Cạm bẫy đa cấp biến sinh viên thành 'chúa chổm'
Thứ tư, 23/09/2015 08:40

Với tỉ suất sinh lời trong mơ, đầu tư 9,3 tỉ đồng, thu về hơn 450 tỉ đồng, không chỉ đối tượng là nông dân, người già mà “máy kiếm tiền siêu tốc”.

Nhiều sinh viên ở Thái Nguyên, chỉ vì muốn kiếm tiền trang trải học hành, đã lâm vào cảnh khóc dở mếu dở, trở thành con nợ của các chủ hiệu cầm đồ với số tiền lên tới vài chục triệu đồng... bởi “cơn lốc” đa cấp càn quét. Thực hư sự việc này ra sao?

Bỗng nhiên trở thành con nợ

Trước viễn cảnh đổi đời nhanh chóng cùng những lời thuyết phục ngọt hơn "mía lùi" của đội ngũ nhân viên bán hàng đa cấp (BHĐC), rất nhiều sinh viên ở các tỉnh, thành, đặc biệt ở Thái Nguyên đang phải “ôm” những khoản nợ lên tới hàng chục triệu đồng, thậm chí là hàng trăm triệu đồng tại các tiệm cầm đồ.

dacap-xahoi.com.vn-1442971816

Giấy vay tiền của các nạn nhân.

Qua tìm hiểu, PV được biết, Nguyễn Thị L., sinh viên khoa Sử; Nguyễn Diệu H., lớp Văn Sử của trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên là một trong nhiều sinh viên đã trở thành con nợ tín dụng đen vì trót tham gia hệ thống BHĐC qua mạng Internet. Gặp chúng tôi, L. kể lại: “Sau khi nhập học được 3 tuần, có một chị học khóa trên của khoa Toán Tin tên là Hu. ở gần khu trọ làm quen với em rồi rủ đi nghe thuyết trình về BHĐC. Em được Hu. đưa tới văn phòng của công ty cổ phần ĐTMBTT (nằm trên đường Cách mạng Tháng Tám, TP. Thái Nguyên). Tại đây, em được nhân viên của công ty “hướng dẫn” đăng ký tham gia gian hàng trên mạng để trở thành hội viên, sau đó sẽ được mua nhiều loại sản phẩm như nước hoa, quần áo, giày dép, thắt lưng, thẻ điện thoại, nước mắm... với giá rẻ. Người tham gia cũng được hưởng nhiều lợi ích của công ty, như bán được hàng thì được hưởng hoa hồng. Để trở thành hội viên, có gian hàng trên mạng, em nộp phí 5,2 triệu đồng”.

Thấy bùi tai và nghĩ có thể kiếm thêm thu nhập nên L. định tham gia. Tuy nhiên, khi biết em không có tiền, một nhân viên của ĐTMBTT tên Yến, học khoa Địa cùng trường đã đưa L. tới một hiệu cầm đồ “cắm” chứng minh nhân dân, thẻ sinh viên để vay 5,2 triệu đồng với lãi suất 5 nghìn đồng/triệu đồng/ngày). Chị Yến cũng trực tiếp ký bảo lãnh cho L.. Sau khi vay, L. nộp hết số tiền đó cho chị Yến, chứ công ty không có hợp đồng nào với L.. Nộp tiền xong, L. thấy có tên mình trên gian hàng, ngoài ra không có sản phẩm gì. “Khi biết em tham gia bán hàng qua mạng, bạn Nguyễn Thị Ng. (học cùng lớp, ở cùng khu trọ) đã nhờ em đưa đến công ty để đăng ký. Sau khi bạn Ng. tham gia hệ thống, em được chị Yến đưa cho 1,5 triệu đồng. Số tiền này em dùng để trả một phần tiền gốc và tiền lãi vay của cửa hiệu cầm đồ...”, L. thành thật kể chuyện.

Đối với các hệ thống BHĐC, ngoài “chiêu bài” mời chào bán sản phẩm còn luôn khuyến khích những người tham gia tiếp tục mời nhiều người khác cùng vào mạng lưới. Ngay sau khi mời thêm được 1 người tham gia thì người vận động sẽ được trả tiền trực tiếp. Bản thân Ng. sau khi tham gia hệ thống bán hàng qua mạng đã vận động được bạn Mạc Thị Ph., lớp Sử CK46 và Đinh Thị N., lớp Sinh CK46 tham gia, nên được công ty trả hoa hồng 3 triệu đồng. Ng. cũng đã dùng số tiền này để trả một phần tiền gốc và tiền lãi vay của cửa hiệu cầm đồ trước đó.

“Sống dở chết dở”

nha-xahoi.com.vn-1442971865

Một công ty đa cấp đang được nhiều người cảnh báo có chi nhánh ở Thái Nguyên.

Chúng tôi tìm đến nơi em Ph. đang ở trọ, nghe Ph. kể về con đường dẫn em vào “bẫy” BHĐC: “Trước đây, em và Ng. ở cùng phòng trong ký túc xá. Bạn ấy hỏi em có thích đi làm thêm không? Em rất muốn, bởi hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Được bạn Ng. dẫn ra chi nhánh liên kết với công ty Thiên Ngọc Minh Uy, có trụ sở ở xóm 2, thị trấn Hùng Sơn. Tại đây, các anh chị hướng dẫn em rất "tận tình". Công ty yêu cầu em mua một gói sản phẩm, nhưng em không có tiền. Thấy vậy, chị Yến (nhân viên công ty) đã dẫn em tới một hiệu cầm đồ nằm trên đường Dương Tự Minh (TP. Thái Nguyên) để vay tiền nộp cho công ty”.

Khi Ph. mua 1 sản phẩm thì được tặng 3 phiếu mua sản phẩm khác. Ph. mang 3 phiếu đem tặng cho 3 người bạn và vận động được 1 bạn là Vi Thị Ngu., cùng trường tham gia mua sản phẩm của công ty, sau đó, Ph. được công ty trả cho 1,5 triệu đồng. “Dành số tiền này cộng với tiền ăn bố mẹ gửi cho hàng tháng, em đã đem trả cho cửa hiệu cầm đồ 2 lần được 4 triệu đồng (cả lãi), giờ vẫn còn nợ hơn 2 triệu đồng nữa”, Ph. tâm sự.

Chúng tôi có mặt tại một địa điểm chi nhánh của công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy ở Thái Nguyên. Sản phẩm chính của Thiên Ngọc Minh Uy là máy lọc ozone. Nhân viên công ty nhanh chóng làm phép tính về lợi nhuận từ việc kinh doanh đa cấp để giới thiệu. Nghe những lời mời chào đường mật của nhân viên cũng như một số người dẫn dắt, các "con mồi" đều cảm thấy việc kiếm tiền rất nhanh chóng và dễ dàng. Liên quan đến những chiêu trò hoạt động của một số công ty BHĐC ở địa bàn Thái Nguyên, ngoài việc bán thực phẩm chức năng và một số mặt hàng khác thì bán hàng qua mạng cũng là chiêu được sử dụng khá phổ biến.

Tất cả sinh viên mà chúng tôi gặp đều cho biết, để có tiền nộp và tham gia vào mạng lưới bán hàng qua mạng, BHĐC, mua gói sản phẩm, các em đã được chính nhân viên của công ty cổ phần ĐTMBTT, Thiên Ngọc Minh Uy đưa đi vay lãi tín dụng đen tại các hiệu cho vay cầm đồ. Trong khi đó, tiền ăn học của các sinh viên này đều do gia đình gửi xuống hàng tháng, vậy các em sẽ lấy đâu ra tiền để trả món vay nặng lãi này? Một số trường hợp do không có khả năng thanh toán đã phải cầu cứu gia đình.

Theo tìm hiểu của PV, ngoài L. và Ng. gia đình đã phải đem tiền xuống trả nợ cho con thì còn nhiều em như Ph., N.... vẫn đang là con nợ của tín dụng đen. "Nhiều lúc ngồi học mà em chẳng nhập tâm vì nghĩ đến món nợ lãi mẹ đẻ lãi con đó. Mỗi tháng, bố mẹ em gửi cho 2 triệu đồng để chi phí ăn học. Không biết đến bao giờ em mới trả được hết số tiền này cho hiệu cầm đồ?”, Ph. ngậm ngùi cho biết.

Điều đáng nói là do thiếu thông tin nên không ít sinh viên đã bị lôi kéo tham gia mạng lưới BHĐC. Trong khi đó, nhân viên của hệ thống BHĐC này không quan tâm đến giới thiệu chất lượng sản phẩm mà chỉ hướng dẫn người mới đến tìm hiểu, vận động nhiều người khác cùng tham gia để có thể kiếm được nhiều tiền. Họ đã “đánh trúng” vào tâm lý ham tiền, muốn đi làm thêm, kiếm thêm thu nhập của nhiều sinh viên. Và như vậy, “máy kiếm tiền siêu tốc” mang tên đa cấp này rất lớn.

Qua tìm hiểu của PV thì tại Thái Nguyên, chỉ có công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy là có hợp đồng với người tiếp thị, hay còn gọi là chuyên viên kinh doanh, nhưng nhiều điều khoản đề ra đều có lợi cho bên công ty, còn với mạng lưới bán hàng qua mạng lại không có bất cứ hợp đồng nào mang tính chất ràng buộc đối với những người tham gia. Như ông Trần Văn A., Giám đốc chi nhánh công ty cổ phần ĐTMBTT tại Thái Nguyên đã từng lý giải, việc đăng ký gian hàng trên mạng đã là một bản hợp đồng rồi. Số tiền người tham gia nộp cho công ty sẽ được chuyển ra ngân hàng, sau đó người tham gia được kích hoạt gian hàng trên mạng và trở thành hội viên. Nếu hội viên nào đặt hàng mà không lấy thì gian hàng sẽ bị huỷ. 

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hữu Hà - Trưởng Công an thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nơi có nhiều người tham gia BHĐC cho biết, nhiều gia đình tan nát, mất vài trăm triệu đồng vì hình thức mua hàng ký gửi trên mạng. Nhiều người khi biết bị lừa nhưng không dám đến công an để trình báo mà họ vẫn tin vào lãi ảo tài khoản trên mạng. Công ty Thiên Ngọc Minh Uy thì không đăng ký kinh doanh hoạt động trên địa bàn huyện Đại Từ mà có một đại lý kinh doanh mua bán hàng ký gửi. Khi có người dân khiếu kiện, cơ sở bán hàng này lại mang chính sản phẩm là máy sục ozone hay sản phẩm chức năng ra trả. Những công ty đa cấp này nắm bắt được tâm lý người dân ở Đại Từ có tiền đền bù giải phóng mặt bằng cho dự án Núi Pháo nên liên tục mời chào bằng mọi hình thức. Phía công an chỉ quản lý được những cơ sở này về hành chính, còn người dân cần phải cảnh giác, thận trọng khi tham gia, tránh bị mất tiền lại tan cửa, nát nhà.

Nguoiduatin.vn

Clip đang được xem nhiều nhất: Nhóm thanh niên ngăn cô gái nhảy cầu

Tag: Bán hàng đa cấp , sinh viên bán hàng đa cấp , sinh viên thành "chúa chổm" bán hàng đa cấp