Thêm nhiều nghi vấn trong vụ bệnh nhân tử vong tại phòng khám Maria, xe buýt quá tải lao xuống kênh gần 40 người thiệt mạng ... là những tin nóng nhất 24h qua.
Ảnh minh họa |
Kết thúc môn thi cuối cùng kỳ thi cao đẳng 2012
Sáng nay 16/7, kết thúc môn thi cuối đợt thi cao đẳng 2012, cả nước có 40 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật. Như vậy, cả 3 môn thi hệ cao đẳng, cả nước có 91 thí sinh bị xử lý luật.
Theo báo cáo nhanh của Hội đồng tuyển sinh các trường cao đẳng, đến buổi thi môn cuối số thí sinh đến dự thi là 295.959 đạt 72,62%, giảm 0.36% so với buổi chiều ngày 15/7.
>>Đáp án chính thức các môn thi Cao đẳng 2012 của Bộ GD&ĐT
Trong buổi thi sáng ngày 16/7/2012, thi môn Hóa học khối A, B và thi môn Tiếng Anh khối A, A1 theo hình thức trắc nghiệm (90 phút); thi môn Địa lý khối C theo hình thức tự luận (180 phút) cả nước có có 40 thí sinh vi phạm bị xử lý kỷ luật (khiển trách 9, cảnh cáo 2, đình chỉ thi 29); 1 cán bộ bị đình chỉ do làm việc riêng trong giờ coi thi.
Đề thi được bảo mật tuyệt đối trong tất cả các khâu, không có sai sót.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết, nhìn chung việc dự thi của thí sinh khá thuận lợi ; không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông; hầu hết thí sinh đến dự thi đúng giờ. Các điều kiện phục vụ tổ chức thi được chuẩn bị khá chu đáo. Ở tất cả các Hội đồng thi, điện, nước được cung cấp ổn định; không xảy ra hiện tượng mất điện, nước. Lực lượng thanh niên, sinh viên tình nguyện: tiếp tục triển khai hoạt động tích cực, có hiệu quả, hỗ trợ đắc lực cho công tác tổ chức thi và cho thí sinh dự thi.
Phát hiện bệnh viện Nhi Đồng 1: “Luộc” phụ tùng ngay tại bãi giữ xe
“Lò luộc xe” là một căn phòng rộng chừng 5m2 dựng bằng ván ép nằm sâu trong bãi giữ xe. Một vách của căn phòng này được khoét một lỗ vuông rộng chừng ba gang tay để người bên trong tuồn phụ tùng tráo được ra ngoài. Số hàng này được đựng trong một túi xách treo sẵn trên một chiếc Air Blade màu đỏ đen dựng sát đó.
Một người dẫn xe vào “lò” cho các đối tượng bên trong “luộc” phụ tùng tại bãi giữ xe Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. HCM)
Để ngụy trang, chiếc Air Blade luôn được phủ một áo mưa màu đen che túi xách. Từ 7h-18h hằng ngày, “lò luộc xe” trở nên nhộn nhịp hẳn với tiếng lạch cạch tháo lắp phụ tùng xe của khách gửi. Bãi xe này có bốn camera theo dõi nhưng lại không có góc camera nào quan sát được nơi dắt xe vào “lò luộc”.
Nhóm này chỉ “ăn” phụ tùng của các loại xe số còn mới của các hãng Honda, Yamaha được xếp dồn thành dãy gần cửa “lò”. Ở đây thường xuyên có hai nam nhân viên, một người dáng thấp, tay đeo vòng và một người cao gầy thường đội mũ len túc trực.
Hai người đàn ông đang cùng “luộc” hai chiếc Wave Alpha trong gian nhà bằng ván ép ở bãi giữ xe Bệnh viện Nhi Đồng 1 - (Ảnh trích từ video clip quay vào trưa 14/7)
Ngoài việc cảnh giới, nhiệm vụ của người dáng thấp là trực tiếp dắt xe vào “lò”, còn người đội mũ len sẽ xếp những chiếc xe đã bị “luộc” phụ tùng thành một dãy và làm “ăngten” cảnh giác. Bên trong “lò” thường có hai người không giữ xe mà liên tục đón lấy xe từ bên ngoài đẩy vào và tráo phụ tùng. Ngoài ra, nhóm này còn có một nam nhân viên có nhiệm vụ quan sát từ xa để cảnh giới.
Khoảng 14h15 ngày 4/6, bãi giữ xe của Bệnh viện Nhi Đồng 1 có hàng chục chiếc xe còn mới được ba nhân viên nhanh tay xếp thành hàng dài ở khu vực trước căn phòng. Khi thấy lượng xe đã đủ và vắng người qua lại, cả nhóm bắt đầu hành động. Người đàn ông dáng thấp nhanh tay đẩy lần lượt chiếc Wave X mới toanh, biển số 55N1-26... và chiếc Wave S màu đỏ, biển số 54N4-46... vào “lò”.
Ba phút sau, từ trong “lò”, một người ở trần, da ngăm đẩy chiếc Wave X biển số 55N1-24... ra cửa và đón hai xe Wave vào. Tiếp đó, các xe Wave S biển số 54L7-14.., Future biển số 51P1-72... cũng chịu số phận tương tự. Với quy trình này, chỉ trong vòng một giờ đã có gần 20 xe máy được các đối tượng này dẫn vào rồi dắt ra khỏi căn phòng.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong đường dây “luộc” phụ tùng này, người đàn ông dáng thấp, tay đeo vòng sẽ nhìn kỹ loại xe và biển số xe để nếu khách đến hỏi xe đang bị tráo phụ tùng thì sẽ chỉ ra bãi phía trước khoa phục hồi chức năng. Những nhân viên khác sẽ “hướng dẫn” khách đi lòng vòng để kéo dài thời gian cho nhóm bên trong gấp rút tráo phụ tùng và dắt xe ra.
Trong “lò” thường xuyên có ít nhất hai người túc trực cùng một lúc “luộc” hai xe của khách. Chiều 6/6, trong “lò” này có ba người đàn ông thay nhau tráo phụ tùng. Sau khi người đàn ông dáng thấp, tay đeo vòng dắt vào căn phòng chiếc Wave S, một người đàn ông nhanh chóng lôi nắp chụp bugi ra thay vào một cái khác. Sau đó, người này dùng tay thò vào bên trong yếm xe, lần lượt lôi cục sạc và cục IC ra và tráo bằng hai cái khác.
Trong hai ngày tiếp theo, liên tiếp hai khách gửi xe trong bãi nghi ngờ xe của mình đang bị các đối tượng này tráo phụ tùng bên trong căn phòng nên xảy ra xô xát. Để đề phòng, trong vòng một tuần nhóm này dừng hoạt động, lỗ trống ở căn phòng để tuồn hàng tráo cũng được bịt kín.
Trưa 29/6, nhóm đối tượng này hoạt động trở lại nhưng kín kẽ hơn. Ngoài ba người thường xuyên có mặt trong “lò”, các nhân viên bên ngoài tăng cường rảo quanh bãi để cảnh giới. Khoảng 12h10, người đàn ông tay đeo vòng dắt chiếc Wave RSX màu đen biển số 49G1-041... vào “lò”.
Nhanh thoăn thoắt, một người đàn ông ở trần đón lấy chiếc xe dắt vào sâu bên trong, dùng tuôcnơvit mở hai ốc vít, nạy yếm xe gỡ cục sạc, bugi ra và lắp vào một cái khác. Theo camera ghi hình của chúng tôi, thời gian luộc chiếc xe này chỉ mất vỏn vẹn 3 phút 30 giây. Cùng lúc, một chiếc Wave S màu đỏ cũng bị một người khác tráo phụ tùng.
Khoảng 30 phút sau, người đàn ông chủ chiếc Wave RSX biển số 49G1-041... bị tráo phụ tùng đến nhận xe, khởi động gần năm phút nhưng máy không nổ. Dắt bộ đến cửa hàng do Honda ủy nhiệm trên đường Ba Tháng Hai (Q. 10) thì được nhân viên tại cửa hàng kiểm tra cho biết cục sạc và nắp chụp bugi chính hãng của xe đã bị thay. Nhân viên ở đây nói: “Cục sạc, nắp chụp bugi bị đổi là hàng “lô”, có hình dáng thô và lớn hơn, không có nhãn mác như hàng chính hiệu Honda”. Chủ xe sau đó đã phải bỏ ra 241.000 đồng để thay lại phụ tùng.
