Làng Sen, làng Chùa (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) ngày cuối năm mờ sương, se lạnh. Những vuông ao trống vắng lấm tấm bèo như đang chờ đợi, đang ấp ủ những bông hoa bí mật.
|
Tìm mãi mới thấy vài tấm lá to tròn, xanh ngắt rập rờn vẫy gọi. Nhưng mái tranh ẩn khuất dưới tàn cây thì vẫn thế, vẫn nhỏ bé, khiêm nhường, bình dị và thân thương. Mái tranh quen thuộc như trong những bức tranh lụa, những tấm ảnh về làng quê Việt Nam xưa.
Tám trong 15 nữ thuyết minh ở khu di tích Kim Liên - Ảnh: Vũ Toàn
Và dưới mái tranh, tiếng những cô hướng dẫn viên xứ Nghệ vẫn ngọt ngào như lời ru trăm năm trước: “Thưa các anh chị, dưới mái tranh này, trên chiếc giường tre này, Bác Hồ của chúng ta đã cất tiếng khóc chào đời, sống năm năm đầu tiên của đời mình. Cánh võng này mẹ từng ru Bác ngủ. Chiếc rương nhỏ này của bà ngoại tặng mẹ ngày lấy chồng, Bác đã chập chững, vịn tay men theo nó để sang gian đọc sách, tiếp khách của cha…”.
Bác Hồ về thăm quê - Ảnh tư liệu
Nước mắt gương soi
Đã bao năm qua, chất giọng Nghệ ngọt ngào và sâu đằm, lúc ngân như hát, lúc nhẹ như thở, lúc nghẹn lại như nuốt giọt nước mắt của các cô hướng dẫn viên nơi đây đã đi vào lòng hàng triệu du khách, tạo nên một ấn tượng rất đặc biệt của khu di tích Kim Liên. Nghiêng đầu duyên dáng, mỉm cười từ biệt một đoàn khách, chị Bùi Bích Đảm, phó phòng hướng dẫn, thổ lộ: “Tài sản lớn nhất của hướng dẫn viên là giọng nói và khối tình cảm ngày càng lớn với Bác Hồ, với từng đoàn, từng người khách”. Và chị uốn giọng đọc bài thơ mà một vị khách người Quảng Ngãi đã gửi tặng sau khi về Quảng mà không quên được chất giọng Nghệ độc đáo: “Lời em kể như bài ca của đất/Em như ru mát ngọt tựa hương đồng/Có tiếng mẹ à ơi trong điệu hát/Có câu thơ tình bát ngát mênh mông… Và có cả tiếng đàn khuya réo rắt/Phối đủ thanh âm cung bậc dịu hiền/Câu chuyện thật qua những lời rất thật/Em đưa anh vào thế giới của thiêng liêng…”.
Sau một lần thuyết minh, được tặng một bài thơ như vậy thật là một niềm tự hào lớn. Ấy vậy mà mỗi hướng dẫn viên của khu di tích Kim Liên đều có cho riêng mình những niềm tự hào như thế. Rưng rưng lục tìm một lá thư đã cũ nhàu, chị Sông Thao vẫn còn nguyên niềm xúc động kể: “Hôm ấy, khi hướng dẫn một đoàn cán bộ quân đội từ TP.HCM, những mái đầu phong sương, bộ quân phục bạc màu, thái độ nghiêm túc chăm chú, xúc động của các chú, các bác cộng hưởng với tôi rất nhiều để cảm xúc dâng trào...”. Chị Thao vừa nói vừa nghe như nước mắt dâng lên trong tim, nhìn các bác thấy ánh nước long lanh trong khóe mắt già. Khi kết thúc, một bác đến nắm tay Thao, bảo: “Cảm ơn cháu. Việc cháu đang làm là một việc tốt, rất có ích. Câu chuyện về tuổi thơ của Bác Hồ vốn đã quá quen thuộc, vậy mà cháu đã làm cho người nghe phải rơi nước mắt. Khi rơi nước mắt là lúc người ta soi lại mình, có ý thức sửa mình đấy, cháu ạ”.
Một cụ già cảm ơn hướng dẫn viên Bích Đảm sau khi nghe chị kể chuyện về Bác - Ảnh: P.Vũ
Chị Thao bảo kể từ đó, chị yêu công việc của mình hơn, lấy câu nhận xét của người cán bộ già làm kim chỉ nam cho mình. Chị đọc nhiều sách để bồi dưỡng kiến thức, làm giàu cảm xúc. Chị nghiền ngẫm những câu chuyện, những tác phẩm viết về Bác, những câu chữ ký tên Hồ Chí Minh để có thể nói đến lần thứ mấy trăm, mấy ngàn lời giới thiệu về mái tranh, cánh võng, chõng tre của tuổi thơ Bác Hồ mà vẫn nghe tim mình đập mạnh như lần đầu. Chị luôn tự nhủ: “Phải làm sao để khách rơi nước mắt, mang lại cho họ một cơ hội tự soi mình”.
