Cho tới tận bây giờ, các nhà khoa học Trung Quốc vẫn chưa thể khẳng định có rồng hay không, nhưng văn hóa rồng thì đã ăn sâu trong đời sống tinh thần của người dân Trung Quốc cũng như một số nước châu Á khác.
|
Sinh vật lạ gần cửa biển
Ngày 8-8-1934, người ta phát hiện ở Doanh Khẩu, Liêu Ninh, Trung Quốc một bộ xương thú cực giống với hình rồng trong truyền thuyết. Điều khiến nhiều người không thể tin nổi là trước khi sinh vật huyền bí này chết đi, đã từng có không ít người dân trong vùng nhìn thấy tận mắt, thậm chí còn đến rất gần trong thời gian khá dài.
Theo mô tả trên tờ “Tạp chí Doanh Khẩu” phát hành thời điểm đó thì: “Chiều 8-8, một nông dân tìm thấy gần hồ Vi một bộ xương động vật lớn màu trắng, dài chừng 10m, hai bên phần đầu có chân, dài hơn 1m, xương sống có tổng cộng 29 đốt. Bộ xương sau đó được chuyển về Tây Hải trưng bày, người đến xem đông vô kể”.
Tiêu Tố Cần, một bà lão người địa phương kể lại rằng: năm đó bà mới lên 9 tuổi, nghe bố, một người đánh xe cho địa chủ nói có rất nhiều người phát hiện “rồng sống” ở thượng du. Người bố khi đó để bà ngồi trên ngựa, lập tức đánh xe đến tận nơi xem. Con “rồng” mà bà trông thấy rất lớn, mắt mở to, thậm chí còn chớp chớp, thân mình màu xám trắng, uốn khúc trên mặt đất, hai chân ở bụng vươn ra, trông cực kỳ dũng mãnh. Có người thậm chí còn dựng lều che nắng, lấy nước tưới lên người con “rồng” cho nó đỡ nóng. Những ngày sau đó, trời mưa như trút nước, không thấy “rồng” đâu nữa.
Tuy vậy, sau hơn 40 ngày mưa thối đất thối cát, con vật kỳ lạ được cho là đem đến sự cát tường đó lại xuất hiện trong trảng lau sậy gần nơi cửa sông Liêu đổ ra biển. Lần này, con vật không còn sống, mà đã trở thành xác chết với mùi khó chịu.
Một nhân chứng khác là ông Dương Nghĩa Thuận nhớ lại: trước khi người dân tìm thấy bộ xương, còn nghe trong đám lau sậy có những tiếng kêu rất giống tiếng bò, nghe trầm và nặng, kèm theo tiếng vật lộn, sau đó thì im bặt. Khi nước ngập trên đường sá Doanh Khẩu bắt đầu rút đi, một công nhân họ Lư đi theo hướng có mùi khó chịu đó, chợt thấy một đám lau sậy đổ rạp, trong đó là xác một con thú lớn chưa từng thấy. Bà Lư hoảng sợ chạy về nhà, ốm liền mấy hôm. Mã Quốc Tường, con trai bác sỹ chuyên khoa xương nổi tiếng một thời ở Doanh Khẩu Mã Tử Thần cũng khẳng định, bố mình từng nói khi tìm thấy xác thú, thịt vẫn chưa tiêu hủy hết, trông hình dáng rất giống rồng. Ở ngay nơi con “rồng” nằm chết, còn có một hố đất dài 17m, rộng 6m nghi do “rồng” dùng móng đào lên.
Rồng trong văn hóa Á châu
Truyền thuyết kể lại rằng, rồng thời cổ đại không có móng vuốt và sống trên mặt đất. Thấy mình to lớn, có sức khỏe phi thường, rồng muốn làm bá chủ muông thú, nên đã thách đấu với hổ để giành vị trí này. Một trận đấu long trời lở đất diễn ra, nhiều năm vẫn bất phân thắng bại. Cuối cùng, Thượng đế cảm thấy trận chiến của chúng vô nghĩa nên đã ra lệnh cho hai bên lên thiên đình hòa giải. Trước khi đi, rồng sợ bị Thượng đế đánh giá thấp hơn hổ nên rất lo lắng. Khi ấy, rết đưa ra một chủ ý: gà trống có bộ móng rất đẹp và khỏe, nếu mượn bộ móng đó thì chắc chắn phong độ sẽ tăng lên gấp mấy phần. Gà nghe thấy vậy, sống chết cũng không chịu cho mượn. Rồng không làm gì được, đành thề: Nếu ta không trả móng cho anh, hễ chạm chân vào đất là chết. Rết cũng đứng ra đảm bảo: Nếu rồng không trả móng cho anh, tôi nguyện để anh ăn thịt. Cuối cùng, gà đồng ý cho rồng mượn móng.