Tương tự, 13h10 ngày 14/7, một phụ nữ chạy chiếc Wave Alpha biển số 61C1-112... vào gửi ở bãi xe Bệnh viện Nhi Đồng 1 và xe nhanh chóng bị đẩy vào “lò”. Bên trong “lò”, người đàn ông mặc áo carô đen trắng, tay cầm một cái tuôcnơvit thoăn thoắt vặn các con vít, bứng ngược yếm lên, lôi cục IC và tráo cái khác vào.
Sau đó, vòng sang bên phải chiếc xe, tay giật mạnh nắp chụp bugi, tráo cái khác vào và tiếp tục bứng yếm xe lên, tay khác lôi cục sạc ra thay bằng cục sạc khác. Sau đó, người này cầm một bút xóa đánh dấu vào thân xe để phân biệt xe đã tráo phụ tùng. Chỉ trong vòng gần bốn phút, người này đã “luộc” xong ba phụ tùng của chiếc Wave Alpha.
Cùng chủ xe, chúng tôi mang cục sạc, nắp chụp bugi “lô” ra chợ Tân Thành để định giá. Một chủ cửa hàng bán phụ tùng xe máy cho biết giá một cục sạc cùng loại là 30.000 đồng/cục, còn giá của nắp chụp bugi là 15.000 đồng/cái. Trong khi đó, giá cục sạc tại cửa hàng ủy nhiệm của Honda là 192.000 đồng/cái và nắp chụp bugi là 29.000 đồng/cái.
Tiếp tục điều tra nghi vấn trong vụ bệnh nhân tử vong tại Phòng khám Maria
Như đã đưa tin, khoảng 21h35 ngày 14/7, chị Nguyễn Thị Thu Phong, sinh năm 1978 tại La Khê, Hà Đông đã tử vong trong khi đang điều trị tại phòng khám đa khoa Maria (65-67 Thái Thịnh, Đống Đa, Hà Nội.)
Hai ngày sau khi sự việc trôi qua, đại diện gia đình chị Phong cho hay, gia đình vẫn đang thắc mắc về một số điểm nghi vấn xung quanh cái chết của chị.
Cụ thể, ngoài việc người nhà bị ngăn cản lên phòng nơi chị Phong đang được điều trị khi sự việc mới xảy ra như đã thông tin, một loạt điểm không sáng rõ khác cũng đã được đặt dấu hỏi.
Anh Đạt, em trai chị Phong là một trong những người đã làm việc với phía phòng khám Maria và cơ quan công an đêm 14/7 cho hay: “Khi gia đình lên tới được nơi chị tôi nằm thì chị đã qua đời. Lúc này, điều kỳ lạ là trong phòng ngoài 2 nhân viên 115 được gọi đến để vận chuyển thi thể thì không còn bất cứ ai, kể cả y tá và bác sỹ của Maria.”
Điều đáng nói hơn, khi cơ quan công an có mặt tại hiện trường, một người phụ nữ cũng đến, quanh quẩn tại khu vực sự việc xảy ra. Khi được hỏi, bà này cho hay, bà chỉ tình cờ đi qua. Mặc dù vậy, khi công an giữ lại và truy hỏi thì người phụ nữ trên mới xác nhận, mình là Nguyễn Thanh Vân, Phó Giám đốc của phòng khám đa khoa Maria. Thời điểm này, bà Vân cho biết, mình chỉ phụ trách đối ngoại nên không nắm bắt được chuyên môn và không trả lời được bất cứ câu hỏi gì của cơ quan điều tra.
“Mặc dù vậy, trong quá trình làm việc với cơ quan công an, bà Vân thường xuyên nhắn tin cho một ai đó. Thấy nghi ngờ, chúng tôi lấy điện thoại xem thì đọc được nội dung một tin nhắn với nội dung: ‘Xem người nào có thẩm quyền quyết định để chuyển cái xác đi’.”
Sự việc trên cũng đã được đại diện gia đình và phía phòng khám lập biên bản ngay trong đêm này.
Đơn giá dịch vụ gần 9 triệu đồng mà chị Ph. nộp trước khi tử vong
Đại tá Bùi Văn Đại, trưởng Công an quận Đống Đa cũng đã xác nhận với phóng viên, hiện cơ quan điều tra đang giữ chiếc điện thoại này và tiến hành làm rõ các nghi vấn có liên quan trong thời gian sớm nhất.
Cũng liên quan đến những điều khó hiểu của vụ việc, bố chồng nạn nhân, ông Nguyễn Văn Nhất cho biết: “Đến chiều 15/7, tôi mới được xem lại tờ biên bản tử vong của con dâu tôi lập ở phòng khám Maria tối hôm trước do công an đưa thì bất ngờ thấy có ghi tên tôi, còn có chữ ký mà rõ ràng tôi không hề ký, cũng chưa từng được sờ vào tờ biên bản này trước đó.”
Hiện, theo thông tin mới nhất, chị Nguyễn Thị Thu Phong đã được gia đình tiến hành làm tang lễ tại nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai.
Chiều nay, ngày 16/7, trao đổi nhanh với PV, Đại tá Bùi Văn Đại, trưởng Công an quận Đống Đa cho hay, hiện cơ quan này vẫn đang chờ trưng cầu kết quả pháp y bên phía Pháp y Quân đội. Dự kiến, trong ngày hôm nay, chậm nhất đến ngày mai, 17/7, cơ quan chức năng sẽ tiến hành khởi tố vụ án để tiếp tục điều tra.
Liên quan đến các tình tiết còn được đặt dấu hỏi, Đại tá Đại cũng cho biết, hiện cơ quan điều tra công an quận này đang tạm giữ chiếc điện thoại của bà Vân sử dụng để nhắn tin đêm 14/7 để làm rõ các nội dung cũng như tìm hiểu về nghi vấn gia đình nêu.
Cơ quan điều tra cũng đã triệu tập lãnh đạo phòng khám để phục vụ cho công tác điều tra.
Riêng 2 bác sỹ người nước ngoài có liên quan trực tiếp đến ca điều trị của bệnh nhân Nguyễn Thị Thu Phong, Đại tá Đại tiết lộ, mặc dù cơ quan công an quận đã có lệnh triệu tập tuy nhiên khi cảnh sát tới nơi ở của họ thì họ không có mặt tại nơi cư trú.
“Do vậy, cơ quan điều tra đã đề nghị các ngành chức năng ra lệnh cấm xuất cảnh đối với 2 bác sỹ này để phục vụ công tác điều tra,” Đại tá Đại nói.
Dự kiến, trong hôm nay hoặc ngày mai, cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ khởi tố vụ án theo điều 242 Bộ Luật Hình sự (Tội vi phạm quy định Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.)
Tập đoàn nhà nước đồng loạt cắt giảm lương nhân viên
Đại diện một số đơn vị thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tập đoàn Công nghiệp than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) xác nhận việc cắt giảm lương của người lao động đã được thực hiện từ vài tháng qua. Tại một số đơn vị thuộc EVN, mức cắt giảm lương phổ biến trên 10%, còn tại Tổng công ty Điện lực miền Bắc không ít cán bộ công nhân viên bị cắt giảm lương ở mức gần 30%.
Theo một cán bộ Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, lương của cán bộ công nhân viên tạm thời vẫn được đảm bảo, nhưng một số khoản phụ cấp ở một vài bộ phận có bị điều chỉnh. Việc giảm phụ cấp một phần do đơn vị phải tiếp nhận thêm người từ EVN Telecom chuyển sang nên “miếng bánh lương” sẽ phải chia nhiều phần hơn.
"Trước thu nhập của tôi ở mức trên 8 triệu đồng/tháng, từ sau Tết đến nay, tiền lương bị giảm xuống còn dưới 6 triệu đồng. Lương cả hai vợ chồng cộng lại hơn 10 triệu/tháng, phải rất chắt bóp mới đủ chi tiêu”, vị cán bộ này cho biết.
Tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), nơi có mức thu nhập bình quân cao hơn nhiều so với các ngành khác, việc cắt giảm lương của người lao động đã thực hiện từ vài tháng qua.
Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, ông Phùng Đình Thực xác nhận trong kế hoạch tiết giảm chi phí, PVN đã yêu cầu tất cả các đơn vị trong ngành thực hiện cắt giảm quỹ lương nhân viên chung của tất cả các đơn vị trong tập đoàn từ 5%- 10%. “Việc đưa ra chính sách này cũng khiến một số đơn vị kêu vì giảm lương thì một số chuyên gia giỏi sẽ đầu quân sang đơn vị khác. Để giải quyết vấn đề này, PVN có chủ trương với những người có trình độ cao vẫn phải có cơ chế trả thu nhập xứng đáng, còn các vị trí khác sẽ điều chỉnh cho phù hợp với việc cắt giảm quỹ lương chung 5 - 10%”, ông Thực cho biết thêm.