Cứ thế, 12 năm sau, chị Thao lại nhận ra vóc dáng cao lớn và mái tóc bạc của người cán bộ đã cho mình nguồn động lực trong công việc năm nào trong đoàn khách đến thăm nhà Bác. Bận rộn với những câu chuyện, cho đến khi đoàn đi chị mới kịp gửi lời hỏi thăm. Một tuần sau chị nhận được lá thư: “Đã mười hai năm cháu vẫn làm việc này, một việc mà ai đã gặp cháu, nghe cháu nói đều sẽ có chung suy nghĩ: Cháu sinh ra là để làm việc này, làm suốt đời, làm mãi mãi để truyền được sức mạnh của Hồ Chủ tịch cho những ai đã đến mảnh đất thiêng…”. Lá thư được chị chuyền đi trong tổ hướng dẫn viên, và mỗi người họ lại như được truyền một sức mạnh mới, cảm xúc mới.
Hướng dẫn viên Bích Đảm giới thiệu về khu di tích Kim Liên - Ảnh: Châu Anh
Tình yêu nối dài tình yêu
Khu lưu niệm, di tích Kim Liên được thành lập từ năm 1956, mãi đến năm 1989 mới tiến hành thi tuyển những hướng dẫn viên chuyên nghiệp đầu tiên. Từ đó đến nay đã có tới sáu thế hệ hướng dẫn viên, lâu nhất như chị Đảm, chị Thao đã hơn 20 năm, trẻ nhất như Thủy mới tròn một năm. Tất cả đều là người xứ Nghệ, đều sở hữu chất giọng ngọt như mật.
Và khi đứng dưới mái tranh nhà Bác, mỗi người đều ngỡ như đang đứng dưới mái nhà ông bà, cha mẹ mình. Có khác chăng là nhà Bác nhỏ bé hơn, nghèo hơn, cái nghèo của xứ Nghệ đất cằn nắng lửa trăm năm trước. Từ đó, một cậu bé thiên tài đã được sinh ra và lớn lên, hoàn thành một cách xuất sắc nhất nghĩa vụ của mình với quê hương, đất nước, trở thành một người vĩ đại. Cảm xúc cứ thế dâng trào, truyền từ hướng dẫn viên sang khách tham quan và ngược lại. Lần nào đến làng Sen, làng Chùa cũng bắt gặp cảnh khách tham quan đứng tần ngần bên khung cửi, xa quay của bà Hoàng Thị Loan, tay mân mê cánh võng đã từng đưa nôi Bác.
Có người dang gang tay đo chiều dài cái chõng tre, có người quẩn quanh gian trong, buồng ngoài chỉ vừa mấy bước chân rồi bất giác thở dài, thấm nước mắt. Và lần nào cũng bắt gặp một vị khách đến nắm níu tay cô hướng dẫn viên, nói những lời cảm kích. Hôm nay là ông Nguyễn Lưu ở Ninh Bình. Đi cùng cả nhà, khi con cháu đã tham quan xong và ra ngoài, ông vẫn nán lại để được nghe thuyết minh thêm một lần nữa. Lắc mãi tay cô hướng dẫn viên, ông xúc động: “Cảm ơn cô. 40 năm rồi tôi mới được quay lại nơi này, nghe lại câu chuyện về Bác”.
Phan Thanh Quí, làm hướng dẫn viên đã hơn sáu năm, kể một lần đón đoàn khách Nhật, dù không cùng ngôn ngữ nhưng Quí vẫn rưng rưng cảm xúc khi hướng dẫn suốt chương trình. Lúc chia tay, một vị khách nhờ người phiên dịch gửi lời cảm ơn: “Tôi đọc được sự chân thành trong mắt cô ấy”. Một lần khác Quí hướng dẫn đoàn khách đặc biệt gồm toàn nạn nhân chất độc da cam. Đẩy những chiếc xe lăn đi từ nhà cụ Hoàng Xuân Đường ra gốc mít, sang gian nhà tranh của Bác Hồ, nhìn những cặp mắt long lanh không đoán được tuổi như uống lấy câu chuyện về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi về thăm quê, những thân hình quặt quẹo cố rướn lên, những bàn tay co quắp với về phía mình, Quí chỉ chực khóc. Và rồi nước mắt trào ra khi trưởng đoàn đề nghị cô lưu lại, cả đoàn hát tặng cô một bài chia tay: “Bác chúng em dáng cao cao, người thanh thanh. Bác chúng em nước da nâu, râu hơi dài…”.
