Không tốn một đồng tiền, không mất nhiều thời gian nhưng nhiều người mắc các chứng bệnh liên quan đến gân cốt, xương khớp, thậm chí là bại liệt đã tìm lại được cuộc sống bình thường chỉ qua một lần bấm huyệt của ông lão Trương Sĩ Chí.
|
Cụ Chí đang bấm huyệt chữa bệnh cho một bệnh nhân
Bàn tay tài hoa
Lần theo lời giới thiệu của một số cán bộ ở Hội đông y Đông Hà, chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm trên đường Trần Hưng Đạo để “diện kiến” “thần y” có tiếng chữa trị bệnh bại liệt, đau nhức xương khớp chỉ bằng cú bấm huyệt trong tích tắc. Nói về cách thức chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt của mình, ông Chí giải thích vắn tắt: “Bấm huyệt hiểu đơn giản là mở huyệt, khai thông huyệt đạo giúp các mạch máu trong cơ thể lưu thông trơn tru hơn. Một khi đã khai thông huyệt đạo thì bệnh tật tự nhiên sẽ tiêu tan”.
Cụ Chí giải thích thêm phương pháp bấm huyệt tác động trực tiếp vào huyệt đạo bị tổn thương gây ra những cơn đau nhức nên cho hiệu quả tức thì, ít nhất cũng giảm đau năm bảy phần. Đây là “tính năng” nổi trội so với nhiều phương pháp trị liệu khác, phải chờ đợi một thời gian nhất định mới xác định được hiệu quả.
Theo lời cụ Chí, bước đầu tiên trong quá trình chữa trị cần phải xác định chính xác tên bệnh qua các triệu chứng được người bệnh “kê khai”. Kế tiếp đó là công đoạn rà tìm huyệt đạo để “ấn” và “day”, hay còn gọi xoa bóp huyệt đạo. Mỗi chứng bệnh đều có một “chìa khóa” để giải bệnh, là một huyệt đạo cụ thể trên cơ thể, nên việc xác định đúng huyệt đạo được xem như thành công 70%. Chẳng hạn như bệnh đau lưng thường gặp do mang vác quá sức làm co thắt bắp thịt ở lưng gây đau rát nhức nhối, với chứng bệnh này cụ Chí cho biết “chìa khóa” đó là huyệt đạo nằm trên mặt sau của hai bàn tay, ở khoảng giữa ngăn cách ngón tay út và ngón tay đeo nhẫn.
“Trường hợp này dùng ngón tay bóp nhẹ dọc khe rãnh giữa hai ngón. Khi nào chỉ cần ấn nhẹ mà người bệnh kêu đau thì đây chính là vị trí của huyệt đạo, ta dùng đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng chừng vài phút sẽ đỡ đau ngay”, cụ Chí khẳng định. Một bệnh khác khá phổ biến mà dân gian thường gọi là phù chân, cụ Chí lí giải bàn chân sưng phù do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do tim và thận người bệnh bị rối loạn. Để “triệt tiêu” bàn chân phù, cần phải “day” mạnh huyệt đạo nằm trên mu bàn chân bị sưng phù. “Nó (tức huyệt đạo) nằm trên đường kéo dài ở khoảng hở giữa ngón chân cái và ngón kế bên. Chỉ cần dùng ngón tay rà tìm tương tự như trên sẽ thấy huyệt đạo ngay. Tuy nhiên do bàn chân bị phù, phần thịt căng phòng nên phải ấn mạnh tay mới xác định được huyệt”, cụ Chí chỉ dẫn tỉ mỉ.
“Giờ vàng” chữa bệnh hiệu quả
Hơn 30 năm trị liệu cho hàng ngàn bệnh nhân khác nhau, cụ Chí tâm sự khó trị nhất là bệnh đau vai. Đây là chứng bệnh mà bất kì ai đều dễ dàng mắc phải trong quá trình lao động nặng nhọc, đứng ngồi sai tư thế kéo dài nhưng do huyệt đạo bị tổn thương nằm ngay trên bả vai, hơi chếch về phía sau nên rất khó định vị một cách chính xác.
Cụ Chí hướng dẫn bằng cách bắt khách giang thẳng cánh tay, ngón cái chỉ thẳng lên trời và khi ở tư thế này bả vai người sẽ xuất hiện phần thịt lõm xuống, huyệt đạo gây đau vai nằm ngay giữa phần thịt trũng xuống đó. Sau khi xác định huyệt đạo, thầy thuốc sẽ dùng tay ấn mạnh và xoa bóp vào mỗi buổi sáng để cơn đau thuyên giảm dần dần.
Theo ông lão này, cách thức “mở huyệt”, mát xa tất cả huyệt đạo về cơ bản giống nhau : Tập trung lực vào đầu các ngón tay sau đó tương tác mạnh dần vào vị trí huyệt đạo theo hai chiều xuôi và ngược chiều kim đồng hồ; xoa bóp khu vực xung quanh huyệt đạo nhằm giúp hệ thần kinh hoạt động tương thích với cơ địa cơ thể, giải tỏa lượng khí tụ. Hỏi cụ có thể chữa khỏi bao nhiêu căn bệnh bằng phương pháp “điểm huyệt” này, cụ nhẩm tính một lúc rồi đáp: “Hai ba chục tên bệnh gì đó, chủ yếu là các bệnh về đau nhức xương khớp, tê liệt chân tay, phù chân, bệnh sởi, đau thần kinh tọa …”
Vị lương y tuổi tám mươi cũng không quên lưu ý khi chữa bệnh bằng thủ thuật bấm huyệt - xoa bóp phải luôn giữ tư tưởng thoải mái, tập trung cao độ trong lúc hành nghề, đồng thời phải tự tin “đả thông tư tưởng” cho người bệnh bởi nếu tinh thần người bệnh căng thẳng, sẽ gây ra xáo trộn khiến huyệt đạo “chạy nhảy” lung tung, rất khó định vị. Đó là lí do vì sao mỗi ngày cụ Chí chỉ dành ra đúng một giờ đồng hồ để chữa bệnh giúp người. Cụ giải thích không phải bản thân mình ích kỉ, nhỏ nhen mà ngoài thời gian đó cụ không thể có được sự minh mẫn cao độ.
Dù ông lão này chữa bệnh miễn phí nên không thể có động cơ để “nổ”, thế nhưng trước thông tin các cán bộ Hội đông y cung cấp rằng bàn tay tài hoa của ông từng chữa trị thành công cả bệnh tê liệt chân tay, đau nhức xương khớp cho hàng trăm bệnh nhân, chúng tôi cũng quyết định kiểm chứng một vài trường hợp. Khi tìm đến nhà ông lão Lê Đức Thược (70 tuổi, trú xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) là một trong những người từng được cụ Chí chữa trị, được biết vào tháng 2/2010 ông bị thần kinh tọa dẫn đến chân tay tê liệt nên sau đó nửa năm, được người quen giới thiệu, ông lặn lội tìm đến nhờ cụ Chí xem bệnh và kết quả thật kì diệu.
“Chiều hôm trước tôi còn bán thân bất toại, được con trai cõng đến nhà cụ Chí. Sau khi hỏi han bệnh tật, cụ bấm huyệt liên tục ở chân, tay và vài giây sau đôi tay tôi đã có thể nhúc nhắc. Tới sớm hôm sau tôi đã có thể đi lại cà nhắc, rồi ít bữa thì có thể tập thể dục bình thường”, ông Thược vui mừng kể lại.
30 năm tri ân cuộc đời
Trở lại “căn duyên” đến với nghiệp lang y của cụ Chí, cụ tâm sự mình tình cờ tham gia lớp đào tạo chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt - xoa bóp vào những ngày sắp sửa về hưu gần 30 năm trước. “Hồi đó tôi vừa bước sang tuổi 53, đang công tác tại thành phố Hồ Chí minh nhưng cứ nghĩ đến lúc nghỉ hưu, về nhà không có việc gì làm lại lo sợ buồn chán đến phát hoảng. Hay tin có lớp đào tạo trị liệu bệnh tật bằng phương pháp đông y nên tôi đăng kí ngay, học cho biết để vừa phục vụ bản thân mình, vừa có cơ hội giúp đỡ những người bệnh nghèo ở quê nhà một mai về quê”, cụ giãi bày.
Tích cực rèn luyện kĩ năng thực hành chữa bệnh, cụ Chí lấy chính bản thân mình làm “vật thí nghiệm” để tập luyện các phương pháp trị liệu học được sau mỗi ngày. Trong cơ quan, hồi đó hễ có đồng nghiệp nào bị đau lưng, nhức mỏi chân tay cụ đều mạnh dạn ngỏ ý xin được thực hành cốt để luyện tay nghề. Thời gian đầu ai cũng sợ bị làm “vật thí nghiệm”, làm “chuột bạch” nhưng khi thấy phương pháp này hiệu quả, cụ lại bị người khác suốt ngày “quấy quả”.
Đến năm 1991, khi nghỉ hưu trở về quê cũ Quảng Trị an dưỡng tuổi già, cũng từ ngày đó căn nhà nhỏ trên phố Trần Hưng Đạo của cụ trở thành địa chỉ chữa bệnh miễn phí lúc nào không hay. Phương pháp trị liệu được ông áp dụng vừa ít tốn kém thời gian, thuốc thang lại chủ yếu là thảo dược dễ kiếm nên thu hút phần đông người nghèo đến chữa trị. Bình quân mỗi ngày căn nhà nhỏ của cụ đón tiếp gần cả trăm lượt người gần xa.
Nay đã ở tuổi ngoài 80, vì thời nay y học hiện đại nên người ta ít tìm đến những phương pháp chữa bệnh cổ truyền nhưng đến nhà cụ lúc nào cũng dễ dàng bắt gặp người bệnh, cuốn sổ tay theo dõi bệnh nhân dày cộm sắp sửa phải thay quyển mới. Cụ bộc bạch chân chất: “Nói thiệt lòng tôi không muốn người ta tìm đến nhiều quá, sức mình đâu mà chữa trị hết được”.
Thế nhưng khi tôi hỏi rằng một khi đã lên báo, nếu người bệnh tìm đến ông có sẵn lòng giúp đỡ không thì ông lại mỉm cười khiêm tốn: “Giúp chứ, nhưng chú nhớ lưu ý vì lí do sức khỏe nên tôi chỉ xem bệnh từ 2h - 3h mỗi chiều hàng ngày thôi đấy”.
Còn lí do vì sao ông tình nguyện làm việc thiện hơn ba mươi năm nay?, giọng ông lão bất chợt trầm xuống, nét mặt trở nên đăm chiêu. Ông kể mình vốn xuất thân từ miền quê nghèo huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), từ nhỏ từng chứng kiến không ít người làng mang bệnh phải qua đời chỉ vì thiếu tiền chạy chữa. Bản thân cụ thân sinh của ông vốn mang bệnh xổ huyết nặng nhưng may mắn được ông lang tốt bụng cứu giúp, từ đó ông luôn ấp ủ nguyện vọng nếu một ngày nào đó có cơ hội sẽ hết lòng giúp đỡ những người nghèo khó như một cách tri ân cuộc đời. Hơn 30 năm nay ông đã sống, làm việc thiện bằng chính lời tâm nguyện từ thuở thơ ấu ấy.
Có một điều người ta không ngớt lời khâm phục cụ Chí đó là bản tính ham học hỏi, tìm tòi. Dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày cụ vẫn dành thời gian để sưu tầm, nghiên cứu sách vở y học với mong muốn sẽ chữa trị thành công những căn bệnh trước đây từng bó tay chịu thua. Cụ khẳng định giọng điệu dứt khoát: “Bất kì căn bệnh nào đều có cách chữa trị của nó cả, tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, chữa trị những căn bệnh chưa chữa được để giúp đỡ mọi người”.
- Thứ gì được cất giữ ở một nơi trong Tử Cấm Thành mà cần có cảnh sát vũ trang canh gác 24/24 giờ?
- Nếu chồng bạn có những đặc điểm này thì có nghĩa là bạn đã chọn và cưới đúng người, rất chính xác!
- Massage cổ có gây nhồi máu não không? Lời khuyên của chuyên gia: 7 kiểu người này không phù hợp để massage
- Từ 1/7/2025: Thay đổi cách tính lương hưu theo Luật BHXH mới, hàng triệu người hưởng lợi
- Quận đông dân nhất Việt Nam: Dân số bằng 2 tỉnh cộng lại, là một trong hai quận lớn nhất TP. HCM
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2025 mới nhất của học sinh cả nước
- Thưởng Tết 2025, mức thưởng cao nhất là trên 500 triệu đồng/người. Là ai?
- Tại sao Sơn Tùng lại nổi tiếng?
- Trước Tết dương lịch 2025, đây là 6 thủ tục hành chính cần hoàn thành
- Đây là tên gọi đầu tiên của Hà Nội, người Hà Nội lâu năm chưa chắc đã biết, nó có ý nghĩa gì?
- Tin vui thưởng Tết Nguyên Đán 2025: Sẽ cao hơn năm 2024 từ 6 - 8%