Những phong tục cầu may mắn kỳ lạ vào dịp Tết của văn hóa Á Đông
Thứ năm, 19/02/2015 14:45

Tại mỗi nước, biến thể của phong tục cầu may một khác nhau nhưng tất cả đều mang ý nghĩa chung là đem lại may mắn trong năm mới cũng như xua đuổi vận xui của năm cũ cho người dân.

Những phong tục cầu may mắn kỳ lạ vào dịp Tết của văn hóa Á Đông

Những phong tục cầu may mắn kỳ lạ vào dịp Tết của văn hóa Á Đông

1. Rắc đậu nành trước cửa nhà

Người đảm nhận việc rắc đậu nành trước cửa nhà phải là đàn ông của gia đình.

Trong lễ hội Setsubun được tổ chức vào ngày 3/2 của người Nhật, người ta thường rắc đậu để xua đuổi vận xui cũng như các tà ma, đồng thời cầu may mắn trong năm mới.

Loại đậu được sử dụng phải là đậu nành nướng vì người ta cho rằng loại thực phẩm này có thể thanh tẩy được những điều xui xẻo trong năm cũ. Sau khi rắc đậu trước cửa nhà, người dân Nhật sẽ ăn hạt đậu nành với số hạt tương ứng tuổi của mình.

Tuy nhiên, người rắc đậu cho mỗi gia đình phải là nam giới trong gia đình có tuổi hợp với năm hoặc là con trưởng.

2. Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi

Mua muối đầu năm mới mong muốn cả năm "mặn mà".

Từ xa xưa, người dân Việt Nam đã quan niệm, muối là thứ chống xú uế, có thể xua đuổi tà ma và đem lại may mắn cho mỗi gia đình. Ngược lại, vôi mang ý nghĩa sửa chữa, xóa bỏ những điều xui xẻo, không may mắn của năm cũ. Từ đó, phong tục “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi” dần hình thành và xuất hiện.

Vào mùng 1 Tết, người dân Bắc thường mua muối với hy vọng cả năm sẽ may mắn, đủ đầy về vật chất và đậm đà về phương diện tình cảm như vị mặn của muối. Ngoài ra, người ta cũng thường rắc muối trước cửa nhà nhằm cầu an cho cả gia đình.

Trong khi đó, vôi chỉ được mua vào dịp cuối năm để sang sửa lại cửa nhà. Ngoài ý nghĩa xóa bỏ những điều không may, ở nông thôn, người ta còn rắc vôi bột ở góc vườn nhằm xua đuổi tà ma.

3. Đốt hết tóc rụng thu thập được

Số tóc rụng thu thập được sẽ được đem thiêu đốt hết (Ảnh minh họa).

Cùng đón dịp Tết Nguyên Đán với Việt Nam, người dân Triều Tiên cũng có phong tục cầu may, xua đuổi vận xui không thể bỏ qua đó là đuổi ma và đốt tóc.

Vào sáng sớm mùng 1 Tết, người dân sẽ đem hình nhân làm bằng rơm vứt ra ngã tư đường. Bên trong ruột của hình nhân được nhét tiền vì họ quan niệm, tà ma sẽ theo hình nhân ra mà đi khỏi nhà mình.

Sau đó, buổi chiều là khoảng thời gian dành cho việc đốt tóc với mong muốn gặp bình an đồng thời tiêu trừ bệnh tật trong năm mới. Toàn bộ số tóc rụng nhặt được trong năm cũ đều bị đem ra đốt hết.

4. Rửa bát đĩa bằng sữa

Người dân Mông Cổ rửa bát đĩa bằng sữa trước Giao thừa.

Như bất kỳ quốc gia châu Á ăn Tết âm lịch khác, người dân Mông Cổ cũng dọn dẹp nhà cửa thật sạch sẽ để chào đón năm mới. Ngoài việc quét dọn và trang hoàng nơi ở, họ còn có phong tục rửa bát đĩa bằng… sữa.

Vào thời điểm trước Giao thừa, công việc rửa dọn kỳ lạ này sẽ được tiến hành với hy vọng “tẩy rửa” cả về thể xác lẫn tâm hồn các thành viên trong gia đình.

5. Bày xẻng trước cửa nhà

Dàn xẻng rơm trang trí trước cửa nhà.

Tại Hàn Quốc, xẻng được coi như một đồ vật chiêu tài lộc của mỗi gia đình. Vì vậy, trước cửa nhà nào cũng đặt một chiếc xẻng làm bằng rơm. Ý nghĩa của việc làm này là hốt hết thóc gạo rơi vãi và đón tài lộc quanh năm.

Trước kia, những người đi bán rong xẻng rơm thường được coi là người đem lại may mắn nên gia đình nào cũng mong đợi người bán hàng vào nhà mình càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển, những người bán rong cũng không còn nữa nên xẻng rơm đều phải được mua từ trước.

Trí Thức Trẻ

Clip đang được xem nhiều nhất: CLIP: Khoảng khắc xe 'hổ vồ' đè bẹp xe con làm 3 người chết, 1 người bị thương

Tag: phong tuc cau may , tuc cau may dip tet , tet at mui , van hoa a dong