“Mạng bệnh nhân nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ”.
|
Đó là những lời bộc bạch của một bác sĩ vừa trải qua ca phẫu thuật đặc biệt cho một bệnh nhân nhiễm HIV ngừng tim, tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
Chia sẻ với phóng viên, bác sĩ H (khoa Hồi sức Cấp cứu, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; một trong những bác sĩ tham gia cấp cứu cho người phụ nữ nhiễm HIV) kể lại: “Máu bệnh nhân chảy xối xả, lúc đó chỉ cần chậm 1 giây, bệnh nhân có thể không qua khỏi. Tôi cũng không kịp bảo vệ mình bằng cách đeo găng tay phòng hộ. Sau khi tim chị N.T.H đập trở lại, tôi mới giật mình nhớ ra mình chưa đeo găng. Lúc này thì sự đã rồi…”.
Bác sĩ N cũng nhớ như in lúc anh tiếp xúc với máu và dịch của chị N.T.H.
“Sau khi cấp cứu, bệnh nhân có dấu hiệu của sự sống, tim đập trở lại, tuy nhiên máu từ âm đạo bệnh nhân lại tiếp tục phun thành dòng. Tay tôi cũng bị nhuốm đầy máu từ bệnh nhân”, anh N nói.
Anh N cho biết, sau khi biết bệnh nhân nhiễm HIV, anh cũng lo lắng về nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh. Anh N và các y, bác sĩ khác trong ca phẫu thuật trên đã được uống thuốc dự phòng kháng virus HIV.
Về nhà, anh N kể câu chuyện cấp cứu ca đặc biệt cho vợ và gia đình. May mắn, vợ anh cũng làm trong ngành y nên rất hiểu và chia sẻ. Tuy nhiên, trong sinh hoạt, anh N vẫn phải rất cẩn thận, tránh lây nhiễm sang người khác.
Đến thời điểm này, anh N và 17 y, bác sĩ khác vẫn phải chờ đợi 3 tháng sau để làm xét nghiệm xem mình có bị nhiễm HIV hay không.
Chị N.T.H vừa qua cửa tử.
Là người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhiễm HIV, bác sĩ K tâm sự: Nếu bác sĩ chỉ chậm 1 - 2 phút là bệnh nhân không thể qua khỏi. Bởi lúc chị N.T.H được đưa vào phòng cấp cứu đã rất nguy kịch. Bệnh nhân da vàng nhợt, mạch nhỏ, khó bắt, huyết áp tụt không đo được, tim rời rạc gần như ngừng đập. Các bác sĩ không kịp di chuyển chị N.T.H vào phòng phẫu thuật. Nếu đưa vào phòng phẫu thuật, tim ngừng đập lần 2, bệnh nhân sẽ tử vong.
“Lúc đó, chúng tôi không còn đủ thời gian để chần chừ, để mặc thêm những bộ áo và đeo kính phòng vệ cho bản thân, hay đưa bệnh nhân lên phòng phẫu thuật. Trước chúng tôi là một mạng người yếu đuối, sự sống nằm trong tay chúng tôi, một tích tắc chậm chạp, e ngại của người thầy thuốc sẽ tước đi quyền sống của họ”, bác sĩ K cho hay.
Theo bác sĩ K, những bệnh nhân có HIV, mang thai, phải phẫu thuật, mổ đẻ là điều bình thường, bởi trong viện có khoa Truyền nhiễm dành cho những người mang HIV. Tuy nhiên, trường hợp bệnh nhân N.T.H nhập viện trong tình trạng tim ngừng đập, trụy tim mạch, máu phun ra ào ạt, sinh mạng chỉ tính theo tích tắc. Hơn nữa, bệnh nhân từ nơi xa chuyển đến, phải phẫu thuật ngay tại phòng cấp cứu, không đủ thời gian để đưa vào phòng phẫu thuật. Lúc đó, 18 y, bác sĩ và phẫu thuật viên được huy động bất chợt xuống phòng khám cấp cứu.
Sau phẫu thuật, kết quả xét nghiệm máu của bệnh nhân mới có. Bệnh nhân bị nhiễm HIV. Khi đó, 18 người gồm bác sĩ cấp cứu, phẫu thuật và y sĩ mới biết mình đã bị phơi nhiễm HIV.
Bác sĩ K cho biết, các ca mổ cắt tử cung bao giờ máu cũng văng tung tóe, nước ối bắn vào mắt... Ngay cả việc chỉ khám không thôi cũng có khả năng lây nhiễm HIV, do phải tiếp xúc với dịch tiết.
“Sau khi biết thông tin, tôi tĩnh lại khoảng 1 phút, sau đó động viên anh em. Chúng tôi vẫn tin rằng, nguy cơ lây nhiễm HIV từ bệnh nhân rất thấp”, bác sĩ K nói.
Đến nay, 18 y, bác sĩ có nguy cơ phơi nhiễm HIV đã được cấp thuốc uống để điều trị dự phòng. Nhưng mọi chuyện không nhẹ nhàng chút nào, họ phải uống suốt 1 tháng loại thuốc có rất nhiều tác dụng phụ như: Gây tiêu chảy, đau bao tử, mất ngủ, ói, nổi mụn...
Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Người có tuổi thọ ngắn sẽ có 6 triệu chứng khi đi bộ, nếu bạn không có thì xin chúc mừng bạn đã có sức khỏe dồi dào
- Ba loại thực phẩm cấm kỵ ăn chung với thịt bò, nhưng nhiều người vẫn mắc phải
- Ăn mì ăn liền nhiều có bị ung thư không? WHO: Có 6 thực phẩm thực sự gây ung thư, hãy tránh càng xa càng tốt
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành