Phải mất rất nhiều thời gian thuyết phục anh Sam-Ottawa, người mà chúng tôi biết qua email với nickname đơn giản như thế, mới chịu nói về mình và công việc mình đã và đang làm. Anh luôn từ chối với câu: “Thôi mà, chuyện tôi làm có lớn lao gì đâu".
|
Kỳ 1: “Lính cứu hỏa” của những bệnh nhân hiểm nghèo
1.500 email và 200 cuộc điện thoại
Có thể nói anh là một trong những nhân vật chính của việc kết nối đưa bác sĩ Mỹ McKay McKinnon sang VN phẫu thuật cho ba bệnh nhân u bướu nặng là Nguyễn Duy Hải, Thạch Thị Sa Ly và Kiều Thị Mỹ Dung đầu tháng 1-2012 vừa qua. Để kết nối “đúng người, đúng việc” như anh Sam nói, từ cuối tháng 5-2011 đến khi xong việc, anh và những người bạn đã có hơn 1.500 email và hơn 200 cuộc điện thoại trao đổi với những người có liên quan trong việc lo cho các bệnh nhân tại VN, nhất là với BS McKinnon và những bệnh viện, bác sĩ ở VN.
Hãy thử hình dung việc đó khó khăn đến đâu khi những người có liên quan cách nhau đến nửa vòng Trái đất, chênh lệch múi giờ đến cả nửa ngày. Các bệnh nhân và gia đình ở heo hút tại Đà Lạt và Sóc Trăng, anh Sam thì sinh sống ở Ottawa (Canada), bác sĩ McKay McKinnon, nhóm làm phim ở Mỹ, những người làm từ thiện ở VN, Mỹ, Canada...
Ba năm kể từ khi “nghỉ hưu non” khỏi cơ quan công quyền ở Ottawa, anh Sam-Ottawa (tên thật là Sam Seyadoussane), “một người Việt lai” như cách nói của anh với mẹ người Việt, cha người Ấn Độ, tình cờ bước vào thế giới làm từ thiện khi được nhờ vả tìm cách cứu giúp những trường hợp bệnh nhân ngặt nghèo không có cơ hội được cứu giúp. Anh làm từ thiện theo cách nghĩ của nghề làm kinh tế rành mạch các công thức và số liệu. Anh đúc kết: “Nó chỉ là hình mẫu kinh tế đơn giản về cung - cầu: đáp ứng tối đa các nhu cầu trợ giúp y tế cho những trường hợp không thể được tiếp cận được việc chữa trị”.
Anh khẳng định những gì mình làm được thì mọi người đều có thể làm được nếu dành thời gian đủ để tìm phương cách, không ngại gõ cửa các bác sĩ, bệnh viện hay các hội đoàn y học ở VN hay nước ngoài.
Cơ duyên
Anh Sam sinh trưởng ở Phnom Penh (Campuchia), mang quốc tịch Pháp và Canada; gia đình anh chạy nạn Khmer Đỏ về đến Sài Gòn năm 1974, rồi định cư ở Canada.
Anh chưa từng biết gì về y học và cũng chưa từng đụng chạm hay hiểu biết về những bệnh quá ư kinh khủng mà nhiều người nghèo đang phải cam chịu thầm lặng. Anh tâm sự qua email: “Những ca tôi dính vào là được người quen gửi đến từ tin tức trên báo chí ở VN, hoặc từ những người quen của họ. Như mọi người, tôi chỉ đọc rồi tội nghiệp và bỏ qua”.
Cho đến cuối năm 2008 khi anh nhận được lời nhờ vả giúp bé Trần Thị Duyên, 8 tuổi ở xã Long Phước (Bà Rịa - Vũng Tàu) bị bệnh Lamellar Ichthyosis (bệnh vảy cá). Người nhờ cậy anh là cô Kate Maslen, thuộc Hội Canada Children’s Bridge Foundation (CBF) lúc đó đang lo cho cháu Phạm Hoàng Sơn ở Hải Dương bị bướu mặt. Hội CBF của cô Kate không thể giúp thêm cho bé Duyên vì đang lo cho bé Sơn rất tốn kém, nên cô nhớ đến người bạn gốc Việt của mình ở Ottawa là anh Sam.
Anh Sam thừa nhận chưa giúp được cho bé Duyên vì là ca bệnh khó trị và tốn kém nhưng đây là trường hợp khiến anh suy nghĩ nghiêm túc đến việc giúp đỡ các bệnh nhi mắc bệnh hiểm nghèo tại VN, vì như anh nhận ra: “Chính những bệnh nhân này cũng không biết kêu ai, gọi ai. Cả khi đến bệnh viện cũng không biết diễn tả bệnh tật của mình, chỉ biết khóc và lạy lục, van xin mong được chữa trị”.
Lần tìm trên mạng, anh làm quen với Hội giúp trẻ em VN qua website www.childrenofvietnam.org ở Mỹ. Mạng lưới mở rộng, hội này lại nhờ anh Sam tìm những trường hợp trẻ em bị bướu trên mặt để giới thiệu cho hội bên Anh www.facingtheworld.net.
Cánh tay từ thiện nối dài, tình thương con người nhân ra. Thấy anh làm hiệu quả, những tổ chức khác lại tìm đến nhờ vả kiếm các trường hợp cần cứu giúp. Phải chăng đó là cơ duyên từ cô bé tên Duyên?
Anh Sam Seyadoussane ở Canada - Ảnh do nhân vật cung cấp
Làm từ thiện kiểu kinh tế học
Anh đúc kết rành mạch đúng kiểu... nhà kinh tế: “Tôi nghĩ chỉ cần ba yếu tố cần thiết để giúp những ca bệnh khó trị:
a. Cần có chẩn đoán đúng để biết chính xác loại bệnh gì,
b. Phải hội chẩn đúng để biết bệnh này có thể chữa trị được không và c. Ai trị được và ở đâu. Muốn biết a, b, c đó không khó: mạng Google có thể trả lời được tất cả các câu hỏi đó. Khi biết được ai và ở đâu... chỉ cần gõ cửa liên lạc qua email hoặc điện thoại để nhờ giúp. Điều tôi thấy thú vị là những trường hợp tôi liên lạc nhờ cậy đều ít khi bị từ chối. Nếu họ không trực tiếp giúp được thì thường lại tìm cho tôi các địa chỉ khác để tham vấn và nhờ giúp”.
Từ từ như vậy mà mô hình trợ giúp thành hình. Anh Sam phác thảo thành công thức: 1. Tôi biết ở đâu hay ai cần được giúp đỡ - đó là “cầu”. 2. Ở đâu có thể tìm những người đáp ứng được nhu cầu đó - ví dụ bác sĩ McKinnon - “cung” và 3. Chỉ cần móc nối liên kết hai bên, tạo cầu nối và tìm được bệnh viện nào đó ở VN để cả ba hợp tác với nhau làm việc cứu giúp ai đó đang thật sự cần giúp đỡ. “Cứ cắm đầu cắm cổ làm, nhiều ngày tôi chỉ ngủ có 3-4 giờ vì nhận được nhiều ca bệnh xin giúp đỡ và ca nào cũng khẩn cấp”, như cách anh kể, nên anh và các cộng sự trong Virtual medical miracle network - VM2N (Mạng lưới ảo phép mầu y học) đã trực tiếp hoặc gián tiếp giúp được hơn 600 trường hợp ở VN.
Anh thừa nhận rất thú vị là “đã ngưng đếm các trường hợp mình giúp đỡ từ hơn sáu tháng qua” vì không còn thời gian để đo đếm nữa. “Tôi thấy cũng buồn cười vì chuyện tôi làm chẳng khác nào thấy cháy nhà nên la inh ỏi “Cháy! Cháy!” để người ta chạy đến chữa lửa. Có gì khẩn cấp hơn chuyện phải xách thùng nước chạy đến chữa lửa phải không anh?” - anh Sam chia sẻ qua email.
Dù mới làm việc kết nối, trợ giúp trong thời gian chưa phải dài nhưng anh đã gặp rất nhiều câu chuyện khó quên vì những trường hợp anh tiếp nhận đều khó trị, nếu không muốn nói là vô vọng. “Tôi nhớ trường hợp một bé gái sơ sinh mấy tháng tuổi bị mắc bệnh tim bẩm sinh, không mổ gấp phải chết. Tôi đã liên hệ ngay với vài tổ chức và Quỹ Vina Capital Foundation nơi có chương trình “Nhịp tim Vietnam”. Chúng tôi đã giúp cháu bé được phẫu thuật tốt ở Viện tim TP.HCM. Mẹ cháu nghèo, chẳng có gì đền đáp ngoài lời mời chúng tôi đến dự đám cưới của cháu khi cháu lớn (cười)”.
Anh không thể nhớ tên cô bé may mắn đó nhưng đoan chắc có thể tìm được ngay vì tất cả trường hợp anh tìm cách giúp đều được lưu hồ sơ. “Rảnh tôi sẽ tìm hình và tên của cháu để gửi cho anh, tôi chỉ nhớ cháu rất kháu khỉnh sau khi được phẫu thuật xong”. Nhưng anh cũng khẳng định ấn tượng mạnh nhất với anh là những trường hợp không thể giúp được kịp thời vì “thấy mất đi một mạng sống, mà rất có thể đã giúp được nếu biết sớm hơn”.
Vì thế anh và những người bạn trong VM2N còn nhiều dự án gắn bó với quê mẹ, như dự án Ngân hàng tủy ở VN, dự án Y tế từ xa (TeleMedicine) tìm kiếm bác sĩ hoặc tổ chức chuyên khoa chẩn đoán giúp những ca bệnh lạ, từ đó giới thiệu các phương hướng chữa trị...
Còn nữa...
- Con phố nào giàu nhất Hà Nội, người gốc Thủ đô chưa chắc đã biết chính xác?
- Từ 1/1/2025: Những đối tượng này sẽ được cấp thẻ BHYT miễn phí
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành