Phát hiện chồng có quan hệ tình cảm với một phụ nữ cùng công ty, Quý đã đang tâm hại chết đứa con do mình dứt ruột đẻ ra để trả thù.
Quách Thị Quý |
Sau đó, cô ta định tìm đến cái chết để giải thoát nhưng không thành. Số phận bắt Quý phải sống để trả giá cho tội ác mà mình đã gây ra…
Giờ đây, khi cơn u mê đã đi qua, Quý phải đối diện với nỗi ân hận, day dứt không thể nào nguôi. Có những nỗi đau, có những vết thương sẽ được thời gian bôi xóa, thế nhưng tội ác của Quý sẽ ám ảnh cô cho đến hết cuộc đời.
Tận cùng của sự u mê
Cuộc đời của Quách Thị Quý (SN 1973, trú tại thôn Đích Sơn, xã Hiệp Hòa, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) là một chuỗi dài những ngày tháng buồn. Từ nhỏ, Quý đã tỏ ra ngỗ ngược, tuy là phận gái nhưng cô nổi tiếng là người hay đánh lộn với bạn bè. Chưa hết cấp 2, cô bỏ học ở nhà lêu lổng. Dù bố mẹ hết lời khuyên can nhưng rồi đâu vẫn vào đấy, Quý nghe như “nước đổ lá khoai”. Chưa đầy 20 tuổi, Quý bước chân về nhà chồng. Anh Nguyễn Văn Phong (SN 1966), chồng Quý là người chịu thương, chịu khó, biết yêu chiều vợ. Lấy nhau được ít lâu thì Quý sinh con gái đầu lòng. Gia đình ai cũng mừng cho đôi vợ chồng trẻ, nhất là bố mẹ Quý. Họ nghĩ rằng, sau khi đã làm mẹ thì Quý sẽ thay tính đổi nết mà lo toan, vun vén cho cuộc sống gia đình.
Thế nhưng, kể từ khi đứa con ra đời, cuộc sống của vợ chồng Quý gặp nhiều sóng gió. Một phần vì kinh tế gia đình sa sút, phần vì bản tính của Quý vẫn chứng nào tật ấy, nóng giận bất thường. Biết vợ mình như thế, anh Phong chỉ biết nín nhịn cho êm ấm cửa nhà. “Được đằng chân, lân đằng đầu”, Quý ngày càng lấn tới khiến không khí trong gia đình lúc nào cũng ngột ngạt và căng thẳng. Thậm chí nhiều lúc không kiềm chế được bản thân, Quý còn “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với chồng. Lâu dần thành thói quen, chuyện “bạo hành ngược” trong gia đình Quý xảy ra như cơm bữa.
Cực chẳng đã, năm 1993, anh Phong làm đơn ra Tòa xin ly hôn. Mới 20 tuổi đầu mà hôn nhân đứt gánh, tưởng Quý sẽ thấy đó làm bài học cuộc đời, thế nhưng “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời”. Một thời gian sau, vì thương con nhỏ dại nên anh Phong đã bỏ qua tất cả những lỗi lầm của Quý để quay về chung sống. Không khí gia đình cũng chỉ êm ấm được vài năm, kể từ khi Quý sinh con trai thứ 2 thì mọi chuyện lặp lại y như cũ. Quá chán nản, khoảng giữa tháng 5/2001, anh Phong vác hành lý ra khỏi nhà quyết định sống ly thân.
Nghi ngờ chồng có mối quan hệ ngoài luồng, cặp kè với một phụ nữ làm cùng công ty nên mới bỏ đi, Quý lồng lộn lên như người mất trí. Tuy không “bắt tận tay, day tận trán” nhưng Quý lúc nào cũng chỉ nghĩ cách để trả thù sự “phản bội” của chồng. Biết anh Phong rất mực yêu chiều các con, nên trong đầu Quý nảy ra một suy nghĩ không thể độc địa hơn, đó là đầu độc hai con đến chết để “dằn mặt” chồng. Nghĩ là làm, ngày 30/5/2001, Quý đi khắp các hiệu thuốc trong vùng mua gom được 40 viên thuốc ngủ Seduxen. Không những thế, với quyết tâm thực hiện tội ác đến cùng, Quý còn mua thêm một lọ thuốc diệt cỏ để phòng khi thuốc ngủ không có tác dụng.
Chiều hôm đó, sau khi đã tắm rửa sạch sẽ cho hai con, Quý lấy thuốc ngủ cho hai đứa con uống nhưng thấy thuốc ngủ không có tác dụng gì nên đã mang thuốc diệt cỏ pha vào 3 cốc chè đỗ đen và cùng ăn với hai con. Sau cốc chè định mệnh ấy, đứa con gái đầu của Quý tử vong, còn cậu con trai thứ hai thì may mắn thoát chết trong gang tấc. Sau đó, Quý còn tiếp tục dùng dây điện để định tự tử cùng con trai, nhưng rất may cầu chì đứt bị đứt nên cậu bé thoát khỏi tử thần lần nữa. Tuy giữ được mạng sống, nhưng cậu bé đáng thương ấy bị liệt một bên chân vĩnh viễn.
"Tôi không bằng loài lang sói!"
Bị bắt và lĩnh án tù chung thân, Quý về thụ án tại Trại giam Xuân Nguyên (Hải Phòng) tính đến nay đã hơn 10 năm. Quý bảo, bản án chung thân đối với cô, nó cũng không đáng sợ bằng bản án lương tâm mà cô đang phải chịu. Khi cơn u mê qua đi, khi phải đối diện với chính mình trong bốn bức tường giam lạnh lẽo, Quý mới thực sự thấy ân hận và day dứt.
