạn bè tôi rất sốc. Điều này khiến họ bối rối", cô nói.

Thậm chí, một số bạn cùng trường còn cái thái độ phân biệt với Chen. Những sinh viên ngành khác không bao giờ ngồi cùng với sinh viên ngành dịch vụ tang lễ.

"Chúng tôi bị cô lập. Nhưng tất cả bạn cũ của tôi, kể cả bạn trai tôi, đã bên cạnh tôi nhiều năm qua. Công việc của bạn không thay đổi việc bạn là ai. Nếu có, thì sẽ theo một cách tích cực".

Chen khẳng định cô chưa bao giờ hối hận về quyết định của mình. Cô vào làm việc tại nhà tang lễ sau khi tốt nghiệp và mất thêm hai năm đào tạo nghiệp vụ, vượt qua sự cạnh tranh khốc liệt để trở thành một nhân viên ướp xác.

Món quà lớn nhất mà công việc mang lại cho Chen là sự hiểu biết sâu sắc hơn về cuộc sống. "Bạn trải nghiệm những câu chuyện về sự sống và cái chết nhiều hơn, chứng kiến nhiều nỗi đau hơn", cô nói. "Điều đó khiến bạn càng quý trọng sự sống của mình hơn. Cái chết rất bình đẳng với mọi người, bất kể giàu hay nghèo. Thậm chí các tỷ phú cũng không thể mua được cái chết khi tử thần đã gọi".

Cũng vì thế, Chen đánh giá thấp những người tự tử. "Có một người mẹ đã tự sát sau khi sinh con", Chen kể. "Cô ấy không thể chịu được việc mọi người thờ ơ với mình và dành tất cả sự quan tâm cho đứa trẻ. Tất nhiên, cô ấy có lý do của mình, nhưng như thế thật ích kỷ. Gia đình và bạn bè cô ấy đã đau khổ cùng cực".

Chen dự định sẽ gắn bó với nghề ướp xác suốt đời mình. "Tôi có thể trì hoãn việc có con, vì thề tôi không lo làm gián đoạn nghề nghiệp của mình", Chen nói. "Nếu tôi có con, tôi sẽ để đứa trẻ biết tôi đang làm một nghề rất cao quý".

VNE
Tag: Tin quốc tế , Chuyện lạ , Trung Quốc , Trang điểm cho xác chết , Chen