Rồng và hổ lên tới thiên đình. Thượng đế thấy cả hai đều oai phong lẫm liệt, nên quyết định cho hổ làm vua muôn loài trên cạn, còn rồng làm vua muôn loài dưới nước. Rồng vui vẻ trở về hạ giới, tuy nhiên trên đường đi rồng nghĩ: nếu như trả móng lại cho gà, mình sẽ mất đi sự oai phong, các loài dưới nước sẽ không phục nữa, thế nên giữ lại luôn và không bao giờ đặt chân lên mặt đất nữa. Từ đó trở đi, hễ thấy rết là gà lại mổ chết.
Văn hóa rồng tồn tại lâu đời ở Trung Quốc không chỉ nhờ việc nó được sùng bái như một vật thần thánh, mà còn bởi các nhân tố mới được hấp thu từ nước ngoài, trong đó có Phật giáo từ Ấn Độ. Theo kinh Phật, có một loài thú linh thiêng gọi là Naga, thân dài, không chân, xưng vương dưới nước. Trong bát đại hộ pháp thì rồng đứng thứ 2, vốn thần thông quảng đại, có thể hô phong hoán vũ, sống trong một cung điện nguy nga tráng lệ dưới đáy biển. Chính vì vậy, rồng trở thành biểu tượng của quyền lực, sức mạnh và sự uy nghiêm.
Dấu tích 8000 năm
Theo Giáo sư Chu Nãi Thành, chuyên gia khảo cổ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, hiện đã có hơn 10 di chỉ liên quan đến rồng với niên đại 3600 năm trước được tìm thấy. Như năm 2004, người ta phát hiện đồ dùng bằng đá có hình rồng kích cỡ lớn chừng 3700 năm tuổi ở Hà Nam, hoặc bát vại có vẽ rồng bên trong lòng ước có niên đại 4300-4400 năm trước. Tuy nhiên, hình tượng rồng có niên đại lâu đời nhất, lên tới 8000 năm, được tìm thấy ở di chỉ Phụ Tân, Liêu Ninh năm 1994. Con rồng được đắp trên đá dài 19,7m, nơi to nhất ở đầu rộng 2m, thân uốn lượn, miệng mở to.
Trước đó, năm 1987, các nhà khảo cổ học Trung Quốc cũng từng phát hiện một ngôi mộ táng với hình thù kỳ lạ. Bên trong mộ có xương một người đàn ông thanh niên, được đặt nằm theo hướng đầu nam chân bắc, hai bên thân người đặt nhiều vỏ trai có vẽ hình rồng. Nhưng điều kỳ lạ là con rồng lại quay đầu về bắc, đuôi nam, trái ngược lại với chủ nhân ngôi mộ. Con rồng dài 1,78m, ngẩng cao đầu, uốn mình, móng trước giương ra, móng sau cụp, trông dáng như đang bay.
Dù có thật hay không thì con rồng vẫn được coi là một vật linh thiêng, cát tường của người châu Á. Nó tượng trưng cho tham vọng và thống trị, do vậy những người cầm tinh con Rồng thích sự mạo hiểm, muốn theo đuổi một cuộc sống lãng mạn, tính tình đạm bạc, không bị câu nệ bởi những chuyện của thế tục. Từ con người họ tự nhiên toát ra phong cách của những bậc vĩ nhân. Người sinh vào năm rồng cũng tràn đầy năng lượng và sức mạnh, có sức quyến rũ và tỏa sáng, là biểu tượng của sự giàu có và quyền lực. |
- Ông là đại gia đầu tiên ở Hà Nội sắm ô tô, bất động sản trải dài từ Bắc đến Nam, từng lập ra bản di chúc gây chấn động
- Từ 1/7/2025: Có 6 trường hợp được phép lựa chọn hưởng lương hưu hoặc BHXH một lần, ai không biết quá thiệt thòi
- Hoa hậu từng bị miệt thị nhan sắc như 'cá chùi kiếng': Dung mạo thay đổi, cuộc sống đáng ngưỡng mộ
- Hoa hậu Quốc tế Thanh Thủy về Việt Nam: Diện áo dài nền nã, nhan sắc qua camera thường cực đỉnh
- Cây gỗ 50 tỷ đồng nhiều người dùng để nhóm lửa vì không biết giá trị
- Cái tên được đặt nhiều nhất Việt Nam: Khoảng 5 triệu người trùng tên, cứ ra đường là hầu như có thể gặp
- Tăng lương hưu lần 3 khi Luật BHXH có hiệu lực? Đối tượng nào sẽ được tăng lương hưu?
- Khởi tố, bắt giam ca sĩ Chi Dân và người mẫu Andrea Aybar