“Có những người nghe như thế, cảm xúc của chúng tôi chỉ có thể đầy thêm qua năm tháng” - Kim Chi nói và quay lại với một đoàn khách vừa vào. Tiếng cô ngọt ngào: “Chào các anh chị đến từ đất cảng. Hải Phòng của chúng ta đã được may mắn đón Bác về thăm đến chín lần, hẳn là đã có rất nhiều kỷ niệm. Còn ở làng Sen này, nơi Bác đã sống từ năm 11 đến 16 tuổi, Bác chỉ về thăm được hai lần thôi. Hai lần ấy đều có nhiều câu chuyện rất xúc động, xin mời các anh chị vào thăm nhà…”.
Và tôi hiểu vì sao khách nào đến làng Chùa, làng Sen, lên núi Động Tranh, khi ra về cũng mang theo trong lòng mình một giọt mật.
Thổi hồn vào tư liệu
Ảnh: Tự Trung
Câu chuyện về thời tuổi trẻ tràn tình yêu quê hương, thấm nỗi đau nước mất, tự nguyện gánh lấy trách nhiệm làm việc lớn của Nguyễn Tất Thành tiếp tục nối dài qua những cụm di tích, bảo tàng như nhà 112 Mai Thúc Loan - TP Huế, Trường Dục Thanh - Phan Thiết, nhà số 05 Châu Văn Liêm - TP.HCM, bến Nhà Rồng… Vẫn là những mái tranh nhưng không gian, sự kiện ngày càng rộng mở theo từng bước trưởng thành của chàng thanh niên chí lớn. Tái hiện câu chuyện ấy vẫn là những cô hướng dẫn viên có giọng nói ngọt ngào và am tường đến từng chi tiết cuộc đời Hồ Chủ tịch.
Một sáng cuối năm, qua một mùa thi, khoảng sân rộng ngập nắng của bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP.HCM) rộn rã. Đội nghi thức Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5, TP.HCM) rộn rã đánh trống ếch cho lễ kết nạp đội viên mới. Những gương mặt non tơ run run khoác chiếc khăn quàng đỏ lần đầu, bỡ ngỡ ngước nhìn bức tượng khắc họa bước chân đầu tiên tìm đường cứu nước của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành. Câu chuyện về viên gạch thô sơ làm tan buốt giá những đêm đông xứ người hút lấy các em, giữa những tiếng cười hồn nhiên đã có những giọt nước mắt long lanh.
Những phòng triển lãm trên lầu cũng đông cứng sinh viên. Đi qua lần lượt ba gian phòng để nghe cho trọn câu chuyện về luật sư Loseby và chín phiên tòa ở Hong Kong giải cứu Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi sự trao đổi giữa Anh và Pháp cho một bản án tử hình sắp sẵn, các bạn sinh viên năm 2 Trường ĐH Kinh tế TP.HCM xuýt xoa: “Ly kỳ quá, hấp dẫn như phim vậy”. Tiếng bạn gái khác chen vào: “Xem Nguyễn Ái Quốc ở Hong Kong đi, phim hay lắm”. Sau bài thuyết minh, hàng ngàn tấm ảnh, bản chụp tài liệu như được tiếp một hấp lực mới, các chàng trai cô gái bỏ hết vẻ lí lắc để chen vào tỉ mỉ đọc từng chữ, chụp lại từng bức ảnh, ghi chép lại từng đoạn trích, tụm lại từng nhóm thảo luận, hẹn ngày giờ viết bài thu hoạch…
Không phải là di tích để có thể tái hiện câu chuyện sống động qua từng góc nhà, ngọn lá, bảo tàng tự làm nên cái hồn của mình bằng các hình ảnh, hiện vật sưu tầm và bằng sự am hiểu tường tận của người thuyết minh. Cô hướng dẫn viên nào cũng chỉ lắc đầu cười khi nghe hỏi chuyện nhưng chỉ cần một lần nghe cách các cô thổi hồn vào từng tấm ảnh, từng chi tiết trong con đường chông gai, thác ghềnh của Bác, thì sẽ biết các cô đã yêu nhân vật vĩ đại của mình đến thế nào và không hề mệt mỏi trong việc truyền tình yêu ấy đến cho mọi người.
- Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
- Soi profile của Hoa hậu Thanh Thủy - Miss International 2024: Học thức đỉnh cao, tài sắc vẹn toàn
- Lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay là bao nhiêu?
- Trùm giang hồ 'Bình Kiểm' lên kế hoạch bắt cóc ca sĩ, người mẫu
- 5 cái tên bị luật cấm đặt khai sinh ở Việt Nam, đó là tên nào?
- Tại sao vàng giảm giá khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ?
- Tỉnh nào có tuổi thọ thấp nhất Việt Nam?
- Vụ rơi máy bay quân sự tại Bình Định: 2 phi công thoát nạn thế nào?