Một lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong cam kết tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh với mục tiêu đạt 1.800 tỷ đồng trong năm 2012, có phần cắt giảm 5% các khoản chi phí và chi tiêu với số tiền tương ứng 160 tỷ đồng; giảm thêm 0,2% tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện từ 9,5% xuống còn 9,3%.
Đặc biệt, việc cắt giảm chi phí lớn nhất là tiết kiệm 1% sản lượng điện tiêu dùng trong xã hội với số tiền tương ứng khoảng 1.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này từ chối bình luận về việc tiết giảm lương của người lao động.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, việc các tập đoàn dùng chủ trương tiết giảm chi phí để giảm lương người lao động là sai. Vì chủ trương cam kết giảm chi phí của Chính phủ cũng nói rõ là không được giảm tiền lương của người lao động.
"Tiền lương phải tương ứng với trách nhiệm của người đứng đầu. Ở ta khi thưởng thì người đứng đầu các tập đoàn luôn cao nhất, còn khi có việc gì thì không có ai sẵn sàng đứng ra đầu tiên để tự cắt giảm lương của mình”.
“Điều cơ bản trong cắt giảm chi phí là nhằm giúp các đơn vị cải thiện việc quản lý, hệ thống sao cho năng suất hơn, giúp tiết kiệm chi phí, hạn chế lãng phí. Cắt giảm lương của người lao động là cái dễ nhất trong khi các chi phí, tốn kém khác có thể không bị động đến”, bà Lan nói.
Theo bà Lan, trước hết phải xem cơ cấu tiền lương của người lao động chiếm bao nhiêu phần trăm chi phí của các tập đoàn, tổng công ty. Nếu chiếm phần rất lớn thì phải so sánh tương quan với năng suất.
Như với ngành điện, các chuyên gia cũng chỉ rõ cùng một sản lượng điện như vậy nhưng ở các nước, tỷ suất người lao động thấp hơn ở Việt Nam rất nhiều. Đây là sự lãng phí nguồn nhân lực và điều này khiến chi phí của doanh nghiệp bị đội lên nhiều. Việc cắt giảm lương khi đơn vị khó khăn là cần thiết, nhưng cần bắt đầu từ lãnh đạo đơn vị.
“Bộ Tài chính phải giám sát các đơn vị có cắt giảm đúng ở những khâu cần cắt giảm không. Như vậy hiệu quả của chủ trương cắt giảm chi phí, nâng cao tính cạnh tranh sản phẩm mới đạt được”, bà Lan nói.
Nepal: Xe buýt quá tải lao xuống kênh, gần 40 người thiệt mạng
Ngày 15/7, tại quận Nawalparasi, phía tây Nepal, xảy ra một vụ tai nạn xe buýt nghiêm trọng làm gần 40 người thiệt mạng.
Theo cảnh sát, trong số những người thiệt mạng có 29 đàn ông, 10 phụ nữ và 1 cô gái bị thương, họ đều là người Ấn Độ đến Triveni tham gia đoàn người hành hương.
Tai nạn xảy ra vào sáng ngày 15/7, tại con kênh Gandak, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 250 km về phía tây nam.
Chiếc xe buýt chở quá tải bị trượt bánh trên đường cao tốc trơn nước mưa đã lao xuống con kênh nông nghiệp đầy nước gần đường biên giới Ấn Độ -Nepal ở Nawalparasi.
Trên xe buýt chở đến 120 người và tài xế bị nghi ngờ là lái xe trong khi say rượu.
Lực lượng cảnh sát và quân đội Nepal đang tham gia công tác cứu hộ cùng với sự giúp đỡ của người dân địa phương. Con số thương vong có thể còn tăng lên.
NÓNG 24h qua: Tổng hợp tin tức kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh hình sự, quốc tế nóng hổi, hấp dẫn nhất trong ngày, chính xác, trung thực, kịp thời. Bạn đọc theo dõi các buổi sáng hàng ngày tại xahoi.com.vn |
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?