Sự thật 'đau đớn' khiến người Việt bị công ty đa cấp lừa đảo
Thứ sáu, 16/10/2015 10:39

Nói về việc “sập bẫy” kinh doanh đa cấp “ma”, đại diện Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam cho biết: “Nói thẳng ra là: Những người Việt mình hay ham lợi”.

Chuyên gia giải mã “tuyệt chiêu” lừa đảo của đa cấp

Còn nhớ vào năm 2011, công ty đa cấp đầu tiên ở Việt Nam - công ty TNHH Agle Việt Nam sụp đổ khiến “thế giới ngầm” kinh doanh đa cấp (KDĐC) lung lay

Hàng nghìn thành viên của công ty này bỗng dưng rơi vào cảnh trắng tay.

Mới đây, vụ Công ty Focus Việt Nam bị cơ quan Quản lý thị trường phạt tiền 80 triệu đồng đối với hành vi KDĐC “ma” lại một lần nữa khiến nhiều “con nghiện” KDĐC giật mình lo sợ.

Nhưng những bài học nhãn tiền đó dường như chưa giúp nhiều người dân Việt tỉnh ngộ.

Không ít người vẫn lao vào vòng xoáy “tiền – tiền – tiền” theo kiểu KDĐC “ảo” để rồi sau đó ngập trong nợ nần, lao đao khi không thể rút được chân ra.

Nạn KDĐC “ma” hoành hành nhiều tới mức ông Vũ Vinh Phú, nguyên GĐ Sở Thương mại Hà Nội đã phải thốt lên rằng: Chưa bao giờ các công ty KDĐC ở Việt Nam lại hoạt động ngang nhiên lừa đảo khách hàng như hiện nay!


Luật sư Vi Văn Diện cho rằng: Hiện tượng KDĐC “ma” đang có nhiều diễn tiến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, đặc biệt trên địa bàn TP.Hà Nội.

Luật sư Vi Văn Diện cho rằng: Hiện tượng KDĐC “ma” đang có nhiều diễn tiến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, đặc biệt trên địa bàn TP.Hà Nội.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư (LS) Vi Văn Diện – Giám đốc Công ty luật Thiên Minh cho rằng: Hiện tượng KDĐC “ma” đang có nhiều diễn tiến phức tạp với những thủ đoạn tinh vi, đặc biệt trên địa bàn TP.Hà Nội.

Những công ty KDĐC vi phạm pháp luật là những công ty chưa được cấp phép nhưng vẫn hoạt động, nói đúng hơn, là hình thức kinh doanh trái phép, là hoạt động tội phạm hình sự.

Hành vi phạm tội này được luật hoá cụ thể ở 3 tội danh: Kinh doanh trái phép; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và trốn thuế.

“Quy trình, thủ tục là phải có sự cấp phép của Bộ Công thương, hoạt động theo quy định, chứ còn đi chăn dắt người khác đó là lừa đảo” – ông Diện lưu ý.

Vì vậy, theo LS.Diện, người dân khi muốn tham gia vào mạng lưới nào đó cần tìm hiểu, yêu cầu họ cung cấp hồ sơ pháp lý đầy đủ.

Thứ 2, công ty đó không được bắt ép người dân phải mua hàng vì trên thực tế, nhiều đơn vị vẫn bắt buộc người tham gia phải mua hàng thì mới được vào hệ thống.

“Khi tham gia, cần thiết phải có những giao dịch, hợp đồng rõ ràng chứ không phải cứ đến rồi cầm theo phiếu mua hàng là xong”, ông nói.

Ông Diện lấy ví dụ: Công ty đa cấp TNMU trước đây đã yêu cầu người tham gia phải mua hàng hóa, không cam kết cho phép trả lại hàng hóa bằng chương trình khuyến mại lập lờ, cản trở người tham gia trả lại hàng hóa.

Người tham gia được nhận hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp.

Hình thức bán hàng đa cấp này đã vi phạm pháp luật hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, vi phạm Nghị định 110 của Chính phủ.

Việc gây lòng tin ảo luôn được các công ty đa cấp áp dụng triệt để. Có đơn vị thu mỗi người được nhận vào làm việc 7 triệu đồng dưới danh nghĩa mua máy lọc nước Ozone.

Tiếp theo là khích lệ, động viên những người tham gia lôi kéo thêm nhiều người khác tham gia sẽ được hưởng một khoản lợi ích vật chất tăng tiến theo mô hình kim tự tháp.

Khoản lợi ích người tham gia kỳ vọng chưa thấy đâu, nhưng những người “dính bẫy” lại ra sức dụ dỗ, lừa phỉnh bằng cách đưa ra những thông tin gian đối nhằm tạo niềm tin đối với người tham gia.

Hành vi lừa đảo này mang tính dây chuyền và lan rộng chóng mặt.


Ảnh minh họa (nguồn internet)

Ảnh minh họa (nguồn internet)

“Người dân cứ tin rằng những người trong hệ thống vẫn đang làm việc nhưng sự thật thì họ có làm việc đâu mà có sản phẩm.

Một số công ty lấy danh nghĩa KDĐC nhưng bán một cái máy thiết bị nào đó mà giá trị sử dụng không đúng với số tiền bán ra.

