Những nông dân biết cách làm giàu
Thứ ba, 03/01/2012 09:08

Dù có hoàn cảnh gia đình khác nhau nhưng ở họ lại có điểm chung là chịu khó, có ý chí vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của mình trên mảnh đất họ sinh sống. Điều đáng quý là trong số những nông dân làm giàu này có khá nhiều là người dân tộc số.

Làm giàu từ mô hình VACR 

Về làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah (Gia Lai) hỏi ông Hlam thì ai cũng biết. Ông nổi tiếng là người biết học hỏi, sáng tạo trong sản xuất. Không chỉ tạo nên kỳ tích: Cải tạo 1 ha đất dưới chân núi Chư Đăng Ya, rồi dẫn nước từ trên núi về trồng lúa nước, hơn thế nữa, khi có nước ông còn đào ao thả cá, những khoảnh đất hợp với cây công nghiệp thì ông trồng cà phê, tiêu… Đất núi bạc màu ông trồng 4.000 cây bạch đàn để lấy gỗ.

Vườn tiêu ở xã Hà Tây. Ảnh: Đinh Yến

Gia đình ông quay vòng trên 10 ha đất, mùa nào thứ đó, quanh năm cho thu sản phẩm. Ngoài ra, gia đình ông còn nuôi 10 con bò lai, dê lai… Với sự tích cực, chịu khó, mỗi năm gia đình ông Hlam thu nhập từ mô hình VACR trên 500 triệu đồng.

Để có được kết quả đó là nhờ ông thường xuyên đi tham quan học tập các mô hình làm ăn có hiệu quả trong tỉnh, khi thì được huyện cho đi, khi thì tự ông đi bằng xe máy, xe đò. Cứ nghe ở vùng đất nào có mô hình hay, giống cây con trồng được trên đất của mình là ông đi. Ông Hlam không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà còn thường xuyên giúp đỡ bà con trong thôn, ngoài xã. Ông còn mua xe ô tô, xe công nông, máy tuốt lúa… để giúp bà con mỗi khi mùa vụ đến. Nhờ biết làm kinh tế giỏi, nhiệt tình, ông được bà con tin tưởng bầu làm Trưởng thôn.

Mô hình nuôi heo, gà cho hiệu quả cao

Đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Phan Dương Tú và chị Phan Thị Nở, thôn Ry Ninh, xã Ia Ly, điều làm người ta phải khâm phục là ý chí không cam chịu đói nghèo của họ. Chị Tú kể: “Sau khi thủy điện Ia Ly đi vào vận hành, những công nhân Sông Đà đi theo tiếng gọi của dòng điện Ia Ly không còn biết làm gì để sống. Người thì về quê, người thì ở lại lập nghiệp. Vợ chồng tôi chọn phương án 2. Lúc đầu, chúng tôi phải làm đủ nghề để sống. Vốn xuất thân từ nông dân nên chúng tôi nghĩ tới nghề nuôi heo, nấu rượu, làm bã đậu, nuôi gà ta...”.

Nghĩ là làm, anh chị đã nấu rượu nuôi heo, rượu bán cho các quán, còn cơm rượu, bã đậu, cám gạo, cám bắp, cám tổng hợp làm thức ăn cho heo. Vì thế, đàn heo lớn nhanh, chất lượng thịt ngon. Xuất chuồng lứa heo nào cũng có người đặt mua trước. Nhờ thế, 11 năm qua, gia đình anh đều duy trì mô hình nuôi heo. Mới đầu chỉ là vài con, giờ đây trong chuồng lúc nào cũng có 70-80 con heo thịt, 5-6 heo nái. Mỗi tháng, anh cho xuất chuồng 6-7 tạ thịt heo, trung bình một năm khoảng 10 tấn thịt heo hơi, thu nhập khoảng 50-60 triệu đồng. Một năm trừ hết chi phí, gia đình anh chị cũng để ra được trên 100 triệu đồng.

Anh Tú cho biết: Việc nuôi heo hiện nay đầu ra không khó, nhưng để heo tăng trưởng nhanh quan trọng nhất là người chăn nuôi phải luôn làm vệ sinh chuồng, tắm rửa cho heo sạch sẽ. Không làm ảnh hưởng tới môi trường, gia đình anh còn làm hầm khí biogas phục vụ đun nấu vừa bán được nước thải tưới cà phê.

Gắn bó với cây cao su tiểu điền

Toàn xã Hà Tây hiện đã trồng được gần 200 ha cao su tiểu điền. Từ chuyện làm đất, chọn giống, còn kỹ thuật… bà con đều được cán bộ Nông trường Cao su Hà Tây (thuộc Công ty TNHH một thành viên Cao su Chư Pah) giúp đỡ. “Với quyết tâm đẩy lùi cái đói, cái nghèo, cái lạc hậu ra khỏi đời sống của người dân, xã đã vận động nhà nhà trồng cao su tiểu điền, mỗi hộ phải có một người vào làm công nhân cao su cho Công ty. Từ đó, đời sống người Bahnar xã Hà Tây dần dần được khởi sắc”-ông Đinh Sưk, Chủ tịch UBND xã cho biết.

Bây giờ, đi đến hộ dân nào trên địa bàn xã Hà Tây cũng được nghe họ kể chuyện trồng, chăm sóc cao su. Những vườn cao su trồng từ năm 2009 giờ cây cao quá đầu người, chỉ khoảng 2 năm nữa sẽ cho khai thác. Và người dân Hà Tây sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Báo Gia Lai
Tag: Nông dân làm giàu , Mô hình VACR , Kinh tế , Gia Lai