Có những phiên tòa “kỳ lạ”. Kỳ lạ đến mức người ta cứ tự hỏi đâu là tận cùng lòng bao dung của những người mang nỗi đau đớn do kẻ thủ ác gây ra.
Ảnh minh họa: (Phan Trang) |
Tội phạm hình sự đứng trước vành móng ngựa thường phải đối mặt với những cái nhìn khi bỉ. Đã phạm vào tội ác thì quá khó để nhận được sự động lòng của người khác.
1. Giờ giải lao giữa trưa, phiên tòa hình sự hôm ấy nóng hầm hập. Bị cáo được nới lỏng còng số 8, ngồi co quắp trên ghế dọc hành lang, giữa hai công an. Lần đầu tiên, hắn không có lấy một người thân bên cạnh. Cha mẹ, anh em, vợ con đều quay mặt. Bởi cái tội hiếp dâm trẻ em của hắn là một nỗi ô nhục ghê gớm khiến cả gia đình hắn mang tiếng cả đời. Mệt mỏi, đói bụng, hắn nhắm ghiền mắt. Chợt một người phụ nữ trung niên chìa ra trước mặt hắn một cái bánh mì kẹp thịt và một chai nước suối. Hắn ngước mặt lên sững sờ như hóa đá. Đôi tay run rẩy nhận lấy cái bánh mì toan đưa lên miệng. Nhưng nước mắt nước cứ chan hòa, đôi vai rung giật xúc động khiến hắn không tài nào ăn nổi.
Hắn tên Hùng, quê tận ngoài Bắc. Chị H, người mua bánh mì là đồng hương với hắn. Cả hai đều có gia đình, con nhỏ, thuê phòng trọ ở Củ Chi để kiếm sống. Con chị H. 6 tuổi. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh chị đi làm cả ngày để cháu ở nhà cho bà ngoại trông giúp. Hùng chạy giao nước đá cho chủ, thường hay về xóm trọ nghỉ ngơi. Những lần thấy bé gái tung tăng chạy nhảy trước sân nhà trọ, H. đã nổi tà tâm. Nhiều lần dụ dỗ không được cháu, Hùng liều mạng bế thốc đứa bé vào phòng trọ toan dở trò đồi bại. Đứa bé ngây thơ kinh hãi trước thú tính của tên bệnh hoạn la ré lên nên may mắn hàng xóm chạy đến, kịp cứu cuộc đời bé gái nhỏ vẹn nguyên.
Từ ngày Hùng lâm vòng lao lý, hoàn cảnh gia đình hắn cũng ngặt nghèo theo. Người ta vẫn thấy chị H. lui tới động viên, giúp đỡ vợ con kẻ thủ ác. Hôm nay, khi Hùng đơn độc giữa những cặp mắt khinh bỉ, một minh chị chăm sóc vỗ về như người thân. Hắn lặng lẽ, dửng dưng nghe cái án nghiêm khắc 14 năm tù về tội “hiếp dâm trẻ em” của tòa. Nhưng khi ra đến hành lang, gặp lại chị H., hắn đổ gục xuống dưới chân chị khóc nức nở. Có lẽ lòng bao dung của chị là thứ quý giá nhất hắn nhận được sau một lần vấp ngã. Chị H. nhẹ giọng: “Chú gắng cải tạo tốt, vợ con đang chờ ở nhà. Đừng nghĩ quẩn nghe không”! Người phụ nữ trẻ gầy gò khắc khổ ấy tiễn tên tội phạm ra tận xe bít bùng. Sau lưng chị, hàng trăm cặp mắt ngơ ngác nhìn theo, lắc đầu thán phục.
2. Dưới hàng ghế bị hại phiên tòa phúc thẩm hôm ấy, chị ngồi bất động, thẩn thờ. Chị tên Phương chủ tiệm Internet tại thị xã Gò Công (Tiền Giang). Chồng bỏ đi, chị vừa làm cô giáo vừa kinh doanh tiệm net lo cho một con nhỏ và mẹ già. Lê Hoàng Trọng biết rõ sinh hoạt của chị nên nảy sinh ý định cướp tài sản. Gã lẻn vào tiệm lấy trộm được một số thẻ game và vài chục ngàn đồng. Định lục lọi tiếp thì Trọng nghe tiếng chị Phương về nên cầm khúc cây làm vũ khí rồi trốn xuống gầm giường. Cùng về với chị hôm đó là vợ chồng người em trai.
Thấy nhà bị mất trộm, tất cả chia nhau kiểm tra tài sản mà không phát hiện Trọng vẫn trốn trong nhà. Chỉ đến khi vợ chồng người em trai ra về, còn một mình Phương đóng cửa đi ngủ thì Trọng mới lù lù xuất hiện. Hoảng sợ, bà chủ trẻ định mở cửa chạy thoát thân nhưng đã bị tên trộm đánh túi bụi ngã xoài ra nền nhà… Gã trộm tẩu thoát với một túi xách đựng máy ảnh, giấy tờ cá nhân cùng một ít tiền. Sau nhiều lần chuyển viện vì vết thương quá nặng, chị thoát chết nhưng phải mang thương tật 32% vĩnh viễn.
