Trong khi nhà sản xuất cho rằng hạt nêm có chuẩn cơ quan quản lý mới cấp phép, chuyên gia lại chỉ trích gay gắt việc lạm dụng quảng cáo lừa người tiêu dùng.
|
>> Sự thật sau lời quảng cáo “có cánh” của hạt nêm
Có 2% mà khiến người dùng tưởng bở
Mặc dù đã được báo chí đề cập từ năm 2011, các đoạn quảng cáo hạt nêm… vượt quá sự thật vẫn được phát sóng nhan nhản trên sóng truyền hình với những slogan đánh trúng vào tâm lý người tiêu dùng như: Ngọt canh xương ống, đậm đà thịt thăn, hay Ngon từ thịt, ngọt từ xương...
Chính những quảng cáo này mà người tiêu dùng mạnh dạn nói không mì chính. Từ khi có bột nêm, mì chính đã bị tẩy chay vì bột nêm có nhiều ưu điểm như ngon ngọt và nhiều dinh dưỡng mà giá thành không hề đắt hơn mì chính.
Bà Nguyễn Thanh Hương (người tiêu dùng ở Quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết trước kia, khi bột nêm chưa xuất hiện, gia đình bà thường xuyên phải dùng mì chính. Tuy nhiên, từ ngày có bột nêm, bà đã bỏ hẳn mì chính. Bà rất tin dùng bột nêm vì hạt nêm có nhiều chất dinh dưỡng, làm thức ăn đậm đà hơn, ngon hơn.
Bà Hương phấn khởi: “Trong các loại hạt nêm, tôi hay dùng Knorr vì nó đầy đủ dưỡng chất như thịt thăn, xương ống. Khi nấu canh, tôi chỉ cần cho một thìa. Kể cả khi không có thịt nạc, canh vẫn rất ngon. Nhiều khi nấu các loại canh như canh cải mà thiếu thịt, tôi vẫn dùng hạt nêm thay thế”.
Người tiêu dùng lo tác hại của mì chính, nhưng họ chuyển sang bột nêm có phải là một lựa chọn thông minh?
Với quảng cáo là chiết xuất từ thịt thăn, xương ống và tủy, nhưng thực chất lượng chiết xuất này chỉ với 2% ít ỏi.
Quảng cáo Hạt nêm từ thịt heo của Miwon
30% khác trong Knorr, thành phần quan trọng điều vị E627 và E631 thực chất là các chất siêu ngọt, ngọt gấp 200% mì chính. Một thành phần nữa, chất điều vị E621 lại chính là mì chính. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà sản xuất không ghi hẳn đó là mì chính mà lại ghi bằng danh pháp khoa học?
Những hạt nêm khác cũng rơi vào tình trạng tương tự. Sự lập lờ trong ngôn ngữ đánh lừa không ít người tiêu dùng vì họ tin rằng trong hạt nêm làm gì có mì chính. Và được quảng cáo là chiết xuất từ thịt thăn, xương ống và tủy nhưng giá bán lẻ của hạt nêm lại rẻ hơn mì chính.
Vì người tiêu dùng tin hạt nêm nhiều dinh dưỡng nên sản phẩm này bán rất chạy
PGS.TS Nguyễn Duy Thanh, Nguyên Viện trưởng Viện CNSH và CNTP, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, người tiêu dùng dùng hạt nêm với kỳ vọng có được sản phẩm nhiều dinh dưỡng nhưng thực chất tỷ lệ xương thịt heo chỉ có 2%.
Chỉ có 2% mà nói ngon từ thịt, ngọt từ xương thì không đúng. Điều này tạo tâm lý tin rằng sản phẩm thực sự được làm từ xương thịt.
“Tôi đã hỏi các nhà sản xuất. Thịt thăn xương ống và tủy được nấu hầm cô lại như nấu cao rồi lấy dịch chiết sau đó làm khô. Thành phần chỉ được 1,8% đến 2%. Trong hạt nêm nếu chỉ có 2% sẽ không đủ dinh dưỡng, không tạo được độ ngọt” - PGS.TS Phan Thị Sửu, Giám đốc Trung tâm kỹ thuật ATVSTP nói.
Nhà sản xuất: 2% không phải thấp
Khi phóng viên đề nghị được trao đổi vấn đề, bà Nguyễn Thị Hồng, phụ trách ban Thực phẩm của Công ty Unilever, đơn vị sản xuất hạt nêm Knorr "đẩy" vấn đề sang cơ quan quản lý. Theo bà Hồng, quảng cáo có chuẩn, cơ quan quản lý mới cấp phép.
Các vấn đề khác về chất điều vị, độ ngon ngọt có thực chất được chiết xuất từ tủy, xương, thịt thăn, khi PV đề nghị được phỏng vấn, bà Hồng cho biết bà đang công tác về nên rất bận và hẹn sẽ trả lời sau. Tuy nhiên, hàng tuần trôi qua, phóng viên không hề nhận được hồi đáp từ phía bà Hồng cũng như Unilever.
Còn bà Nguyễn Quỳnh Yến Nga, Phụ trách sản phẩm công ty Miwon Việt Nam giải thích: Thành phần thịt, xương, tủy là ở dạng cốt, đã được chiết xuất. Ví dụ như làm mắm là phải có cốt mắm, nhưng cốt không thể chiếm 80% vì như vậy không thể ăn được, mà phải có nước, muối và các thành phần khác để người ăn hợp khẩu vị, hài hòa nhất. Bột nêm cũng thế.
Thành phần còn lại chủ yếu là các phụ gia được phép sử dụng và không gây độc hại cho con người. Ví dụ, vị ngon ngọt là do cốt xương 2%, ngoài ra vị ngọt còn có thể do mỳ chính, đường. Phần dung môi là bột sắn. Các công ty có thể khác nhau về tỷ lệ thịt, xương, tủy và khác về nguồn.
Theo bà Nga, ở nước ngoài người ta không phải không ăn mỳ chính mà sử dụng nó dưới dạng gia vị tổng hợp khác như bột nêm. Bản thân mì chính là gia vị chủ đạo để tạo vị giác cho món ăn ngon. Trong hạt nêm có mì chính thì không có nghĩa là độc hại, ngay trong bột canh dùng hàng ngày cũng có cả thành phần mì chính.
Các chất điều vị như muối, đường… các chất điều vị có tên gọi khác của mì chính, bột thịt xương của tủy, tinh bột, bột sắn là những cái để tạo hạt, tiêu, tỏi, hành, caramen để tạo màu đều là các phụ gia bình thường, chứ không phải là các chất hóa học.
Trong thành phần của Knorr ghi rất rõ có chất điều vị: E621, E627, E631 nhưng nhiều người không biết đó là mì chính và siêu bột ngọt.
"Việc quảng cáo bột nêm làm từ thịt và xương hầm, nó cũng giống như một bát cơm thịt, cơm có thể chiếm đến 80%, thịt chỉ 10%, rau 10%, nhưng vẫn gọi là cơm thịt", bà Nga giải thích.
“Việc quảng cáo bột nêm làm từ thịt và xương hầm, nó cũng giống như một bát cơm thịt, cơm có thể chiếm đến 80%, thịt chỉ 10%, rau 10%, nhưng vẫn gọi là cơm thịt"
Bà Nguyễn Quỳnh Yến Nga - Công ty Miwon VN
Việc quảng cáo này cũng được pháp luật cho phép, dù có 2% phần thịt và xương hầm vẫn có thể đưa thông tin này ra nhưng trên thành phần phải ghi rõ là bao nhiêu phần trăm, miễn là trong sản phẩm nhất định phải có thành phần đó.
Theo bà Nga, tỷ lệ 2% không phải là thấp vì đây là thành phần ở dạng tinh, cốt. Ví dụ trong 100gam, nó chỉ có thể chiết xuất là 2 gam, nhưng là gam cốt, đã được cô đọng, như việc nấu cao hổ, từ 1 con hổ vài chục cân, nhưng chỉ có thể lấy được 2 cân cao.
"Hạt nêm nói chính xác là gia vị tổng hợp, nên việc cân đối thành phần là rất quan trọng", bà Nga kết luận.
Quảng cáo sai sự thật phải thay đổi nội dung
Luật sư Bùi Quang Hưng, Văn phòng luật sư Bùi Quang Hưng và cộng sự cho biết việc các thành phần chỉ có 1,8 – 2% nhưng được đưa lên thành thành phần chính trong quảng cáo theo quy định trong Luật quảng cáo là không vi phạm. Trong luật chưa quy định là phải đảm bảo bao nhiêu % trở lên thì mới được dùng nguyên liệu đó để nhấn mạnh trong quảng cáo.
Đây chính là kẽ hở của luật quảng cáo để các nhà sản xuất đánh vào thị hiếu, lòng tin của khách hàng. Để khách hàng tưởng lầm đang được tiêu dùng sản phẩm tinh chất từ tự nhiên nhưng thực tế trong đó có rất nhiều thành phần khác và đây là những thành phần chiếm đa số.
Thành phần bột nêm Maggi
Bà Ninh Thu Hương - Trưởng phòng Quảng cáo & Tuyên truyền Cục Văn hoá Cơ sở thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cho biết, hiện Phòng vẫn chưa nhận được phản ánh nào của người tiêu dùng liên quan đến quảng cáo hạt nêm.
"Nếu nhận được phản ánh, Cơ quan quản lý sẽ xem xét ở nhiều khía cạnh khác nhau, trên phương tiện nào để xử lý. Nếu quảng cáo trên truyền hình sẽ kiểm tra trên truyền hình, phối hợp với cơ quan y tế xem quảng cáo thực chất có sai sự thật hay mang lại tác hại cho người tiêu dùng hay không.
Trong trường hợp quảng cáo không đúng sự thật, sẽ phải xử lý tùy theo tính chất của sự việc và phải thay đổi nội dung, trong đó có xử phạt hành chính, nặng hơn là truy tố và quảng cáo về sản phẩm đó tiếp tục được sử dụng thì phải thay đổi nội dung.
Thực tế, hiện các quảng cáo bột nêm với thông điệp nổ trên trời vẫn được quảng cáo trên nhiều phương tiện truyền thông đại chúng khiến không ít người tiêu dùng vẫn "tưởng bở" về một sản phẩm giàu dưỡng chất từ thịt và xương.
Người tiêu dùng đang rất cần câu trả lời thỏa đáng và rõ ràng từ phía các nhà sản xuất cũng như cơ quan quản lý, để họ được tin tưởng rằng sự lựa chọn của mình là chính xác.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%