Một điều dễ nhận thấy là mùa phim Tết năm nào cũng xuất hiện dàn "sao" đủ mọi lĩnh vực: danh hài, ca sĩ, người mẫu, vận động viên thể thao…
Hậu The Voice - Giọng hát Việt 2012, Bảo Anh tham gia đóng phim Tết cùng Hoài Linh |
Có những nhân vật chưa hẳn là "sao" nhưng nếu đang nổi đình nổi đám vì tai tiếng thì càng được nhà sản xuất trọng vọng, mời về đóng phim để làm "mồi nhử" khán giả.
Có "sao" mới sốc, có hài mới hút
Khi vụ lùm xùm của Bảo Anh với huấn luyện viên Trần Lập trong chương trình Giọng hát Việt - The Voice đang lên đến đỉnh điểm thì bất ngờ cô được đạo diễn Trần Ngọc Giàu "đo ni đóng giày" cho một vai diễn quan trọng trong bộ phim "Nhà có năm nàng tiên". Khả năng ca hát và những thị phi của Bảo Anh khán giả đã rõ nhưng khả năng diễn xuất của cô thì không ai dám chắc. Chỉ chắc rằng, có Bảo Anh góp mặt, bộ phim "Nhà có năm nàng tiên" bỗng dưng "nóng sốt" hơn hẳn. Angela Phương Trinh bị dư luận ì xèo với những bức hình nóng bỏng, lố lăng so với tuổi 17 của mình cũng được mời vào một vai trong phim "Biết chết liền" (đạo diễn Lê Bảo Trung). Tham gia bộ phim còn có nhóm nhạc nam đang nổi V. Music. Ca sĩ thảm họa âm nhạc "Vọng cổ teen" Vĩnh Thuyên Kim cũng tham gia bộ phim "Bay vào cõi mộng" cùng sự góp mặt của thủ môn Tấn Trường.
Hễ nhân vật nào gây nên sóng gió trong làng giải trí là y như rằng mùa phim Tết đều được các đạo diễn nhắm tới. Bên cạnh những nhân vật đầy tai tiếng còn có những nhân vật đang ăn khách, có lượng người hâm mộ hùng hậu như: Đan Trường, Miu Lê (Iêu anh, em zám hok); vợ chồng ca sĩ Linda Trang Đài - Tommy Ngô, Khánh Phương (Bay vào cõi mộng), Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Quyên, Diễm My 9X, ca sĩ Phạm Anh Khoa (Mỹ nhân kế) …
Đây không phải là lần đầu các diễn viên không chuyên nhưng bị ì xèo trong giới showbiz tham gia đóng phim. Mùa Tết năm 2012, công chúng một phen xôn xao khi "kiến càng" Phạm Văn Mách được mời đóng vai anh nông dân chân chất trong phim "Hello cô Ba". Khán giả kéo nhau ra rạp để xem "lực sĩ hát" đình đám của "Cặp đôi hoàn hảo" chuyển qua "lực sĩ diễn" như thế nào thì mới té ngửa khi biết mình bị nhà sản xuất "câu". Nhân vật của lực sĩ Mách xuất hiện rất mờ nhạt trong phim. Xem lướt qua danh sách diễn viên của phim Tết, có cảm giác ai cũng có thể đóng phim, hễ là tên tuổi đang làm mưa làm gió với dư luận là được. Bóng dáng các diễn viên chuyên nghiệp trong những bộ phim dịp Tết như lá mùa thu. Thế nên, xem những bộ phim này, người xem dở khóc dở cười khi diễn viên diễn quá sống sượng và vụng về.
Ngoài dàn "sao" trai xinh gái đẹp, một át chủ bài không thể thiếu cho phim Tết - đó là danh hài. Không cần mất công dự đoán, Tết năm nào cũng có sẵn món gây cười. So với ba mùa phim Tết trước đó, chỉ có 2 đến 3 phim hài bên cạnh phim kinh dị, tình cảm, cổ trang thì mùa Tết năm nay số lượng phim hài tăng đột biến. 7 phim thì đã có đến 5 phim hài: "Nhà có năm nàng tiên" (đạo diễn Trần Ngọc Giàu), "Bay vào cõi mộng" (đạo diễn Nguyễn Phương Điền); "Hiệp sĩ guốc vông" (đạo diễn Nguyễn Chánh Tín), "Iêu anh, em zám hok?" (đạo diễn Nguyễn Quang Minh); "Biết chết liền" (đạo diễn Lê Bảo Trung). Phim 3D "Thạch Sanh" (đạo diễn Đỗ Quang Hải Âu) tuy làm về đề tài cổ trang nhưng theo hơi hướng cổ tích cải biên nên cũng mang tính hài hước. Năm nay, danh hài Hoài Linh ký hợp đồng chỉ đóng một phim Tết không được xuất hiện trong các phim chiếu Tết khác với hãng Century Star. Bên cạnh Bảo Anh của The Voice, bộ phim hài "Nhà có năm nàng tiên" với gương mặt độc quyền danh hài Hoài Linh cũng là một thế mạnh để hãng phim mới này cạnh tranh với các đối thủ còn lại. Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Phương Điền lại tự tin khi tung ra các danh hài: cặp vợ chồng Kiều Oanh - Lê Huỳnh, Tấn Beo, Tấn Bo… cho bộ phim "Bay vào cõi mộng". Các phim khác đều có sự góp mặt của các danh hài như Chí Tài, Trấn Thành, Nhật Cường, Hoàng Sơn…
Một cảnh trong phim "Hiệp sĩ guốc vông".
Phim hài nhiều là vậy nhưng mới xem qua trailer (giới thiệu tóm tắt về bộ phim), khán giả đã biết ngay đây toàn là phim hài nhảm, vô vị và tẻ nhạt. Câu chuyện phim đơn giản, không có tính đột phá, chủ yếu cố tạo tình tiết gây cười, mua vui cho khán giả. Không chỉ dàn sao, nội dung hài hước mà các phim còn sử dụng những cái tựa nghe rất sốc: "Iêu anh, em zám hok", hay "Biết chết liền".
Ồ ạt phim dở vì thị hiếu đám đông?
Tất cả các yếu tố nêu trên đều nhằm một mục đích là câu khách. Có cảm giác như phim Tết như một món lẩu thập cẩm loạn màu, loạn mùi, nhạt vị, bao nhiêu thứ để có thể câu được khách, nhà sản xuất đều cố nhồi nhét vào phim.
Mùa Tết là mùa để những bộ phim mang cốt truyện hoang tưởng, nhảm nhí, diễn xuất vụng về, chọc cười vô duyên mà người ta quen gọi là phim nhảm lên ngôi. Các nhà sản xuất cho rằng đây là mùa khán giả rất dễ tính, phim gì vui là họ xem, "làm một mùa ăn cả năm". Sự bội thu của các mùa phim Tết trước với "Công chúa teen và ngũ hổ tướng", "Hello cô Ba", "Cô dâu đại chiến", "Bóng ma học đường"… đã khiến các hãng phim đua nhau cho ra đời những "thảm họa điện ảnh". Phim nhảm đầu tư ít vốn, thời gian quay nhanh gọn, miễn làm đúng công thức thì rất nhanh thu lời. Nhiều hãng im hơi lặng tiếng cả năm, nhưng đến Tết, ai cũng vội vã tung ra ít nhất một phim.
Phim nhảm được xem là một nhánh của dòng phim giải trí. Tuy nhiên những bộ phim giải trí chất lượng như "Gái nhảy", "Bẫy rồng", "Dòng máu anh hùng", "Nụ hôn thần chết"; "Cánh đồng bất tận"… và mới đây nhất là thành công vang dội của "Scandal" của đạo diễn Việt kiều Victor Vũ đang ngày càng vắng bóng. Thay vào đó, sự tấn công của phim nhảm ngày càng mạnh mẽ và chiếm lĩnh gần trọn màn ảnh rộng dịp Tết.
Một nghịch lý là mùa phim Tết nào cũng bị dư luận và truyền thông lên tiếng chỉ trích tơi bời nhưng các hãng phim vẫn hả hê vì doanh thu luôn cao ngất ngưởng. Phim càng nhảm lại càng có doanh thu ngoạn mục. Chính vì yếu tố câu khách, chiêu quảng bá rầm rộ được nên phim nhảm ít khi ra về trắng tay. Nhà sản xuất đang đánh vào thị hiếu đám đông, sự tò mò, và hâm mộ thần tượng của khán giả. Có thần tượng diễn thì phải đi xem để coi thần tượng diễn thế nào. Có ca sĩ A, thí sinh B lùm xùm vụ này vụ kia thể nào khán giả cũng tò mò: "Không biết cô A, cậu B diễn xuất ra sao?". Mà muốn biết thì phải mua vé vào rạp. Biết phim dở nhưng phải đi coi để xem phim đó dở đến mức nào (?).
Phim dở, bị dư luận phản ứng, phía nhà làm phim thường đổ lỗi cho thị hiếu khán giả. Còn nhớ mùa Tết 2009, hãng Phước Sang thất bại thảm hại khi trình chiếu bộ phim nghệ thuật "Huyền thoại bất tử". Mùa Tết năm sau, bộ phim hài "Công chúa teen và ngũ hổ tướng" được xem như cú lội ngược dòng ngoạn mục của hãng Phước Sang khi doanh thu đáng nể. Từ đó đến nay, có thể nói Phước Sang là một trong những hãng trung thành với dòng phim nhảm, năm nào cũng ra mắt ít nhất một phim. Họ cho rằng làm phim đứng đắn quá lại không thu hút được công chúng. Tuy nhiên, đây chỉ là cách nhìn phiến diện chưa đầy đủ vì sự thành công của bộ phim "Cánh đồng bất tận", "Scandal" và sự thảm bại của phim hài nhảm "Thiên sứ 99" đã chứng minh rằng một bộ phận khán giả khá sáng suốt khi lựa chọn phim. Để công chúng tiếp cận với phim Việt mang tính nghệ thuật cao đang là một bài toán nan giải. Những bộ phim này luôn thua kém về khâu quảng cáo và tiếp cận công chúng. Nhiều người muốn xem bộ phim "Mùi cỏ cháy", "Trăng nơi đáy giếng", "Áo lụa Hà Đông"… cũng không biết xem ở đâu. Những bộ phim chất lượng mùa Tết rất ít, buộc họ phải chọn cho mình mâm cỗ đã bày sẵn mặc dù đã chán ngán.
Không phủ nhận thị hiếu đám đông chi phối đến các nhà làm phim. Tuy nhiên không thể vin vào đó để làm phim theo kiểu doanh thu đi trước, nghệ thuật đi sau. Tất nhiên, những bộ phim Tết cần yếu tố giải trí, vui tươi, không đòi hỏi chất lượng nghệ thuật cao, nhưng phải đảm bảo về mặt nội dung, chất lượng, xứng đáng là một tác phẩm điện ảnh. Không thể đầu tư què quặt, quay qua loa, diễn xuất sơ sài như một tiểu phẩm tạp nham, tung lên màn ảnh rộng rồi gọi là tác phẩm điện ảnh.
Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất quan niệm phim Tết là "làm chơi ăn thật". Điều này chứng tỏ thái độ vô trách nhiệm với nghề nghiệp, thiếu tôn trọng công chúng. Hiện tượng quẩn quanh tẻ nhạt của mùa phim năm nay chứng tỏ sự thiếu tìm tòi, lười sáng tạo của không ít người làm nghệ thuật. Họ nhân danh nghệ thuật để kiếm tiền và biện minh sự kém cỏi của mình bằng cách đổ lỗi cho công chúng - vốn dĩ là nạn nhân của họ
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Quách Tuấn Du lên tiếng về tin đồn qua đời vì tai nạn
- Vượt Tom Cruise, chàng trai trẻ trở thành người đàn ông đẹp nhất thế giới năm 2024
- Diệp Lâm Anh đăng đàn kể chuyện cho vay cả tỷ, Đàm Thu Trang bình luận gây chú ý
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?