Rỉ tai các mẹ bầu 8 bất ngờ về trẻ sơ sinh
Thứ sáu, 13/04/2012 10:04

Biết trước và chuẩn bị tinh thần để đối mặt với 8 điều sau đây sẽ giúp các mẹ giảm thiểu sự căng thẳng khi chăm sóc bé sơ sinh đấy!

1. Trông bé có thể hơi… “kỳ quặc”

Bạn mong đợi một em bé xinh xắn tuyệt vời như trong các tạp chí, tuy nhiên các bé sơ sinh có thể khác hoàn toàn so với tưởng tượng của bạn: đầu bé có thể hơi méo một chút bởi bé vừa trải qua một hành trình vất vả để chào đời qua một ống sinh chật chội. Ngoài ra phủ trên khắp cơ thể bé có thể có một lớp lông tơ mỏng, mắt bé hơi sưng, có nhiều gỉ mắt và bé thường xuyên nhắm mắt. Bạn hãy yên tâm nhé, bé sẽ trở nên xinh xắn một cách rất nhanh chóng đấy!

2. Đừng vội mong đợi bé cười

Có những bé có thể biết nhoẻn miệng cười từ rất sớm, nhưng có những bé phải ngoài 6 tuần tuổi mới biết cười hay có những biểu hiện giao tiếp khi bạn trò chuyện. Cho tới lúc đó, bạn sẽ có cảm giác như mình đang làm việc cho một “ông / bà chủ” chỉ-biết-than-phiền! Để không bị stress và bực tức vì chuyện này, hãy nhớ rằng mọi nỗ lực của bạn sẽ không bị uổng phí, bởi bé vẫn sẽ cảm nhận được sự kết nối với cha mẹ và thấy gắn bó với những ai hay trò chuyện, chơi đùa với mình.

3. Điểm mềm trên đầu bé

Nhiều mẹ cảm thấy rất e dè, thậm chí sợ hãi khi chạm vào điểm mềm trên đầu bé – hay còn gọi là thóp. Điểm mềm này thực chất có tác dụng giúp bé dễ dàng ra khỏi bụng mẹ qua ống sinh, vì thế nó có thể chịu được các tác động nhẹ nhàng như khi bạn chạm vào hoặc dùng lược chải nhẹ tóc bé.

4. Cân nặng của bé trong những ngày đầu

Nếu thấy trọng lượng của bé giảm từ 5-8% trong 1 tuần đầu tiên sau khi ra đời, bạn hoàn toàn không cần phải lo lắng bởi đó là điều hết sức bình thường đối với hầu hết các bé; và bé sẽ tăng cân lại trong một tuần tiếp theo. Ngoài ra, trong khoảng 5 ngày đầu tiên khi ra đời, việc tiểu tiện của bé sẽ khá lộn xộn; tuy nhiên sau đó bạn sẽ quan sát thấy bé đi tiểu khoảng 5-6 lần/ gày và đi ị ít nhất 1-2 lần/ngày.

Ảnh minh họa

5. Da bé có thể bị khô

Những ngày đầu, bạn thấy da con thật mềm mượt, nhưng điều đó sẽ thay đổi. Hãy thử tưởng tượng bản thân bạn ngâm mình trong môi trường nước 9 tháng liên tiếp và rồi sau đó được đưa ra ngoài không khí, dĩ nhiên da bạn cũng sẽ bị khô thôi! Thông thường bạn không cần phải làm gì để tác động đến tình trạng này, lớp da khô sẽ tự bong đi. Tuy nhiên nếu quá lo lắng bạn có thể dùng loại sữa dưỡng ẩm dành riêng cho bé. Ngoài ra các đốm da nhỏ màu hồng hay mụn cũng có thể xuất hiện và có xu hướng kéo dài một vài tháng, trừ khi nốt mụn to và sưng lên, nếu không bạn cũng không nên lo lắng về tình trạng này nhé!

6. Giữ vệ sinh xung quanh bé

Nếu bé có anh chị lớn hơn, bạn hãy hướng dẫn chúng vệ sinh sạch sẽ trước khi chơi với em, và nên chạm vào chân hơn là chạm vào phần mặt hay tay em bé – việc này giúp bé tránh không bị nhiễm khuẩn. Bạn cũng có thể biến các anh chị lớn của bé thành những “cảnh sát vệ sinh” tí hon, chúng chắc chắn sẽ vô cùng thích thú khi nói với các vị khách đến thăm em bé rằng họ cũng cần phải vệ sinh tay thật sạch trước khi chơi với em bé.

7. Khóc là cách bé giao tiếp với mọi người xung quanh

Việc bé khóc là dấu hiệu cho thấy bé đang đói, lạnh, tã bị ướt hoặc bé muốn được bế. Thời gian đầu việc phân biệt các tín hiệu khác nhau khi bé khóc có thể khiến bạn điên đầu, nhưng hãy yên tâm, bạn sẽ nhanh chóng học được cách lắng nghe tiếng con khóc và có các hành động phù hợp để đáp ứng nhu cầu của con.

8. Bé sẽ ngủ nhiều giấc ngắn

3 tháng đầu tiên sau khi bé ra đời có lẽ là thời gian mẹ được ngủ ít nhất, vì bé cần ăn mỗi 2-3 giờ. Tuy nhiên càng ngày bé sẽ càng ngủ giấc dài hơn. Phần lớn trẻ sơ sinh sẽ ngủ liền mạch từ 6-8 tiếng sau 3 tháng đầu đời. Trong lúc đó, bạn hãy cố gắng đưa bé vào một thời gian biểu phân biệt rõ ràng ngày và đêm: ban ngày bạn không để bé ngủ nhiều hơn 3 tiếng liên tục; còn ban đêm bạn để bé ngủ giấc càng dài càng tốt.

Afamily/Parent
Tag: Trẻ sơ sinh , Chăm sóc trẻ sơ sinh , Thay đổi thể chất ở trẻ sơ sinh , Chăm con , Mẹ và bé