Sau vụ trọng án, chị vật vã với những cơn đau thể xác. Suốt một năm, không đêm nào chị ngủ được, di chứng từ những vết thương cứ hành hạ nhức buốt khiến chị suy kiệt trầm trọng. Cửa hàng không ai chăm nom, chị phải bán đổ bán tháo để lấy tiền trị bệnh. Công việc ở trường cũng bị gián đoạn mất một năm. Nỗi căm thù kẻ thủ ác chất chứa trong lòng chị. Ngày TAND tỉnh Tiền Giang xử sơ thẩm, mỗi lần Trọng khai lại với tòa hành vi phạm tội, cô run lên bần bật vì căm phẫn. Tất cả mong muốn của chị là cái án thật nặng cho kẻ toan đoạt mạng của mình. Nhận định Phương không chết là ngoài ý muốn của bị cáo, TAND tỉnh Tiền Giang đã xử phạt Trọng mức án chung thân về các tội “giết người” và “cướp tài sản”, buộc bồi thường cho nạn nhân hơn 80 triệu đồng. Án vừa tuyên, chị buồn day dứt. Tất cả sự căm thù phẫn nộ đã chuyển thành một lòng bao dung vô bờ bến.
“Thưa quý tòa! Trọng đã gây tổn thất quá lớn cho cuộc đời tôi, tôi rất căm giận bị cáo. Nhưng thật lòng, mức án chung thân cứ làm tôi ray rứt mãi. Từng trải qua nhiều nỗi đau trong cuộc đời, biết mẹ đau khổ cùng cực khi con mình gặp nạn, tôi hiểu gia đình Trọng cũng đau đớn thế nào khi có một đứa con lầm lạc. Thôi thì làm được điều gì cho người ta thì cứ làm mà lòng mình cũng thấy nhẹ nhõm hơn. Trọng còn trẻ, mong tòa giảm nhẹ hình phạt cho cậu ấy một cơ hội làm lại cuộc đời”. Cả phòng xử án lặng đi, chỉ còn tiếng khóc muộn màng của Trọng. HĐXX quyết định giảm án từ chung thân xuống còn 20 năm. Tra tay vào còng, gã thanh niên rưng rưng mắt ngó quanh quẩn tìm kiếm.
3. Đứng trước vành móng ngựa. Tên tội phạm cứ quay ngoắt ra sau nhìn một bà già khiến chủ tọa phiên tòa nhiều lần nhắc nhở. Cả cái phiên tòa đều thắc mắc về bà, kể cả hắn. Hắn đã giết chết con gái bà và bị tuyên án tử hình. Hắn chấp nhận và không kháng cáo. Nhưng người mẹ bất hạnh ấy chính là người kháng cáo, mong giữ lại cho hắn một cơ hội mong manh.
Huỳnh Tấn Tiền (29 tuổi) và chị Nguyễn Thị Kiều Giang (26 tuổi) quê ở Long An, yêu nhau rồi cưới nhau từ năm 2006. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, từ tháng 7/2011, chị Giang đi làm công nhân tận Bến Lức, còn Tiền làm phụ hồ gần nhà. Từ khi vợ đi làm xa, vợ chồng Tiền thường xảy ra mâu thuẫn do Tiền nghi ngờ vợ ngoại tình. Tối 15/9/2011, khi nghe chị Giang nói ý định muốn đi Đồng Nai hoặc Bình Dương để làm dẫn đến vợ chồng tiếp tục cãi vã. Vì vậy, Tiền càng nghi hoặc trong lòng nên nảy sinh ý định giết vợ rồi tự tử. Khoảng 2h sáng hôm sau, khi thấy vợ đã ngủ say, Tiền liền xuống nhà sau lấy sợi dây điện xiết cổ vợ mình cho đến chết. Tháng 11/2011, xử sơ thẩm TAND tỉnh Long An đã tuyên phạt Tiền mức án tử hình về tội “giết người”.
Tất cả những gì tốt đẹp của cuộc đời đều đã trôi theo theo người con gái duy nhất, coi như Tiền đã giết chết hai người một lúc. Hàng xóm láng giềng khuyên bà cứ để Tiền chết. Họ theo bà tới từng phiên tòa để xem Tiền đền tội. Nhưng bà lại khác họ, trong nỗi đau tận cùng, mầm thiện vẫn thôi thúc bà kháng cáo xin giảm tội cho đứa con rể bất nhân.
“Con tui chết rồi không thể sống lại. Nếu xử con rể tui tội chết cũng không thể cứu sống được vợ nó, vậy nên tui mới lặn lội gần trăm cây số lên đây xin tòa tha tội chết cho nó”- bà mẹ quê mùa nói giữa tòa. Nhờ sự bao dung không thể lý giải hết ấy, Tiền chỉ phải nhận án chung thân. Tan phiên xử, tên tội phạm xin ân huệ được gặp bà lần cuối. Hắn phủ phục trước mặt bà nức nở: “Mẹ ơi, con có tội. Mẹ tha tội cho con…” - “Ừ, mẹ tha thứ hết con à! Con gắng cải tạo tốt, mẹ sẽ vào thăm”. Bà vẫn gọi Tiền là “con”, vẫn khóc tiễn trọng ra xe buýt bùng rồi rời tòa trong nắng chiều hiu hắt.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?