Sau những cao ốc lộng lẫy, có một giao thừa giá lạnh
Thứ ba, 03/01/2012 10:51

Tối 1/1/2012, vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, trong khi cả thế giới đang tưng bừng đón chào năm mới, thì đâu đó giữa Hà Nội phồn hoa vẫn còn rất nhiều người lao động nghèo tranh thủ mưu sinh.

“Đấy là Tết Tây đâu phải ta”

Đúng 00h ngày 1/1/2012, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối Long Biên, nhiệt độ ngoài trời càng về khuya càng buốt, sương xuống mỗi lúc một dày, nhưng không khí trong chợ lại đang náo nhiệt dần lên. Những chuyến xe chất đầy hàng nối đuôi nhau vào chợ để đổ hàng, từ đây đủ thứ rau, củ, quả… được phân phối bán đi khắp địa bàn Hà Nội. 

Những xe chở hàng bắt đầu tới, cũng là lúc những lao động chuyên chở, bốc vác ở đây bắt đầu ngày làm việc mới.

Sau những cao ốc lộng lẫy, có một giao thừa giá lạnh

Đã bước sang ngày đầu năm mới, trong khi cả thế giới đang đón năm mới, thì cửu vạn nơi đây vẫn cật lực mưu sinh.

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Văn Thanh (31 tuổi, ở thôn Ngô Xá, xã Quảng Lãng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên), đang ngồi co ro trên chiếc xe kéo đợi người đến thuê, anh chỉ mặc một chiếc ao phông và khoác bên ngoài chiếc áo gió mỏng để chống lại cái giá lạnh buốt da, buốt thịt.

Anh Thanh cho biết: “Biết giờ này cả thế giới đang chào mừng giao thừa, nhưng đấy là Tết Tây, nên cũng không quan tâm lắm. Mà giờ đang là thời gian gần đến Tết ta lại càng không thể nghỉ được”.

Thời gian làm việc của anh Thanh bắt đầu từ khoảng 21h30 tới 4h sáng ngày hôm sau, công việc chủ yếu là được thuê để bốc xếp và kéo các thùng hoa quả từ điểm đỗ của xe ô tô tải tới cửa hàng trong chợ.

“Mỗi lần xe kéo được khoảng 50 thùng, mỗi thùng được chủ hàng trả cho 1.500 đồng, mỗi đêm cũng chỉ kéo được khoảng 2 chuyến như vậy. Thường thì quãng đường kéo dài khoảng 600m, xa nhất là khoảng 1km”, giọng anh Thanh run run vì giá lạnh.

Sau những cao ốc lộng lẫy, có một giao thừa giá lạnh

Công việc vất vả, nhưng nó thu hút đủ mọi lứa tuổi, không phân biệt nam, nữ.

Câu chuyện của chúng tôi đang tiếp tục thì bỗng dưng điện thoại của anh Thanh đổ chuông, vừa bắt máy đầu dây bên kia giọng một người phụ nữ nói ngay “sang nhà bà Hoa đi, nhanh lên”, rồi điện thoại tắt luôn.

Rồi anh xin phép được đi, vì không nhanh chân các chủ hàng sẽ gọi người khác mất, vừa mất việc lại mất mối hàng quen, vì ở chợ này có đến hàng trăm người làm việc bốc xếp và kéo hàng như anh, với đủ lứa tuổi, cả nam lẫn nữ họ chỉ có một điểm chung là nghèo, và đa phần đều đến từ các huyện xa của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Chúng tôi chưa kịp gửi lời chúc năm mới tới anh, thì anh Thanh đã đứng dậy và kéo xe đi băng băng, anh kéo xe đi dọc con đường đê sông Hồng, rồi xa dần trong ánh điện mờ mờ.

Bỗng trong tôi thoáng qua ý nghĩ, phía sau bức tường đê kia là con đường gốm sứ đã được tổ chức Guinness thế giới công nhận là dài nhất thế giới. Ở phía ngoài đấy là có những cao ốc cao tới vài chục tầng, với những con đường sáng trưng, xe cộ đi lại tấp nập, nhiều người đang đi chơi đầu năm mới, phần còn lại đang đi thật nhanh đề về nhà với gia đình, tránh cái rét cắt gia, cắt thịt ngoài trời. 

Nhưng cũng sau bức tường gốm sứ ấy, đã là cả một thế giới khác hoàn toàn, với những con người hằng đêm mưu sinh…

“Người ta vui thì mình càng vất vả”

Trên đường về, dù đã gần 2h sáng, chúng tôi vẫn bắt gặp những chị lao công đang cặm cụi thu gom, quét rác dọc đường, anh xe ôm đứng đợi khách vãng lai, những người bán bánh mỳ, bán ngô… họ đều là những lao động nghèo, đang cố gắng bán được hết hàng để tích cóp thêm vài đồng gửi về quê noi các con ăn học.

Sau những cao ốc lộng lẫy, có một giao thừa giá lạnh

Ngày Tết là lúc các chị lao công vất vả nhất.

Chị Nguyễn Thị Thủy, Công ty Môi trường đô thị số 4 cho biết: “Thường thì các chị không được nghỉ Tết, càng những ngày Tết công việc của các chị càng vất vả, vì người dân ăn uống nhiều, lượng rác thải ra càng lớn. Một ca làm việc cũng phải khi nào đường sạch rác mới được nghỉ”.

Nói về lời chúc năm mới, chị Thủy chỉ mong ước: “Mong sao năm mới đường phố Thủ đô sẽ sạch đẹp hơn là mình vui lắm rồi”, vừa dứt lời, chiếc chổi trên tay chị đã thoăn thoắt đưa đi, chị đang cố gắng hoàn thành công việc thành nhanh đề về nhà nghỉ ngơi để lấy lại sức cho ngày làm việc mới vào tối mai.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Xuân, bán ngô dạo ở gần cầu vượt Ngã Tư Sở đang cố gắng nán lại chờ những người đi chơi Tết về muộn để có thể bán hết số ngô còn lại, dù xe ngô của chị vẫn còn nhiều.

Sau những cao ốc lộng lẫy, có một giao thừa giá lạnh

2h sáng, chị Xuân cố gắng nán lại bán được thêm ít ngô, dù hàng vẫn còn nhiều.

“Nếu bán được hết hàng thì lãi được khoảng 200 ngàn đồng, nhưng như hôm nay chắc được 100 ngàn là may rồi”, miệng nói, nhưng mắt chị vẫn chăm chú hướng về phía đầu đường với một vài chiếc xe máy đang vun vút lao tới, nhưng họ không dừng lại, mà lao vút đi. Mắt chị đôi chút buồn thoáng qua, rồi chị lại chăm chăm nhìn về phía đầu đường với hy vọng mới…
VTC
Tag: Chuyện thành phố , Hà Nội , Lao động nghèo , Mưu sinh , Việc làm , Đời sống