Ngoài ra, một số đơn vị núp bóng KDĐC để buôn bán một số sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ” – ông Diện nói.

Khi nào KDĐC “ma” hết hoành hành?

Đầu thế kỷ 21, KDĐC bắt đầu bước chân vào thị trường Việt Nam và đạt tổng doanh thu không ngờ trong hai, ba năm đầu.

Theo số liệu của Bộ Công thương: Nếu năm 2006 cả nước có hơn 230.000 người tham gia vào mạng lưới KDĐC, năm 2009 hơn 666.000 người, thì đến hết năm 2011 đã có hơn 1 triệu người tham gia mô hình kinh doanh này.

Đối với các nước phương Tây, thì hoạt động KDĐC diễn ra lành mạnh, công khai, minh bạch, phát triển và mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên, dưới góc nhìn của các chuyên gia tại Việt Nam thì hoạt động này đã bị biến tướng hoàn toàn.

Mặc dù báo chí đã không ít lần gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với những người “nhẹ dạ cả tin” nhưng không ít người vẫn rơi vào “ma trận” của KDĐC “ảo”.

Giải mã về việc người dân Việt vẫn lao đầu vào những “chiêu lừa bẩn” của các công ty KDĐC “ma”, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Tổng thư ký Hiệp hội bán hàng đa cấp Việt Nam đã chỉ ra một sự thật đau đớn:

“Nói thẳng ra là: Những người Việt mình hay ham lợi. Những người tham gia cần phải tỉnh táo xác định:

Thứ nhất, công ty đa cấp đó có giấy phép đa cấp chưa, được ai cấp, hàng hóa chất lượng thế nào hay chỉ là hàng trôi nổi, sản phẩm của họ là gì, họ có nhà máy sản xuất hay không?

Người Việt mình không xem bề dày của công ty mà chỉ nhìn vào lợi ích trước mắt.

Khi công ty nào dụ dỗ, anh vô đi, anh không phải làm gì hết, anh sẽ được ký hợp đồng… người Việt dễ dàng gật đầu ngay”.


Nhiều người dân nhẹ dạ cả tin vẫn lao vào KDĐC để rồi bị lừa đảo. (Ảnh: Long Nguyễn)

Nhiều người dân "nhẹ dạ cả tin" vẫn lao vào KDĐC để rồi bị lừa đảo. (Ảnh: Long Nguyễn)

Cũng đồng tình với quan điểm này, LS. Hoàng Ngọc Hoài - Nguyên Thẩm phán Tòa án tỉnh Bắc Giang cho rằng:

"Sở dĩ người dân Việt Nam vẫn cứ lao vào KDĐC để rồi trở thành “nạn nhân” của những vụ lừa đảo là bởi niềm tin, do lòng tham của người dân.

Họ nghe lời dụ dỗ của người hoạt động trong lĩnh vực KDĐC. Thêm vào đó, một phần do người dân không có thông tin, chưa tìm hiểu kỹ. Nếu biết đó là trò lừa đảo thì chắc chắn, người dân đã không tham gia".

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long chia sẻ: Các công ty KDĐC dùng rất nhiều “chiêu” nhằm cho ta thấy những lợi lộc thu được, họ ra sức ngụy biện hay thuyết giáo nhưng chủ yếu chỉ “bịt mắt” được những người không hiểu biết.

“Nhiều người bạn cứ đến giới thiệu với tôi về thuốc này, thuốc kia nhưng tôi không tin… Người nào ngộ nhận, không tỉnh táo sẽ bị lừa” – ông Long nói.

Với câu hỏi: “Khi nào thì các công ty KDĐC “ma” hết hoành hành?”, LS. Vi Văn Diện cho rằng: Lòng tham của con người chẳng bao giờ hết được, kể cả các nước phát triển.

“Vì ai mà chẳng có lòng tham, ai mà chẳng muốn cuộc sống đi lên, giàu có. Vấn đề ở đây là việc thẩm tra, thẩm định phải thật kỹ” – LS Diện nhấn mạnh.

Thêm vào đó, LS Diện cho rằng: Quản lý của Việt Nam chưa chặt chẽ trong lĩnh vực đa cấp.

Do vậy, KDĐC bất chính hết hoành hành khi và chỉ khi: Các cơ quan chức năng phải vào cuộc đồng bộ, thanh tra Bộ Công thương phải rà soát kỹ càng.

Nếu có hành vi lừa đảo hoặc lợi dụng lòng tin của người dân, cơ quan điều tra phải vào cuộc ngay lập tức.

Với trường hợp một số công ty KDĐC hoạt động rải rác ở các tỉnh thành, cơ quan địa phương phải điều tra tránh tình trạng núp bóng KDĐC để lừa phỉnh dân.

“Để đủ sức răn đe, quan điểm của tôi là khi phát hiện ra sai phạm phải xử lý thật mạnh, liêm minh. Có dấu hiệu lừa đảo phải xử lý theo bộ luật hình sự” – LS Diện thẳng thắn.

soha.vn/ttvn.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Bán hàng đa cấp , người Việt bị công ty đa cấp lừa đảo , đau đớn bị công ty đa cấp lừa đảo