Quý xác định trại giam sẽ là nơi cô sống nốt phần đời còn lại
Bạn cùng phòng giam với Quý kể rằng, những đêm mới vào trại, Quý triền miên không ngủ, ngồi một mình trong bóng tối, nén tiếng khóc đến bật cả máu môi. Có những đêm Quý choàng tỉnh, mồ hôi đầm đìa, gương mặt hoảng hốt. Những lúc ấy, Quý bảo vừa gặp con gái hiện về rồi lại ôm mặt khóc nức nở. Nhưng, những giọt nước mắt ấy không thể gột rửa tội lỗi, cũng không thể tránh cho Quý khỏi sự ghê sợ, nguyền rủa của người đời.
Hơn 10 năm ngồi “bóc lịch” trong nhà giam, quãng thời gian ấy đã đủ dài để một người mẹ vô lương như Quý hiểu được tội ác mà mình gây ra. Quý bảo, chính mình cũng không hiểu tại sao khi ấy lại làm như vậy. Cơn tức ngùn ngụt bốc lên, ý định trả thù chồng cứ nung nấu. Và trong lúc u mê nhất, cô nghĩ sẽ đưa hai con mình cùng xuống suối vàng để chồng phải ân hận. Thế cho nên Quý mới làm cái việc “trời không dung, đất không tha” ấy.
Quý kể: “Suốt mấy nghìn ngày, chưa đêm nào tôi ngủ ngon giấc. Hễ cứ nhắm mắt là gặp ác mộng. Tôi thấy con gái hiện về với ánh mắt oán hờn, thế nhưng cũng có lần cháu chỉ lặng lẽ đứng nhìn không chớp mắt. Mà lạ lắm, tôi cũng chả thấy nó khác xưa tí nào. Vẫn nhỏ xíu, giọng còn ngọng líu ngọng lô. Nhiều lúc nó còn đòi tôi mua kẹo, mua quần áo mới. Mỗi lần mơ như thế, tôi chỉ ước, giá trong giấc mơ con bé nó tỏ vẻ hờn trách, oán giận thì có lẽ tôi sẽ thấy thanh thản hơn. Nhìn con ngô nghê, nũng nịu, tôi đau lắm. Hôm trước, tôi còn chiêm bao thấy cháu xấp ngửa chạy theo đòi mẹ mua cho con gấu bông để ôm khi ngủ...”.
“Nhiều lúc nghĩ lại, tôi còn ghê sợ chính bản thân mình, đến loài sói lang chắc cũng chẳng hành động dã man với máu mủ ruột rà như thế. Tôi ngàn lần đáng chết. Mấy lần tôi định chết đi để xuống suối vàng tạ lỗi cùng con, và cũng để giải thoát cho mình khỏi những ám ảnh dày vò, thế nhưng nghĩ lại tôi quyết tâm phải sống, sống để chịu tội với giời. Đoạn cuối đời, tôi chỉ mong được gặp mặt đứa con trai, nhưng chắc điều đó là không thể. Mỗi khi thoáng gặp đứa trẻ nào, tôi thèm cảm giác được bế bồng, thèm cảm giác được chăm bẵm. Ông trời cho tôi thiên chức làm mẹ, nhưng chính tay tôi đã tự tước bỏ nó đi rồi, giờ vĩnh viễn không còn cơ hội nào nữa”, Quý sụt sùi.
Đối với các phạm nhân khác, họ luôn cố gắng cải tạo tốt để có cơ hội được giảm án, được đặc xá, nhưng đối với Quý thì hoàn toàn ngược lại, cô không dám mong ngày trở về, vì cô sợ phải đối mặt với con trai, đối mặt với người thân. Mặc dù vẫn chăm chỉ, chấp hành mọi quy định của trại giam, nhưng từ lâu Quý đã xem đây là nơi dừng chân cuối cùng của cuộc đời mình. Bởi cô biết điều gì đang đón đợi mình phía bên ngoài song sắt.
Tuy vậy, Quý tâm sự, thỉnh thoảng cô cũng tự đặt ra câu hỏi rằng, nếu có một ngày cô được trở về, liệu mọi người có đón nhận cô không? Con trai có tha thứ cho lỗi lầm của mẹ? Cô sẽ đối mặt thế nào với đứa con bị tật nguyền do chính tay mình gây nên? Chỉ cần ý nghĩ ấy chợt thoáng qua là Quý cảm thấy đau nhói. Hơn ai hết, Quý hiểu rất rõ rằng, có những lỗi lầm người ta có thể tha thứ được, nhưng có những lỗi lầm dù có trả giá hết cả cuộc đời cũng không bao giờ hết.
Những tưởng rằng nước mắt chảy dài trong suốt những đêm trường không ngủ giờ đã cạn, nhưng trong suốt câu chuyện kể về mình lúc nào cũng thấy Quý khóc. Nước mắt giờ có nghĩa lý gì khi hai đứa con, một đứa bị tước đoạt cuộc sống vĩnh viễn, một đứa phải ôm nỗi đau tật nguyền bởi chính những hành vi tàn độc đến kinh hoàng của cô? Thế cho nên, số phận đã bắt Quý phải sống để trả giá cho những tội ác mà mình đã gây ra, âu đó cũng là nhân quả.
Clip đang được xem nhiều nhất: Võ Hoàng Yến vỡ òa xúc động khi biết tin được làm mẹ, tiết lộ từng tránh mặt 'nửa kia' vì lý do tuổi tác
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?